Tin tức - Hoạt động

Người Công giáo vẫn hào hứng với việc hiến tặng giác mạc

Cập nhật lúc 08:55 11/04/2010

 

Giác mạc là gì?
      Giác mạc là màng mỏng trong suốt che chắn 1/5 trước nhãn cầu (tương đương với phần lòng đen của con mắt). Vì  trong suốt nên nó cho phép ánh sáng, hình ảnh đi qua để hội tụ trên đáy mắt và từ đó hình ảnh được truyền lên não bộ giúp con người có thể nhận thức được vật thể và thế giới xung quanh. Một số bệnh lý hoặc chấn thương của mắt dẫn đến đục giác mạc, làm cho ánh sáng không thể xuyên qua (giống như cửa kính bị mờ) và khi đó người bệnh bị mờ mắt do bệnh giác mạc. Việc thay thế giác mạc bị mờ đục đó bằng một giác mạc lành, trong suốt của người chết hiến tặng được gọi là ghép giác mạc.
      Ghép giác mạc được chỉ định khi người bệnh bị đục giác mạc nhưng chức năng mắt còn tốt (nghĩa là người bệnh vẫn có thể nhận biết ánh sáng) và kết quả của cuộc mổ phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có tình trạng bệnh lý của mắt mổ, kỹ thuật của thầy thuốc và sự chăm sóc sau mổ.
      Có  2 kỹ thuật ghép cơ bản là ghép giác mạc lớp (thay thế một phần trước của giác mạc bệnh bằng một phần tương đương của giác mạc lành khi tổn thương không chiếm hết giác mạc) và ghép giác mạc xuyên (khi tổn thương sâu hết chiều dày giác mạc đòi hỏi phải thay thế giác mạc toàn bộ bề dày). Việc chỉ định ghép giác mạc hay không và ghép theo phương pháp nào là tùy thuộc vào quyết định của bác sỹ sau khi thăm khám kỹ lưỡng. Khi phẫu thuật bác sỹ sẽ dùng một cái khoan chuyên dụng lấy đi phần giác mạc bị tổn thương (có thể là màng trắng đục như vẩy các hoặc tổ chức giác mạc bị loét…) và dùng một khoan thứ hai lấy từ giác mạc người hiến một mảnh giác mạc với kích thước tương ứng đặt lên giác mạc bệnh nhân và khâu cố định vào đó bằng những mũi chỉ cực nhỏ (đường kính sợi chỉ nhỏ khoảng 1/8 sợi tóc ).
      Với mảnh ghép là giác mạc còn trong do người chết hiến cho, nếu sự tương thích giữa người cho và người nhận tốt, bệnh nhân có thể nhìn thấy tốt hơn giống như nhìn qua cửa sổ mới được thay kính. Những tiến bộ khoa  học gần đây đã mang lại cho ngành ghép giác mạc những thành quả trước đây khó nghĩ tới: các bác sỹ đã có thể ghép giác mạc với những mảnh ghép mỏng vài trăm micromet, luồn dụng cụ vào trong mắt để ghép lớp phía sau giác mạc hoặc ghép gần hết các lớp giác mạc chỉ để lại một màng mỏng như lụa phía dưới… Những thành tựu này đã làm thay đổi cơ bản tiên lượng của phẫu thuật ghép giác mạc, đem lại tỷ lệ thành công lớn hơn nhiều cho những trường hợp trước đây ghép thường thất bại như loạn dưỡng giác mạc do biến chứng sau mổ thể thủy tinh, bỏng, viêm loét giác mạc…  
      Việc hiến nhận giác mạc tại Việt Nam, vị trí người Công giáo trong việc này;
      Ghép giác mạc được tiến hành từ những năm 1950 với công bố đầu tiên của Nguyễn Đình Cát, Nguyễn Ngọc Kính, Nguyễn Duy Hòa. Sau đó do hoàn cảnh chiến tranh có nhiều khó khăn về phương tiện cũng như nguồn giác mạc để ghép mà phẫu thuật này chỉ được tiến hành lẻ tẻ với số lượng không nhiều với những báo cáo của giáo sư Nguyễn Trọng Nhân và cộng sự. Hai mươi năm trở lại đây, cùng với sự phát triển chung của cách mạng KHKT trên thế giới và sự hình thành của nhiều ngân hàng mắt, ghép giác mạc cũng có những bước phát triển mới cả về số lượng cũng như chất lượng. Hàng năm tại Mỹ có trên 40.000 ca ghép giác mạc được tiến hành đem lại ánh sáng cho ít nhất 50% người trong số đó. Tuy nhiên ở nước ta do nguồn giác mạc có được khá hiếm hoi (khoảng 150 ca/năm từ các nguồn khác nhau chủ yếu là viện trợ từ nước ngoài)  trong khi số bệnh nhân có nhu cầu ghép giác mạc ước tính trên 300.000 người và hàng năm lại cộng thêm những người mắc mới. Nguyên do của tình hình này là việc thiếu luật hiến ghép mô tạng trong một thời gian khá dài và sự hiểu biết của nhân dân về vấn đề này còn khá hạn chế.
