Tin tức - Hoạt động

Suy nghĩ về Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam

Cập nhật lúc 15:05 30/10/2018
Ngày nay, đối với đại đa số người dân cũng như đồng bào Công giáo ở nước ta  đều hiểu rằng Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (UBĐKCGVN) cũng như một số tổ chức tôn giáo xã hội khác ở nước ta là những thành viên trong ngôi nhà chung rộng lớn là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Nửa thế kỉ đã qua đi đôi với tổ chức này của người Công giáo, trong nỗ lực dấn thân, đồng hành cùng dân tộc qua các giai đoạn của đất nước, từ cách mạng dân tộc dân chủ đến công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay, người ta còn có thể phải phân tích hơn nữa vai trò, vị trí “cầu nối”, “mối dây liên hệ”, “cây cầu”, v.v… của tổ chức này giữa cộng đồng dân Chúa trong Giáo hội Công giáo Việt Nam với Nhà nước và xã hội.
Nói chung, từ đồng bào tín hữu đến người ngoài Công giáo, nhận thức trên ngày càng sâu sắc, định hình và đó là một trong những nhân tố đóng góp tích cực cho việc giải quyết vấn đề, thuộc số những vấn đề cơ bản nhất của Giáo hội Công giáo Việt Nam nhiều thập kỉ nay, là vấn đề quan hệ giữa Công giáo và Dân tộc, Đạo và Đời...
Nhưng cũng mới đây thôi, người viết bài này vẫn đọc những dòng sau đây trong một công trình của C. Prudhomme và J.F. Zor. Hai tác giả này có nhận định rằng: “Việc thành lập UBĐKCG ở Hà Nội vào năm 1985, một tổ chức liên hiệp của những người Công giáo yêu nước có thể được coi như một giai đoạn mới của chính sách kiểm soát của chính phủ và nhằm sáp nhập đạo Công giáo vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” (1). 
Như vậy là rõ ràng vẫn tồn tại một cách nhìn không giống cách nhìn của chúng ta và chắc chắn nhận định này khó có thể được chấp nhận của người dân Việt Nam dù có tôn giáo hay không có tôn giáo.
Bài viết này của chúng tôi muốn đề cập đến một vài khía cạnh có liên quan trực tiếp đến luận điểm trên. Một mặt, người viết muốn được cung cấp những dữ kiện lịch sử, những tài liệu gốc để thấy rõ thái độ của người mác-xít Việt Nam từ trước đến nay về đường hướng đồng hành cùng dân tộc và về UBĐKCG. Mặt khác, ta thấy rõ sự bắt gặp của tư tưởng quan trọng này với chính sự tư duy của những người mácxít.
Đành rằng chúng ta đều thừa nhận: Đường hướng này có gốc rễ từ chính nhu cầu nội tại của những người Công giáo yêu nước, đặc biệt từ nửa cuối thế kỉ XIX. Mặt khác, cũng phải nói ngay rằng, nhiều nhà yêu nước thuộc khuynh hướng dân chủ tư sản đầu thế kỉ XX như Phan Bội Châu, trước cả những người cộng sản đã hiểu và ủng hộ tích cực cho đường hướng này. Duy Tân giáo đồ hội (1905) của Phan Bội Châu- Mai Lão Bạng lập ra là một thành công độc đáo của công tác “Công giáo vận” của Duy Tân hội hồi đầu thế kỉ XX.
Đến lượt mình, những người cộng sản ở Việt Nam đã làm được một việc mà theo chúng tôi còn quan trọng hơn. Từ sự nhận thức ngày càng sâu sắc, toàn diện về khuynh hướng này, dần dần Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những đường lối, chính sách cụ thể góp phần thúc đẩy, phát huy đường hướng này, tạo thêm điều kiện để người Công giáo Việt Nam có thể tìm ra mô hình về một UBĐKCG. Đó là một hình thức rất thích hợp để người Công giáo có thể thực hiện đường hướng “Đồng hành cùng dân tộc” và điều đó được khái quát trong một khẩu hiệu đầy tính triết lí: Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc.
