Với bề dày lịch sử 4000 năm văn hiến của dân tộc Việt Nam thì thời điểm đạo Công giáo được truyền vào Việt Nam không phải là sớm. Vậy nên, trước khi trở thành một tín hữu Công giáo họ đã là một con dân đất Việt với đầy đủ những phẩm chất cao đẹp như: truyền thống đoàn kết, lòng yêu nước nồng nàn, sức mạnh quật cường chống giặc ngoại xâm, tinh thần tương thân tương ái cũng như đạo hiếu uống nước nhớ nguồn...
Hơn thế nữa, tinh thần Phúc âm của đạo Công giáo hoà quyện vào tinh thần dân tộc nơi người Công giáo Việt Nam đã giúp người tín hữu trở thành những công dân gương mẫu như trong Huấn từ của Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI “Người tín hữu tốt là người công dân tốt”. Nêu cao truyền thống "Sống Phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào", trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước hiện nay, những đóng góp của người Công giáo Việt Nam cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc rất đáng tự hào.
Trong lịch sử dân tộc
Ngay từ buổi sơ khai trong công cuộc truyền giáo, các giáo sĩ dòng phương Tây đã góp công xây dựng và hình thành một loại chữ viết làm công cụ truyền giáo nhưng nó cũng trở thành công cụ giúp ích rất lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam. Và ngày nay, nó đã trở thành chữ quốc ngữ mà chúng ta đang sử dụng.
Khi đất nước trong cơn nguy biến những linh mục như Nguyễn Văn Tường (l852-1917), Đậu Quang Lĩnh (1870-1941), Nguyễn Thần Đồng (1866-1944) đã tham gia các tổ chức yêu nước chống Pháp của Phan Bội Châu nên đã bị bắt đầy ra Côn Đảo và có người đã chết trong tù... Tuy nhiên, những hành động yêu nước lúc đó mới chỉ là những hoạt động riêng lẻ, có tính chất cá nhân hay một nhóm người Công giáo chứ chưa phải là một bản hoà ca của cả cộng đồng Công giáo Việt Nam.
Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước vẫn âm ỷ cháy lâu nay trong cộng đồng Công giáo thành một cao trào sâu rộng. Hàng chục ngàn đồng bào Công giáo ở Vinh, Huế, Thái Bình đã xuống đường biểu tình ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh. Cả 4 Giám mục người Việt Nam lúc đó đã cùng ký tên vào Bức điện văn gửi Toà thánh và Ki-tô hữu toàn thế giới yêu cầu ủng hộ nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đồng thời bày tỏ quyết tâm bảo vệ đất nước đến cùng. Các giám mục, linh mục và giáo dân ở Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã gửi thư lên Chủ tịch Hồ Chí Minh cam kết: "Dù phải hy sinh xương máu để kiến thiết nước nhà tự do hạnh phúc hoàn toàn, thì chúng tôi cũng sẵn sàng không ngần ngại". Nhiều linh mục, giáo dân đã ra gánh vác những trọng trách trong chính quyền nhân dân ngay buổi đầu khi chính quyền mới được thành lập như Linh mục Phạm Bá Trực tham gia làm Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội, các ông Vũ Đình Hoè làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, bác sĩ Vũ Đình Tụng làm Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Mạnh Hà làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế, ông Ngô Tử Hạ là Cố vấn Chính phủ... Giám mục Hồ Ngọc Cẩn (Giáo phận Bùi Chu) trong Tuần lễ vàng đã ủng hộ Chính phủ kháng chiến của Cụ Hồ cả dây chuyền vàng Giám mục.
Khi thực dân Pháp quay lại chiếm nước ta một lần nữa, nhiều linh mục tu sĩ, giáo dân đã vào bưng biền tham gia kháng chiến và lập ra Hội Công giáo kháng chiến Nam Bộ. Có gia đình cả nhà gồm 3 linh mục, 1 nữ tu đều tham gia kháng chiến như gia đình Linh mục Nguyễn Bá Luật. Tại các khu vực khác cũng có các tổ chức kháng chiến của người Công giáo như Uỷ ban Liên lạc Công giáo kháng chiến Liên khu 3, Uỷ ban Liên lạc Công giáo kháng chiến khu Tả Ngạn, Hội Công giáo kháng chiến khu Việt Bắc... Để tập trung sức mạnh của toàn thể người Công giáo trên quy mô cả nước, các linh mục Vũ Xuân Kỷ, Hồ Thành Biên, Nguyễn Bá Luật, Lương Minh Ký, Trần Quang Nghiêm, ... đã quy tụ những tổ chức trên và lập ra tổ chức “Uỷ ban liên lạc những người Công giáo Việt Nam yêu tổ quốc yêu hoà bình” tiền thân của “Uỷ ban đoàn kết Công giáo Việt Nam” ngày nay.
Có thể nói rằng những đóng góp của người Công giáo Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng chính là những đóng góp của toàn dân tộc Việt Nam nói chung. Đó chính là niềm tự hào lớn lao của cả dân tộc Việt Nam anh hùng. Bao nhiêu người đã ngã xuống hi sinh, làm dày lên những trang sử hào hùng của dân tộc mà người Công giáo đã góp một phần không nhỏ để viết lên.
Trong sự nghiệp xây dựng đổi mới đất nước
Khi đất nước hoàn toàn độc lập, được sự hướng dẫn của các Giám mục Việt Nam qua Thư chung năm 1980 "Quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, đồng hành với dân tộc, phục vụ hạnh phúc đồng bào", người Công giáo càng thêm vững tin vào con đường đồng hành với dân tộc mà mình đã chọn lựa, nên đã cùng với đồng bào cả nước thi đua lao động sản xuất, xây dựng đất nước vượt qua những khủng hoảng xã hội sau chiến tranh.
