Tin tức - Hoạt động

Đi giữa sắc xuân Đồng Hới

Cập nhật lúc 17:46 09/02/2021
Nhà ở khá gần Nghĩa trang Ba Dốc, cho nên dường như chiều 23 tháng Chạp năm nào, tôi cũng gặp ông - một người đàn ông trạc ngoài bảy mươi
Rực rỡ sắc màu hoa xuân Quảng Bình. Ảnh: CTV
Rực rỡ sắc màu hoa xuân Quảng Bình. Ảnh: CTV
1. Nhà ở khá gần Nghĩa trang Ba Dốc, cho nên dường như chiều 23 tháng Chạp năm nào, tôi cũng gặp ông - một người đàn ông trạc ngoài bảy mươi, dáng thấp đậm trong bộ quân phục sỹ quan đã nhạt màu theo năm tháng. Trước khi thắp hương cho đồng đội cũ, ông lại rảo bước một vòng xuống làng hoa Lý Trạch, ngay phía đông nghĩa trang để tự tay mình chọn cho được những bông hoa cúc vàng to nhất, đẹp nhất đặt trên mộ phần kính viếng, tưởng nhớ linh hồn của những người đã khuất. Còn tôi, một người cầm bút có sở thích lang thang đó đây vào những thời khắc giao mùa để ngắm nhìn xem thiên hạ chuẩn bị Tết nhất như thế nào và cũng là dịp để “chộp” vào ống kính những khoảnh khắc đẹp nhất ở những vườn hoa do chính bàn tay con người ở vùng đất vốn nổi tiếng với “đặc sản” gió Lào và cát trắng này kỳ công mang từ Đà Lạt về đây gây dựng. Và trong một lần lang thang như thế cách đây đúng 4 năm, tôi đã gặp ông và chúng tôi đã trở thành tri kỷ.
Từ làng hoa Lý Trạch, ông rảo bước thảnh thơi giữa phố xá Đồng Hới đang tấp nập người và xe xuôi ngược. Thành phố “Hoa Hồng” những ngày sắp đón xuân sang như lung linh, lộng lẫy hơn bao giờ hết, những chợ hoa, chợ cây cảnh được người dân khắp nơi chở về bày bán la liệt ở hai bên tuyến đường Lý Thường Kiệt, đường Trần Hưng Đạo, đường Mẹ Suốt cạnh dòng sông Nhật Lệ,…như đang đua nhau khoe sắc, giục giã gọi mùa xuân về... 
Ông bảo tôi: “Ngày 23 tháng Chạp năm nào mình cũng trở về Đồng Hới. Mỗi năm, trở về với thành phố Hoa Hồng, là mỗi lần mình cảm nhận được sự đổi thay đến diệu kỳ của vùng đất và con người ở đây, nơi một thời đã từng cưu mang, đùm bọc, chở che, yêu thương mình và đem lại cho mình những thứ quý giá nhất trên cõi đời này. Tháng Chạp là phải trở về chốn này, để được thêm một lần chạm tay vào đất, vào cát trắng bãi bồi, vào dòng nước mặn chát chảy qua dưới chân cầu Dài, nơi đã từng ghi dấu bao kỷ niệm của một thời trai trẻ…Đồng Hới, Quảng Bình, mảnh đất nắng gió này đối với mình thật có nhiều duyên nợ...”. 
Là lớp hậu sinh sau chiến tranh, tôi chưa thể hiểu hết nỗi lòng của một người từng trải như ông. Nhưng tôi luôn trân trọng những điều ông đã từng hoài niệm mỗi lần ông được trở lại với mảnh đất này. Âu đó cũng là một cách để tôi sẻ chia với ông những kỷ niệm buồn vui của ông một thời đối với Đồng Hới. 
2. Tôi còn nhớ như in một buổi chiều ngày 23 tháng Chạp cách đây đúng 4 năm, lúc tôi đang lang thang đi tìm những khoảnh khắc đẹp nhất của cái chợ hoa tự phát nằm ngay cạnh cầu Dài và tình cờ gặp ông, khi ông đang chạm tay xuống vốc lên từng nắm đất ngay dưới chân cầu, cho vào trong một chiếc lọ nhỏ để chuẩn bị mang đi. Chiều cuối đông, xuân đã chớm về trên phố nhỏ, dòng Nhật Lệ thật hiền hòa, quyến rũ. Ông và tôi - một già, một trẻ - ngồi cạnh nhau, mặc cho đôi chân trần vẫy vùng trong dòng nước lạnh đến tê buốt. Xa xăm nhìn về phía đông chân cầu, bao nhiều ký ức của ông lại ùa về trong hoài niệm. Người lính già, người kỹ sư xây dựng gốc Hà Nội ấy nguyên là cựu chiến binh của một đơn vị phòng không từng đóng quân ở phía nam bờ sông Nhật Lệ làm nhiệm vụ bảo vệ cầu ngầm Đồng Hới, với một khẩu hiệu hành động quyết tử: “Xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu xương”, để bảo vệ mạch máu giao thông cho những đoàn xe vượt sông vận chuyển hàng quân sự vào chiến trường miền Nam trong những năm đánh Mỹ. Đồng đội của ông, người còn, người mất, nhưng có người đã vĩnh viễn nằm lại với vùng đất linh thiêng bên dòng Nhật Lệ này. 
Sau khi xuất ngũ, được chuyển sang lĩnh vực xây dựng, ông lại có nhiều cơ hội để cùng đồng nghiệp trở lại Đồng Hới làm nhiệm vụ khảo sát, thiết kế và xây dựng những công trình giao thông, trong đó có cây cầu Dài đã từng gắn bó. 
Ông nhớ như in, năm 1986, ngầm cầu Dài đã được nạo vét lên cho con sông Nhật Lệ được thông dòng và cầu Dài đã được xây dựng lại bằng bê tông cốt thép 5 nhịp. Đúng vào ngày 01/9/1989, cầu đã được khánh thành đưa vào sử dụng. Tháng 5/2014 cùng với việc mở rộng tuyến đường Quốc lộ 1A, cầu Dài đã được xây dựng thêm một phần ở sát phía đông, cùng vị trí, cùng kích thước và kết cấu với chiếc cầu đã có, làm cho bề rộng của cầu Dài tăng lên 16 mét. Và có một điều đặc biệt, là trong đội quân tham gia xây dựng, mở rộng công trình này, có một người con trai út của ông cũng đã góp sức mình trên cương vị kỹ sư thi công.
3. Phố xá Đồng Hới chiều cuối năm có muôn vàn sắc hoa đang tô thắm cả đất trời. Tôi cùng ông – một trẻ, một già thong thả bước chân xuôi qua cầu Nhật Lệ. Ở phía bên kia, làng cát Bảo Ninh, quê hương Mẹ Suốt anh hùng đang khởi sắc từng ngày. Những công trình ngàn tỷ đã và đang được đầu tư xây dựng. Thấy chiếc cầu Nhật Lệ 2 ở phía nam bán đảo Bảo Ninh vươn mình qua hai bên bờ sông trông thật kỳ vĩ và ngạo nghễ, ông liền bảo tôi đưa ông sang đó. Đứng bên này sông, nhìn sang phía bên kia dòng Nhật Lệ, không ai bảo ai, tôi và ông - cùng đồng thanh cất lên lời ca tuyệt bút: “Bảo Ninh đây rồi không lụy đò đưa. Con sông quê bao đời cách trở. Bây chừ sang sông không sợ sóng bạc đầu…”. 
Tôi khoe với ông, đây là cây cầu dây văng độc nhất ở Quảng Bình vừa được hoàn thành trong năm 2019. Cây cầu trăm tỷ này khi hoàn thành sẽ tạo đà phát triển kinh tế cho một vùng rộng lớn của phía nam bán đảo Bảo Ninh, thúc đẩy phát triển du lịch khu vực phía đông Đồng Hới. Ngẫm nghĩ một hồi lâu, rồi ông bảo với tôi, giá như ông còn trẻ nữa, thì cái công trình đáng tự hào đằng kia và còn nhiều công trình khách sạn cao tầng đang ngày đêm gấp rút xây dựng ở trên quê hương Mẹ Suốt, các khu đô thị mới Phú Hải Riverside và nhiều công trình trăm tỷ, nghìn tỷ khác nữa làm sao mà có thể thiếu vắng bàn tay của ông được. 
Bởi vì, những công trình xây dựng trên khắp mọi nẻo đường của Tổ quốc, chính là tình yêu trong suốt cuộc đời của ông – một người lính già, một người kỹ sư xây dựng tuy tuổi đã cao, nhưng tâm hồn và lòng yêu say công việc như vẫn còn trẻ mãi…Ông bảo với tôi, không cần phải chờ đến 23 tháng Chạp năm sau, mà bất cứ khi nào, khi Đồng Hới có khởi công hay khánh thành một công trình xây dựng tầm cỡ nào đó, thì nhớ báo tin sớm, ông sẽ trở lại để chung vui cùng với cả Đồng Hới này.
Phố xá thời khắc giao mùa…, một già, một trẻ vẫn đang song hành bước đi thong thả giữa muôn vàn sắc xuân đang khe khẽ cựa mình. Ông bảo với tôi, năm nay, sau khi chia tay Đồng Hới, ông sẽ ghé ra Vũng Chùa, để được thắp một nén hương thơm kính viếng hương hồn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội anh hùng, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình “hai giỏi”. Rồi ông sẽ xin Đại tướng một nắm đất thiêng tại Vũng Chùa, gói ghém cẩn thận mang về Hà Nội, để kịp cùng với cả gia đình đón chào năm mới Tân Sửu 2021. 
Thời khắc chia tay đã đến, không ai bảo ai, tôi với ông - một trẻ, một già như đang nghĩ suy về một mùa xuân mới đang gõ cửa. Đó là một mùa xuân của niềm tin và hy vọng… 
Trương Văn Hà
Thông tin khác:
Xuân về muôn nơi (09/02/2021)
Tòa Tổng Giám mục thông báo về việc hạn chế sinh hoạt mục vụ trong tình dịch bệnh (09/02/2021)
Ngày xuân, đọc các thư chúc mừng Giáng sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (08/02/2021)
Đoàn kết tôn giáo tạo nên sức mạnh dân tộc (08/02/2021)
Phát huy sức mạnh của toàn dân khi tham gia công tác bầu cử (08/02/2021)
ĐTC Phanxicô sẽ tham dự trực tuyến Ngày Thế giới Tình Huynh đệ Nhân loại lần I (03/02/2021)
ĐTC thiết lập Ngày Quốc tế Ông bà và Người cao tuổi (02/02/2021)
Đức Thánh Cha ban hành Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2021 (01/02/2021)
ĐTC gửi sứ điệp cho HĐGM Philippines (28/01/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log