Việc tìm kiếm mô hình tổ chức cho UBĐKCG cũng giống như nhiều tổ chức yêu nước và cách mạng khác là cả quá trình lâu dài trong thực tiễn cách mạng. Hội Công giáo cứu quốc ra đời từ tháng 8/1945 theo sáng kiến của Hồ Chí Minh tuy chưa có ảnh hưởng ra nước ngoài nhưng cũng là cầu nối đầu tiên để các giáo hữu và các linh mục yêu nước tham gia cách mạng. Tháng 3/1946, tại Hà Nội, Liên đoàn Công giáo Việt Nam xuất hiện, tồn tại song song với tổ chức trên trong chừng mực nào đó lôi cuốn đông đảo hơn thành phần giáo dân. Riêng Liên đoàn Công giáo Nam Bộ, thành phần tham gia đông đảo hơn, bao gồm cả các Linh mục, tu sĩ và giáo dân. Ngoài ra, trong kháng chiến chống Pháp, ở từng khu vực còn có các hình thức tổ chức khác. Thí dụ ở Bắc Bộ có: Uỷ ban liên Lạc kháng chiến Liên khu III, Uỷ ban Liên lạc kháng chiến Tả ngạn, Hội Công giáo kháng chiến Việt Bắc, v.v…
Mặc dù có nhiều tên gọi và phạm vi hoạt động khác nhau nhưng tính cách của các tổ chức trên đều là một.
Tháng 8/1953, tại chiến khu Việt Bắc, lần đầu tiên có một Hội nghị Tôn giáo toàn quốc, nhóm họp với sự quy tụ của 164 đại biểu trí thức của các tôn giáo như Công giáo, Phật giáo, Cao Đài, Tin Lành. Hội nghị quan trọng này có thể coi là sự đánh dấu sự xuất hiện ý tưởng về một tổ chức yêu nước, đoàn kết Công giáo rộng rãi hơn, thực sự có tính cách toàn quốc: Các đại biểu của các tổ chức Công giáo kháng chiến của cả 3 miền Trung-Nam-Bắc tại Hội nghị này đều có chung chí hướng về việc thống nhất về tổ chức và tạo nên tiếng nói chung cho phong trào Công giáo yêu nước trong cả nước.
Bắt nhịp những suy nghĩ trên đây, đầu năm 1955, Đảng Lao động Việt Nam cho ra mắt bản Thông tư thể hiện rõ thái độ về vấn đề này.
Bản Thông tư trên cho rằng: “Hiện nay đa số các linh mục và giáo dân tiến bộ ở cả miền Nam và miền Bắc đều tha thiết mong muốn có một tổ chức Công giáo toàn quốc để chống đối âm mưu của địch lợi dụng Công giáo và hướng dẫn Công giáo đi theo con đường chính nghĩa: Phụng sự Thiên Chúa và Tổ quốc”.
Căn cứ vào những điều trên, Trung ương Đảng quyết định vận động những người Công giáo tiến bộ, giúp họ thành lập Uỷ ban Liên lạc toàn quốc những người Công giáo yêu Tổ quốc, yêu hoà bình. Uỷ ban này là tổ chức quần chúng của Công giáo có tính chất rộng rãi, nhằm mục đích:
“- Đẩy mạnh vạch trần mưu mô của địch lợi dụng tôn giáo.
- Đẩy mạnh sự tranh thủ rộng rãi các giáo sĩ và giáo dân.
- Làm cơ sở vững chắc cho các phần tử yêu nước tiến bộ trong Công giáo, hoạt động mạnh mẽ hơn nữa đặng gây một phong trào đấu tranh chống cưỡng ép giáo dân di cư vào Nam và cùng đồng bào toàn quốc tham gia cuộc đấu tranh chính trị củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ” (2).
