Tin tức - Hoạt động

Lễ Đầu Dòng Giáo phận Bùi Chu

Cập nhật lúc 16:13 06/08/2019
Theo truyền thống tốt đẹp vào ngày 8 tháng 8 hằng năm, giáo dân khắp vùng Bùi Chu lại nô nức, rủ nhau lũ lượt tụ họp về quảng trường rộng lớn thuộc khu vực nhà thờ Chánh tòa và Tòa Giám mục, để mừng lễ kính thánh Đa Minh quan thầy đệ nhị của giáo phận, mà nhiều Tín hữu còn gọi là đi lễ Đầu Dòng.
Lễ Đầu Dòng (Lễ kính thánh Tổ phụ Đa Minh) năm 2018 tại giáo phận Bùi Chu. Ảnh: CTV
Lễ Đầu Dòng (Lễ kính thánh Tổ phụ Đa Minh) năm 2018 tại giáo phận Bùi Chu. Ảnh: CTV

I. ĐÔI NÉT TIỂU SỬ THÁNH Đa Minh LẬP DÒNG

Thánh Đa Minh sinh ngày 24/6/1170 tại Calaruega thuộc nước Tây Ban Nha, thân phụ là bá tước Felix de Guznan, thân mẫu là chân phước Gioanna de Aza. Thánh nhân sống trong một gia đình quý phái và đạo đức, cả ba anh em trong nhà đi tu đều được thụ phong linh mục.

Thánh Đa Minh đi giảng đạo vào năm 35 tuổi và đã sáng lập dòng Thuyết Giáo – Ordo Praedicatorum (O.P.) – tại Toulouse, được Tòa Thánh phê chuẩn luật dòng vào năm 1216 mà chúng ta quen gọi là dòng Đa Minh. Trước và sau khi thánh nhân chào đời có nhiều dấu hiệu lạ xẩy ra ứng nghiệm vào cuộc đời của ngài. Theo Thánh Jordan Saxong kể lại rằng: Khi đang mang thai, mẹ ngài nằm mơ thấy mình cho chào đời một con chó ngậm bó đuốc đang cháy sáng và mang lửa đó đi khắp thế gian. Rồi trong ngày rửa tội, người đỡ đầu lại trông thấy trên trán chú bé  xuất hiện một ngôi sao sáng chiếu tỏa xung quanh. Do đó khi tạc tượng thánh Đa Minh ngày nay, người ta cũng tạc luôn tượng con chó đang ngậm đuốc sáng nằm dưới chân, trên trán ngài có ngôi sao sáng, là bởi hai sự tích trên.

Tuy là người sáng lập dòng, nhưng thánh Tổ phụ Đa Minh sống rất đơn sơ, ăn chay, nằm đất ép xác, mặc áo quần xấu nhất trong anh em, nhưng luôn quảng đại với những kẻ nghèo khó, giúp đỡ người bệnh tật. Khi đi rao giảng bị chê bai diễu cợt ngài vẫn vui vẻ chấp nhận. Hơn nữa Ngài đã khiêm nhường chối từ chức Giám mục thành Consêran. Vào năm 1213 thánh Đa Minh bắt đầu khởi xướng, cùng ra sức phổ biến việc lần hạt Mân Côi tới mọi tín hữu, và khuyên nhủ mọi người đọc kinh một cách sốt sắng, cho đến tận khi Ngài qua đời tại Bologne ngày 6/8/1221, Đức Thánh Cha Grêgoriô IX đã tôn phong ngài lên bậc hiển thánh năm 1234.      
   
II. DÒNG Đa Minh GẮN BÓ MẬT THIẾT VỚI GIÁO PHẬN BÙI CHU

Theo lịch sử ghi lại từ năm 1550, dòng Đa Minh (O.P.) đã hiện diện ở Việt Nam  cùng với các vị thừa sai dòng Tên (S.J.), dòng Phanxicô (O.F.M.). Các ngài đã đi rao giảng Tin Mừng cho lương dân trên cánh đồng truyền giáo mênh mông này, cho dù gặp bao khốn khó gian nguy. Riêng vùng đất Bùi Chu ngày nay, vào năm 1775 Tòa Thánh đã chỉ định linh mục Santiago Hernandez Tuấn (1723-1779) dòng Đa Minh, người Tây Ban Nha thuộc Tỉnh dòng “Rất Thánh Mân Côi, Manila” làm Giám mục địa phận Đông, đồng thời trao hẳn khu vực này cho các thừa sai dòng Đa Minh coi sóc, để rồi khởi đầu từ đó lần lượt với 14 đời các Đức cha dòng Đa Minh đã tận tụy chăn dắt và gắn bó mật thiết với đàn chiên, trong số trên có 6 vị Giám mục tử vì đạo, được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh ngày 19/6/1988. 

