Tin tức - Hoạt động

Nhạc sĩ Hùng Lân cùng âm nhạc tôn vinh Chúa và cổ vũ lòng yêu nước

Cập nhật lúc 14:52 24/12/2020
Hùng Lân (1922 - 1986) là một nhạc sĩ Công giáo có danh tiếng đối với Giáo hội; là người khởi xướng dùng tiếng Việt để hát thánh ca.
Bài hát “Khỏe vì nước” của nhạc sĩ Hùng Lân kêu gọi thanh niên Việt Nam phải khỏe mạnh, tráng kiện, để có thể góp phần xây dựng đất nước. Ảnh: CTV
Bài hát “Khỏe vì nước” của nhạc sĩ Hùng Lân kêu gọi thanh niên Việt Nam phải khỏe mạnh, tráng kiện, để có thể góp phần xây dựng đất nước. Ảnh: CTV
Hùng Lân (1922 - 1986) là một nhạc sĩ Công giáo có danh tiếng đối với Giáo hội; là người khởi xướng dùng tiếng Việt để hát thánh ca. Ông sáng tác rất nhiều bài thánh ca nổi tiếng cho Giáng sinh, Mùa Vọng, Mùa Chay, bài ca nguyện, bài nhập lễ, bài dâng lễ, bài hiệp lễ, bài kết lễ… ông là tác giả đặt lời Việt cho bài hát nổi tiếng "Silent Night" là “Đêm thánh vô cùng”; các bài do ông sáng tác là: “Mùa Giáng sinh”, “Ai lên núi Chúa”, “Lên núi Sion”, “Có bao giờ”, “Đồng cỏ tươi”, “Con vươn hồn lên”, “hoan ca Phục sinh”, “Mẹ là mùa xuân”, “Cầu xin mẹ lúc khởi hành”, “Hai người tiền phong”, “Một ngày ghi nhớ”,…là những bài thánh ca được tuyển chọn đăng trong “Tuyển tập Thánh ca Việt Nam” của Ủy ban Thánh nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh được thành lập, do ông làm Đoàn trưởng để cất cao lên tôn vinh Chúa.   
 
Nhân thân

Hùng Lân tên thật là Hoàng Văn Cường, nhưng sau đổi là Hoàng Văn Hường. Ông sinh ngày 23/6/1922 tại phố Phủ Doãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội, trong một gia đình Công giáo. Ông là người con thứ 4 trong gia đình có 11 anh chị em. Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Nhạ, người Phủ Lý, Hà Nam. Quê nội Hùng Lân ở Nam Bộ, chứ không phải ở miền Bắc. Bố của ông vốn là người họ Nguyễn, tên thật là Nguyễn Văn Thiện, người làng Hương Điền, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp). Ông nội của ông là Nguyễn Minh Châu từ Sa Đéc ra Hà Nội làm việc, mang theo ông Thiện. Sau khi ông Châu trở về Sa Đéc thì gửi ông Thiện lại cho một người bạn ở Sơn Tây là Hoàng Xuân Khoát. Về sau, ông Thiện được ông Khoát nhận làm con và cho đổi sang họ Hoàng. Từ đó, ông Thiện và các con sau này đều mang họ Hoàng.

Xuất thân trong gia đình Công giáo, vì vậy từ nhỏ ông đã chịu phép Thanh Tẩy và mang tên thánh Phêrô. Năm 1928, ông theo học tại trường tiểu học Gendreau. Ngay từ năm 8 tuổi, ông đã bắt đầu học nhạc với linh mục người Pháp P. Depautis (còn gọi là Cố Hương) và được tuyển vào ban hợp xướng nhà thờ Lớn Hà Nội. Năm 1931, ông theo học bậc trung học tại trường dòng Lasan Puginier (còn gọi là trường Các sư huynh Dòng Thiện Giáo - Frères des Ecoles Chrétiennes de La Salle). Năm 1934, ông đi tu tại Tiểu chủng viện Thánh Phêrô Hoàng Nguyên ở Phú Xuyên, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), rồi sau đó là Đại chủng viện Xuân Bích (Saint Sulpice) ở Hà Nội. Ông học nhạc dưới sự hướng dẫn của linh mục J. Bouis. 

