Tin tức - Hoạt động

Năm sửu nói chuyện cái “ách”

Cập nhật lúc 13:23 17/02/2021
Thời gian là một đơn vị miệt mài cần mẫn cứ lặng lẽ vượt đi qua mà không một thế lực nào ngăn cản nổi. Nó sắp đi qua năm Canh Tý và mở ra năm Tân Sửu. Đối với người Việt Nam, hình ảnh con trâu mang lại rất nhiều cảm xúc từ thân thương đến trái chiều đầy mặc cảm!
“Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi”. Ảnh: CTV
“Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi”. Ảnh: CTV
Thời gian là một đơn vị miệt mài cần mẫn cứ lặng lẽ vượt đi qua mà không một thế lực nào ngăn cản nổi. Nó sắp đi qua năm Canh Tý và mở ra năm Tân Sửu. Đối với người Việt Nam, hình ảnh con trâu mang lại rất nhiều cảm xúc từ thân thương đến trái chiều đầy mặc cảm!
Vào những thập niên chiến tranh, đất nước ta còn là nước nông nghiệp lạc hậu đặc trưng bằng hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” thì tục ngữ Việt Nam sánh ví “con trâu là đầu cơ nghiệp của nhà nông”. Con trâu khi đó đi vào ca dao với những hình ảnh thật thân thương:
“Trâu ơi ta bảo trâu này,
Trâu ăn no cỏ trâu cày với ta”.
Kéo cày vỡ đất là sức lao động được sản ra để đổi lấy lương thực. Vì thế cổ nhân Việt Nam đã nhắn nhủ:
“Muốn no thì phải chăm làm
Một hạt thóc vàng, chín hạt mồ hôi”.
Từ đó phát sinh sáng kiến đưa trâu vào kéo cày để tận dụng sức mạnh của con trâu và giảm sức lao động cho con người. Sáng kiến này không biết xuất xứ từ thuở nào nhưng cũng chính từ đó mà hình ảnh cái ách đặt lên vai trâu ngựa trở nên nghiệt ngã. Trong thế giới con người thì ách nặng nhất là ách nô lệ. Nô lệ không được coi là người mà là một vật, một thứ tài sản, tương đương với dụng cụ hay súc vật. Kinh thánh Cựu Ước đã kể lại câu chuyện tổ phụ Giuse bị anh em bán cho đoàn thương gia đi sang Ai Cập. Từ thân phận một nô lệ, Thiên Chúa quan phòng đã dẫn dắt qua nhiều sự kiện lịch sử đưa Giuse tới địa vị thủ tướng Ai Cập và với cương vị này, Giuse đã cứu cả dòng họ Ixraen gồm 70 người sang Ai Cập tránh nạn đói khủng khiếp mất mùa 7 năm liền. Thời gian hơn 400 năm ở Ai Cập đủ sản sinh một dân tộc Do Thái hùng hậu, đó là một phúc lành của Thiên Chúa nhưng cũng là một mối lo ngại sâu sa cho các Pharaô Ai Cập. Từ đó dân tộc Do Thái này đã phải chịu một hệ lụy: “Người Ai Cập đã ngược đãi, hành hạ chúng tôi và đặt ách nô lệ trên vai chúng tôi” (Dnl 26,6).
Oằn lưng dưới chế độ hà khắc của đất nước tha hương, dân tộc Do Thái chỉ còn biết đặt trót niềm hy vọng vào Thiên Chúa, Đấng lãnh đạo độc tôn mà họ tôn thờ. Cuối cùng, qua ngôn sứ Giêrêmia, Thiên Chúa đã lên tiếng: “Trong ngày ấy - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA các đạo binh - Ta sẽ bẻ gãy ách đè trên cổ ngươi, sẽ tháo xiềng xích trói buộc ngươi. Ngoại bang sẽ không bắt ngươi làm tôi nữa” (Gr 30,8).
Ngày ấy đã đến, ngày lịch sử cứu độ được sang trang Tân Ước: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Đức Giêsu Kitô người thành Nazareth đã đến tiêu diệt quyền lực ma quỷ và án tử hình đời đời do nguyên tổ để lại: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” (Lc 4,34). Chỉ mình Ngài có quyền biến đổi sự dữ thành sự lành, biến đổi cái giá hình chữ thập dùng đóng đinh phạm nhân tử hình thành Thánh giá mang ơn cứu độ. Cũng chính Ngài đã lên tiếng kêu mời: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,29-30).
Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, chúng ta được nghe tuyên bố “Ách êm ái”. Từ nay mọi sự đều được biến đổi trong Đức Giêsu, mọi sự đều được thánh hóa nhờ Đức Giêsu. “Thánh hóa” định nghĩa ngắn gọn là “hóa Thánh”! Mọi việc, mọi sự kiện trong cuộc đời mỗi người chúng ta đều sẽ được biến đổi nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô. Chính thánh Phaolô đã khẳng định cho chúng ta điều này: “Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,21).
Năm Tân Sửu đang về trên quê hương đất nước chúng ta. Mùa xuân mang đầy sức sống, trăm hoa đua nở, thay thế cho một mùa đông ảm đạm qua đi. Lòng người cũng đang mong một cuộc biến đổi để năm mới an lành, hạnh phúc hơn năm cũ. Tuy nhiên dù năm mới có an lành đến mấy thì cũng dần thành cũ và buộc phải đội nón ra đi dành lại cho một năm mới với nhiều hy vọng tươi sáng hơn. Đây chính là một thực tế phũ phàng mà ai cũng phải đối diện để rồi kết lại chỉ còn niềm hy vọng phía trước là tốt đẹp. Có một thực tế khác cũng đang biến đổi để những ai tin vào Đức Giêsu Kitô lại có thể đi từ niềm hy vọng trở thành thực tế, đó là đi từ ách nặng nề trâu ngựa, nô lệ tới ách của Chúa Giêsu êm ái nhẹ nhàng. Hay nói một cách thực tế hơn, dù ách nặng nề của cuộc sống trần thế đè nặng, ta vẫn có quyền ngước nhìn lên Đức Giêsu Kitô để biến đổi trong đức tin: Đức tin mang lấy ách của Chúa Giêsu, và cảm nghiệm đây chính là ách êm ái nhẹ nhàng.
Lm Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
Thông tin khác:
Tục lệ ngày Tết với người Công giáo (17/02/2021)
Đồng bào Công giáo Lạng Sơn vui Tết cổ truyền (17/02/2021)
Đi giữa sắc xuân Đồng Hới (09/02/2021)
Xuân về muôn nơi (09/02/2021)
Tòa Tổng Giám mục thông báo về việc hạn chế sinh hoạt mục vụ trong tình dịch bệnh (09/02/2021)
Ngày xuân, đọc các thư chúc mừng Giáng sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (08/02/2021)
Đoàn kết tôn giáo tạo nên sức mạnh dân tộc (08/02/2021)
Phát huy sức mạnh của toàn dân khi tham gia công tác bầu cử (08/02/2021)
ĐTC Phanxicô sẽ tham dự trực tuyến Ngày Thế giới Tình Huynh đệ Nhân loại lần I (03/02/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log