Năm 2022, xã Trương Lương, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng được phân bổ 4,2 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Là xã có 8/9 xóm đặc biệt khó khăn, 380 hộ nghèo và cận nghèo (chiếm hơn 40,6%); địa hình rộng, bị chia cắt, dân cư sống rải rác, một số xóm ít đất canh tác, hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, nên khi được phân bổ nguồn vốn trên, Trương Lương sớm thực hiện hỗ trợ xây nhà ở; đăng ký xóa nhà tạm, nhà dột nát. Số vốn còn lại, xã đầu tư vào các hạng mục, đặc biệt là các hạng mục hỗ trợ địa phương về đích nông thôn mới vào năm 2025. Nhờ đó, đã vơi bớt khó khăn cho người dân, khắc phục từng bước hạn chế về hạng tầng nông thôn.
Một phần cảnh quan huyện Thạch An |
Tại huyện Thạch An, một địa bàn miền núi, biên giới của tỉnh Cao Bằng có 12/14 xã, thị trấn thuộc khu vực III, 69/95 xóm đặc biệt khó khăn với trên 3.700 hộ nghèo (chiếm 46,7%), bà Nông Thị Huệ, Trưởng Phòng Dân tộc huyện cho biết: Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây còn nhiều khó khăn. Huyện đang thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. 3 chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Thạch An được Trung ương phân bổ 741,095 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương 685,398 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 25,377 tỷ đồng. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM được phân bổ 28,981 tỷ đồng; chương trình giảm nghèo bền vững 232,827 tỷ đồng; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được phân bổ 452,287 tỷ đồng. Năm 2023, toàn huyện được phân bổ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia với tổng kinh phí 210,518 tỷ đồng.
Sau 3 năm thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (2021 - 2023), hạ tầng cơ sở từng bước được hoàn thiện, đời sống Nhân dân trên địa bàn huyện Thạch An được nâng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
Tính chung toàn tỉnh, Tổng vốn đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Cao Bằng là 4.959,596 tỷ đồng. Việc phân bổ và giải ngân nguồn vốn đến nay đạt khá. Riêng Chương trình MTQG 1719, năm 2023 giải ngân 1.399.941 triệu đồng/2.095.448 triệu đồng, bằng 67% kế hoạch. Năm 2024, tính đến ngày 7/5/2024, toàn tỉnh thực hiện giải ngân được 302.049 triệu đồng/1.526.790 triệu đồng, bằng 20% kế hoạch.
Đối với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã ban hành Quyết định thành lập tổ giúp việc Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh, đồng thời phối hợp với các sở ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh triển khai Chương trình, ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
Với những nỗ lực, quyết tâm cao, tỉnh Cao Bằng đã có nhiều bước tiến trong chăm lo cho đời sống Nhân dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), biên giới trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đến đầu năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 32.060 hộ (tương đương 24,71%), cận nghèo là 19.747 hộ (tương đương 15,22%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Cao Bằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc và có nhiều kiến nghị đối với Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành để sớm tháo gỡ trong thời gian tới. Tỉnh có 24 nội dung vướng mắc chưa được giải quyết. Trong đó có vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; chính sách đào tạo, chuyển đổi nghề; bổ sung kinh phí hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; việc phân cấp... và nhiều cơ chế chính sách đặc thù triển khai các công trình, dự án, chính sách trên địa bàn tỉnh./.