Có thể khẳng định rằng, trong hành trình đấu tranh vì một nước Việt Nam độc lập, tự do, bên cạnh những thắng lợi có ý chiến lược, thì việc Chủ tịch Hồ Chí Minh huy động, tập hợp được cả những có đạo vào khối toàn dân đoàn kết (bằng tấm lòng, tình cảm và sự chân thành của mình), tạo thành nguồn sức mạnh to lớn của dân tộc.
Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, chịu ảnh hưởng tư tưởng Khổng giáo, song Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất am hiểu về đạo Chúa. Người hiểu phong tục và ý nghĩa quan trọng của ngày lễ Thiên Chúa Giáng sinh trong đời sống tinh thần của đồng bào Kitô giáo. Vì lẽ vậy, mừng Giáng sinh năm 1945, năm đầu tiên nước Việt Nam độc lập sau hơn 80 năm trời đắm chìm trong nô lệ, với cương vị là Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các vị linh mục, tu sĩ và đồng bào theo đạo Công giáo.
Ngay sau khi cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ngày 3/9/1945, cùng với những nhiệm vụ cấp bách cần phải làm ngay của Chính phủ cách mạng lâm thời, kiên định quan điểm “tự do tôn giáo”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị tuyên bố: “Tín ngưỡng tự do và Lương Giáo đoàn kết”. Bên cạnh những nhiệm vụ trọng yếu về đối nội và đối ngoại, còn phải xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nhằm tạo nguồn sức mạnh để bảo vệ thành quả của cách mạng tháng Tám, và cũng chính trong những năm tháng cam go này, khi trong nước nảy sinh nhiều vấn đề nhức nhối, có nơi đã xuất hiện xung đột về tôn giáo, thì với cương vị người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian cho tôn giáo, cẩn thận và mềm mỏng trong khi giải quyết những vấn đề liên quan đến tôn giáo. Thực hiện chính sách hoà hợp tôn giáo, để giữ yên cho toàn cục, khi nói đến Phật giáo và Công giáo, Người từng nhấn mạnh rằng: Lúc này, cũng là dân con Việt Nam sao “lại không thể đoàn kết giữa hai tôn giáo được”.
Kiên định con đường đấu tranh cho độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ nền hoà bình, dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sàng lọc, đã tìm thấy trong Công giáo giọt tinh tuý, cái làm nên sự trường tồn chính là hạt nhân đoàn kết. Đoàn kết để đấu tranh giành độc lập, tự do, đấu tranh với những kẻ làm mờ danh Chúa, bảo vệ cuộc sống yên bình và hạnh phúc của nhân dân. Ứng xử có lý và có tình, gắn việc đời với việc đạo một cách khoa học và cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh giương cao ngọn cờ đoàn kết giữa Lương và Giáo. Không chỉ dừng lại ở việc ngợi ca Đức Chúa Trời, Người coi cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và loài người tiến bộ là những hành động làm sáng danh Chúa.
Bức thư gửi các vị linh mục Việt Nam và đồng bào Công giáo Việt Nam, đề ngày 25/12/1945, Người viết: “Cách một nghìn chín trăm bốn mươi nhăm năm trước, cũng ngày hôm nay, một vị thánh nhân là Đức Chúa Giêsu ra đời. Suốt đời Ngài chỉ hy sinh phấn đấu cho tự do, cho dân chủ”. “Từ ngày Ngài Giáng sinh đến nay đã gần 2.000 năm, nhưng tinh thần thân ái của Ngài chẳng những không phai nhạt mà còn toả ra đã khắp, thấm vào đã sâu” và sự Giáng sinh của Ngài thật vĩ đại.
Hoà trong niềm vui chung của toàn dân tộc, tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Trong lịch sử Việt Nam ta, lần này là lần đầu mà đồng bào Công giáo ta làm lễ Noen một cách vui vẻ sung sướng trong nước Việt Nam độc lập, tự do”, bởi vì đồng bào Công giáo và lương dân là con một nhà. Trong khi, ở ngoài chiến trường, các chiến sỹ giáo – lương cùng chung một chiến hào đánh thực dân Pháp đang đe dọa nền độc lập của dân tộc, “xương máu của chiến sĩ Công giáo và ngoài Công giáo đã xây nên một bức thành kiên cố vĩ đại để cản lại kẻ thù chung là bọn thực dân Tây”, thì ở hậu phương, giáo dân và lương dân không chỉ “đem cả lực lượng giúp vào cuộc kháng chiến và kiến quốc”, mà còn sẽ đoàn kết, cùng nhau vui vẻ, đón mừng lễ Thiên Chúa Giáng sinh trong bầu không khí hoà bình, độc lập, tự do. Tất cả đều noi theo “tinh thần cao thượng của Đức Chúa Giêsu”. Cuối thư, Người viết: “Tôi chắc rằng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của các vị Giám mục Việt Nam, đồng bào Công giáo quyết một lòng với nhân dân toàn quốc để giữ vững nền tự do độc lập đó. Tôi xin thay mặt đồng bào toàn quốc chúc các vị Giám mục Việt Nam và toàn thể đồng bào Công giáo, ngày lễ Noen vui vẻ sung sướng”.
Hằng yêu kính Chúa, các giáo dân hẳn sẽ không thể nào quên được Noen 1945, Noen đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, giữa bộn bề công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian quan tâm đến bà con giáo dân. Không chỉ có vậy, Người còn đặt kỳ vọng vào họ và khẳng định rằng "đồng bào Công giáo sẽ cùng toàn thể đồng bào trong nước cương quyết chiến đấu để giữ vững quyền tự do độc lập của Tổ quốc".
Tình thương yêu, bác ái, quên mình để cứu người của Chúa Giêsu và khát vọng khôn nguôi: "Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do hạnh phúc cho đồng bào tôi" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có điểm tương đồng, và vì vậy, ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc của Người đã không chỉ hấp dẫn, mà còn quy tụ được mọi người không phân biệt tôn giáo, đảng phái. Vào thời gian đó, đứng trước nhiều khó khăn thử thách của “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, cùng các thế lực phản động đang đe dọa nền độc lập non trẻ vừa giành được, bức thư mừng lễ Thiên Chúa Giáng sinh 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm ấm lòng các Kitô hữu.
Vũ Thị Kim Yến