Suy tư - Chia sẻ

Thực hiện mệnh lệnh tối cao của Chúa Kitô

Cập nhật lúc 09:50 31/10/2017
Ðiểm nổi bật của ba bài đọc trong lễ cầu cho công cuộc loan báo Tin Mừng là đều nhấn mạnh đến việc “RA ÐI” và “ÐI ÐẾN”.

Trong Bài đọc I, ngôn sứ Zacaria họa một bức tranh đầy ấn tượng cảnh mười người ngoại đạo nắm gấu áo một người Do Thái và van xin: “Chúng tôi cùng đi với các ông, vì chúng tôi nghe nói rằng: Thiên Chúa ở cùng các ông”. Từ thời Cựu Ước, Chúa đã đặt trong lòng dân ngoại khát vọng đi tìm Ngài, và thúc đẩy họ tìm đến với dân tộc Do Thái, tin rằng Chúa của dân này là Chủ Tể vũ hoàn, là Ðấng đáng tôn thờ.

Bài đọc II cho thấy Tin Mừng được lan truyền, thay vì chỉ giới hạn trong đất nước Palestina. Bị bách hại, các Kitô hữu phải tản mác khắp đế quốc La Mã. Sự kiện đó, thay vì khống chế, lại là cơ hội để Tin Mừng được lan xa, được nhiều dân tộc nhận biết hơn. Cũng nhờ ra đi như vậy mà Barnaba biết Phaolô, mời ông cộng tác trong công cuộc loan báo Tin Mừng, và Phaolô trở thành Tông đồ dân ngoại.

Bài Tin Mừng mở tung cánh cửa để các Tông đồ và Hội Thánh đi ra, đến tận chân trời góc biển. Ra đi là mệnh lệnh tối quan trọng Chúa để lại trước khi về trời, là điều kiện thiết yếu cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Nếu chỉ đóng khung trong lòng người tín hữu, trong cộng đoàn sơ khai, trong đất nước Palestina..., thì Tin Mừng sẽ không được mấy ai biết đến, ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ không phổ cập đến mọi người, mọi nơi, mọi thời.

Sự cộng tác của con người qua việc ra đi, đến mọi nơi, vừa đáp ứng lệnh truyền của Chúa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng”, vừa làm cho công cuộc này sinh hoa kết trái.

Trong ba năm vắn vỏi của đời công khai, Chúa Giêsu không ngồi yên một chỗ để giảng Tin Mừng, Ngài rảo khắp đất nước Palestina, gặp gỡ mọi hạng người. Ngài vượt cả biên giới để đến Tyr và Siđon, vùng bên kia sông Gio-đan, vốn là vùng đất “Galilêa của dân ngoại”. Cuộc đời của Chúa là một cuộc hành trình liên lỉ, đến nỗi “Con cáo có hang, chim trời có tổ, còn Con Người không có hòn đá gối đầu” (Mt 8,20). Ngài huấn luyện các môn đệ bằng cách sai họ đi, từng hai người một, vào các thành, các làng để rao giảng Nước Thiên Chúa (Lc 9,1), chứ không túm tụm quanh Thầy mà nghe giải thích đạo lý Tin Mừng.

Sau khi Chúa về trời, các Tông đồ đã nhận lãnh Chúa Thánh Thần, và chia tay nhau đi khắp nơi loan báo Tin Mừng, có người như Tôma đi đến tận Ấn Ðộ xa xăm. Lịch sử Giáo Hội suốt hai mươi thế kỷ qua là lịch sử của những cuộc ra đi không mệt mỏi, không biên giới, không kén chọn dân tộc, để loan báo Tin Mừng. “Ðẹp thay những bước chân rảo khắp đồi núi, loan tin vui, tin bình an…” (Ys 52,7).

Công cuộc truyền giáo tại Việt Nam cũng vậy. Từ 400 năm qua, nếu tính từ niên đại 1615, khi hai giáo sĩ dòng Tên người Ý Francesco Buzomi, Diego Carvalho và hai trợ sĩ người Nhật Bản đến Cửa Hàn (Ðà Nẵng) đặt nền móng cho công cuộc loan báo Tin Mừng cách hệ thống, lịch sử Giáo Hội Công giáo Việt Nam đã được viết nên bởi những cuộc ra đi từ châu Âu của các linh mục, tu sĩ thuộc nhiều dòng tu đến vùng xa xôi Ðông Nam châu Á này. Thật cảm động khi ngắm bức họa tại nhà nguyện hội Thừa Sai Ba-lê (Pháp), cảnh các thừa sai từ giã quê hương và người thân để lên đường truyền giáo. Hành trang của các ngài chỉ là cây Thánh Giá, sách Tin Mừng, và nhiệt huyết bừng bừng trong trái tim. Việc ra đi thời ấy không đơn giản dễ dàng như thời nay. Các ngài ra đi không hẹn ngày trở lại. Quả thật, nhiều vị vừa đến nơi đã chết vì bệnh tật, hoặc bị bắt bớ trong các cơn bách hại đẫm máu.

Ðộng cơ nào đã khiến các thừa sai mạnh dạn ra đi đến mọi chân trời xa xăm bất chấp hiểm nguy rình rập như vậy?

