Tin tức - Hoạt động

Đại hội Đại biểu những người Công giáo tỉnh Lâm Đồng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ V

Cập nhật lúc 17:27 26/10/2012

Tham dự Đại hội có: Linh mục Phan Khắc Từ- Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam; ông Phạm Kim Khang - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng; ông  Trương Văn Thu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân  tỉnh Lâm Đồng.

Phát biểu tại Đại hội, Linh mục Phan Khắc Từ đánh giá cao kết quả hoạt động mà Ủy ban Đoàn kết Công Giáo tỉnh Lâm Đồng đạt được trong thời gian qua. Đặc biệt là vai trò của Ủy ban trong mối quan hệ hài hòa giữa đạo và đời; mối quan hệ giữa Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh trong phát động phong trào thi đua yêu nước “Sống tốt đời đẹp đạo” và trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Linh mục Phan Khắc Từ đề nghị trong những năm tới, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả tích cực để thi đua sống tốt đời đẹp đạo, đoàn kết cùng nhân dân trong tỉnh phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống theo đường hướng “xây dựng Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam”.

Đại hội đã bầu 45 vị, trong đó có 22 linh mục; 03 nữ tu và 20 giáo dân tiêu biểu tham gia  Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Lâm Đồng  khóa V (nhiệm kỳ 2012 -2017). Linh mục Hoàng Văn Chính  được tín nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Lâm Đồng, ông Trương Đình Căn làm Phó Chủ tịch Thường trực; các linh mục: Nguyễn Hưng Lợi, Nguyễn Chu Truyền, Trần Thả làm Phó Chủ tịch.

Tại Đại hội có 04 linh mục được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc; 10 tập thể, cá nhân được Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng tặng bằng khen; 22 tập thể, cá nhân được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng tặng bằng khen do có thành tích xuất sắc phong trào thi đua yêu nước sống tốt đời đẹp đạo.

Tỉnh Lâm Đồng có 40 dân tộc anh em cùng chung sống, đồng bào theo các tôn giáo khác nhau chiếm trên 60% dân số trong tỉnh. Riêng đồng bào Công giáo có trên 350 ngàn giáo dân, chiếm 27% dân số toàn tỉnh, sinh hoạt tôn giáo tại 84 giáo xứ, 40 giáo họ. Có Toà Giám mục toạ lạc tại thành phố Đà Lạt với 01 Giám mục, trên 250 linh mục, 700 tu sỹ  và 39 dòng tu.

5 năm qua, đồng bào Công giáo tỉnh Lâm Đồng luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc  theo tinh thần Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” để phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh- trật tự và đẩy mạnh các hoạt động từ thiện nhân đạo. Lâm Đồng hiện chỉ còn 7,3% hộ Công giáo nghèo, không có hộ đói, số hộ giàu mỗi năm một tăng; trong 5 năm qua, giới Công giáo Lâm Đồng đã ủng hộ vào quỹ Vì người nghèo, xây nhà đại đoàn kết với số tiền hàng tỷ đồng. Có trên 150  khu dân cư  đông đồng bào Công giáo được công nhận là khu dân cư văn hóa. Qua bình xét hàng năm, 95% hộ Công giáo được bình là gia đình văn hóa. 

Qua phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện những cá nhân tiêu biểu, những mô hình sản xuất- kinh doanh đạt hiệu quả cao như mô hình Hợp tác xã Hiệp Nhất do linh mục Dương Công Hồ, Trưởng ban Đoàn kết Công giáo huyện làm Chủ nhiệm.  Với  phương châm hoạt động: Tôn trọng – Bình đẳng – Công bằng- Tương trợ và Trách nhiệm, hợp tác xã này đã thu hút trên 800 lao động tham gia, trong đó có gần 100 lao động là người dân tộc thiểu số với thu nhập bình quân 1,2 triệu đồng/ tháng. Hợp tác xã Hiệp Nhất vinh dự được bình chọn là một trong 10 hợp tác xã tiên tiến toàn quốc năm 2007.

