Ông Vũ Văn Mười - Phó Chủ tịch Ủy ban ĐKCG tỉnh khóa IV đã thay mặt lên báo cáo. Báo cáo nhấn mạnh trên các lĩnh vực: Tỉnh Hà Nam, trong 5 năm qua đứng trước vận hội mới trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mặc dù còn không ít khó khăn thách thức nhưng kinh tế xã hội vẫn ổn định và phát triển, hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Kinh tế phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng đạt 13%/năm; GDP bình quân đầu người đạt 16,43 triệu đồng; thu ngân sách tăng hơn 3 lần so với năm 2005; văn hoá – xã hội đạt được nhiều thành tích quan trọng; quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước hợp lòng dân. Đặc biệt là chủ trương chính sách nhất quán trước sau như một của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo, đáp ứng với những nguyện vọng và nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào có đạo.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp: Đại bộ phận người Công giáo tỉnh Hà Nam là nông dân, sản xuất nông nghiệp là nguồn thu nhập chính. Trong 5 năm qua, sản xuất dù gặp nhiều khó khăn, phải đối mặt với tình trạng thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài, dịch bệnh gia súc, gia cầm bùng phát trên diện rộng, những mặt hàng vật tư chiến lược đồng loạt tăng giá, đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, đồng bào Công giáo nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu mùa vụ, vật nuôi, cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh, nên năng xuất lúa hàng năm đều đạt 230kg đến 280 kg/sào, như các xứ, họ: Động Linh, Hòa Trung, Yên Mỹ, Phúc Thành (Duy Tiên), Đại Phú, Tân Lang, An Lạc (Kim Bảng); Tân Hương, Lại Xá (Thanh Liêm), Tiêu Viên, Hòa Mạc, Trung Lương (Bình Lục), Phú Đa, Vĩnh Đà, Vũ Điện, Khoan Vĩ (Lý Nhân), Quang Ấm (Phủ lý)… là những địa phương luôn luôn đạt năng suất và sản lượng cao.
Ngoài sản xuất nông nghiệp nhiều hộ gia đình ở các xứ, họ đạo trong tỉnh mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư xây dựng các mô hình trang trại vừa và nhỏ để nuôi trồng thủy sản kết hợp với chăn nuôi gia súc gia cầm cho thu nhập giá trị cao. Điển hình gia đình ông Sơn ở Bút Đông (Duy Tiên), gia đình ông Tịch ở Đại Phu (Bình Lục), gia đình ông Vân ở Thượng Vĩ (Lý Nhân), gia đình anh Tuấn ở Kim Thanh (Kim Bảng) chăn nuôi gà thương phẩm hàng năm cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn thịt.
Lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ: Một trong những nội dung để phát triển kinh tế, các xứ, họ đạo tỉnh Hà Nam đã phát huy ngành nghề thủ công truyền thống, tiếp nhận và nhân cấy nghề mới, các nghề sản xuất như nghề dũa ở họ Đại Phu – An Đổ, sản xuất nghề sừng thủ công mỹ nghệ ở họ Đô Hai - An Lão, chế biến sắt thép phế liệu ở Tiêu Động, huyện Bình Lục; mây giang đan xuất khẩu ở Ngọc Động, ươm tơ ở Yên Mỹ, huyện Duy Tiên; sản xuất vật liệu xây dựng ở La Mát - Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, Bút Sơn, Tân Lang, huyện Kim Bảng, thêu ren xuất khẩu Thanh Hà (Thanh Liêm), nghề làm miến, bánh đa nem xuất khẩu ở Nguyên Lý, nghề đan nón ở Thượng Vỹ - Lý Nhân… Tiêu biểu là Ông Nguyễn Quang Trung giám đốc công ty xây dựng Đồng Tâm huyện Thanh Liêm thu hút tạo công ăn việc làm ổn định từ 200 đến 300 người, có thời điểm lên tới 500 người với mức lương bình quân 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm nộp ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng. Thường xuyên tham gia phong trào ủng hộ quỹ khuyến học, quỹ vì người nghèo; ủng hộ thiên tai bão lụt… trên 100 triệu đồng/năm, cá nhân ông Trung được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, cúp Thánh Gióng năm 2008, Huân chương Lao động hạng Ba năm 2009. Bà Đinh Thị Nương xứ Bút Sơn- Kim Bảng đầu tư trên 30 tỷ đồng xây dựng khu du lịch sinh thái Hoàng Sơn đưa vào sử dụng đầu mùa hè năm 2010. Ngoài ra, cơ sở còn khai thác nguyên vật liệu, thu hút hàng trăm lao động thường xuyên cho thu nhập cao, làm tốt công tác từ thiện bác ái, hàng năm nộp ngân sách nhà nước đầy đủ theo quy định, cá nhân được tặng nhiều Bằng khen của Trung ương, của tỉnh.