Những lớp học tình thương tại các giáo xứ dành cho trẻ em nghèo thất học. Ở đâu bà con giáo dân cũng đóng góp hàng vạn ngày công, ủng hộ hàng chục, hàng trăm triệu đồng vào việc sửa chữa, nâng cấp, xây mới các cơ sở trường lớp. Quan tâm tới công tác này, nhiều Đức Giám mục trong các giáo phận, các vị linh mục, nam nữ tu sĩ trong các cơ sở dòng tu đã trực tiếp tham gia, đóng góp công sức, vận động giáo dân và ủng hộ tiền bạc trong việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục. Nhiều cơ sở giáo dục và các trường lớp mầm non do đồng bào Công giáo đảm trách luôn được đánh giá là những đơn vị dạy và học có chất lượng, đạt kết quả và thành tích cao trong công tác, học tập và rèn luyện. Điển hình là các Trường Khuyết tật tình thương Mỹ Lâm (tỉnh Kiên Giang), Trường Mẫu giáo Măng Non (thành phố Đà Nẵng), Trường Dân lập Hùng Vương Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang)... Trường Mầm non tư thục Sao Mai tỉnh Bình Định do các nữ tu phụ trách đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen. Nhằm hỗ trợ các cháu có hoàn cảnh khó khăn, cho đến nay, nhiều xứ, họ đạo trong các giáo phận trên cả nước đã thành lập "Quỹ Khuyến học", tổ chức các hoạt động phong phú, kịp thời hỗ trợ các cháu nghèo vươn lên, kịp thời khen thưởng và động viên các cháu có nhiều thành tích trong học tập và rèn luyện.
Nổi bật là công tác từ thiện bác ái. Nhiều địa phương, bà con giáo dân luôn có các hoạt động phong phú trong công tác đóng góp ủng hộ đồng bào bị thiên tai, trợ cấp các bệnh nhân nghèo, trẻ mồ côi, người già cô đơn không nơi nương tựa. Với tinh thần "Yêu thương và phục vụ", nhiều xứ, họ đạo trên địa bàn cả nước đã xây dựng "Quỹ tình thương", nhiều ngôi nhà tình thương được trao tặng cho người có hoàn cảnh khó khăn. Phong trào "Lon gạo tình thương", "Nồi cháo không bao giờ cạn" nhằm giúp bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện luôn được duy trì đều đặn ở nhiều nơi. Các phòng khám nhân đạo từ thiện, các đợt tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo, những người ở vùng sâu, vùng xa luôn là những hoạt động sôi nổi ở nhiều xứ họ. Đặc biệt là những tấm gương tận tuỵ của các nữ tu ở các trại phong cùi như chị Nguyễn Thị Mậu ở trại phong Di Linh (Lâm Đồng) đã trở thành những hình ảnh đẹp trong đời sống xã hội. Các hoạt động phong phú, đa dạng vì tình yêu thương đó thực sự mang lại niềm an ủi, chia sẻ phần nào khó khăn cho những hoàn cảnh cơ nhỡ bất hạnh.
Với truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", giáo dân trong khắp các giáo xứ, họ đạo cả nước đã tích cực tham gia, đóng góp cho phong trào "Đền ơn đáp nghĩa". Tùy hoàn cảnh và điều kiện của mỗi địa phương, các hoạt động của giới Công giáo hết sức phong phú và đa dạng. Phong trào tặng "Sổ tiết kiệm tình nghĩa" cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, nhận chăm sóc nuôi dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các mẹ liệt sĩ từ những năm trước đây, được đồng bào Công giáo ở nhiều địa phương phát triển không ngừng. Vào các dịp lễ tết, nhất là hằng năm vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7, các hoạt động thăm hỏi, động viên các đối tượng chính sách luôn được đồng bào Công giáo cả nước quan tâm.
Đặc biệt, khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới thì phong trào yêu nước lại có thêm động lực mới vì các khả năng của giới Công giáo được phát huy tận dụng cao hơn. Người Công giáo bây giờ có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, tham gia giữ nhiều trọng trách từ tổ dân phố đến đại biểu Quốc hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc các cấp...
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp to lớn thể hiện người Công giáo Việt Nam luôn gắn bó đồng hành cùng dân tộc, xây dựng cuộc sống mới “Tốt đời đẹp đạo” thì người Công giáo Việt Nam luôn phải đối mặt với những hành vi kích động, tuyên truyền của kẻ xấu, gây hoang mang đến một bộ phận trong cộng đồng giáo dân, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì tính chất đặc thù trong niềm tin cũng như quá trình truyền giáo mà người Công giáo nhiều lúc đã bị hiểu lầm, nghi kỵ, tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng gây chia rẽ trong khối đại đoàn kết toàn dân. Vì vậy, trọng trách của Mặt trận, ngôi nhà chung của khối đại đoàn kết là phải luôn quan tâm đến các nhu cầu chính đáng hợp pháp của đồng bào Công giáo; động viên, tạo điều kiện nhiều hơn nữa để những người Công giáo đóng góp sức người sức của xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc trong khu vực và trên thế giới, nhân dân được ấm no, tự do, hạnh phúc; đồng thời cảnh giác, làm thất bại những âm mưu đen tối nhằm kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của những thế lực xấu, giúp cho người Công giáo Việt Nam phát huy tối đa sức mạnh của mình góp phần làm phong phú vẻ đẹp đa sắc màu vốn có của vườn hoa Dân tộc Việt Nam.
Xin chân thành cảm ơn Đại hội!