Thưa vì trước hết, các ngài ý thức mình đang thực hiện mệnh lệnh tối cao của Chúa Kitô: “Anh em hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi loại thụ tạo” (Mc 16,15). Ðứng trước lệnh lên đường này, không ai được phép chần chờ, nghi ngại.

Thứ đến, các ngài vững tin rằng không phải các ngài đơn độc thi hành mệnh lệnh đó, mà có Chúa đồng hành, chia sẻ mọi khốn khó gian truân với các ngài. Câu kết thúc sách Tin Mừng theo thánh Máccô: “Các Tông Ðồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông” (Mc 16, 20) là một sự khích lệ lớn lao và không ngừng, khiến các ngài mạnh dạn lên đường, bất chấp gian truân, cùng khốn, đói rách, bắt bớ và cả cái chết... (cf. Ro 8,31-39).

Ðức Thánh Cha Phanxicô viết trong tông huấn Niềm Vui Của Tin Mừng (EG): “Tôi muốn khích lệ các tín hữu đi vào một chương mới của công cuộc loan báo Tin Mừng ngập tràn niềm vui này, đồng thời vạch ra những lối đi mới cho hành trình của Hội Thánh trong những năm sắp tới” (EG 1). Ngài nhắc nhở mọi thành phần trong Giáo Hội không ngừng ra đi đến tận miền ngoại vi: “Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng” (EG số 20). Ngài thú nhận: “Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình” (EG số 49).

Lời Chúa trong ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hiện tại. Xin gợi vài ý:

- Chúng ta đã nhận lãnh hồng ân Ðức tin để biết Chúa và tôn thờ Ngài. Hồng ân đó hướng chúng ta nghĩ đến những anh chị em đồng bào đến nay vẫn chưa biết Chúa là ai, đáng mến yêu tôn thờ như thế nào? Phải chăng họ đang kéo gấu áo của chúng ta mà tha thiết xin rằng: “Cho chúng tôi cùng đi với các bạn”. Chúng ta không được ích kỷ giữ niềm tin cho riêng mình, mà phải say mê giới thiệu Chúa cho anh chị em đồng bào. Tỷ lệ người biết Chúa hiện nay tại nước ta chỉ mới là 6,93%, còn 93,07% người chưa biết Chúa.

- Nhờ các thừa sai Âu châu mạnh dạn từ bỏ quê hương ra đi đến mảnh đất Việt Nam mà chúng ta được biết Chúa. Hôm nay đến lượt chúng ta tiếp nối sứ mạng này ngay trên quê hương chúng ta. Không ai được quyền thoái thác trước mệnh lệnh này. Xem ra người tín hữu Việt Nam vẫn ù lì, dửng dưng, mặc kệ; vẫn ngồi ở nhà, bó gối, khoanh tay, chứ chưa đứng dậy, mở cửa, ra đi, đến với anh chị em đồng bào. Chúng ta mắc nợ anh chị em món nợ đức ái này. Không cần chúng ta phải đi đâu xa xăm, mà ngay trước cửa nhà chúng ta, trong khu phố làng xóm, trong nơi làm việc, nơi chúng ta qua lại, vẫn có nhiều cơ hội và nhiều cách để loan báo Tin Mừng cứu độ. Có câu chuyện sâu sắc về một tu sĩ già rủ một tu sĩ trẻ đi rao giảng Tin Mừng. Hai người đi một vòng thành phố rồi trở về nhà dòng. Tu sĩ trẻ thắc mắc: “Sao nói đi rao giảng Tin Mừng mà không thấy nói gì hết?”. Vị tu sĩ già chậm rãi đáp: “Khi đi khắp thành phố với dáng vẻ nghiêm chỉnh, nét mặt tươi vui, thì chúng ta đã rao giảng Tin Mừng rồi!”.

- Hãy xác tín rằng Chúa không để chúng ta thực hiện nhiệm vụ này một mình, mà Ngài luôn đồng hành với chúng ta, cùng làm với chúng ta. Niềm tin này giúp chúng ta không sợ hãi, ngần ngại, mặc cảm... Thật hạnh phúc khi có Chúa cùng rao giảng Tin Mừng với chúng ta.

Lạy Chúa, ước gì chúng con cảm thấy cháy bùng trong tim nỗi khát khao của Chúa khi rảo khắp mọi miền rằng: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12, 49).

ÐGM Anphong Nguyễn Hữu Long - Phụ Tá GP Hưng Hóa
Nguồn: Báo Công giáo & Dân tộc

Thông tin khác:
Loan báo tin mừng (27/10/2017)
Dấu chỉ người thuộc về Chúa Giêsu là yêu thương nhau (25/10/2017)
Ơn cứu độ cho muôn người (24/10/2017)
Mẹ Maria muốn chúng ta sám hối (23/10/2017)
Tản mạn chuyện nhà đạo : Sau một ngày lễ (18/10/2017)
Canh tác vườn nho đời mình (12/10/2017)
Khiêm nhường và hiền lành (11/10/2017)
Lặng để nghe... (06/10/2017)
Thực thi lời Chúa dạy (05/10/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log