Nhà lưu trú sắc tộc Têrêsa, Dòng tu Nữ vương Hòa bình - Nơi chắp cánh cho các em nhỏ người dân tộc thiểu số trên hành trình tìm kiếm con chữ, khơi dậy ở các em sự yêu thích, trân trọng và mong muốn lưu giữ bản sắc văn hóa. Ảnh: Hoàng Hải |
Khơi dậy tình yêu thiên nhiên Sơ Nguyễn Thị Thuận phụ trách nhà lưu trú sắc tộc Têrêsa dành thời gian đưa chúng tôi đến thăm vườn rau xanh nằm ngoại ô thành phố Buôn Ma Thuột.
Vườn rau rộng hơn 1,5 hecta đủ loại rau ăn lá, rau thơm, củ quả... trồng trong nhà kính và ngoài trời. Tại đây, hàng chục thanh thiếu niên có mặt tại vườn từ sáng tinh sương để lao động. Mỗi người một việc từ làm cỏ, bón phân đến thu hoạch, sơ chế phân loại rau củ để kịp giờ giao cho khách hàng. Mùa nào, rau củ ấy, tất cả đều làm thủ công, không thuốc trừ sâu, phân hóa học... Mồ hôi đổ dài trên khuôn mặt, các em vẫn nở nụ cười tươi, rôm rả trò chuyện, xua đi cái lạnh mùa đông.
Em H’Vân (người M’Nông, nhà ở huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông), hiện đang học lớp 11 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Đắk Lắk cho biết: Mỗi ngày, em và các anh chị ở nhà lưu trú có một giờ lao động trên rẫy, trong nhà dệt hay xưởng gia công đồ mỹ nghệ, hoặc xưởng chế tác nhạc cụ. Thời gian lao động của mỗi người linh động phù hợp với lịch học tập trên trường. Với H’Vân, những công việc này rất gần gũi, đem đến nhiều niềm vui, tạo sự gắn kết thân thiết giữa các thành viên.
H’Vân đến nhà lưu trú vào năm 2017, khi em đang học lớp 10 và sắp phải nghỉ học do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Nhờ các sơ nhà lưu trú dang tay cưu mang giúp đỡ, H’Vân mới có cơ hội tiếp tục đến trường, học được thêm nhiều điều lạ trong cuộc sống mới.
Sơ Thuận cho hay: Vườn rau này do chính tay các sơ và các em trong nhà lưu trú trồng, chăm sóc hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ organic của người Nhật, an toàn và thân thiện với môi trường. Các sơ không đặt nặng năng suất lao động mà muốn thông qua mô hình trồng rau để giáo dục tính kỷ luật, thành quả hưởng thụ trong lao động, lan tỏa tình yêu thiên nhiên cho các em nhỏ. Từ đây, mỗi thành viên trưởng thành từ ngôi nhà chung Têrêsa khi về buôn làng đã trở thành hạt nhân tiên phong về kỹ thuật canh tác hiện đại, tôn trọng thiên nhiên, đặt lợi ích môi trường và cộng đồng lên hàng đầu.
...và niềm tự hào nguồn cội Không chỉ giáo dục tình yêu thiên nhiên, các em trong nhà lưu trú sắc tộc Têrêsa còn được học nghề dệt thổ cẩm, chơi các loại nhạc cụ dân tộc... nhằm khơi dậy niềm tự hào bản sắc dân tộc, khát vọng lưu giữ văn hóa truyền thống của cộng đồng mình.
Trong không gian tĩnh lặng ở nhà lưu trú, ta vẫn nghe rõ tiếng tí tách phát ra từ khung cửi dệt, tiếng sáo thổi, tiếng đàn T’rưng giòn giã, thánh thót. Chăm chú theo từng đường chỉ dệt hoa văn Êđê lên dây đeo túi xách nhỏ bé, em H’Juel H’long (huyện Krông Bông, Đắk Lắk) tâm sự: Từ nhỏ em đã thích nghề dệt thổ cẩm. Trong gia đình mẹ và bà em đều biết dệt nhưng họ đã bỏ khung cửi từ lâu vì không thể sống vì nghề.
Đến với nhà lưu trú, H’Juel được vào lớp học dệt thổ cẩm do các nghệ nhân thạo nghề truyền dạy. Sau 3 tháng, em đã biết dệt và tạo hình hoa văn cơ bản trên thổ cẩm. Sau 5 năm học tại đây, H’Juel được các sơ nhà lưu trú giữ lại làm cô giáo dạy nghề dệt thổ cẩm cho các thế hệ đàn em. Công đoạn khó nhất của nghề dệt là tạo hình hoa văn, H’Juel luôn chú ý truyền dạy kỹ năng này để các em biết cách tạo ra nhiều họa tiết đẹp, sắc sảo. Hiện H’Juel đang theo học lớp Nghiệp vụ nhà hàng-khách sạn tại trường Trung cấp nghề Đắk Lắk. H’Juel mong muốn ra trường sẽ tìm được công việc ổn định, tự lập cuộc sống, còn nghề dệt thổ cẩm em vẫn gìn giữ bởi đó là nghề truyền thống dân tộc.
Trong các thành viên ở nhà lưu trú sắc tộc Têrêsa, Tis-chàng trai người Xê Đăng (huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) hiền lành, ít nói, có niềm đam mê đặc biệt với nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên. Tis đến nhà lưu trú từ tuổi tiểu học, bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ nhỏ. Sau giờ lên lớp, Tis dành nhiều thời gian tìm hiểu các loại nhạc cụ như: Ching kram, đinh năm, đinh puốt, đinh tặc tà, đàn t’rưng, đàn đá... Càng tìm hiểu sâu Tis càng bị những âm thanh khi trầm khi bổng, lúc réo rắt như chim hót, lúc lại ầm ào như mưa nguồn, gió núi của các nhạc cụ này mê hoặc. Tis còn tìm đến các buôn làng để tìm hiểu, tiếp xúc với các nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm trong chế tác, sử dụng nhạc cụ. Rồi anh lặn lội vào tận các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông lựa chọn từng cây tre, ống nứa, cưa về mày mò chế tác. Sau nhiều lần thử nghiệm, Tis đã tự chế tác thành công đàn đá, đàn T’rưng, sáo vỗ, bộ đệm gõ...
Tis chia sẻ: Mỗi loại nhạc cụ đều có màu sắc âm thanh riêng biệt. Tis phải quan sát, lắng nghe kỹ âm thanh phát ra, thấu hiểu âm điệu mới bắt chuẩn “linh hồn” nhạc cụ. Những thanh tre nứa, viên đá thô sơ qua bàn tay mài dũa của Tis đều cho âm thanh trong trẻo, thánh thót hút hồn người nghe.
Tis trở thành người truyền lửa đam mê âm nhạc Tây Nguyên đến các em nhỏ ở nhà lưu trú sắc tộc Têrêsa. Thời gian rỗi, Tis tập trung các em lại dạy cách chế tác, sử dụng từng loại nhạc cụ. Tis cũng là thành viên chủ chốt của đội văn nghệ ở nhà lưu trú thường đi biểu diễn nhiều nơi trong tỉnh. Điều Tis tự hào nhất là đưa được văn hóa, vẻ đẹp của vùng đất, con người Tây Nguyên đến nhiều người thông qua các bản nhạc êm dịu, sâu lắng từ những thanh tre, nứa, hòn đá vô tri