Đức cha Antôn Vũ Huy Chương (trái), Giám mục giáo phận Đà Lạt, trao mũ và Thánh giá cho Đức Giám mục tân cử Giuse Nguyễn Đức Cường (hôm 25/4) tại nhà thờ Bảo Lộc sau khi Tòa Thánh công bố bổ nhiệm Giám mục của ngài. Ảnh: CTV |
N
gười Công giáo Việt Nam (NCGVN): Thưa Đức cha! Trước hết báo Người Công giáo Việt Nam xin chúc mừng Đức cha được bổ nhiệm làm Giám mục Chính tòa giáo phận Thanh Hóa. Đức cha có cảm xúc gì khi được trở về quê hương trong cương vị chủ chăn của giáo phận?
Đ
ức Giám mục Giuse Nguyễn Đức Cường (ĐGM. NĐC): Tôi xin cám ơn “báo Người Công giáo Việt Nam” đã có lời chúc mừng. Khi nghe công bố bổ nhiệm của Đức Giáo hoàng Phanxicô, tôi có hai cảm xúc lẫn lộn: vừa mừng vừa lo. Mừng vì thời gian còn lại được trở về sống và làm việc mục vụ nơi “chôn nhau cắt rốn”, nơi mà tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình đã sinh sống. Lo vì cảm thấy mình có quá nhiều giới hạn.
NCGVN: Xin Đức cha cho biết khẩu hiệu của Đức cha trong vai trò là người kế vị các Tông đồ? Vì sao Đức cha chọn khẩu hiệu này?
ĐGM. NĐC: Khẩu hiệu Giám mục của tôi là “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới” (Duc in altum) [Lc 5,4]. Tôi chọn khẩu hiêu này vì những lý do sau đây:
- Rao giảng Tin Mừng là bản chất của Giáo hội, là bổn phận của mỗi tín hữu mà tôi cũng là một tín hữu, hơn nữa là người kế vị các Tông đồ, nên đây là bổn phận ưu tiên của tôi.
- Khi tôi mở trang Web của giáo phận Thanh Hóa, tôi thấy bài tường thuật Lễ kỷ niệm 85 năm thành lập giáo phận, tôi lưu ý dòng chữ “DUC IN ALTUM” là chương trình mục vụ của giáo phận. Tôi cảm nhận ngay rằng đây phải là khẩu hiệu Giám mục của mình vì tôi là người tiếp tục công việc của các vị tiền nhiệm. Lại nữa, trong thánh lễ “cầu cho ơn gọi” được cử hành sau khi nghe công bố việc Đức Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm Giám mục Thanh Hóa, Đức cha Antôn, Giám mục giáo phận Đà Lạt đã nói: “Năm 2017 là Năm Thánh kỷ niệm 85 năm thành lập giáo phận Thanh Hóa với chủ đề “Hãy ra chỗ nước sâu” (Lc 5,4) như một định hướng mục vụ, nhằm mở ra những cơ hội để con cái trong giáo phận nghĩ đến trách nhiệm đem Chúa đến cho những người sống chung quanh mình...”. Tôi càng xác tín đây chính là khẩu hiệu Giám mục của mình.
- Câu trả lời của thánh Phêrô: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”(Lc 5,5) và kết quả là “bắt được rất nhiều cá”(Lc 5,6) liên hệ tới chính bản thân tôi. Tôi cũng thấy mình có rất nhiều giới hạn, và để có kết quả, tôi phải liên kết chặt chẽ với Chúa Giêsu, gần gũi Ngài, yêu mến Ngài và làm theo lời Ngài dạy.
- Việc các bạn chài đến giúp kéo cá lên (x.Lc 5,7), nhắc nhở tôi phải nhờ tới, phải cộng tác với người khác trong việc rao giảng Tin Mừng: các linh mục, tu sĩ và mọi tín hữu.
NCGVN: Một giáo phận có bề dày lịch sử gần 400 năm đón nhận đức tin (1627-2018), có số lượng tín hữu khá đông đảo, Đức cha có những thao thức, trăn trở?
ĐGM. NĐC: Tuy giáo phận Thanh Hóa có bề dày lịch sử và có số lượng tín hữu khá đông đảo, nhưng so với tỷ lệ người dân toàn tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, tín hữu chỉ có 3%. Do đó, trăn trở của tôi là làm thế nào để củng cố đức tin và hiệp nhất mọi thành phần Dân Chúa vào công cuộc rao giảng Tin Mừng, hầu tiếp nối sứ mạng Chúa trao cho Hội Thánh, cho giáo phận mà các bậc tiền nhiệm và mọi thành phần Dân Chúa đã nỗ lực thực hiện.
NCGVN: Đức cha đã từng là Trưởng ban Giáo lý của Tổng giáo phận Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh, và là Phó ban Giáo lý toàn quốc. Trong sứ vụ mới là chủ chăn giáo phận, Đức cha sẽ liên hệ như thế nào trong công cuộc truyền giáo?
ĐGM. NĐC: Trải qua nhiều năm phụ trách mục vụ giáo lý, tôi xác tín rằng, giáo lý là một trong các công việc mục vụ tối quan trọng, vì dạy giáo lý là đào tạo người tín hữu và đào tạo người rao giảng Tin Mừng.
NCGVN: Báo Người Công giáo Việt Nam xin cảm ơn Đức cha đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này. Kính chúc Đức cha dồi dào sức khỏe và đầy tràn hồng ân của Chúa trong sứ vụ mới.