“Thiên Chúa đã sai Chúa Con đến để thế gian nhờ Người mà được cứu độ”. |
Trong tác phẩm Tự Thuật của thánh Augustine, Ngài đã nói lên chính nỗi lòng của mình qua sự khắc khoải về Thiên Chúa. Ngài đặt vào trong nỗi suy tư khắc khoải của Ngài về chính Mầu Nhiệm Ba Ngôi Cực Thánh. Một mầu nhiệm mà nơi bản thân của Ngài với chính những thời gian dành để chiêm nghiệm về Mầu Nhiệm Ba Ngôi này là một điều vượt quá trí khôn của chính Ngài.
Đoạn Tin Mừng mà chúng ta suy niệm hôm nay là cuộc đối thoại giữa chính Thầy Giêsu và với ông Nicôđêmô. Nicôđêmô là một người thuộc nhóm Pharisêu, là thủ lãnh của người Do Thái, và Thầy Giêsu gọi ông là bậc thầy trong dân. Ắt hẳn Nicôđêmô đã nhiều lần nghe Thầy Giêsu giảng dạy ở nơi phố xá, trong các hội đường, cũng như ông đã chứng kiến nhiều phép lạ phát xuất từ nơi Thầy, nên ông nhận ra Thầy xuất phát từ nơi Thiên Chúa mà đến, nên ông đã nói: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là một vị tôn sư bởi Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những phép lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy” (Ga 3, 2).
Và rồi chính câu chuyện đối thoại giữa Nicôđêmô và Thầy Giêsu đã lần lượt vén mở cho ta thấy được Mầu Nhiệm Ba Ngôi tình yêu, khi Thầy Giêsu mặc khải về Thánh Thần: “Thật, tôi bảo thật ông: Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5); và mặc khải về Chúa Cha cũng như chính Ngài: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Với sự mặc khải về Ba Ngôi, để rồi mỗi người chúng ta lần mò về những ngày đầu của công trình tạo dựng nơi sách Sáng Thế, để thấy được chính Ba Ngôi trong công trình tạo dựng với sự yêu thương: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất… Thiên Chúa phán: “Phải có ánh sáng”. Liền có ánh sáng… Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.” (St 1. 1, 26. 2. 7). Như vậy chính sự quan phòng yêu thương, Ba Ngôi đã hòa mình vào trong chính công trình sáng tạo đầy yêu thương của Ba Ngôi Chí Thánh. Và đến khi con người đầu tiên đã phạm tội, thì Ba Ngôi đã hoạch định cho mình một công trình tạo dựng mới, bởi vì Ba Ngôi không nỡ cắt đứt tình yêu thương dành cho con người để rồi lại hứa ban Đấng Cứu Độ trần gian là Thầy Giêsu, đến để hòa giải tình thương mà con người đã cắt đứt với tình yêu Ba Ngôi. Và quả vậy, tình yêu vâng phục mãnh liệt nơi Thầy Giêsu đã đem ơn cứu độ xuống trần gian.
Theo Lời đã hứa và cũng đến lúc thời gian đã được ấn định, Thầy Giêsu đã xuống thế làm người với chính sứ mạng mà Cha giao phó, đó chính là chấp nhận cái chết đau thương trên thập giá để cứu chuộc nhân loại. Và chính cái chết này đã được tiên bao trong thời Cựu ước xa xưa: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con người cũng sẽ được giương cao như vậy” (Ga 3, 14). Và như vây, khi vâng lời Chúa Cha trong mọi sự, Thầy Giêsu đã cứu chữa cho nhân loại khỏi án phạt sự chết và khỏi một cuộc sống xa lìa Thiên Chúa, cũng như nổi loạn chống lại thánh ý Ngài. Đồng thời, Chúa Cha còn hướng dẫn cuộc sống của các Kitô hữu, là dân mới của giao ước mới được thiết lập qua chính giá máu của Thầy Giêsu, qua sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng trợ giúp con người hiểu biết sự thật toàn vẹn. Nghĩa là hiểu biết và chấp nhận chương trình yêu thương và cứu độ mà Ba Ngôi Thiên Chúa đã hoạch định cho con người và cho thế giới.
Mạc khải Tân ước dạy rõ ràng hơn về Thiên Chúa Ba Ngôi. Sứ thần Gabriel đến báo tin cho Đức Maria: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ che chở bà, vì thế Hài Nhi bà sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. Những lời đó cho biết: Đấng Tối Cao là Chúa Cha cùng với Chúa Thánh Thần sẽ lo cho Hài Nhi sắp sinh ra là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Hình ảnh đặc trưng nhất là khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Chim bồ câu ngự xuống đậu trên Ngài (Ga 1, 32-34). Tiếng Chúa Cha tuyên phán: Con là con Ta yêu dấu (Mt 1,11). Tiếng nói, chim câu, Chúa Giêsu, ba hình ảnh này tạo nên chân dung sống động về Ba Ngôi. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu hứa với các tông đồ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bào Chữa khác, đó là Thần Khí sự thật…” Chúa Giêsu xin Chúa Cha ban Đấng Bào Chữa là Thần Khí sự thật, nghĩa là Chúa Thánh Thần cho các môn đệ.
Bài đọc 2, thư thứ hai của thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô: Anh em thân mến, anh em hãy vui lên, hãy nên trọn lành, hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí, và hoà thuận với nhau. Màu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa là màu nhiệm hiệp thông. Cộng đoàn, gia đình sống Màu nhiệm hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa sẽ có được hạnh phúc và bình an. Tình yêu đối với Chúa Ba Ngôi được diễn tả bằng tình bác ái huynh đệ. Hãy có những cử chỉ đẹp và những lời nói xây dựng để tạo bình an hiệp nhất trong gia đình, cộng đoàn và ngoài xã hội.
Lạy Ba Ngôi Chí Thánh, chúng con xin cảm tạ tình yêu thương và quan phòng của chính Ba Ngôi Thiên Chúa trong công trình tạo dựng mới, để mở ra cho loài người chúng con một con đường mới đi về cùng với Thiên Chúa. Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, xin giúp mỗi người chúng con được sống trong tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa.