Tin tức - Hoạt động

Tết nguyên đán của người dân nơi chỉ có “nắng và gió”

Cập nhật lúc 15:33 23/02/2021
Tết nguyên đán của người dân nơi chỉ có “nắng và gió”
Ngày lễ Tết không phải là của riêng từng gia đình mà là ngày hội họp chung vui của cả dân làng.

Trước đây, người Tây Nguyên không ăn Tết Nguyên đán như người Kinh, mà họ có hệ thống lễ Tết riêng, nhưng từ vài chục năm nay, văn hóa và lối sống của người Kinh và người Tây Nguyên ngày càng xích lại gần nhau bởi người dân của mọi miền Tổ quốc di dân về đây lập nghiệp, giữa 2 nền văn minh nương rẫy và lúa nước có sự giao thoa với nhau, thì người Tây Nguyên cũng đã ăn Tết âm lịch như người Kinh.
Những ngày Tết, chính quyền các địa phương đều cấp tiền đủ để các làng tổ chức được một bữa ăn tết tập thể cho bà con, ngoài ra các cơ quan ban ngành đoàn thể, bà con hàng xóm còn tổ chức các đoàn đi thăm, chúc Tết và tặng quà Tết... làm cho không khí Tết cổ truyền đến với các Buôn làng, không phân biệt Tết Kinh, Tết Thượng...
Tuy thế, khi đến Tết của mình thì người Tây Nguyên vẫn tổ chức, nhưng không còn như xưa, nhưng những lễ hội ấy vẫn thấm đẫm bản sắc, vẫn là những sự kiện được dân du lịch tìm đến để chiêm ngưỡng.
Tết Tây Nguyên thường gắn liền với 'nắng và gió' thêm vào đó là mùa hoa dã quỳ (loài hoa được xem là biểu tượng cho mảnh đất và con người Tây Nguyên). Hoa dã quỳ thường nở vào mùa khô báo hiệu một cái Tết đang về. Theo các già làng người dân tộc thiểu số, trước đây, người dân bản địa nơi đây tính năm bằng mùa hoa dã quỳ. Khi dã quỳ nở vàng trên các quả đồi là năm mới đã đến, trẻ con có thêm một tuổi để lớn khôn, người già có thêm tuổi thọ để sống vui cùng con cháu. Sẽ không còn hương vị Tết Tây Nguyên nếu thiếu hoa dã quỳ.
Mảnh đất và con người Tây Nguyên, hoa dã quỳ có sức sống mãnh liệt đến lạ kỳ. Trong cái nắng, lạnh, nơi giáp ranh biên giới hai nước bạn Lào và Camphuchia gió bất đến nao lòng, cây dã quỳ vẫn vươn lên thẳng đứng, lá dã quỳ xanh đến không thể xanh hơn và hoa nở vàng rực đến không thể vàng hơn. Chào đón ngày Tết, hoa dã quỳ đua nhau khoe sắc vàng dọc khắp các triền đồi, hai bên đường. Vì là nơi quần cư của các dân tộc trên cả nước nên khó có nơi nào người dân được đón một cái Tết với đủ hương vị vùng miền như ở Tây Nguyên. Trong tâm thức mỗi người dân Tây Nguyên, Tết luôn mang chút hương vị ngày xuân ở nơi mình sinh ra đến nơi mình lớn lên và rượu cần, cơm lam của người dân tộc bản địa nơi đây không thể thiếu trong dịp Tết đến xuân về.
Ngày Tết, bà con người dân tộc thiểu số cũng sắm bánh chưng với củ kiệu, cũng đặt cho mình những ghè rượu cần để họp mặt gia đình, bè bạn đầu năm. Cùng xóm, cùng làng, Tết đến người dân Tây Nguyên ghé thăm nhau chúc mừng năm mới, lại có dịp thưởng thức đặc sản của các vùng miền. Bởi vậy, mỗi dịp Tết đến, xuân về, mỗi người dân Tây Nguyên như được hòa mình vào không khí Tết của khắp mọi vùng miền đất nước, được thưởng thức những đặc sản, những cách đón Tết cổ truyền của khắp vùng miền trong cả nước.
Ngày Tết Nguyên đán đã trở thành ngày vui chung của cộng đồng các dân tộc anh em. Bà con thư giãn, nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả. Ngày Tết Nguyên đán, người dân tộc Ba Na, Xê Đăng, Gia Rai, Rơ Mâm... cũng đến thăm nhà nhau và cùng nhau cầu chúc một năm mới tốt lành. Họ ăn Tết cùng đồng bào người Kinh, song họ vẫn giữ những bản sắc riêng của dân tộc mình.
Tết Nguyên đán, tuy không phải là Tết cổ truyền của người dân tộc bản địa, song xuất phát từ nhu cầu thực tế, đời sống bà con ngày một no đủ hơn nên đón Tết đã trở thành chuyện vui của mỗi nhà.
Văn Dung
Thông tin khác:
Để Tết nay vui như Tết xưa (23/02/2021)
ĐTC gửi sứ điệp cho các nhà tổ chức sáng kiến quyên góp vật tư y tế cho Peru chống đại dịch (22/02/2021)
Nét đẹp văn hóa trong phong tục mừng tuổi ngày Tết? (17/02/2021)
Người Nam Bộ đón Tết (17/02/2021)
Dấu ấn lịch sử giáo phận Bùi Chu trong những năm Sửu (17/02/2021)
Năm sửu nói chuyện cái “ách” (17/02/2021)
Tục lệ ngày Tết với người Công giáo (17/02/2021)
Đồng bào Công giáo Lạng Sơn vui Tết cổ truyền (17/02/2021)
Đi giữa sắc xuân Đồng Hới (09/02/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log