Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân tại buổi gặp gỡ đối thoại với Người có uy tín trong đồng bào DTTS |
Việc nhỏ ổn thỏa từ dưới thì việc lớn ít nảy sinh Xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà có gần 5.000 dân, với 95% là đồng bào Hrê sống quần tụ trên núi cao. Ðời sống người dân gắn với cây keo, lúa, sắn và đàn bò, dê trên rừng. Cùng với chính quyền cơ sở, ở đây bảy thôn có bảy người uy tín là cầu nối giữa chính quyền và người dân. Sống giữa đại ngàn từ bao đời nay, những hủ tục cũ như nghi kỵ, tảo hôn, mê tín... hay những mâu thuẫn thời nay về tranh chấp đất đai, gia đình... thường xuyên xảy ra. Là người có uy tín ở thôn làng Ranh, xã Sơn Ba, ông Ðinh Văn Na hiểu từng nhà, thuộc từng ngõ. Những năm gần đây, mâu thuẫn, tranh chấp đất đai, rừng trồng nổi lên ảnh hưởng cuộc sống trong làng. Lo lắng rạn nứt ở thôn bản, ông Na thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư người dân để tìm cách giải quyết thấu đáo nhất. “Khi xảy ra tranh chấp đất, tôi đều tham gia cùng xã hòa giải. Trước đây mỗi năm có năm, bảy sự việc nhưng từ năm ngoái tới giờ chỉ có hai vụ việc và được giải quyết ổn thỏa", ông Na chia sẻ.
Là người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), anh Phạm Văn Nó được người dân ở thôn Gò Khôn, xã Ba Giang, huyện Ba Tơ tin cậy. Làng Pa Xôn dưới chân núi A Nỉ của anh có hơn 150 nóc nhà. Anh Nó chia sẻ: "Người uy tín của làng nói và làm phải thận trọng, vì việc chung. Những việc nhỏ sẽ giải thích để giải quyết ổn thỏa trong xóm làng, khó hơn thì đưa lên xã; khi giải quyết việc mình phải vận dụng cả phong tục tập quán và pháp luật nữa. Nếu việc nhỏ, có thể giải hòa được thì theo phong tục tập quán, nhưng nếu việc lớn, phức tạp, mình phải giải quyết theo pháp luật. Bà con thấy những người như chúng tôi làm gương mới lắng nghe, chứ chỉ nói mà không làm hay làm trái là dân biết liền".
Bí thư Ðảng ủy xã Sơn Ba Ðinh Văn Phua bày tỏ "Nếu không có người uy tín ở thôn, trong làng bản thì sẽ gặp khó nhiều thứ. Từ làm đường bê-tông, hay tranh chấp rừng, đất đai, con cái, gia đình, người có uy tín luôn chủ động tham gia cùng địa phương. Việc nhỏ ổn thỏa từ dưới thì việc lớn ít nảy sinh".
Bảo đảm các chính sách cho người uy tín Ðể phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS, tỉnh Quảng Ngãi chăm lo đầy đủ các chính sách, tích cực hỗ trợ người có uy tín. Sau 5 năm thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS, Quảng Ngãi đạt được nhiều kết quả. Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với đơn vị, chính quyền địa phương tổ chức nhiều lớp phổ biến, tuyên truyền để cung cấp thông tin mới; cấp đài radio ba năm/lần và cấp thay thế hằng năm; tổ chức 5 đợt tham quan, học tập kinh nghiệm; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, quốc phòng, an ninh, chính sách dân tộc và kỹ năng hòa giải, tuyên truyền, vận động quần chúng cho người có uy tín; hỗ trợ gia đình người có uy tín gặp khó khăn. Ðồng thời, gặp gỡ, biểu dương, khen thưởng cho 379 lượt người có uy tín có thành tích tiêu biểu trong việc phát huy vai trò của người có uy tín ở cơ sở.
Từ những chính sách quan tâm chăm lo, người có uy tín ở cơ sở luôn tích cực đi đầu, phát huy tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng. Bằng uy tín của mình, những người có uy tín ở các huyện miền núi tích cực đề xuất các kế hoạch, kiến nghị phát triển kinh tế-xã hội, kiến nghị có hiệu quả các chương trình, chính sách; vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển sản xuất, xóa bỏ hủ tục...
Văn hóa, nếp sống miền núi luôn gắn với niềm tin từ người có uy tín, già làng, trưởng bản. Những năm gần đây, khi nổi lên vấn đề tranh chấp đất đai ở nhiều nơi, người có uy tín trợ lực cho cán bộ cơ sở làm tốt việc hòa giải, cùng nhau giải quyết tranh chấp ở làng bản. Ðược đi học hỏi, kinh nghiệm, cách làm ăn, phát triển kinh tế ở nhiều nơi, người có uy tín ở miền núi Quảng Ngãi cùng người dân áp dụng khoa học-kỹ thuật trong sản xuất nông lâm, nghiệp; giúp đỡ nhiều hộ thoát nghèo từ chương trình hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi...
Anh Phạm Văn Phương, người có uy tín xã Ba Giang cho hay: "Tôi đi học cách trồng cây, chăn nuôi rồi về hướng dẫn lại cho người dân. Có lợi cho người dân tăng thêm thu nhập khi nuôi trồng đúng kỹ thuật thì họ nghe mình nói và tin nhiều hơn".
Ðồng bào DTTS chiếm 82% số dân, huyện Sơn Hà có 460 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Trưởng phòng Dân tộc huyện Sơn Hà Ðinh Thị Sáng cho biết, vai trò nổi bật của người có uy tín ở huyện là nắm bắt tình hình, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến các cấp chính quyền để sớm giải quyết. Ðồng thời, người có uy tín gương mẫu, đi đầu thực hiện các mô hình sản xuất, quy hoạch lại dân cư, cải tạo vườn tạp tăng diện tích đất trồng, làm kinh tế hộ gia đình...
Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Thế Nhân cho biết, người có uy tín trong đồng bào DTTS cùng chính quyền cơ sở tích cực vận động, cùng người dân thực thi hiệu quả các chính sách, phát triển kinh tế-xã hội; tiên phong đi đầu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xóa bỏ tập tục lạc hậu. Vì vậy, phát triển, xây dựng lực lượng người có uy tín ở miền núi vững mạnh sẽ là cầu nối gắn kết giữa chính quyền cơ sở và người dân ngày càng chặt chẽ hơn.