Hà Tĩnh luôn phải gồng mình chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, đối mặt với “nắng lửa, mưa chan”. Hoàn cảnh khó khăn đã biến những con người nơi đây thành “mình đồng, da sắt” và rất đỗi anh hùng. Với đồng bào Công giáo còn mang một “chất” riêng, sự hòa quyện giữa tinh thần bác ái, cao thượng của đạo Công giáo với bản chất chịu thương, chịu khó của quê hương Hà Tĩnh đã tạo thành sức mạnh vô thường để giáo dân Hà Tĩnh vươn lên.
Hà Tĩnh là 1 trong 15 tỉnh, thành phố có số lượng tín đồ theo đạo Công giáo đông nhất toàn quốc, hiện nay có 6 giáo hạt, 58 giáo xứ, 231 họ đạo, 3 tu viện thuộc dòng Mến Thánh giá Vinh, ngoài ra còn một số cơ sở, nhóm nữ tu Dòng Mến Thánh giá, Dòng Bác ái. Hiện nay toàn tỉnh có 56 linh mục và hơn 150 nữ tu ở các cơ sở dòng, nhóm nữ tu, có 149.273 giáo dân, chiếm 11,5% dân số, có 131/262 xã, phường, thị trấn có đồng bào giáo dân và có 461 khu dân cư vùng giáo, trong đó 114 khu dân cư vùng giáo toàn tòng...Nhân dân vùng giáo đã có những đổi thay kỳ diệu ngay chính trong đời sống vật chất và tinh thần do chính họ tạo dựng và sự tận tình của hướng dẫn của các cơ quan hữu quan.
Sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và sự động viên, hướng dẫn của Ủy ban đoàn kết Công giáo các cấp, sự đồng hành của các chức sắc, chức việc, người Công giáo Hà Tĩnh qua các thời kỳ lịch sử đã góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc và xây dựng quê hương. Ngày nay, đời sống vật chất cũng như tinh thần của bà con giáo dân Hà Tĩnh đã dần được đổi thay, đó là kết quả của mối thân tình đoàn kết lương giáo ngày càng được thắt chặt. Tất cả đều chung một lý tưởng là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung tay bảo vệ Tổ quốc, xây dựng “thiên đường” trên chính quê hương, đất nước Việt Nam.
Điều đó được thể hiện sâu sắc trên lĩnh vực kinh tế - xã hội của đồng bào Công giáo Hà Tĩnh. Bà con giáo dân đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, năng suất lúa bình quân hằng năm đạt từ 55-60 tạ/ha, đặc biệt có những vùng đạt từ 60-65 tạ/ha như vùng giáo Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên...riêng xóm Ban Long và Tam Đa ở Can Lộc thực hiện cánh đồng mẫu cho năng suất 65-70 tạ/ha. Bên cạnh đó, người dân vùng giáo đã tích cực phát trển các mô hình trang trại, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản... tất cả đã làm cho đời sống kinh tế của bà con giáo dân ngày càng được cải thiện theo hướng đi lên. Đặc biệt có những hộ đã bứt phá trong việc tìm ra được hướng đi thích hợp trong thời kỳ hội nhập kinh tế. Những doanh nghiệp do người Công giáo làm chủ đang ngày càng tăng về số lượng, đảm bảo về doanh thu, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn người lao động. Tiêu biểu như Công ty TNHH Trung Anh, Công ty Phước Lộc (Kỳ Anh); Công ty TNHH TM Lâm Sản Hoàng Anh, Doanh Nghiệp Đức Tài, Doanh nghiệp Phú Khánh, Hường Phú (Hương Khê); Công ty Xuất nhập khẩu Châu Tuấn (Nghi Xuân), Công ty TNHH Hoàng Ngọc, Doanh nghiệp Phạm Toản, Doanh nghiệp Thịnh Yên (Can Lộc)....
Những nỗ lực về đẩy mạnh sản xuất, phát trển kinh tế đã làm cho cuộc sống của đồng bào Công giáo Hà Tĩnh trở nên sung túc, khá giả hơn. Theo khảo sát, hiện nay có trên 5.750 hộ gia đình có mức thu nhập từ 40-60 triệu đồng/năm, 3.550 hộ thu nhập từ 60-80 triệu đồng/năm, 2.390 hộ có thu nhập từ 80-100 triệu đồng/năm, 1.470 hộ có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Phong trào xuất khẩu lao động đã thu hút được hàng trăm con em giáo dân đi làm việc tại nhiều nước trên thế giới, hàng năm gửi về hàng chục tỷ đồng để giúp gia đình đảm bảo cuộc sống và xây dựng quê hương.