Ngày nay, khi đọc lại văn bản trên chắc rằng vẫn có người cho rằng ý đồ của Đảng là nhằm lôi kéo đồng bào và chức sắc Công giáo vào các phong trào có tính chất chính trị của cộng sản và là người sáp nhập Giáo hội Công giáo vào Mặt trận Tổ quốc! Nhưng thử hỏi vào thời điểm ấy (1955), khi Mỹ, Diệm đang ráo riết thực hiện việc dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam thì thái độ nói trên của Đảng và Nhà nước ta rõ ràng là cần thiết cho lợi ích chung của toàn thể dân tộc và của chính người Công giáo.
Nhưng vì sao một Chính phủ cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo ra đời sau Chiến tranh thế giới thứ II, về mặt ý thức hệ, cục diện “chiến tranh lạnh” đã hình thành, trong đó sự đối đầu Công giáo và Cộng sản ngày càng rõ rệt, lại có thể thu hút đông đảo giới chức sắc ở Việt Nam mà nhiều vị linh mục trong số họ phải chấp nhận hình phạt của Toà Thánh và Giáo hội?
Bí quyết của sự thành công này không gì khác là sự thắng thế của tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo. Trong bài Trái tim đi trước, lí trí đến sau của linh mục Võ Thành Trinh, đăng trên báo Người Công giáo Việt Nam ngày 30/5/1990, xác nhận: “Bấy giờ, hầu hết nhân dân ta ngay từ đầu đã đi theo, tin và ủng hộ cụ Hồ, phải chăng một lãnh tụ lớn là người mà đạo đức, tâm hồn và thể xác bên ngoài có sức thu hút quần chúng ngay lập tức? Và quần chúng, có một sự mẫn cán, một “giác quan thứ sáu tập thể” có thể biết ngay người nào là lãnh tụ chân chính của họ”.
Để kết thúc bài viết của mình, linh mục viết: “Thông thường một sự nghiệp chính nghĩa, một nhân vật lãnh tụ đều phải có thời gian để quần chúng theo dõi và được chinh phục bởi tôn chỉ mục đích, học thuyết mà lãnh tụ ấy theo đuổi… ở trường hợp Bác Hồ, chìa khoá để mở trái tim mọi người chính là trái tim mình. Trái tim Bác Hồ dành trọn vẹn cho đất nước và dân tộc. Có thể đó là bí quyết của Bác và những bậc thánh nhân kim cổ cũng đều có trái tim ấy, chìa khoá ấy”.
Từ ngày 8 đến 11/3/1955, tại Hà Nội vừa giải phóng, Hội nghị Công giáo toàn quốc thành lập Uỷ ban Liên lạc toàn quốc những người Công giáo yêu Tổ quốc, yêu hoà bình, tiền thân của UBĐKCGVN hiện nay.
Linh mục Võ Thành Trinh ghi lại câu nói của Bác Hồ tại Hội nghị ấy: “Các cụ biết tôi là cán bộ cách mạng, là người cộng sản. Những người cách mạng cộng sản có niềm tin khác với người có niềm tin tôn giáo. Nhưng mục đích của chúng tôi là lo cho nhân dân có cơm ăn, áo mặc, được học hành, sống sung sướng trong độc lập tự do. Các cụ lo việc tín ngưỡng, thờ Chúa, lo việc linh hồn tín đồ. Nhưng tín đồ cũng cần ăn, ở, mặc, học hành, cần được tự do hạnh phúc và các giáo sĩ khác chắc cũng quan tâm rất nhiều. Người cách mạng và người tôn giáo thống nhất với nhau ở mục đích mưu cầu hạnh phúc ở đời này cho nhân dân. Chúng ta phải cùng nhau lo nhiệm vụ ấy. Còn đối với tín ngưỡng, tôn giáo thì đã có chính sách rõ ràng. Chúng tôi tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng của tất cả các tôn giáo. Như thế, kẻ nào đặt ra việc Công giáo không đội trời chung với cộng sản là sai..”.
Chúng ta một lần nữa ghi nhận ý kiến độc đáo của Hồ Chí Minh về sự “tương đồng” của Người từ hồi 1945 - 1946.
