Tin tức - Hoạt động

Cần tranh thủ sự đóng góp của tôn giáo vào lĩnh vực giáo dục

Cập nhật lúc 14:31 13/05/2020
Tôn giáo có nhiều đóng góp cho xã hội không chỉ về lối sống, văn hóa, đạo đức mà còn là nguồn lực của xã hội. Nghị quyết 24-/NQ/TƯ ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị (khóa VI) khẳng định: Tín ngưỡng, tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài
Học viện Công giáo Việt Nam khai giảng Niên khóa 2019-2020. Ảnh: CTV
Học viện Công giáo Việt Nam khai giảng Niên khóa 2019-2020. Ảnh: CTV

Tôn giáo có nhiều đóng góp cho xã hội không chỉ về lối sống, văn hóa, đạo đức mà còn là nguồn lực của xã hội. Nghị quyết 24-/NQ/TƯ ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị (khóa VI) khẳng định: Tín ngưỡng, tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài, là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân lao động có đạo và đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với sự nghiệp xây dựng xã hội mới. Nhưng có một lĩnh vực còn chưa nói đến nhiều. Đó là sự đóng góp của các tôn giáo vào lĩnh vực giáo dục. Với Công giáo là một ví dụ. 

Người ta nói không quá rằng, toàn bộ văn hóa, văn minh phương Tây được xây dựng trên nền tảng của Kitô giáo. Giáo dục châu Âu cả chục thế kỷ được hình thành bởi các trường Kitô giáo. Mãi đến cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789 và nhất là sau Luật Phân ly năm 1905, nhà trường được tách ra khỏi nhà thờ, nhưng không phải vì thế mà các nước Âu- Mỹ không tận dụng sự đóng góp của các tôn giáo trong đó có Kitô giáo vào lĩnh vực giáo dục. 

Theo Niên giám Công giáo công bố ngày 21/10/2018 thì hiện Công giáo đang điều hành 72.826 trường mẫu giáo với 7.313370 học sinh, 96.573 trường tiểu học với 35.125124 học sinh, 47.862 trường trung học với 19.956 477 học sinh, 1.100 trường đại học và cao đẳng với 3.049548 sinh viên. Công giáo cũng đang hỗ trợ học bổng cho 2.509457 học sinh, sinh viên trên toàn cầu. Rất nhiều trường Công giáo có uy tín về chất lượng đào tạo như Đại học Công giáo Honduras được thành lập năm 1992 và hiện có 17.000 sinh viên hay trường Mississippi College ở Hoa Kỳ thành lập năm 1826. Có những trường như Đại học Công giáo Hoa Kỳ CUA (The Catholic University of America) thành lập năm 1887 ở Washington có 12 trường đại học và 21 cơ sở nghiên cứu hiện đã có chương trình Two Plus Two Program 2+2 cho nhiều sinh viên khoa học kỹ thuật. Ở các trường tôn giáo này có những sinh hoạt tôn giáo như các buổi cầu nguyện giữa giờ như ở Đại học Harvard nhưng không bắt buộc vì có cả sinh viên không tôn giáo. Tại đây, hai lĩnh vực niềm tin và trí thức tách bạch nhau. Bây giờ đã qua thời kỳ khoa học là “đầy tớ có bằng cấp cho tăng lữ” hoặc khoa học và tôn giáo loại trừ nhau mà phát triển độc lập với nhau nhưng lại tạo tiền đề cho nhau phát triển. Biết bao nhà khoa học vốn là tín hữu Kitô giáo nhiệt thành. Nhà toán học, triết gia Blaise Pascal, G.W.von Leibniz; nhà di truyền học- linh mục Gregor Mendel, cha đẻ của vật lý học lượng tử Plank, nhà vũ trụ học- linh mục Georger Lemaitre, người giải mã “Ngôn ngữ của Chuá” Francis Collin…Vatican vẫn có Viện Hàn lâm khoa học Toà Thánh thành lập năm 1936 với 400 thành viên trong đó có 43 người đoạt giải Nobel và có cả những người vô thần như Stephen Hawking (1942-2018). Đối với những người này, niềm tin không cản trở họ nghiên cứu khoa học. Như nhà vật lý người Mỹ gốc Do Thái Richad Philips Feynman (1918-1988), được trao giải Nobel năm 1965 nói:

“Tôi không tin rằng, khoa học có thể bác bỏ sự tồn tại của Thiên Chúa. Đó là điều bất khả thi. Nghĩa là đồng thời vừa có niềm tin vào khoa học vừa có đức tin vào Chúa liệu có phù hợp không? Vâng, điều đó là hoàn toàn phù hợp. Mặc dù trên thực tế, có một số nhà khoa học không tin vào Chúa, nhưng nhiều nhà khoa học khác vẫn đặt niềm tin vào cả hai trong sự phù hợp đến hoàn hảo” (1). 

