Người Cơ Tu ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) vẫn giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh: Trần Lê Lâm |
Thành phố Đà Nẵng hiện có 1.161.430 người; có khoảng 4.942 người thuộc 28 thành phần dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Cơ Tu chiếm 24,3% (1.198 người) và nhiều dân tộc khác đã góp phần tạo nên tính đa dạng, phong phú cho văn hóa của thành phố.
Chỉ đồng bào dân tộc Cơ Tu tại thành phố Đà Nẵng còn lưu giữ, bảo tồn, phục dựng được một số hoạt động văn hóa truyền thống mang nét đặc trưng riêng. Trong đó huyện Hòa Vang có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng nhờ sở hữu cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, nhiều lễ hội đặc sắc, công trình kiến trúc cổ, nét văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc của người Cơ Tu đang sinh sống.
Đưa văn hóa truyền thống vào du lịch Vài năm trước, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã đầu tư phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng với các mô hình homestay mô phỏng theo các nhà Gươl truyền thống và tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật cộng đồng, qua đó góp phần bảo tồn, giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa của người đồng bào Cơ Tu tại địa phương. Tại huyện Hòa Vang, từ tháng 5/2019, chính quyền huyện đã thí điểm hỗ trợ gần 300 triệu đồng để xây dựng mô hình homestay ALăng Như của anh Đinh Văn Như ở thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc và hỗ trợ gói tư vấn, thuê đơn vị tư vấn chuyên nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh, 'cầm tay chỉ việc' để bà con làm du lịch cộng đồng. Từ đó, đến nay Hòa Vang đã có thêm nhiêù điểm du lịch cộng đồng với các loại hình hoạt động khá mới gồm: Homestay ALăng Như; khu cắm trại Yên Retreat ở xã Hòa Bắc; tiệm Bến với dịch vụ giải khát, chụp ảnh, cắm trại ở xã Hòa Phong; dịch vụ leo núi Wildtrek; trang trại Mẹ Ken; homestay Trại Điên; An Nhiên Farm ở xã Hòa Ninh; homestay tại nhà cổ Tích Thiện Đường ở Hòa Nhơn. Du khách không chỉ được nghỉ ngơi thư giãn, còn được trải nghiệm các phong tục, tập quán trong văn hóa của người Cơ Tu với các điệu múa Tung tung da dá, múa cồng chiêng, hát lý, lội suối bắt cá, lên nương rẫy, tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm, đan lát…
Tại Khu du lịch Công viên Suối khoáng nóng Núi Thần Tài (đóng tại huyện Hòa Vang) lâu nay đã quảng bá văn hóa của đồng bào Cơ Tu. |
Nhờ làm du lịch cộng đồng, văn hóa người Cơ Tu được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước. Qua đó, người Cơ Tu càng có ý thức giữ gìn truyền thống văn hóa, từng bước thúc đẩy, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.
Tại xã Hòa Phú (Hòa Vang), Khu du lịch Suối Hoa ở thôn Phú Túc chung tay cùng chính quyền địa phương thành lập một Làng du lịch cộng đồng văn hóa mang tên “Toom Sara Fest” để hỗ trợ, giúp người Cơ Tu làm du lịch sinh thái cộng đồng. Tại làng du lịch cộng đồng văn hóa này, người Cơ Tu tự đứng ra làm du lịch dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống, phát triển theo hướng “trả suối về với tự nhiên” với những cánh rừng tràm sẽ được thay thế bằng rừng lâu năm, nhà tranh truyền thống, cây xanh, môi trường sinh thái”. Làng đã tái hiện được các phong tục truyền thống của đồng bào Cơ Tu như: Tục “Đi Sim”, các nghi lễ cưới, hát lý, thành lập các đội biểu diễn múa Tung tung da dá, múa cồng chiêng… để phục vụ du khách khi đến làng tham quan du lịch.
Theo đánh giá của ngành văn hóa huyện Hòa Vang, du lịch cộng đồng đang giúp đồng bào Cơ Tu vừa bảo vệ, giữ gìn và phát huy được các bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào mình, vừa giúp người Cơ Tu ổn định, cải thiện cuộc sống, từng bước thoát nghèo và phát triển bền vững, đồng thời góp phần làm đa dạng thêm loại hình du lịch cho du khách khi đến với Đà Nẵng.
Xây dựng chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy văn hóa Cơ Tu Nhằm bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, tạo động lực phát triển văn hóa gắn với du lịch, xóa đói giảm nghèo; xây dựng đời sống văn hóa, môi trường lành mạnh; đẩy lùi những tập tục lạc hậu, tệ nạn xã hội vùng dân tộc thiểu số; làm đa dạng đời sống văn hóa; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc…, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa phê duyệt Đề án Xây dựng chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy văn hóa đồng bào dân tộc Cơ Tu thành phố giai đoạn 2022 - 2030, với kinh phí dự kiến hơn 31 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa.
Đề án được thực hiện ở ba xã Hòa Bắc, Hòa Phú và Hòa Ninh (huyện Hòa Vang), với các chính sách hỗ trợ gồm: Hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa và truyền thông về giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu; hỗ trợ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; hỗ trợ nghệ nhân, người nắm giữ đi sản văn hóa và người có uy tín trong cộng đồng; đào tạo, truyền dạy di sản văn hóa; mở rộng giao lưu văn hóa; bảo tồn và phát huy các thiết chế văn hóa truyền thống.
Với chính sách trên, Đà Nẵng xác định mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 100% thiết chế văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu được bảo tồn và hoạt động hiệu quả. Tất cả lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào Cơ Tu được phục dựng, lưu giữ thông qua tư liệu, hình ảnh, phim; phục hồi và phát triển nghề dệt thổ cẩm. 100% nghệ nhân là đồng bào dân tộc Cơ Tu được hỗ trợ trong việc trao truyền, đào tạo những người kế cận. 100% công chức văn hóa xã vùng đồng bào Cơ Tu được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Bên cạnh đó, các thôn vùng đồng bào Cơ Tu được hỗ trợ xây dựng các Câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ truyền thống; được hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng và trang bị các dụng cụ tập luyện thể dục thể thao. 60 đến 70% công chức các xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh được học và sử dụng tiếng Cơ Tu khi giao tiếp cộng đồng người Cơ Tu.