Tin tức - Hoạt động

Chúa Giêsu Giáng sinh có đúng ngày 25/12?

Cập nhật lúc 14:57 13/12/2021

Ngày lễ Giáng sinh hay lễ Noen mà hiện nay người ta quen gọi là ngày Đức Giêsu sinh ra, theo Tin Mừng thánh Luca, thì ngày giờ cụ thể không được xác định. Nhưng địa điểm, thời điểm Chúa ra đời thì rất rõ. Tin Mừng viết: “Thời ấy, hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyri. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.

Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc 2,1-12)

Như vậy, chúng ta có thể biết về nơi Đức Giêsu sinh ra là Bêlem, xứ Giuđêa. Địa điểm mà mẹ Người hạ sinh là một túp lều nơi các mục đồng ngủ lại ban đêm để canh giữ đàn gia súc. Người được mẹ đặt nằm trong máng cỏ là vật dụng chứa thức ăn cho chiên, bò. Còn ngày tháng năm nào cụ thể thì không thấy ghi lại. Vậy tại sao lại có ngày lễ Chúa Giáng sinh theo Giáo hội Công giáo là ngày 25/12. Chúng ta cùng tìm hiểu. 


Theo Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Tổng Thư ký Hội đồng Giám Mục Việt Nam khẳng định trong một bài giảng của ngài thì thời kì sơ khai của Kitô giáo, đối với người Kitô hữu, lễ Giáng sinh không có gì quan trọng, người ta không chú ý đến việc kỷ niệm ngày Chúa ra đời. Mãi cho đến thế kỷ thứ IV mới có ngày Lễ này. Do Kitô giáo thoát thai từ Dothái giáo nên những Kitô hữu đầu tiên chỉ tập trung vào biến cố Chúa Giêsu chết và sống lại, là biến cố nền tảng cho đời sống đức tin của Kitô giáo như lời thánh Phaolô: "Nếu Đức Kitô chết mà không sống lại, thì đức tin của chúng ta chỉ là hão huyền và lời rao giảng của chúng tôi cũng trở nên vô ích…" (1,Cr.15,14-19). 

Vào hoàn cảnh lúc bấy giờ, Kitô giáo nằm trong thế đấu tranh với Do thái giáo. Trong đạo Dothái có nhiều lễ lớn, nhưng 2 ngày lễ trọng nhất là ngày lễ Vượt qua tưởng niệm ngày dân Dothái vượt qua biển Đỏ để về Đất hứa và ngày lễ Ngũ tuần (50 ngày sau lễ Vượt qua). Với Kitô giáo thì ngày lễ Phục sinh và ngày lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống lại trùng với hai ngày lễ trọng của Dothái giáo, nhưng mang một nội dung giáo lý hoàn toàn khác. Giáo hội muốn trình bày cho thấy chính từ nơi Đức Giêsu Kitô mà lời hứa của Thiên Chúa trong giao ước cũ được thành toàn. Đó là lý do mà những anh chị em Kitô hữu đầu tiên chỉ mừng lễ Phục sinh và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống chứ không mừng lễ Giáng sinh. Mãi cho đến đầu thế kỷ thứ IV, các tài liệu lịch sử để lại cho thấy mới xuất hiện lễ Giáng sinh, nhưng không phải là ngày 25/12 mà là ngày 6 tháng Giêng (6/01), nay là ngày lễ Hiển Linh. Ngày lễ mừng vào ngày 6/01 không chỉ là để nhớ đến biến cố ngày Chúa sinh ra mà là nhấn mạnh đến 3 biến cố: Một là kỉ niệm ngày Chúa ra đời, Hai là đánh dấu việc Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại mà đại diện là 3 vị đạo sĩ từ phương Đông đến bái lạy Người và Ba là biến cố Chúa tỏ mình ra cho đám đông dân chúng nhiều thành phần khi Chúa chịu phép Rửa tại sông Gioócđan. Cho đến năm 336, mới thực sự có lễ Giáng sinh được mừng kính vào ngày 25/12 như chúng ta mừng kính hôm nay.

