Tin tức - Hoạt động

Đi viếng mộ Alexandre de Rhodes tại Isfanhan, Iran và tạo điều kiện lập bia tri ân

Cập nhật lúc 15:17 22/08/2018
Bên mộ ngài Alexandre de Rhodes.
Bên mộ ngài Alexandre de Rhodes.
Có mặt tại Bỉ trong tháng 5/2018, tôi sẽ tự mình thực hiện chuyến đi tiền trạm sang Isfahan, cố đô của nước Ba Tư (Iran ngày nay) tìm hiểu những thủ tục cần thiết cho cho giai đoạn đầu của công cuộc thực thi dự án “Vinh danh chữ Quốc ngữ”: Dựng bia tri ân trên phần mộ của cha Alexandre de Rhodes (ADR), người đã đóng góp to lớn trong việc tạo tác chữ Quốc ngữ - chữ Việt viết theo ký tự Latinh mà người Việt chúng ta sử dụng ngày nay trên toàn cõi Việt Nam và trên thế giới.

*
*       *

Ngày 21/5/2018 chúng tôi đáp máy bay Bruxelles-Tehran-Shiraz lấy xe con theo đường bộ ngang qua các thành phố Yazd, Persepolis, Naein, để ngày thứ 6 là có mặt tại Isfahan. Nơi đây chúng tôi đã có hẹn trước với Giám đốc nghĩa địa ngưởi Armenian, Ban Giao dịch công chúng thuộc nhà thờ Vank. Ngày cuối cùng 31/5/2018 trên đường về chúng tôi cũng có đi ngang qua các thành phố Kashan, Qom. Nơi nào chúng tôi cũng tranh thủ thăm viếng các đền đài, thành quách, thánh đường, di tích lịch sử, bảo tàng viện, thưởng thức danh lam thắng cảnh của xứ Ba Tư 4000 năm văn hiến. 

Tôi sẽ ghi lại trong một bài bút ký khác, những điều mắt thấy tai nghe, những bài học thâu thập được trong chuyến đi này.

Ở đây xin tập trung nói về mục đích chính: viếng mộ,dâng hoa và dựng bia tri ân ngài ADR.
Iran tháng năm khí hậu đã khá nóng. Đường dài, xuyên qua những vùng sa mạc cằn cỗi, nắng nôi gió cát, đến Isfahan là đã tối. Ngày mai là phải nhập cuộc giải quyết các thủ tục cần thiết. Cả đêm thao thức tuy tôi đã chuẩn bị khá kỹ, thảo luận với nhóm chủ trương những điều cần thiết. Điều lạ là chợp mắt được một lát là thấy cha cố ADR hiện ra. Những hình ảnh về ngài mà tôi tham khảo gần đây như có gì đã thấm trong tôi!

Sáng thức dậy sau điểm tâm là tìm mua một cụm hoa trên đường đến khu nghĩa địa. Cũng may người tài xế cũng là hướng dẫn viên du lịch, đang sinh sống và biết rõ thành phố Isphahan nên những mong muốn của tôi được giải quyết nhanh chóng.

Như trên hình ảnh đính kèm theo bài, bó hoa chúng tôi định viếng dâng có ba màu rõ nét: Vàng, Xanh, Đỏ... Tôi yêu màu vàng vì màu này này thể hiện tính truyền thống dân tộc, màu xanh biển hiện lòng yêu chuộng tự do tinh thần dân chủ và màu đỏ nói lên khát vọng ngàn đời công bằng, bác ái của dân Việt.

Khu nghĩa địa của người Armenia tại Isfahan rộng gần 300.000 m2 được xây dựng đã 500 năm nay tại vùng Jolfa khu ngoại ô của thành phố. Ông Rostam Gharibian, người quản gia khu mộ đang chờ chúng tôi! Nhắc đến tên cha ADR là ông dẫn ngay đến phần mộ của ngài, được chôn cất tại đây đã gần 400 năm (5/11/1660)! 

Mộ ngài nằm, song song với hai mộ khác, nhỏ hơn!

