Laudato si - Kim chỉ nan cho một chương trình phát triển sự thân thiện giữa con người và môi trường |
Tìm hiểu thông điệp: Từ giữa thế kỷ cuối cùng và sau những vượt thắng nhiều khó khăn, người ta càng ngày càng ý thức, hành tinh này như quê hương và nhân loại là một dân cùng trú ngụ trong một ngôi nhà chung. Một thế giới phụ thuộc lẫn nhau không những phải nắm vững những hệ quả tai hại của cách sống, cách sản xuất và thái độ tiêu thụ… đều ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nhưng nhất là phải lo sao để đề ra được những cách giải quyết có tầm mức toàn cầu chứ không phải chỉ nhằm bảo vệ lợi ích cho vài quốc gia. Sự phụ thuộc lẫn nhau buộc chúng ta phải nghĩ đến một thế giới duy nhất, một chương trình chung với nhau. Cũng như tài năng khôn ngoan được sử dụng cho sự phát triển kỹ thuật lớn lao, cũng khó tìm được những hình thức hữu hiệu cho việc quản lý toàn cầu, để giải quyết các vấn đề khó khăn của môi trường và xã hội.
Để đối mặt với các vấn đề nền tảng không thể giải quyết dựa theo các hoạt động của từng đất nước đơn độc, cần phải có một sự đồng thuận toàn cầu, ví dụ như, đưa ra một chương trình nông nghiệp lâu dài và đa dạng, triển khai những hình thức sử dụng năng lượng có thể tái tạo và ít ô nhiễm, đòi buộc có một cách sản xuất năng lượng thích hợp hơn, cố gắng quản lý các tài nguyên của rừng, của biển và bảo đảm nước uống cho mọi người. (LD 164).
Minh họa và bình luận - Chương này đề cập đến câu hỏi: chúng ta có thể và phải làm gì? Nếu chỉ phân tích mà thôi thì không thể đủ: còn cần phải có những đề nghị “đối thoại và hành động đòi có sự can dự của mỗi người chúng ta, cũng như của nền chính trị quốc tế nữa” và “giúp chúng ta ra khỏi cái vòng lẩn quẩn tự hủy diệt mà chúng ta đang phải đương đầu”.
- Đức Giáo hoàng đề nghị các quốc gia phải ngồi lại với nhau để cùng chung tay giải quyết vấn đề môi sinh toàn cầu, cùng nhau phân tích và đánh giá những tác hại của việc xâm hại môi trường. Các nước giàu cần phải biết giới hạn sự khai thác tài nguyên. Các nước nghèo không vì mục tiêu phát triển và lợi nhuận, chấp nhận để cho khai thác, bán các nguyên liệu thô khoáng sản hay tài nguyên từ rừng, biển, sông ngòi... nhưng xem ra vẫn chưa có được tiếng nói chung.
- United Nations Environment Programme –( UNEP) – Chương trình môi trường Liên hợp quốc được thành lập ngày 15/12/1972 theo nghị quyết 2997 (XXVII) của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ngày 05/6 hàng năm là Ngày môi trường thế giới (ngày 05/6/1972 là ngày khai mạc Hội nghị Stockhom về môi trường). UNEP là tổ chức duy nhất của hệ thống Liên hợp quốc được thành lập nhằm mục đích đưa ra những đường lối có tính chỉ đạo và các chương trình hành động toàn cầu nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống mà không gây tổn hại cho thế hệ tương lai; đóng vai trò xúc tác, điều phối; cung cấp tư vấn kỹ thuật, pháp lý và cơ cấu tổ chức cho các chính phủ nâng cao về khả năng xây dựng thể chế và các sáng kiến phát triển bền vững.
- Vai trò làm xúc tác và điều phối của UNEP càng được tăng cường từ khi Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về môi trường và phát triển (1992) thông qua chương trình nghị sự 21.
- Đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô, một điều không thể loại bỏ, đó là làm sao để việc xây dựng những hành trình cụ thể không được cứu xét như một ý thức hệ, hời hợt hoặc thu hẹp. Vì thế một điều không thể thiếu, đó là đối thoại, một từ luôn được nhắc đến trong mỗi phần của chương IV này: “Có những cuộc thảo luận, về những vấn đề liên quan đến môi trường, trong đó thật là khó đạt tới một sự đồng thuận. [....], Giáo hội không chủ trương giải quyết các vấn đề khoa học, cũng không thay thế chính trị, nhưng tôi mời gọi thảo luận chân thành và minh bạch, để những nhu cầu đặc thù hoặc các ý thức hệ không làm thương tổn công ích” (188).
- Trên căn bản đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô không sợ đưa ra một phán đoán nghiêm khắc về những hoạt động quốc tế gần đây: “Các hội nghị thượng đỉnh thế giới về môi trường trong những năm gần đây không đáp ứng các mong đợi, vì thiếu quyết định chính trị, chúng không đạt tới các hiệp định môi trường hoàn cầu thực sự có ý nghĩa và hữu hiệu”(166). Và Ngài tự hỏi: “tại sao ngày nay người ta muốn duy trì một quyền bính sẽ được nhắc đến trong tương lai là không có khả năng can thiệp khi cấp thiết và cần phải hành động ?”(57).
Trái lại - như các vị Giáo hoàng đã nhiều lần lập lại kể từ Thông điệp “Hòa bình dưới thế”, cần có những hình thức và dụng cụ hữu hiệu để quản trị thế giới: “Chúng ta cần một hiệp định về các chế độ quản trị cho toàn thể những gì gọi là công ích của thế giới”(174).