Dùng âm nhạc để tôn vinh Chúa và yêu nước

Ngay từ khi còn học nhạc ở Đại chủng viện Xuân Bích, ông và nhóm sinh viên đã nghĩ đến việc sáng tác những bài thánh ca Việt Nam theo thể loại mới.Thuở ấy, phụng vụ Giáo hội vẫn lấy tiếng Latinh làm ngôn ngữ cầu nguyện chung cho Giáo hội toàn cầu. Kinh đọc trong sách lễ đều phải bằng tiếng Latinh. Nếu hát lễ thì cũng phải bằng tiếng Latinh. Chưa có bài nào bằng tiếng Việt được sáng tác để ca tụng Thiên Chúa.Từ đó, vào tháng 7/1945, Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh được thành lập, do ông làm Đoàn trưởng. Trong suốt thời gian 30 năm, Nhạc đoàn đã có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam, trong đó nhạc sĩ Hùng Lân. Thời gian này, ông bắt đầu dùng bút danh Nam Hoa, Lâm Thanh để sáng tác nhạc cổ vũ lòng yêu nước. Năm 1943, ông sáng tác nhạc phẩm “Rạng đông”, được giải thưởng của Hội Khuyến nhạc Hà Nội. Năm 1944, ông sáng tác bài hát “Việt Nam minh châu trời đông”, đoạt giải nhất kỳ thi Âm nhạc toàn quốc năm đó.

Liên tiếp trong hai năm 1945 - 1946, mẹ rồi đến cha của Hùng Lân qua đời. Các em còn nhỏ. Ông là con trai lớn nhất của gia đình, là chỗ dực chính của gia đình. Trong hoàn cảnh bi đát như vậy, ông đành phải xin giã từ mái trường chủng viện mà trở “về thế gian” tìm việc kiếm tiền nuôi em còn nhỏ.

Hùng Lân có 2 người em chết trẻ tên là Hoàng Văn Hùng và Hoàng Văn Lân, vì thương em nên lấy tên em làm bút hiệu cho mình là Hùng Lân.

Năm 1946, ông đã viết một bài hát cổ vũ lòng yêu nước với tên gọi "Khỏe vì nước". Bài hát nhanh chóng được phổ biến và trở thành bài hát chính cho phong trào thể dục thể thao. Ngày 26/5/1946, nhân ngày hội khỏe đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; thanh niên và tự vệ Hà Nội đã trình diễn bài thể dục đồng diễn trên nền bài “Khỏe vì nước”. Từ đó, cái tên Hùng Lân trở nên nổi tiếng.

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ ở Hà Nội, ông cũng theo kháng chiến một thời gian. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình, ông đành rời chiến khu trở về Hà Nội tiếp tục dạy học. Năm 1948, ông dạy âm nhạc ở trường Chu Văn An, Hà Nội. Năm 1949, ông cho xuất bản sách dạy âm nhạc khai tâm và sơ đẳng gồm 2 tập, mang tên “Cây đàn sống” được Nhà xuất bản Thế giới Hà Nội ấn hành. Sau đó, ông tiếp tục cho ra đời các bộ sách “Giáo khoa âm nhạc” cho lớp Đệ thất, Đệ lục, Đệ ngũ, Đệ tứ. Có thể nói ông là người đầu tiên soạn sách giáo khoa dạy âm nhạc trong nhà trường phổ thông.

Sau Hiệp định Genève 1954, Hùng Lân di cư vào Nam làm giáo sư âm nhạc của trường Ca vũ nhạc Phổ thông Sài Gòn và cũng là Trưởng ban Phát thanh Nha Tổng Giám đốc Thanh niên và Thể thao Sài Gòn. Từ năm 1957, ông là giáo sư dạy môn Ký xướng âm của trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Cùng thời gian đó, ông ghi tên học và tốt nghiệp bằng Cử nhân Văn chương Pháp tại Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1963.

Cùng năm đó, ông về làm việc tại Trung tâm Học liệu, Bộ Quốc gia Giáo dục. Năm 1965, ông được bổ nhiệm chức Chủ sự Phòng Phát thanh Học đường, Trung tâm Học liệu, Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn. Năm 1967-1968, ông được cử đi tu nghiệp một khóa ngắn hạn tại Hoa Kỳ về ngành giáo dục và truyền thông tại Đại học Syracuse, tiểu bang New York (Hoa Kỳ). Sau khi trở về Việt Nam, ông đã xây dựng chương trình Đố vui để học do Trung tâm Học liệu phát hình trên Đài Truyền hình Việt Nam. Từ năm 1971 cho đến năm 1975, ông về trường Sư phạm thuộc Đại học Đà Lạt dạy môn Sư phạm Âm nhạc.

