Tuổi trẻ đậu cử nhân, không ra làm quan, ở nhà dạy học. Tháng 3/1907, ông liên kết với một số người cùng chí hướng (như Nguyễn Quyền, Lê Đại, Hoàng Tăng Bí, Vũ Hoành...) lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại Hà Nội với mục đích: Nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc và chí tiến thủ của quần chúng; Truyền bá tư tưởng học thuật mới và nếp sống văn minh; Phối hợp hành động với các sĩ phu đã xuất dương và hỗ trợ các phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu và phong trào Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh. Ngày 26/4/1913, xảy ra vụ Việt Nam quang phục hội đánh bom khách sạn Hà Nội, cho là nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục có liên quan, thực dân Pháp đã bắt Lương Văn Can cùng nhiều người giam ở Hỏa Lò (Hà Nội), sau đó lưu đày sang Campuchia. 8 năm sau trở về và qua đời. Được tin ông mất nhiều người thương tiếc. Trên Đông Pháp thời báo ngày 24/6/1927 có bài thơ tưởng niệm khá dài của tác giả Chu Văn Tấn (xin trích 1 đoạn): Hỡi đồng bào/ Lương chí sĩ nước nhà tạ thế/ Cái buồn chung há dễ riêng ai/ Tôi là lao động thiển tài/ Lòng thành tỏ dấu bi ai anh hùng/ Hỡi đồng bào Lạc Hồng Nam Việt/ Cái buồn chung phải quyết cùng nhau/ Thương nhà chí sĩ công lao... Ông để lại nhiều tác phẩm mang tính giáo dục cao, như Quốc sự phạm lịch sử (Lịch sử quốc sự phạm), Hán tự tiệp kính (Con đường tắt đến chữ Hán), Gia huấn (Dạy người nhà).
Đám tang chí sĩ Lương Văn Can tại Hà Nội, năm 1927. Ảnh: TL |
Lương Ngọc Quyến (1885 - 1917), con thứ của chí sĩ Lương Văn Can, theo con đường thương dân cứu nước của cha, tháng 10/1905, cùng em ruột là Lương Nhị Khanh hưởng ứng phong trào Đông Du, được cụ Phan Bội Châu gửi sang học ở Trường Chấn Vũ, Nhật Bản Cuối năm 1908, ông tốt nghiệp loại ưu. Theo đó, ông tham gia Công hiến hội và bị trục xuất, phải sang Trung Quốc theo học các trường quân sự, nhận chức thiếu tá trong quân đội Trung Hoa. Tháng 3/1912, ông được bầu làm Ủy viên quân sự chấp hành Việt Nam quang phục hội. Năm 1914, ông về nước gây cơ sở cách mạng tại Nam Kỳ, rồi sang Thái Lan, Hồng Kông. Ông bị mật thám Anh bắt tại Hồng Kông trao cho thực dân Pháp đưa về Việt Nam giam ở các nhà lao ở Hà Nội, Phú Thọ, Thái Nguyên. Tại Thái Nguyên, ông đã cùng Trịnh Văn Cấn (Đội Cấn) lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên. Vì bị cùm lâu ngày, không đi đứng được nữa, nên khi quân Pháp phản công, ông đã quyên sinh. Bài thơ “Cảm tác” (Hán văn) được ông làm trong thời gian bị tù tại Hòa Lò, Hà Nội, đã được dịch sang Việt văn: Bể học xông pha trải bấy lâu/ Thân tù ngoảnh lại nghĩ mà đau/ Trăm năm đất tổ về quân mọi/ Bảy thuớc thân tài mặc nước sâu/ Bạn tốt đời nay sao vắng cả/ Thù nhà kiếp khác dễ quên đâu/ Hồn ta gặp được Lam Sơn đế/ Quyết mượn oai linh chém Pháp đầu.