Suy tư - Chia sẻ

Xin chọn đi theo Chúa

Cập nhật lúc 15:31 26/11/2020
Người bảo họ: “Thế thì của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Ảnh: CTV
Người bảo họ: “Thế thì của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Ảnh: CTV

Mỗi khi tháng 10 về, Giáo hội lại cùng với con cái mình sốt sắng lẫn chuỗi Mân Côi và khám phá lại vẻ đẹp của lời kinh này để cầu nguyện cho thế giới được hoà bình, cầu nguyện cho đại dịch Covid-19 mau chấm dứt. Tháng 10 cũng là tháng truyền giáo, Giáo hội cũng kêu gọi con cái mình dấn thân cho việc truyền giáo. 
Lời Chúa trong bài trích Sách Ngôn sứ Isaia khiến chúng ta ngạc nhiên. Thiên Chúa “đã tác động trên tâm trí Kyrô, vua Batư” để vua cho phép dân Ixraen hồi hương và vua còn tích cực yểm trợ công việc tái thiết Đền thờ Giêrusalem nữa. Mặc dù ông là vua ngoại đạo, nhưng lại được Thiên Chúa “xức dầu” để ông thực thi sứ mệnh Người trao. Dù ông không biết Thiên Chúa, nhưng Người vẫn “cầm lấy tay phải ông, để bắt các dân suy phục ông”. Tại sao Chúa làm như thế? Là vì lợi ích của dân riêng Người. 
Còn trong đoạn thư gửi tín hữu Thêxalônica, thánh Phaolô đã khen ngợi họ về “những việc làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc vì lòng mến và những kiên nhẫn chịu đựng vì trông cậy”. Sở dĩ họ được như vậy là bởi họ ý thức mình “được Thiên Chúa thương mến và tuyển chọn”. Họ đã can đảm và trung thành sống chân lý “thuộc về Thiên Chúa”, nên họ đã cố gắng bước theo Chúa Giêsu để được cứu độ, tức là để được trả về cho Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Đức Giêsu bị hai nhóm Hêrôđê và Pharisiêu chất vấn Ngài về việc nộp thuế. Kỳ thực thì hai nhóm này vốn từ lâu đã không đội trời chung, bởi vì nhóm Hêrôđê thì ủng hộ chính quyền Rôma, còn phe Pharisiêu thì trung thành với dân tộc và chống lại việc đô hộ trên đất nước họ. Tuy nhiên, hôm nay cả hai nhóm, họ đều có chung một mục đích là trả thù Đức Giêsu. Tại sao thế? Tại vì Đức Giêsu được dân chúng mến phục vì làm nhiều việc tốt lành, những bài giảng hấp dẫn, nhất là Ngài đã đứng lên tố cáo sự giả hình của nhóm Pharisiêu để bênh vực cho người nghèo, người yếu thế không có tiếng nói... Vì thế, nhóm Pharisêu sợ mất uy tín với dân chúng. Họ không ngần ngại tận dụng mọi cơ hội để thực hiện cho kỳ được mục tiêu của họ là loại bỏ Đức Giêsu ra khỏi xã hội bằng cái chết. Còn nhóm Hêrôđê thì sợ tầm ảnh hưởng của Đức Giêsu trên dân, và vì thế, có nguy cơ bị lật đổ chế độ đô hộ của đế quốc Rôma. Vì vậy, họ đã cấu kết với nhau để chung tay gài bẫy Đức Giêsu.
Điều mà họ đưa ra để nhờ Đức Giêsu giải quyết, chính là: “Có được phép nộp thuế cho vua Xêda hay không?” (Mt 22,17). Đây là một câu hỏi hóc búa, một tình huống đầy cam go, là một cái bẫy thâm độc. Nếu Chúa trả lời “có” thì nhóm Pharisiêu kết án Ngài phản quốc; còn nếu Người nói “không” thì phe Hêrôđê tố cáo Ngài phản động, chống tại chính quyền Rôma. Câu trả lời nào thì cũng đều sụp bẫy của họ. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã trả lời cách khôn ngoan, khiến họ không thể tìm cớ tố cáo Ngài được. Ngài nói: “Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22,21). Với câu trả lời này, Đức Giêsu thoát ra khỏi cái bẫy họ đã giăng sẵn, và không những thế, Ngài còn dạy cho họ một bài học quan trọng, đó là: cần ý thức để biện phân đâu là những cái thuộc về Thiên Chúa và đâu là thuộc về con người. Bổn phận của con người phải có đối với Thiên Chúa là gì?
Hôm nay cũng là Chúa nhật truyền giáo, Hội Thánh, mẹ chúng ta cũng muốn nhắn nhủ con cái mình tiếp nối sứ mạng của Chúa Kitô cần có trách nhiệm truyền giáo. Hội Thánh được Chúa thiết lập và bảo vệ không chỉ vì Hội Thánh, nhưng còn vì thế giới nhân loại. Hội thánh hiện hữu là “vì và cho” con người. Do đó, truyền giáo không chỉ là một trong những sinh hoạt của Hội Thánh, nhưng còn là bản chất của Hội Thánh, sứ vụ truyền giáo là “bổn phận của toàn thể Hội Thánh”, vốn “tự bản chất là thừa sai” (Ad gentes, 2). Vậy những ai phải truyền giáo? Là chi thể của Hội Thánh, tất cả những người đã chịu phép Rửa tội phải thi hành nhiệm vụ truyền giáo. Điều này không có ý nói họ phải đi thật xa. Những nơi nào có họ, họ phải truyền giáo. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Không ai được ngưng nghỉ việc này, vì là bổn phẩn khẩn thiết của ngày hôm nay”. Với lại, chính Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân “ (Mt 28,19). Thánh Phaolô còn phải kêu lên: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16). Truyền giáo là trình bày cho con người thời nay biết Chúa Giêsu phục sinh đang sống giữa chúng ta, những ai đón nhận Người thì với đức tin và đức mến có thể trải nghiệm sức mạnh biến đổi của Thần Khí Người.. Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc nhở mọi thành phần dân Chúa “đừng bao giờ quên rằng, là Kitô hữu không phải là kết quả của một chọn lựa đạo đức hay một ý tưởng cao siêu, nhưng là gặp gỡ với một biến cố, một Người, sự gặp gỡ ấy tạo cho cuộc đời một chân trời mới và một hướng đi quyết định”.
 
Tu sĩ Phanxicô Xaviê Nguyễn Đức
Thông tin khác:
Đức Mẹ giúp tôi nói lời "Lạy Chúa, này con đây" (25/11/2020)
Ân ban nước trời (24/11/2020)
Đức Mẹ giúp tôi trở thành người đày tớ trung tín và khôn ngoan (20/11/2020)
Lời mời gọi NÊN THÁNH (03/11/2020)
Đức Mẹ giúp tôi biết ơn Đức cha cố Micae Nguyễn Khắc Ngữ (28/10/2020)
Điều răn trọng nhất (27/10/2020)
Đức Mẹ thúc giục tôi nhắc nhở sứ mệnh sám hối (23/10/2020)
Đấng vâng phục tuyệt đối (08/10/2020)
Đức Mẹ giúp tôi đón nhận ơn tha tội (08/10/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log