Sau 1975, ông trở về tư gia tại đường Nguyễn Văn Thủ, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Ông tiếp tục việc dạy nhạc và nghiên cứu âm nhạc tại tư gia cho đến khi qua đời ngày 17/9/1986.

Những sáng tác của Hùng Lân thường là các bản nhạc vui trẻ, như “Hè về”, “Xóm nghèo”... Ông rất ít viết các bản tình cảm ủy mị, nhưng cũng để lại một vài bài như “Hận Trương Chi”, “Sầu lữ thứ”...

Theo nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc phẩm của Hùng Lân có thể tạm chia ra ba loại:

• Loại tình cảm cá nhân như “Sầu lữ thứ”, “Hận Trương Chi”... Bài thứ hai không đặc sắc lắm vì đáng lẽ phải tả tình (anh Trương Chi hay cô Mỵ Nương) thì Hùng Lân chỉ tả cảnh.

• Loại tình cảm thiên nhiên như “Vườn xuân”, “Trăng lên”, “Một mùa xuân huyền ảo”... Tác giả là nhà mô phạm nên ca khúc không đủ lãng mạn tính của thời đại nên không quyến rũ người nghe.

• Loại kêu gọi thanh niên như “Rạng đông”, “Tiếng gọi lên đường”, “Hè về”, “Khoẻ vì nước”, “Mùa hợp tấu”, “Việt Nam minh châu trời đông”... Về sau, những bài này được in ra trong hai nhạc tập mang tên “Đời trai” và “Học sinh”, dành riêng cho thanh, thiếu niên và nhi đồng, khi ông làm việc cho Trung tâm Học liệu của Bộ Quốc gia Giáo dục. Đây là loại ca khúc thành công nhất của Hùng Lân.

Theo tài liệu của gia đình và các bạn bè, nhạc sĩ Hùng Lân có khoảng 900 tác phẩm và rất nhiều bản đã bị thất truyền. Có thể kể ra một số bài nổi tiếng như “Rạng đông” được viết năm 1943, được giải thưởng Sáng tác của Hội Khuyến nhạc Hà Nội. “Việt Nam minh châu trời đông”, được giải nhất kỳ thi Âm nhạc Toàn quốc. Cùng các ca khúc như “Khoẻ vì nước”, “Cô gái Việt”...

Về thánh ca, ngoài tác phẩm “Ca vang lời Chúa 1, 2 và 3”, nhạc sĩ Hùng Lân còn 80 bài Thánh Vịnh ứng tác. Ông cũng là người khởi xướng và phát huy phong trào dùng tiếng Việt trong thánh ca. Ông chính là người viết lời Việt cho bài “Silent Night” nổi tiếng với tên “Đêm thánh vô cùng”. Năm 1945, Hùng Lân người sáng lập nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh tại Hà Nam.

Ông cũng viết khá nhiều nhạc cho nhi đồng, nổi tiếng là những bài “Em yêu ai”, “Thằng Tí sún”, “Con cò”, “Ông trăng thu”... Tập nhạc Vui ca lên là nhạc Hùng Lân biên soạn cho thiếu nhi. Nhạc sĩ Hùng Lân cũng đã phụ trách chương trình Phát thanh Học đường cho trẻ em, thiếu niên ở Đài Phát thanh Sài Gòn.

Nhạc sĩ Hùng Lân cũng là người nghiên cứu, viết nhiều cuốn sách về âm nhạc. Có thể nói ông là người đầu tiên soạn sách giáo khoa dạy âm nhạc trong nhà trường phổ thông. Theo một bài báo trên của tờ Thanh Niên: “Một trong những người tham khảo tài liệu nhiều nhất để soạn nhạc lý là nhạc sĩ Hùng Lân để nghiên cứu đề xuất một phương pháp mới dạy nhạc cho thanh niên vào năm 1979”.

Cổ vũ sống Phúc Âm, xây dựng đất nước 

Những năm cuối đời, ông nhận ra Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam khẳng định đường hướng: “Chúng ta phải là Hội Thánh của Chúa Giêsu trong lòng dân tộc Việt Nam… Là Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam. Chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc, hòa mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước…Vậy chúng ta phải đồng hành với dân tộc, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình. Vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của người. Đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta. Dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân, vừa là thành phần Dân Chúa”. “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có mà còn là một đòi hỏi của Phúc Âm…là công dân tốt, phải thực sự và tích cực vun trồng lòng yêu nước.” 