Tôi không nhìn thấy tên ngài trên bia hiện hữu, tấm đá dày đậy trên quan tài. Một lớp bụi thời gian đang che khuất. Tôi nhờ ông Gharibian cho gọi nhân viên mang một thùng nước và tấm khăn chùi rửa sách sẽ. Quan sát kỹ tên Alexandre de Rhodes hiện ra bên dưới có ghi rõ năm tháng ngài mất!

Tôi lại cho gọi tài xế cho xe chở bó hoa vào bên mộ ngài ADR. Khu mộ khá rộng rãi, khoáng đảng, xe hơi có thể thoải mái đến thẳng gần chân mộ. Tôi tự mình mang cụm hoa ba màu, trân trọng đặt trên tấm bia trước khi bắt đầu hành lễ tưởng niệm tri ân.

Điều lạ là dưới ánh nắng trưa, sau khi tẩm nước, tấm bia cổ đã đổi thành hai cung bậc trắng đen, tự nhiên xuất hiện một đoàn người đang kéo nhau đi... Người đi đầu còn đội chiếc nón lá truyền thống Việt Nam!

Tôi trân trọng đặt bó hoa lên phần mộ và bắt đầu làm lễ tri ân. Tôi khấn xin ngài ADR phù hộ cho một nước Việt Nam hòa bình, dân chủ, cho người Việt Nam ấm no, độc lập, tự do, hạnh phúc!

Sau khi hành lễ và chụp hình lưu niệm, chúng tôi được ông Arman Simonian, Giám đốc khu nghĩa địa mời về văn phòng uống trà đàm đạo. Sau khi nghe tự giới thiệu về mình và trình bày mục đích thăm viếng mộ, ông Simonian xem xét rất kỷ nội dung văn bia đã soạn sẳn dùng 4 thứ tiếng Việt-Pháp-Anh-Ba Tư:


Chúng tôi từ giã ông Arman Simonian, Giám đốc khu nghĩa địa, niềm nở cám ơn ông, hẹn sau khi xong thủ tục với Ban Giao dịch công chúng của nhà nhà thờ Vank và Cục Quản lý Văn hóa, tôn giáo thành phố Isfahan sẽ trở lại bàn thêm.

Sáng hôm sau chúng tôi đến nhà thờ Vank là gặp ngay người chủ nhiệm Ban Giao dịch Công chúng. Ông này trả lời ngay là nhà thờ đã xem nội dung văn bia, chỉ cần chính quyền thành phố đồng ý là xong.

Chúng tôi cũng đã tìm đến “cửa” thứ ba là Cục Quản lý Văn hóa cách nhà thờ Vank không xa lắm. Cục này là một cơ quan có cơ sở khang trang, có ban thư ký túc trực. Người thư ký (nam) cho chúng tôi hay là ông chủ nhiệm đi vắng có việc và yêu cần chúng tôi kiên nhẫn chờ nhiều lắm là 20 phút.

Nhưng chỉ sau 10 phút là ông Giám đốc xuất hiện, ân cần mời chúng tôi vào văn phòng bên cạnh. Phía sau ghế ngồi của giám đốc có ảnh hai vị lãnh dạo nhà nước Hồi giáo là các cố lãnh đạo tối cao Ayatollah Ruhollah Khomeini và đương kim lãnh đạo Ayatollah Ali Khamenei.
Sau khi nghe chúng tôi giải thích chuyến đi và tham khảo nội dung văn bản bia sắp dựng, ông tỏ vẻ rất hài lòng. Nghe tôi bảo là tôi đã từng có sinh viên, nhất là nghiên cứu sinh tiến sỹ người Iran tại Đại học Liège, ông rất vui bảo đang có người cháu cũng đang du học tại Bỉ. Ông nói việc này không cần văn bản cho mất thời gian, chỉ cần nhà thờ Vank đóng con dấu vào nội dung bài văn bia là được. Rồi ông điện thoại ngay cho nhà thờ Vank cùng Ban quản lý nghĩa địa xác nhận đồng tình của Cục Quản lý Văn hóa thành phố.

