Tin tức - Hoạt động

Để Tết nay vui như Tết xưa

Cập nhật lúc 15:29 23/02/2021
* Tết xưa - vui vẻ và háo hức
Tết xưa, trong ký ức của nhiều bậc cao niên hay trong những câu chuyện kể lại, luôn là thời điểm bận rộn nhưng vui vẻ, đầm ấm nhất trong năm của mọi gia đình Việt Nam.
Mặc cho đời sống vẫn còn nhiều lo toan, túng thiếu, người người vẫn mong đến Tết. Tết - không chỉ là thời gian để nghỉ ngơi sau tháng ngày lao động mệt nhọc, nó còn là dịp để mọi người mời nhau thưởng thức những món ngon, vật lạ mà quanh năm vất vả bận rộn không có điều kiện chuẩn bị.
Vì thế, xưa kia “Ăn Tết” chỉ có 3 ngày, nhưng việc chuẩn bị Tết luôn được tính toán chu đáo, cẩn thận gần như cả năm.
Việc quan trọng nhất và cũng mất nhiều công nhất cho Tết là nuôi lợn. Giống lợn quê cho ăn cám nấu cây chuối dọc khoai hay bèo tấm, sức lớn mỗi tháng chỉ 4-6 kg, nên để đạt trọng lượng 50-60kg thịt cho Tết phải nuôi từ đầu năm.
Tết đến mổ con lợn ra mới có điều kiện bày vẽ trước cúng sau ăn. Cái thủ thường dùng gói giò (gọi là giò thủ), đôi thăn giã nhuyễn gói giò lụa, cũng có nhà gói cả giò mỡ. Chả rán thì dùng thịt nạc giã nhuyễn nặn như chiếc đĩa, chả nướng thì thái miếng ướp hành nước mắm, cũng ướp cả riềng mẻ nữa, vót tre làm xiên mỗi xiên 7-8 miếng.
  Những khổ thịt ba chỉ hay nửa nạc nửa mỡ luộc qua cho cứng lại rồi thái thỏi bề ngang vài ngón tay, đem áp chảo. Sườn thì chặt quân cờ cặp gắp nướng chả vè hoặc tút xương làm chả chìa. Xương để hầm măng khô. Món nem thính gói lá ổi cũng nhiều nhà làm, vì có nó, hương vị Tết mới đậm đà...
Thứ đến là bánh chưng - bánh chưng ở miền Bắc, bánh tét ở miền Nam là hai món không thể thiếu trong mâm cỗ Tết cổ truyền người Việt. Với những nhà có điều kiện, ngay từ đầu tháng Chạp đã lo đủ gạo nếp, đậu xanh... Thậm chí đến những chiếc lá dong để gói, những chiếc lạt để buộc bánh cũng phải lo liệu trước.
Với nhà dân còn nghèo hạt gạo tự mình làm ra song ngặt một nỗi là chiếc nồi đồng luộc được ba bốn chục bơ gạo không có phải đi mượn.
Trước Tết khoảng rằm tháng Chạp nhà nào cũng làm dưa hành. Hành củ to tròn, mua về ngâm nước gio bếp 5 ngày, rồi bóc vỏ cắt rễ trộn muối hai ngày sau thì đổ nước ngâm, mất 7-8 ngày nữa củ hành mới hết cay chuyển thành dưa chua dôn dốt. Không phải món chính, nhưng trên mâm cỗ ngày Tết không thể thiếu món này. Đó là món ăn làm tan ngay cái ngấy của thịt, của mỡ, những món ăn chính. Do vậy, dù giản dị và thanh đạm, dưa hành vẫn được xếp vào 6 loại phẩm vật đặc trưng của Tết cổ truyền: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.
* Để Tết nay trọn vẹn và vui vẻ 
Ngày nay cuộc sống ngày càng đủ đầy, các phong tục, thói quen trong dịp Tết cũng dần thay đổi. Việc ăn uống trong ngày Tết không còn quá quan trọng, chuẩn bị Tết cũng không phải cầu kỳ, vất vả như trước.
Bánh chưng, lợn, gà… xưa vốn là món quý chỉ dùng trong những dịp đặc biệt như lễ, Tết, thì nay đã là món ăn hàng ngày và đều dễ dàng mua được. Do đó, nhiều gia đình duy trì tục gói bánh chưng nhưng chỉ là để vui, để cho có không khí ngày Tết.
Tết xưa coi trọng sự sum họp gia đình. Tết nay cũng vậy, song tiến lên thêm là tổ chức du lịch. Tết xưa tình làng nghĩa xóm vẹn tròn, song về vật chất hầu như từng nhà tự lo liệu. Tết nay cả xã hội chăm lo gia đình nghèo, gia đình chính sách. Tết xưa sự ấm áp giữa người thân thường diễn ra bên chén trà, cốc rượu, ngọn lửa... Tết nay sự quan sát và hiểu biết được mở rộng do hệ thống thông tin đại chúng ngập tràn. Tất nhiên, Tết nay cuộc sống công nghiệp hơn, bận rộn hơn, vất vả và khẩn trương hơn, đòi hỏi sự nỗ lực của từng người, từng nhà nhiều hơn. Thêm nữa Tết nay gấp bội trò chơi giải trí sẽ ở với Tết xưa, nên cũng xuất hiện không ít sự đam mê tội lỗi. Thiết nghĩ do sự bận rộn khiến người ta quên đi giá trị ban đầu của ngày Tết cổ truyền và lý do vì sao lại có Tết. Tết rất cần những sự sẻ chia, những tấm lòng chân tình, để đọng lại những giá trị truyền thống thiêng liêng. Hãy cùng nhau làm nên một mùa Tết trọn vẹn, vui vẻ.
Thu Hạnh
Thông tin khác:
ĐTC gửi sứ điệp cho các nhà tổ chức sáng kiến quyên góp vật tư y tế cho Peru chống đại dịch (22/02/2021)
Nét đẹp văn hóa trong phong tục mừng tuổi ngày Tết? (17/02/2021)
Người Nam Bộ đón Tết (17/02/2021)
Dấu ấn lịch sử giáo phận Bùi Chu trong những năm Sửu (17/02/2021)
Năm sửu nói chuyện cái “ách” (17/02/2021)
Tục lệ ngày Tết với người Công giáo (17/02/2021)
Đồng bào Công giáo Lạng Sơn vui Tết cổ truyền (17/02/2021)
Đi giữa sắc xuân Đồng Hới (09/02/2021)
Xuân về muôn nơi (09/02/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log