Tin tức - Hoạt động

Ngày xuân, đọc các thư chúc mừng Giáng sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cập nhật lúc 14:54 08/02/2021
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu tôn giáo trong Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1960. Ảnh: TL
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu tôn giáo trong Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1960. Ảnh: TL
Giáng sinh là một lễ hội lớn của người Kitô giáo khắp thế giới và cũng là ngày lễ trọng của người Công giáo Việt Nam. Năm nay, dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng các nhà thờ đều rực rỡ ánh đèn trang trí, đều dựng Hang đá Bêlem. Ở Việt Nam, từ khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một thông lệ là hầu như năm nào cũng gửi thư chúc mừng Giáng sinh đến đồng bào Công giáo. Kể cả những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, không năm nào Chủ tịch Hồ Chí Minh không gửi thư đến đồng bào Công giáo. Thậm chí năm 1949, Người gửi tới 3 bức thư. Nhân kỷ niệm 75 năm bức thư chúc mừng Giáng sinh đầu tiên của Người gửi đến đồng bào Công giáo (25/12/1945), chúng ta hãy cùng đọc lại những bức thư chúc mừng Giáng sinh của Người.
Cảm nhận đầu tiên là trong nhiều bức thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành thái độ kính trọng với người sáng lập đạo Chúa:
“Cách đây một ngàn chín trăm bốn mươi nhăm năm trước, cũng ngày này hôm nay, một vị thánh nhân là Đức Chúa Giêsu đã ra đời.
Suốt đời Ngài chỉ hy sinh phấn đấu cho tự do, cho dân chủ. Từ ngày Ngài Giáng sinh đến nay đã gần 2000 năm, nhưng tinh thần nhân ái của Ngài chẳng những không phai nhạt mà tỏa ra đã khắp, thấm vào đã sâu” (1).
Đây không chỉ là lời nói xã giao. Trong cuốn sách không phải gửi riêng cho người Công giáo, Người đã tự nhận là “học trò nhỏ của các vị đó” trong số “các vị đó” có Đức Giêsu.
Thực dân Pháp bội ước, cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ được phát động. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi người Công giáo trong thư chúc mừng Giáng sinh năm 1946: “Toàn thể đồng bào ta không chia lương giáo, đoàn kết chặt chẽ, quyết lòng kháng chiến, để giữ gìn non sông Tổ quốc và cũng để giữ gìn tín ngưỡng tự do”. 
Cuộc kháng chiến chống thực Pháp thắng lợi, cuộc đấu tranh lại chuyển sang giai đoạn mới. Thư chúc mừng Giáng sinh năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
“Tôi mong đồng bào Công giáo ta hết lòng hết sức cùng toàn dân kiên quyết đấu tranh cho nước nhà thống nhất, giữ vững hòa bình. Tôi mong đồng bào Công giáo cũng như mọi người dân yêu nước, ra sức góp phần xây dựng miền Bắc của ta vững mạnh, cố gắng thi đua sản xuất làm cho nước mạnh, dân giàu” (2).
Chủ tịch Hồ Chí Minh theo dõi sát những đóng góp của người Công giáo để kịp thời biểu dương:
“Tôi thành thật khen ngợi những đồng bào Công giáo đang hăng hái tham gia kháng chiến cứu nước. Tôi mong tất cả đồng bào Công giáo chúng ta đoàn kết chặt chẽ với đồng bào toàn quốc, kháng chiến mạnh hơn để tiêu diệt bọn xâm lược, giải phóng Tổ quốc và làm sáng danh Đức Chúa” (3).
Chủ tịch Hồ Chí Minh tâm tình với người Công giáo bằng ngôn ngữ của người đồng đạo. Chúng ra từng xúc động khi Người gửi thư cho bác sĩ Vũ Đình Tụng có con trai hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô: “Ngài biết rằng, tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột… Họ là con thảo của Đức Chúa, họ đã thực hiện cái khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ quốc” (4).
Để tập hợp người Công giáo và huy động sự đóng góp của đồng bào , Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào Công giáo tham gia những công việc theo đúng giáo lý như cầu nguyện cho các liệt sĩ, cầu nguyện cho cuộc kháng chiến thắng lợi:
“Trong cuộc kháng chiến, nhiều đồng bào Công giáo đã hăng hái hy sinh. Tôi đề nghị toàn thể đồng bào Công giáo trong kỳ lễ Noen này cầu  nguyện cho linh hồn các chiến sĩ giáo và lương đã bỏ mình vì nước và cầu nguyện cho Tổ quốc ta được thắng lợi” (5).