Thư chung năm 1980 như một luồng gió mới, vừa mạnh mẽ. Người Công giáo Việt Nam đón nhận đường hướng mới trong niềm tin tưởng và dấn thân làm chứng Tin Mừng của Đức Kitô trong môi trường xã hội Việt Nam, đồng hành cùng các giới đồng bào, các tôn giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bằng những việc làm cụ thể như: lao động sản xuất, nơi công trường, nhà máy; đào kinh đắp đê làm thủy lợi, trồng trọt, chăn nuôi…Từ đó các nhạc sĩ đã sáng tác ra các bài hát động viên phong trào yêu nước của người Công giáo. Hàng năm, giới Công giáo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các buổi Hội diễn văn nghệ quần chúng trong đồng bào Công giáo được đông đảo các giáo xứ, dòng tu, các ca sĩ, nghệ sĩ Công giáo tham gia, đã diễn tả lòng yêu nước của người Công giáo Việt Nam đối với quê hương đất nước. Các bài hát: “Đồng hành cùng dân tộc” của linh mục Đan Tâm, “Trước khi là người Công giáo, tôi đã là người Việt Nam” của giáo xứ Tân Hòa,…Trong bầu khí phấn khởi vui tươi đó, nhạc sĩ Hùng Lân sáng tác bài hợp xướng “Sống Phúc Âm” từ được khởi hứng của Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Với những lời lẽ và cung nhịp diễn tả nội dung tâm tình vui tươi, phấn khởi được lan tỏa trong giới Công giáo được các ca đoàn giáo xứ Bùi Phát, ca đoàn giáo xứ Thạch Đà,… biểu diễn:
Công giáo hay không ta vẫn là người Việt Nam, ta người Viêt Nam.

Cùng chung một tổ Hùng Vương vẻ vang kiêu hùng, vẻ vang kiêu hùng.

Cùng chung một nền văn hiến có bốn ngàn năm, có bốn ngàn năm.

Cùng chung một lịch sử gây dựng bảo vệ quê hương, gây dựng bảo vệ quê hương.

Công giáo hay không, ta vẫn phải lo sống còn. 

Tồn tại với nước với non. 

Đồng hành cùng toàn dân thăng hoa, hiện đại đời ta.

Phồn vinh no ấm hơn xưa. 

Tranh đấu lao động, quyết tâm làm chủ non sông.

Rạng danh con cháu Tiên Long.

Kính Chúa yêu người bằng đôi tay với tấm lòng thiết tha.

Thành công tiên tiến nhân ra. 

Niềm tin như muối như men. 

Tạo nên sức sống vô biên.

Vì mọi người, cùng mọi người ta tiến lên! 

Cùng hát vang: Lời ước nguyện: 

Sống Phúc Âm trong giữa lòng dân tộc,

bằng yêu thương, là bằng yêu thương.

Bằng cảm thông, là bằng cảm thông.

Bằng khoan dung, công bình bác ái.

Khẳng định Tin Mừng hòa hợp sống chung.

Sống Phúc Âm trong giữa lòng dân tộc.

Biết hy sinh, biết hy sinh.

Biết quên mình, biết quên mình.

Biết đối thoại, tự kiểm, canh tân

Lúc chiến chinh cũng như khi thái bình.

Sống Phúc Âm trong giữa lòng dân tộc

là tạo xây thiên đàng dưới thế. 

Câu kết của bài hát nói lên sự đúng đắn và quyết tâm để thực hiện: “Sống Phúc Âm trong giữa lòng dân tộc là tạo xây thiên đàng dưới thế”. Thật vậy, nhạc sĩ Hùng Lân đã dùng âm nhạc tôn vinh Chúa và cổ vũ lòng yêu nước.
 
  • SIMON LẠI VĂN MIỄN
Thông tin khác:
Rộn ràng Giáng sinh (24/12/2020)
Vui lên mùa Noel đến rồi (24/12/2020)
Nhớ mãi mùa Giáng sinh (22/12/2020)
Tưng bừng lễ hội Noel 2020 (22/12/2020)
Thư chúc mừng Lễ Thiên Chúa Giáng sinh năm 2020 (22/12/2020)
Lăng mộ cổ Sài Gòn xưa (19/12/2020)
Tân giáo xứ nơi đảo xa (19/12/2020)
Hướng đến một lối sống khác (19/12/2020)
Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước (19/12/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log