      Sự  kiện Quốc hội thông qua luật hiến, ghép mô tạng tháng 11/2006 là một bước tiến mới đối với ngành ghép mô tạng nói chung và ghép giác mạc nói riêng. Chúng ta có cơ sở luật pháp để hình thành nên ngân hàng giác mạc, phấn đấu dự trữ đủ nguyên liệu ghép cho những người bệnh không may bị mù do bệnh giác mạc và phát triển phẫu thuật này rộng rãi trên cả nước để ngày càng nhiều bệnh nhân được thoát khỏi cảnh mù lòa. Để làm được việc này cần sự tham gia của mọi người trong xã hội và muốn vậy mọi người có quyền được biết những điều cần thiết nhất về ghép giác mạc và hoạt động của ngân hàng mắt. Vậy, giác mạc lấy từ đâu và lấy như thế nào? Những ai có thể hiến tặng giác mạc sau khi qua đời và liệu việc lấy giác mạc có ảnh hưởng gì tới khuôn mặt người quá cố, đến lễ tang v.v…
      Và cụ bà Maria Nguyễn Thị Hoa ở Kim sơn, Ninh Bình đã là người đầu tiên vượt qua được những định kiến, trở thành người Việt Nam đầu tiên hiến giác mạc với sự đồng ý của cả gia đình vào tháng 5 năm 2007. Đến nay ngân hàng mắt bệnh viện mắt trung ương đã tiếp nhận được trên 70 giác mạc từ nhiều địa phương, nhưng chủ yếu vẫn từ cái nôi đầu tiên là giáo xứ Cồn Thoi xã Cồn Thoi, huyện Kim sơn, Ninh Bình. Để có thành công đó, có sự đóng góp, tuyên truyền nhiệt thành của cha Antôn Đoàn Minh Hải.
      “Ngân hàng giác mạc là nơi thu nhận giác mạc từ người hiến sau khi qua đời, bảo quản và phân phối đến nơi có nhu cầu. Vì giác mạc được tiếp nhận chỉ sau khi người hiến qua đời (và khi còn sống đã kí nhận hiến tặng) nên để thu nhận được giác mạc nhân viên ngân hàng mắt phải được sự hỗ trợ của mọi người trong xã hội. Khi có ai đó qua đời, nếu có tấm lòng, muốn hiến giác mạc, thân nhân của người quá cố sẽ gọi điện thoại báo cho ngân hàng mắt để làm thủ tục hiến. Việc tiến hành các thủ tục này khá đơn giản và các nhân viên ngân hàng sẽ có mặt tại nơi quàn thi thể. Chỉ với 15-30 phút thao tác nhẹ nhàng là giác mạc đã được lấy mà không làm thay đổi gì đến khuôn mặt người chết, nhãn cầu vẫn còn nguyên trong hốc mắt và kế hoạch tang lễ không bị ảnh hưởng gì. Giác mạc sau khi lấy sẽ được bảo quản trong lọ dung dịch đặc biệt để có thể giữ nguyên chất lượng…
      Một nguyên tắc bất di bất dịch trong hoạt động của ngân hàng mắt là tuyệt đối cấm mọi hành động mua bán nên ngân hàng sẽ không được trả tiền cho người hiến và gia đình. Mọi sự tôn vinh chỉ  có ý nghĩa tinh thần nhằm tỏ sự biết  ơn với nghĩa cử cao đẹp này. Một phần không thể thiếu trong hoạt động của ngân hàng mắt là các chương trình đào tạo cho đội ngũ kỹ thuật viên, cộng tác viên và cộng đồng. Ngoài việc tuyên truyền vận động người tình nguyện hiến mắt sau khi chết và thân nhân người đã mất, ngân hàng mắt cần có sự phối hợp, hỗ trợ nhiệt tình của những cộng tác viên tại các bệnh viện có người tử vong để có thể nhận được giác mạc hiến kịp thời”- TS Phạm Ngọc Đông Phó Giám đốc Ngân hàng mắt Bệnh viện Mắt TW cho biết.
Vũ Thành Nam
Thông tin khác:
Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt kết thúc chuyến đi điều trị bệnh tại Rôma (11/04/2010)
Thông điệp Lễ Phục sinh của các nhà lãnh đạo các Giáo Hội Kitô tại Giêrusalem (03/04/2010)
Thánh lễ truyền dầu tại Tổng Giáo phận Hà Nội (01/04/2010)
Đại Hội Giới Trẻ Giáo Phận Lạng Sơn Cao Bằng lần thứ hai - Chúa Nhật Lễ Lá năm 2010 (01/04/2010)
Đức Thánh Cha bổ nhiệm tân Giám mục Phụ tá cho giáo phận Hưng Hóa (29/03/2010)
Thành lập giáo xứ Nghi Trung (26/03/2010)
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI: “Đừng xét đoán và kết tội người khác” (24/03/2010)
Thánh lễ trọng kính Thánh Giuse tại Nhà thờ Chính Tòa Hà Nội. (21/03/2010)
Mừng Quan thầy Đức Giám mục Bùi Chu (18/03/2010)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log