Người không chỉ gửi thư cho người Công giáo Việt Nam mà còn gửi thư chúc mừng Giáng sinh cả người Công giáo ở nước ngoài để tranh thủ sự ủng hộ:
“Hỡi các bạn nhân dân Pháp!
Chúng tôi biết rằng các bạn không tán thành cuộc chiến tranh phi nghĩa này và các bạn tha thiết mong đợi hòa bình.
Chúng tôi cũng mong muốn hòa bình.
Vậy chúng ta hãy hợp sức lại”  (6).
Thậm chí cả tù binh Pháp, ngày Noen, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng gửi thư chúc mừng họ:
“Các bạn cũng như chúng tôi, đều là nạn nhân của bọn thực dân Pháp. Bọn này vì quyền lợi ích kỷ riêng của họ, chỉ muốn đi chinh phục nước người khác. Tôi mong một ngày gần đây, hai dân tộc Pháp Việt có thể cùng cộng tác trong hòa bình và thân ái để mưu hạnh phúc chung cho hai dân tộc” (7).
Người ta vẫn hay nói về thiên tài tiên tri của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thư Chúc mừng Giáng sinh năm 1948, Người đã đưa ra tiên đoán rất tài tình:
“Hôm nay, đồng bào lễ Chúa trong bầu khí chiến tranh và giặc Pháp đang còn giày xéo trên đất nước ta. Song rồi đây, thắng lợi sẽ cho chúng ta lễ Chúa long  trọng hơn, trong một bầu không khí vui vẻ và tươi sáng của một nước hoàn toàn thống nhất và độc lập” (8).
Lời tiên đoán này nay đã thành sự thật.
Có một quan điểm xuyên suốt ngay từ khi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Tổ quốc có độc lập, tôn giáo mới tự do. Đây chính là cơ sở để người Công giáo cùng nhân dân cả nước tham gia đấu tranh dành độc lập tự do cho dân tộc. Đó cũng là điểm tương đồng giữa người có đạo và không có đạo, là mục tiêu để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Khi tham dự hội nghị Fongtainnebleau năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao đổi thẳng với linh mục Cao Văn Luận:
“Trong Giáo hội Công giáo Việt Nam chưa có sự độc lập. Trên toàn quốc có 15 địa phận mà chỉ có hai địa phận do giám mục người Việt coi sóc, còn tất cả các địa phận khác đều nằm trong tay người nước ngoài. Tôi nghĩ rằng, những linh mục trẻ tuổi như ông phải hành động với chúng tôi, là đòi cho được sự độc lập của các địa phận Việt Nam” (9).
Khi về thăm giáo dân Phát Diệm tháng 1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói:
“Nước không độc lập thì tôn giáo không được tự do nên chúng ta phải làm cho nước độc lập đã. Hiện nay, chúng ta có nhiệm vụ chống ngoại xâm và trừ nạn đói nên chúng ta phải đoàn kết thì mới làm tròn nhiệm vụ của chúng ta” (10).
Mỗi dịp Tết đến xuân về, đọc lại những thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Công giáo nhân dịp Giáng sinh, người Công giáo càng thấy vững tin vào con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn cho dân tộc Việt Nam n
-----------------------------
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào Công giáo, Huy Thông tuyển chọn và giới thiệu, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật 2004: tr.48; 2-tr.68; 3-tr.135; 4-tr.70; 5-tr.99; 6-tr.115; 7-tr.67; 8-tr.109; 9- tr.299; 10- tr.298
Thông tin khác:
Đoàn kết tôn giáo tạo nên sức mạnh dân tộc (08/02/2021)
Phát huy sức mạnh của toàn dân khi tham gia công tác bầu cử (08/02/2021)
ĐTC Phanxicô sẽ tham dự trực tuyến Ngày Thế giới Tình Huynh đệ Nhân loại lần I (03/02/2021)
ĐTC thiết lập Ngày Quốc tế Ông bà và Người cao tuổi (02/02/2021)
Đức Thánh Cha ban hành Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2021 (01/02/2021)
ĐTC gửi sứ điệp cho HĐGM Philippines (28/01/2021)
Những “dấu hiệu hy vọng” tại bệnh viện Covid ở Roma (27/01/2021)
ĐTC công bố Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 55 (26/01/2021)
ĐTC Phanxicô kêu gọi các nước loại bỏ vũ khí hạt nhân (21/01/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log