Theo dòng đời, cho dù bị ngăn cấm bắt bớ, tù đày chém giết, nhưng cộng đoàn Dân Chúa luôn giữ vững đức tin. Thánh đường và nhà chung sau cơn bắt đạo lại xây dựng mở mang hơn trước, đáp ứng  nhu cầu của đông đảo tín hữu và lương dân tòng giáo ngày một gia tăng.

Tuân theo sắc lệnh của Tòa Thánh ngày 03/12/1924, địa phận Trung đổi thành địa phận Bùi Chu. Với thời gian lâu dài trải qua bao sóng gió, thời bình không bao nhiêu, mà thời gian khốn khó, cấm cách thì thật là dài, nhưng giáo phận vẫn phát triển trên mọi phương diện dưới sự lãnh đạo của các vị thừa sai dòng Đa Minh, mãi tới năm 1936 mới trao lại cho Đức cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn.

Công nghiệp của các Giám mục, linh mục và tu sĩ của dòng Đa Minh đối với giáo phận Bùi Chu thật là lớn lao. Việc rao giảng Tin Mừng có rất nhiều lương dân về với Chúa, ngoài ra về phần nguyện ngắm, kinh hạt, dâng hoa, đọc đoạn, các linh mục còn đưa những hình thức mang âm hưởng Tây Ban Nha áp dụng trong các nghi lễ như tổ chức Tuần Thánh, rất rầm rộ với đầy đủ nghi thức rửa chân. ngắm đứng 15 sự thương khó, tháo đinh táng xác, hôn chân, rước Chúa sống lại với kèn trống cờ quạt linh đình, làm cho giáo dân rất cảm động và sốt sắng tham dự cũng như theo dõi các nghi thức này một cách tích cực, làm tăng thêm lòng đạo đức, củng cố đức tin vững vàng cùng truyền lại nề nếp sống đạo tốt đẹp cho lớp kế thừa mai sau.

Nhân đây chúng ta không quên nhắc đến sự kiện thời gian vua Tự Đức lùng bắt đạo gắt gao, nhất là ở địa phận Trung Đàng Ngoài, Đức cha Valentino Berrio Ochoa Vinh, O.P. (1817-1861) cùng cha Chính Riano Hòa  cũng thuộc dòng Đa Minh, trong khi trốn chạy đã khấn xin Đức Mẹ  ban cho địa phận sớm được bình an, hứa nhận Đức Mẹ làm quan thầy và sẽ xây một ngôi thánh đường xứng đáng để tôn kính Mẹ. Giữ lời hứa khi triều đình thôi cấm đạo vào năm 1864, giáo phận đã khởi công xây dựng thánh đường Phú Nhai, một ngôi thánh đường nguy nga lớn nhất Đông Dương, được khánh thành vào năm 1881 do Đức Giám mục Emmanuel Riano Hòa, O.P. (1829-1884) chủ sự và ngài long trọng tuyên bố: “Địa phận Trung hân hoan nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội làm quan thầy”. Kể từ ngày đó cứ đến ngày mồng 8 tháng 12 Dương lịch, toàn thể giáo dân khắp nơi trong vùng nô nức về Đền thánh Phú Nhai mừng lễ quan thầy đệ nhất của giáo phận, mà nhiều người còn gọi ngày đó là “Lễ khỏi tội”. Riêng Ngôi thánh đường dù phải chống chọi với mưa sa bão táp, xây đi sửa lại nhiều lần nhưng nay vẫn đứng vững cùng tuế nguyệt qua 138 năm (1881-2019).