Hoạt động từ thiện nhân đạo tiếp tục là nét đẹp trong đời sống của người Công giáo với nhiều hình thức như khám bệnh và phát thuốc miễn phí, tổ chức bếp ăn tình thương, hiến máu cứu người, tặng nhà đại đoàn kết… Tiêu biểu như  phòng khám Phú Sơn (Lâm Hà) trong 5 năm, đã khám, điều trị, châm cứu miễn phí số tiền trị giá trên 2 tỷ  đồng. Ban Đoàn kết Công giáo các huyện: Lâm Hà, Bảo Lộc,  thành phố Đà Lạt, còn vận động các đoàn y tế từ thiện trong và ngoài nuớc về khám chữa bệnh cho đồng bào nghèo. Tại Bảo Lâm, giáo xứ Lâm Phát đã vận động xây dựng phòng khám nhân đạo trị giá 120 triệu đồng, đến nay đã đi vào hoạt động ổn định. Tại Giáo xứ Di Linh, bà con giáo dân hiến 439 đơn vị máu. Giáo xứ còn thành lập đội hiến máu dự bị với 25 thành viên, sẵn sàng phục vụ bất kể lúc nào khi có yêu cầu.

Mái ấm Tín Thác (Thanh Xuân, Lộc Thanh, thành phố Bảo Lộc) do các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt phụ trách đang chăm nuôi khoảng 50 em nhỏ bị bỏ rơi và một số các bà mẹ trẻ đơn hành. Hiện nay, mái ấm vẫn tiếp nhận các em để chăm sóc, nuôi dưỡng nhưng với tâm niệm không mong con số này tăng lên và cũng không mong mái ấm mở rộng thêm, vì ước mong các em khi sinh ra phải được ở với cha mẹ và được lớn lên rong vòng tay yêu thương của mẹ cha để các em có một sự phát triển toàn diện.

Đối với việc xây dựng đời sống văn hóa, các xứ đạo đã thực hiện có hiệu quả nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, trong bảo vệ môi trường. Điển hình như ở xứ đạo Kim Phát (huyện Đức Trọng), xứ đạo Lạc Viên (Đơn Dương), xứ Thánh Mẫu (Đà Lạt) nhiều năm nay, giáo dân tổ chức đám cưới tiết kiệm, không say sưa rượu bia trong đám cưới; không làm cỗ linh đình đối với đám tang, loại bỏ các hủ tục trong việc tang. Một số xứ đạo còn thành lập Ban tang lễ để tự nguyện phục vụ miễn phí không phân biệt tôn giáo.

Trong các năm 2008, 2009 nhiều tu sỹ, chức việc Công giáo đã tích cực tham gia lớp học bồi dưỡng kiến thức về quốc phòng, lớp học về Pháp lệnh tín ngưỡng- tôn giáo, hội thảo về Đồng bào Công giáo tỉnh Lâm Đồng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Người Công giáo ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong các tổ chức xã hội. Hiện có 01 linh mục là đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, 06 linh mục là đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện, thành phố, 02 linh mục và 01 nữ tu là ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, thành phố. Hơn 1000 giáo dân tham gia các cấp chính quyền, đoàn thể từ cấp tỉnh đến cơ sở. Người Công giáo ngày càng ý thức rõ trách nhiệm công dân và bổn phận giáo dân trong thực hiện chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, tích cực giữ gìn an ninh- trật tự. Nhiều khu dân cư có đông người Công giáo đã trở thành điển hình tiên tiến trong phòng chống tệ nạn xã hội. Điển hình như tại huyện Di Linh có 128 khu dân cư đông đồng bào Công giáo sinh sống không có tội phạm và tệ nạn xã hội.

“Đồng bào Công giáo đã góp phần quan trọng vào sự  phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, góp phần  xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và khẳng định truyền thống yêu nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc…”, ông Phạm Kim Khang- Ủy viên  Ban Thường vụ tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng ghi nhận tại Đại hội.

An Luých
Thông tin khác:
Kỳ Anh, Hà Tĩnh: Đại hội người Công giáo thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (NK 2012 – 2017) (21/10/2012)
Khai mạc Năm Đức Tin tại Việt Nam (16/10/2012)
Đại hội Đại biểu những người Công giáo tỉnh Đăk Nông xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ II (09/10/2012)
Đại hội đại biểu những người Công giáo thị xã Cửa Lò (Nghệ An) xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ IV (04/10/2012)
Hội nghị tập huấn Truyền thông về môi trường (02/10/2012)
Đại hội Đại biểu những người Công giáo tỉnh Ninh Bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ V (26/09/2012)
Đại hội Đại biểu những người Công giáo tỉnh Sóc Trăng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ V( 2012-2017) (26/09/2012)
Đức Thọ - Hà Tĩnh: Đại hội đại biểu người Công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (25/09/2012)
Các tôn giáo trao đổi kinh nghiệm và ký giao ước thi đua thực hiện phong trào “Ba an toàn” về an ninh, trật tự. (24/09/2012)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log