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội: 100% các xứ, họ đạo và giáo dân tích cực tham gia xây dựng thực hiện hương ước, quy ước làng văn hóa, xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến. Nhiều nơi đã loại bỏ các hủ tục lạc hậu, hình thành nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội, phù hợp với truyền thống của dân tộc, quê hương. Từ việc thực hiện tốt nội dung về gương mẫu xây dựng đời sống văn hóa và các nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đến nay 100% hộ gia đình Công giáo có điện thắp sáng, có phương tiện nghe, nhìn; 35% gia đình mua sắm tài sản nội thất có giá trị, 55% gia đình xây dựng nhà mái bằng, 85 % số hộ được dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh, bộ mặt nông thôn ngày càng được đổi mới khang trang. Hàng năm đã có nhiều hộ gia đình Công giáo đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, tỷ lệ gia đình văn hóa trong đồng bào Công giáo những năm qua của tỉnh đạt trên 80%, có nhiều xứ, họ đạo đạt danh hiệu “Khu dân cư tiên tiến”, toàn tỉnh có 97 xứ, họ được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa” cấp tỉnh, cấp huyện, thành phố nhiều năm liền.
Chương trình dân số KHHGĐ được đa số giáo dân có ý thức thực hiện sinh sản có trách nhiệm, nuôi dạy con tốt, 80% giáo xứ, giáo họ không có người sinh con thứ 3, tiêu biểu làng Vạn Thọ, xóm 2 Phú Đa - Lý Nhân.
Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Hà Nam anh hùng trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống quân xâm lược và bảo vệ Tổ quốc, đã và đang có hàng vạn con em người Công giáo lên đường tòng quân đánh giặc giữ nước, đã có 1.098 liệt sĩ đó hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và giữ nước, 1.573 thương, bệnh binh. Đặc biệt là anh hùng liệt sỹ là người Công giáo Trần Văn Chuông ở xứ Cát Lại, huyện Bình Lục. Có 16 bà mẹ Việt Nam anh hùng là người Công giáo được Đảng và Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ngày nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lớp lớp thanh niên con em giáo dân tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. 5 năm qua, đã có 729 thanh niên Công giáo làm nghĩa vụ quân sự, không có hiện tượng bỏ, trốn, đảo ngũ, thanh niên Công giáo tích cực tham gia vào lực lượng dự bị đông viên ở địa phương, sẵn sàng khi có lệnh là lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh được Đại hội Người Công giáo tỉnh Hà Nam lần thứ IV (nhiệm kỳ 2005-2010) cử ra gồm 47 ủy viên, trong đó có 7 vị trong Ban thường trực. Ở cấp huyện, thành phố có 6 Ban Đoàn kết Công giáo huyện, thành phố, với tổng số 66 ủy viên và 200 Tổ Đoàn kết ở các xứ, họ đạo với tổng số là 2.897 người. Trong nhiệm kỳ qua, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo tỉnh nhìn chung ổn định về tổ chức. Có 4/6 huyện, thành phố đến nhiệm kỳ là: Kim Bảng, Thanh Liêm, Bình Lục, Lý Nhân đã tiến hành Đại hội và kiện toàn Ban Đoàn kết Công giáo, Tổ Đoàn kết Công giáo.
...
Các vị Ủy viên Ủy ban đoàn kết Công giáo tỉnh khóa V ra mắt
Nhân ĐH này, UBND tỉnh Hà Nam tặng bằng khen cho 6 tập thể, 6 cá nhân; Uỷ ban MTTQ tỉnh tặng bằng khen 6 tập thể, 6 cá nhân; và Uỷ ban ĐKCG tỉnh tặng giấy khen cho 6 cá nhân. ĐH nhất trí với kết quả hiệp thương cử 47 vị uỷ viên Uỷ ban Đoàn kết Công giáo tỉnh nhiệm kỳ V, 2010-2015; ông Nguyễn Hữu Về - Chủ tịch khóa IV làm Chủ tịch khóa V, ông Vũ Văn Mười- Phó Chủ tịch khóa IV nay làm Phó Chủ tịch Thường trực khóa V.
Tỉnh Hà Nam có 3 tôn giáo chính là đạo Phật, đạo Công giáo và đạo Tin lành. Riêng đạo Công giáo, với tổng số gần 11 vạn nhân danh, trong 25.815 hộ gia đình giáo dân, chiếm tỷ lệ 13.5% dân số trong tỉnh. Có 53 nhà thờ xứ, 176 nhà thờ họ lẻ, được phân bố ở 96/116 xã, phường, thị trấn; có 39 cơ sở Công giáo toàn tòng, 29 xã có tỷ lệ giáo dân đông, từ 30% trở lên, toàn tỉnh có 24 Linh mục hoạt động mục vụ coi sóc các xứ, họ đạo, có 103 nữ tu thường xuyên sinh hoạt tại 9 nhà dòng (chủ yếu là dòng Mến thánh giá); có 1.377 người tham gia Ban Hành giáo xứ, họ đạo và có hơn 46.931 người tham gia sinh hoạt các tổ chức Hội đoàn tôn giáo.
|