Cùng với ngôi thánh đường Phú Nhai đồ sộ nguy nga là công viên rộng lớn, phía cuối hiện diện Đài thánh Đa Minh cao 16 mét, đối diện là lăng mộ 85 đấng tử đạo cao 10 mét và các ảnh tượng bài trí thật hài hòa càng tăng thêm phần  tôn nghiêm và linh thiêng. Vào ngày 12/8/2008 Tòa Thánh đã tôn phong lên hàng Tiểu vương cung thánh đường, ngang hàng với nhà thờ Đức Bà Sài Gòn và Trung tâm La Vang Quảng Trị.

III. LỄ ĐẦU DÒNG TRUYỀN THỐNG HẰNG NĂM

Vào ngày mồng 8 tháng 8 Dương lịch hằng năm, giáo dân Bùi Chu quen gọi là Lễ kính thánh Tổ phụ Đa Minh, đấng sáng lập dòng mà  giáo phận nhận làm quan thầy Đệ Nhị, tập tục này có từ lâu và cũng do các cha cố Tây Ban Nha thời ấy dịch nôm na là: “Lễ Đầu Dòng”. Danh từ này còn truyền tụng và tuân giữ đến ngày nay.

Lễ được tổ chức hằng năm rất long trọng, các linh mục tu sĩ nhà dòng, các thầy già, chủng sinh và giáo dân nô nức rủ nhau về cho kịp dự cuộc rước kiệu, tham dự thánh lễ khai mạc từ chiều hôm trước, chương trình kéo dài tới tối hôm sau. Nơi quảng trường nhà thờ Chính tòa cờ, biểu ngữ, kèn trống, lễ đài uy nghi cùng với các đoàn thể y phục chỉnh tề, dòng người đông đảo theo hàng ngũ tiến vào khu vực hành lễ để đón tiếp đoàn đồng tế do Đức Giám mục chủ lễ. 

Sau năm 1936 khi giáo phận Thái Bình tách ra khỏi Bùi Chu, các cha  dòng Đa Minh không còn ở Bùi Chu nữa, mà về  coi sóc Thái Bình, nhưng quan thầy Đức cha Hồ Ngọc Cẩn là thánh Đa Minh, nên “Lễ đầu Dòng” vẫn được duy trì tới nay tại Bùi Chu, lúc thuận tiện cũng như khi khó khăn.

Dưới thời Đức Giám mục Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn, giáo phận Bùi Chu đã xuất bản tờ Đa Minh bán nguyệt san do chính Đức cha làm chủ bút, đặc biệt phía trên góc trái của trang bìa luôn in hình“ con chó ngậm bó đuốc” như dấu hiệu nói về thánh Đa Minh. Số đầu tiên phát hành thứ năm ngày 01/06/1939, tờ báo này chẳng những là cơ quan tu đức và thông tin trong giáo phận mà còn là phương tiện chú trọng về các lĩnh vực giáo dục và xã hội, nguyệt san ra đến số 166 vào ngày 15/4/1946 phải đình bản vì vật giá đắt đỏ lại không mua được giấy in nữa.

Riêng về danh xưng thánh Đa Minh, theo lịch sử giáo phận Bùi Chu xuất bản năm 2000 tại Hoa Kỳ trang 161 cho biết: “... ngày trước giáo dân Việt Nam đã nghe phiên âm tên thánh Dominique (1170 -1221) là Du-minh-gô, rồi sau là Đôminicô. Đức cha  Hồ Ngọc Cẩn (1876 - 1948 ) phiên âm lại là Đa Minh. Tên này mang âm điệu Việt Nam và dễ nhớ...” từ đó tên thánh Đa Minh được phổ biến rộng rãi.
 
Hoa Thịnh Đốn, đầu tháng 8. 2019
Vinhsơn Vũ Đình Đường
 
Thông tin khác:
Đồng bào Công giáo Hải Phòng với nhiều hoạt động có ý nghĩa (05/08/2019)
Đại hội quy tụ đầy đủ mọi Giáo phận (05/08/2019)
Cung hiến nhà thờ chính tòa giáo phận Orange (02/08/2019)
Nước mắt ở Vị Xuyên (02/08/2019)
Khai trương Trang thông tin điện tử phiên bản mới (02/08/2019)
Người giáo dân với sứ vụ loan báo Tin Mừng (01/08/2019)
Ghi công quân đội và thanh niên (29/07/2019)
Thư Chung gửi Gia Đình Giáo Phận Về Môi Trường (29/07/2019)
Diện mạo mới ở khu dân cư quê chè (25/07/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log