Nhiều vấn đề từ giáo thuyết tôn giáo lại làm nảy sinh ý tưởng khoa học như vườn địa đàng trong sách Sáng thế dẫn đến tìm tòi suốt 25 năm của GS David Rohl ở Đại học Oxford, Anh. Ông đã phát hiện ra vườn Edel ở thung lũng Zagnos phía tây Irắc thuộc Côaét ngày nay. Hay việc tạo thành vũ trụ như thế nào xảy ra trong Kinh Thánh, đã thúc đẩy linh mục và cũng là nhà vật lý thiên văn Georger Lemaitre (1894-1966) tìm ra lý thuyết giãn nở vũ trụ tức vụ nổ lớn (Big Bang) năm 1927 dựa theo thuyết tương đối rộng của Albert Einstein. Giả thuyết này bây giờ đã được đông đảo giới khoa học thừa nhận. Ngược lại, những nghiên cứu của khoa học lại chứng thực sự kiện trong Kinh Thánh là có thật, như tìm ra vườn Edel của GS David Rohl hay nhóm khảo cố Ron Wayht của trường Đại học Alatark của Thổ Nhĩ Kỳ, sau hàng chục năm tìm tòi đã tìm ra con tàu Noe nằm ở độ cao 2000m trên núi Ararat. Nhóm nghiên cứu cũng chứng minh trận đại hồng thủy là có thật xảy ra từ ngày 17/2 năm 2087 trước Công nguyên, kéo dài 157 ngày sau khi mưa 40 ngày đúng như Kinh Thánh mô tả. Bây giờ con tàu Noe đã là báu vật quốc gia và núi Ararat thành công viên du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Công giáo vào Việt Nam chưa đầy 5 thế kỷ. Nhưng các nhà nghiên cứu khẳng định sự đóng góp to lớn cuả Công giáo với văn hóa, xã hội Việt Nam trên nhiều lĩnh vực từ việc hình thành chữ Quốc ngữ đến xây dựng lối sống lành mạnh. Từ văn học, nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc đến vai trò cầu nối văn minh, văn hóa đông- tây. Thông qua các nhà truyền giáo đã đem vào Việt Nam những kiến thức khoa học kỹ thuật của phương Tây lúc bấy giờ. Cũng dễ hiểu, vì nhiều nhà truyền giáo buổi đầu nhất là tu sĩ dòng Tên, được đào tạo bài bản trong các trường đại học danh tiếng ở phương Tây nên họ cũng là những nhà khoa học tinh thông nhiều lĩnh vực như toán học, thiên văn, địa lý. Họ không chỉ dâng tặng chúa Trịnh Tráng chiếc đồng hồ chạy bằng bánh xe mà còn giảng giải cho chúa biết về nhật thực, nguyệt thực, hình học Euclit và nhiều điều lạ kỳ mà ngay nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) cũng phải thốt lên vì xưa nay chưa từng nghe nói đến: 

“Giáo sĩ các nước Âu, Ba La…đàm luận về trời đất một cách sâu sắc, mới lạ vô cùng. Lý luận chính trị và lịch pháp có nhiều điều mà tiền Nho ta chưa tìm ra, nói ra được. Họ bàn về địa lý, địa cầu, núi non sông biển, thuỷ triều lên xuống, gió mưa phần nhiều hợp lý. Họ nói thiên hạ có 4 đại châu: Á, Âu, Phi Mỹ. Châu Á là châu lớn nhất gầm trời” (2). 

Chính vì thế, các trường Công giáo ở Việt Nam cũng là nơi đào tạo không chỉ nhân lực cho tôn giáo này, mà còn đào tạo ra nhiều danh nhân văn hóa cho đất nước. Trường Công giáo cũng là nơi lưu giữ văn hóa hồn cốt nước Việt, khi nhà nước thuộc địa bãi bỏ chữ Hán thì nhiều cơ sở đào tạo Công giáo vẫn buộc dạy chữa Hán, chữ Nôm cho chủng sinh. Các trường học do Công giáo điều hành góp phần quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc gia Việt Nam cộng hòa. Ở miền Nam, theo thống kê đến tháng 7/1969, Công giáo điều hành 1.030 trường tiểu học với 254.409 học sinh Công giáo và 97.347 học sinh ngoài Công giáo; 226 trường trung học với 82. 827 học sinh Công giáo và 70.101 học sinh ngoài Công giáo; 82 cô nhi viện với 11.000 trẻ em. Các đại học Công giáo như Giáo hoàng Đà Lạt, Minh Đức, Thành Nhân, La San cũng thu hút cả chục ngàn sinh viên. 