Nhưng ngày 25/12 cũng không phải chính xác là ngày Chúa Giêsu sinh ra. Không có tài liệu nào khẳng định ngày này Chúa ra đời. Ngay cả năm sinh của Chúa Giêsu là năm thứ nhất (năm 01) cũng không chính xác, tu sĩ Điônixiô cũng tính sai. Thực ra Chúa Giêsu sinh ra khoảng năm thứ tư hay thứ năm trước Công nguyên.

Thế tại sao lại mừng Chúa sinh ra vào ngày 25/12?

Giáo hội chọn ngày này cũng có lý do của nó. Ý nghĩa thứ nhất mang tính biểu tượng, đó là trong Thánh Kinh, Chúa Giêsu được coi là “Mặt Trời Công Chính”, chẳng hạn trong Tân ước, ông Giacaria bố của thánh Gioan Tẩy giả đã gọi Đức Giêsu là Mặt Trời Công Chính. Ngày 25/12 theo vận hành của thiên nhiên bên châu Âu, người ta gọi là ngày Đông Chí, tức là ngày cuối cùng của mùa đông. Theo huyền thoại của các dân tộc ngày xưa kể rằng vào đêm 24 rạng ngày 25/12, thần Mặt Trời được sinh ra để sáng hôm sau mang ánh sáng cho toàn thể địa cầu. Giáo hội chọn ngày 25/12 đó có tính cách biểu tương là ngày Chúa sinh ra để nói lên rằng: Chúa Giêsu là Mặt Trời Công Chính, Người mang ánh sáng và sự sống đến cho thế gian. Và ý nghĩa thứ hai đó là trong bối cảnh cuộc đấu tranh của Kitô giáo chống lại một tôn giáo của Rôma thời bấy giờ. Tôn giáo đó người ta thờ thần Ra (thần Mặt Trời). Các hoàng đế Rôma xây dựng một đền thờ thờ thần Mặt Trời và khánh thành đúng ngày 25/12 năm 274. Hằng năm cứ vào ngày 25/12 người ta tổ chức mừng lễ này thật lớn tại Rôma. Nhìn lại lịch sử của Giáo hội, chúng ta mới nhận ra những cái rất hay, thể hiện hướng đi của Giáo hội là: “Sống đức tin giữa lòng dân ngoại”, Kitô hóa các lĩnh vực của đời sống xã hội như thế nào. 

Tóm lại, ngày 25/12 không phải chính là ngày Chúa sinh ra mà là ngày mang tính biểu tượng và nằm trong ý hướng Kitô hóa một thế giới ngoài Kitô giáo vậy.
 
Phanxicô Xaviê Đỗ Công Minh
Thông tin khác:
Nếu ngày Giáng sinh 25/12 rơi vào thứ Bảy hay thứ Hai thì luật dự lễ buộc được quy định như thế nào? (13/12/2021)
Thanh niên Asean đề xuất giải pháp chung tay đẩy lùi dịch Covid-19 (12/12/2021)
Thủ tướng yêu cầu phân tích hiệu quả, biện pháp bổ sung phòng dịch (11/12/2021)
Dự báo số F0 ở Hà Nội tiếp tục tăng cao, cso thể 1.000 ca/ ngày (10/12/2021)
Cụm thi đua các tỉnh Bắc Sông Hậu: Nỗ lực vượt qua khó khăn của đại dịch (10/12/2021)
Chia nhỏ’ F0 để điều trị tại nhà (08/12/2021)
Thêm nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chung tay ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid - 19 (08/12/2021)
Hà Nội ban hành hướng dẫn mới phân tầng bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid - 19 (08/12/2021)
Các Giám mục Úc kêu gọi bình đẳng và hòa nhập cho người khuyết tật (07/12/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log