Sau tháng 4/1975, Uỷ ban Liên lạc toàn quốc những người Công giáo yêu Tổ quốc, yêu hòa bình đã hiệp thương với các tổ chức Công giáo Nam Bộ và tháng 11/1983, tại Đại hội toàn quốc, đã chính thức thành lập UBĐKCGVN do linh mục Nguyễn Thế Vịnh làm Chủ tịch. Kể từ khi thành lập đến nay, tổ chức này đã hoạt động theo đường hướng:
1. Động viên người Công giáo cùng toàn dân tích cực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
2. Góp sức thực hiện đường hướng: “Giáo hội gắn bó với dân tộc, tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng về truyền thống đạo đức và văn hóa dân tộc, cảnh giác trước âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch, giữ gìn Đạo Thánh Chúa”.
3. Quan tâm đến quyền lợi, đời sống vật chất, tinh thần của mọi người Công giáo, phản ánh tâm tư, nguyện vọng trong đời sống tôn giáo của các tín hữu với Nhà nước để xem xét giải quyết.
4. Cùng toàn dân và Kitô hữu trên thế giới đấu tranh bảo vệ hòa bình dân chủ và tiến bộ xã hội.
Nghĩa là, UBĐKCGVN đã và đang là tổ chức có tính cách xã hội rộng lớn của Giáo hội là cầu nối giữa Giáo hội và Nhà nước, là tổ chức rộng rãi không bị chi phối trực tiếp bởi huấn quyền của Giáo luật nên có thể phát huy khả năng yêu nước, đồng hành cùng dân tộc của đông đảo linh mục, tu sĩ và giáo dân, luôn tìm được sự hỗ trợ và bảo hộ của Nhà nước.
Và như vậy, rõ ràng trong sự hình thành và phát triển nửa thế kỉ qua của tổ chức UBĐKCG, có vai trò quan trọng, một vai trò chỉ có thể coi là phù hợp giữa tình cảm và lí trí, giữa Đạo và Đời, giữa Nhà nước và Giáo hội trong điều kiện của đời sống tôn giáo ở Việt Nam n
----------------------------------------------
1. Xem: Lịch sử Kitô giáo thế giới (nguyên văn tiếng Pháp: Histoire du Christianisme, do J.M Mayeur, L. Pietri, A. Vanchez và M. Venard chủ biên) T.13. Nxb Descléc. Paris 2000, tr.672. Thực ra UBĐKCGVN được thành lập từ 3/1955 đã nhiều lần thay đổi tên gọi, năm 1983 là lần đổi tên cuối cùng cho đến nay. Hai tác giả của bài viết đã viết lầm là năm 1985.
2. Nguyên bản: Thông tư số 1/TW, về việc chuẩn bị Hội nghị Công giáo toàn quốc thành lập Uỷ ban Liên lạc những người Công giáo  yêu Tổ quốc, yêu hoà bình, 2 trang đánh máy, đề ngày 3/1/1955. Lưu trữ Viện Lịch sử Đảng.
GS. TS Đỗ Quang Hưng
Thông tin khác:
Bước tiếp một trang mới từ những thành quả (30/10/2018)
Tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước để xây dựng quê hương đất nước..." (24/10/2018)
Phát huy vai trò của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam trong giai đoạn mới (22/10/2018)
Bài giảng của ĐTC Phanxicô trong Đại lễ Tuyên Thánh cho ĐGH Phaolô Đệ Lục, ĐTGM Oscar Romero, và 5 vị Chân Phước khác (16/10/2018)
ĐGH tôn phong 7 vị chân phước lên bậc Hiển Thánh (16/10/2018)
40,000 thanh niên ở Vacsava cầu nguyện cùng nhau cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên (10/10/2018)
Đức Mẹ từ bi và đồi thánh giá ở Vilius (09/10/2018)
Giáo Phận Thanh Hóa Có Thêm Hai Phó Tế Tại Paris – Pháp (05/10/2018)
Công bố huấn thị về cách tiến hành Thượng HĐGM (04/10/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log