Trong thánh lễ an táng, Đức cha chia sẻ: “Sự ra đi của cha Chung là một nỗi mất mát, một cú sốc quá lớn đối với nhiều người, đặc biệt là các anh chị em dân tộc thiểu số nghèo và các bệnh nhân thuộc giáo phận Kon Tum”.
Đức cha cũng chia sẻ thêm: “Những người bạn của cha Chung đều biết cha là một linh mục tốt, có lối sống và tinh thần khó nghèo. Ngài cảm thương, chia sẻ, giúp đỡ những người nghèo khổ, những người ốm đau trong suốt cả cuộc đời mình”.
Ông Giuse A Juih, 58 tuổi, người dân tộc Rongao thuộc Giáo xứ Đắk Tan, tỉnh Kon Tum, nơi cha Chung đã phục vụ trong suốt 8 năm cho đến khi ngài trút hơi thở cuối cùng, chia sẻ: “Chúng tôi rất đau lòng trước sự ra đi của một cuộc đời hết lòng phục vụ anh chị em nghèo và bệnh nhân. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên ngài.”
Ông Juih nói thêm, cha Chung đã yêu thương chúng tôi như là họ hàng của ngài vậy.
“Cha xây nhà cho những người sống trong những căn nhà hư hỏng, cấp cho chúng tôi những chú bò để nâng cao chất lượng cuộc sống, trợ giúp chi phí cho các bệnh nhân phải điều trị tại bệnh viện, hoặc chi phí đưa bệnh nhân đến các bệnh viện ở Sài Gòn. Cha cũng phân phát gạo, sách vở và xe đạp cho bọn trẻ đến trường. Cha còn làm nhiều việc từ thiện khác cho chúng tôi nữa.”
Những gương mẫu ảnh hưởng đến ơn gọi trở thành Kitô hữu của cha Nguyễn Viết Chung
Bác sĩ Phan Văn Tú kể lại rằng, cha Chung được sinh ra trong một gia đình Phật giáo. Bởi ngưỡng mộ 2 vị truyền giáo nước ngoài khi còn là sinh viên y khoa, ngài mong muốn trở thành người Công giáo.
Một trong 2 vị truyền giáo ấy là là linh mục người Bỉ Marcel Lichtenberger, là giáo sư y khoa đã dạy cha Chung về mô học và di truyền học ở Sài Gòn. Bác sĩ Tú nói: Ngày đó, cậu học trò y khoa tên Chung này “đã rất ngưỡng mộ đời sống thánh thiện và sự khôn ngoan của người thầy này”.
Vị thứ hai là giám mục người Pháp, Đức cha Jean Caissaigne (1895-1973) của Tổng giáo phận Sài Gòn, người đã sống giữa những người dân tộc thiểu số bị bệnh phong, và Đức cha cũng qua đời bởi chính căn bệnh này tại tỉnh Lâm Đồng.
Trước khi trở thành linh mục, cha Chung phải đạp xích lô để kiếm tiền trang trải cho việc học, cũng như để phụ giúp gia đình ngài.
Bác sĩ Tú chia sẻ thêm rằng, sau khi trở thành bác sĩ, cha Chung tình nguyện đến làm việc tại Trung tâm người phong ở tỉnh Bình Dương, nơi đây các nữ tu Dòng Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn đã truyền cảm hứng cho ngài để dấn thân phục vụ cho người bệnh.
Bạn bè của cha Chung cho biết, cha đã vượt qua những thách thức, ngăn cản từ chính gia đình ngài để theo đuổi ơn gọi làm linh mục Công giáo. Bố mẹ ngài chỉ muốn ngài một là trở thành một tu sĩ Phật giáo, hai là làm bác sĩ để giúp đỡ gia đình không khá giả gì của ngài.
Khi trở thành linh mục, cha Chung được mọi người biết đến với đời sống đơn sơ, giản dị. Ngài thường lái xe máy để thăm viếng, chăm sóc những bệnh nhân HIV, những người già neo đơn và những anh chị em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa.
Cha Chung trở thành người Công giáo năm 1994 và trở thành linh mục dòng Vinh Sơn vào năm 2003.
Anna Huê