Sau năm 1954 ở miền Bắc và sau năm 1975 ở miền Nam, các trường Công giáo hầu như không còn hoạt động. Sau đổi mới đất nước, ngoài một số chủng viện còn có các trường mẫu giáo, lớp học tình thương do Công giáo điều hành. Gần đây có cả trường Cao đẳng nghề Hòa Bình (Đồng Nai) được tuyển sinh. Theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, các tôn giáo chỉ được mở lớp mẫu giáo hay cấp 1 tình thương nên Công giáo hiện điều hành gần 1000 trường mẫu giáo và 150 trường cấp 1 tình thương với hơn 10 ngàn học sinh. Nhiều trường đạt chuẩn quốc gia như trường mẫu giáo Anh Đào do các nữ tu dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân phụ trách, trường Hoa Hồng do dòng Nữ tỳ Chúa Giêsu linh mục Đồng Nai quản lý, trường Hùng Vương do dòng thánh Phaolô Mỹ Tho quản lý… Các trường này hấp dẫn sự chọn lựa của phụ huynh học sinh không chỉ về chất lượng đào tạo, học phí thấp mà đặc biệt về tinh thần phục vụ của đội ngũ các cô giáo là nữ tu. Nếu bố mẹ bận chưa đón con kịp, các cháu vẫn có thể yên tâm ở lại trường và được chăm sóc chu đáo. Nên dễ hiểu có những cơ sở như nhà trẻ dòng Mến Thánh Giá (số 31 phố Nhà Chung, Hà Nội) số trẻ xin học bao giờ cũng gấp 10 lần số chỉ tiêu của trường.

Trong nhiều kiến nghị của các chuyên gia cũng như chính Công giáo đều mong muốn, trong chương trình xã hội hóa giáo dục, y tế hiện nay, các tôn giáo (trong đó có Công giáo) được tham gia đóng góp vào lĩnh vực này. Theo Luật Tín ngưỡng tôn giáo có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, điều 55 ghi rõ: “Các tôn giáo được tham gia các hoạt động giáo dục đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo theo quy định của pháp luật có liên quan”. Các tôn giáo rất vui mừng về điều khoản này. Tuy nhiên, Nghị định 162/2017- NĐ/CP quy định hướng dẫn chi tiết Luật Tín ngưỡng tôn giáo lại không có điều khoản nào hướng dẫn điều 55 nói trên. Tức là “có cầu nhưng chưa có đường dẫn lên cầu”. Hơn nữa ngay trong Luật Giáo dục 2005, mặc dù khuyến khích xã hội hóa giáo dục, nhưng trường tôn giáo không được nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân (điều 4) và điều 19 cấm thực hiện nghi lễ tôn giáo trong trường học. Điều này làm cho các trường tôn giáo khó lòng được công nhận trong hệ thống giáo dục. 

Trên thế giới cũng như Việt Nam, rất mong các tôn giáo, trong đó có Công giáo được góp sức nhiều hơn, vào sự nghiệp giáo dục ở nước nhà.
Ts Phạm Huy Thông
-----------------------
1. Theo tintuc.vn ngày 13/7/2016
2. Lê Quý Đôn: Vân đài loại ngữ, theo báo Người Công giáo Việt Nam số 16, ngày 30/8/1992.
Thông tin khác:
"Đồng bào Phật tử tiếp tục phát huy hơn nữa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc..." (12/05/2020)
Cuốn tiểu sử mới về Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI (11/05/2020)
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho người dân bang San Paolo của Brazil (11/05/2020)
Đức Thánh Cha kêu gọi tôn trọng nhân phẩm những người lao động bị bóc lột (08/05/2020)
Giáo xứ Ngọc Sơn (07/05/2020)
Kịp thời hỗ trợ cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 (07/05/2020)
5 điều không nên làm ngay khi hết cách ly xã hội (07/05/2020)
Chuyện về cha Chánh xứ Tân Thành (06/05/2020)
Thông báo V/v: Hướng dẫn cử hành thánh lễ và các sinh hoạt mục vụ sau thời gian cách ly xã hội chống lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 (06/05/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log