Giáo dân Hà Tĩnh không chỉ cố kết với nhau trong xây dựng đời sống vật chất mà còn cùng nhau chăm lo phát trển văn hóa – xã hội. Tất cả các cuộc vận động do Ủy ban MTTQ và Ủy ban ĐKCG Việt Nam phát động đều được các vị linh mục, tu sĩ, các vị trong Hội đồng mục vụ và bà con giáo dân hưởng ứng tích cực, ngày càng xuất hiện nhiều vùng giáo là điểm sáng trong xây dựng nếp sống văn hóa, làng xã văn hóa. Tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn...được bà con giáo dân đặc biệt quan tâm. Trong 5 năm qua, bà con giáo dân toàn tỉnh đã đóng góp xây dựng được 623 nhà tình nghĩa, ủng hộ trên 15 tỷ đồng vào “Quỹ vì người nghèo”, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/diôxin, ủng hộ nhân dân Nhật Bản trong thảm họa sóng thần...tổ chức trao tặng 366 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng với tổng trị giá trên 180 triệu đồng. Tiêu biểu có Hội từ thiện giáo xứ Trại Lê (Quang Lộc – Can Lộc) tổ chức khám và cấp phát thuốc miễn phí cho trên 1.000 lượt người với giá trị trên 100 triệu đồng. Đây là những nét đẹp về truyền thống của dân tộc và thể hiện lòng biết ơn với người có công, đồng thời khẳng định vai trò của người Công giáo theo đường hướng mục vụ của Giáo hội Việt Nam luôn đồng hành, gắn bó cùng dân tộc.
Nỗ lực trong quá khứ là động lực cho hiện tại và tương lai, thành quả hôm nay đã, đang và sẽ là bước đà để giáo dân Hà Tĩnh gặt hái thêm những bước tiến mới. Dẫu biết rằng khó khăn vẫn còn đó song bà con vẫn tự tin để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Trong quá trình đồng hành cùng dân tộc, bà con giáo dân Hà Tĩnh đã tạo dựng được một cuộc sống khá sung túc, điều đó đã tạo niềm tin cho bà con tiếp tục gặt hái thêm những thành tựu mới tốt đẹp hơn.
Người Công giáo Hà Tĩnh luôn tâm niệm “Sống làm người tín hữu trung thành của hội thánh chúa Kitô và làm người công dân tốt của Tổ quốc” nên bà con đã đoàn kết, cùng nhau vượt qua muôn vàn khó khăn để gây dựng cuộc sống khá giả toàn diện. Đồng bào Công giáo cả nước nói chung, người Công giáo Hà Tĩnh nói riêng đang hân hoan sống đạo theo chương trình Phụng vụ mà Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đề ra trong năm 2012 và những năm tiếp theo đó là: Hiểu biết và sống mầu nhiệm của Giáo hội với châm ngôn “Hãy mang trong anh em những tâm tư của Đức Kitô Giêsu". Đồng thời thực hiện tốt các cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo”, “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...Chính việc thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công” là chìa khóa để đồng bào Công giáo Hà Tĩnh vững bước tiến lên.
Đại hội đại biểu người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2012-2017 là dịp để đồng bào Công giáo Hà Tĩnh khẳng định quyết tâm thực hiện những mục tiêu cho lộ trình tiếp theo. Tin tưởng rằng bà con sẽ luôn đồng hành cùng quê hương, đất nước trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong công cuộc kiến thiết quê hương và nhất là tạo dựng cuộc sống giàu mạnh, ấm no, hạnh phúc của chính họ.
Phát biểu tại đại hội, ông Lâm Văn Cách nhấn mạnh: Những kết quả mà đồng bào Công giáo Hà Tĩnh đã đạt được là rất nổi bật, chứng tỏ rằng bà con đã nỗ lực rất lớn. Tôi hy vọng rằng những chỉ tiêu mà đại hội đề ra thì bà con giáo dân chúng ta sẽ biến thành hiện thực, vì niềm tin phải thể hiện bằng hành động, nếu không thì niềm tin sẽ không có giá trị, người Công giáo tốt cũng chính là người công dân tốt. Uỷ ban ĐKCG là cầu nối giữa đồng bào giáo dân với Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đồng thời tạo động lực cho phong trào của đồng bào Công giáo phát triển vì vậy trách nhiệm của ủy ban ĐKCG là rất nặng nề, ủy ban ĐKCG Hà Tĩnh phải đề ra các giải pháp hữu hiệu để các chỉ tiêu của nhiệm kỳ mới hoàn thành một cách xuất sắc nhất.
Đại hội đại biểu những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh lấn thứ VI, nhiệm kỳ 2012-2017 đã hiệp thương bầu Ủy ban ĐKCG tỉnh gồm 63 vị, trong đó 14 linh mục, 2 tu sĩ, 47 giáo dân; đồng thời bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc toàn quốc lần thứ VI với 12 vị, trong đó có 2 đại biểu đương nhiệm.