Ông cũng vui vẻ chụp hình lưu niệm cùng tôi và chúc chúng tôi thành công trong công việc...
Như vậy việc dựng bia không phải là động tác giản dị, phải qua 3 cửa nhưng không cửa nào chúng tôi gặp trở ngại... Từ cấp cao cho đến cấp thấp, tôi không thấy có dấu hiệu vòng vo, vòi vĩnh!

Chúng tôi ghé lại nhà thờ lấy con dấu sau đó ghé lại khu nghĩa địa để cụ thể hóa việc thiết kế và xây dựng bia. Thì ra các thợ khắc chữ và dựng bia nằm ngay trong khu nghĩa trang. Tất cả các bàn bạc kỹ thuật đều được ông Giám đốc nghĩa địa tham gia. Tuy tôi có mặc cả về giá thành, hợp đồng hai bên đã được thỏa thuận khá nhanh, ký kết văn bản viết tay ngay tại chỗ.

Việc tôi quan tâm nhất là chi tiết kỹ thuật khắc chữ. Tôi đã phải trực tiếp làm việc với thợ khắc chữ vì tôi e họ không quen khắc chữ Quốc ngữ Việt Nam! Tôi thêm: coi chừng có sai là tôi sẽ yêu cầu sửa chữa ngay và trách nhiệm sẽ về phía nhà thầu! Bia phải bảo đảm tuổi thọ hằng trăm năm...

Tôi cũng bàn thêm chi tiết nền móng cho việc đặt bia, xác định giá thành tổng hợp và chi trả 20% ngay tại chỗ gọi là tiền đặt cọc!

Đề án đặt bia tri ân ngài Alexandre de Rhodes như vậy đã được lên kế hoach và đã hoàn tất thủ tục cũng như ký kết chi tiết kỹ thuật thi công.

Trưa hôm ấy 28/5/2018 tôi đã mời ông Hojat, người hướng dẫn đi ăn nhà hàng với chúng tôi. Chưa bao giờ tôi dùng món thịt cừu nướng than hồng với cơm Ba Tư ngon miệng như thế!
Một kết quả nhanh đến bất ngờ nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng: văn bia cô đọng đa ngữ, có ngôn ngữ người bản xứ. Và có lẽ thông hành thứ hai dự phần là chút uy tín nhỏ, còn sót lại của nguyên một giáo sư đại học tại Bỉ.
Chụp ảnh lưu niệm cùng Giám đốc Cục Quản lý Văn hóa thành phố Isfahan và đối tác chủ thầu dựng bia.
Chụp ảnh lưu niệm cùng Giám đốc Cục Quản lý Văn hóa thành phố Isfahan và đối tác chủ thầu dựng bia.

Chiều hôm ấy xong công việc, chúng tôi mới mở chương trình tham quan du lịch.

Chúng tôi quyết định thăm viếng bên trong nhà thờ Vank được xây dụng năm 1606 gần 60 năm trước khi cha Alexandre de Rhodes đến Iran! Kế đến là cầu cỗ Khajou, Quảng trường Ali Qapou, lớn thứ hai trên thế giới, các thánh đường Abbasi Jame và Sheikh Lotfollah...

Chúng tôi cũng dạo chơi ngang qua các quán chợ, ghé xem các cửa hàng thủ công nghệ rất phong phú và tinh tế của xứ Ba Tư ngàn năm văn hiến...
 
Bài, ảnh: NGUYỄN ĐĂNG HƯNG
Thông tin khác:
Cần quy định rõ vi phạm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo (20/08/2018)
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa 75 năm xây dựng và phát triển (1943 - 2018) (16/08/2018)
Thanh Xá - Ngày trở về của hồng ân thánh hiến (16/08/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Đắk Lắk thăm và tặng quà các gia đình chính sách (16/08/2018)
Nơi hội tụ những sáng kiến cho tương lai (14/08/2018)
Công tác tôn giáo, dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực (13/08/2018)
Điểm sáng về xây dựng mô hình giáo xứ Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp (08/08/2018)
Tình trạng sống đạo của các Kitô hữu Châu Âu (08/08/2018)
Lễ kính thánh tử đạo Anê Lê Thị Thành - Quan thầy xứ Phúc Nhạc, Gia Kiệm (07/08/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log