Tin tức - Hoạt động

Đau thương khúc ruột miền Trung

Cập nhật lúc 15:13 24/10/2016
* Theo Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến chiều 16.10.2016, mưa lũ làm 21 người chết (Nghệ An 2 người, Hà Tĩnh 2 người, Quảng Bình 15 người, Huế 2 người). Bên cạnh đó còn có 8 người mất tích (Hà Tĩnh 1 người, Quảng Bình 7 người), 18 người bị thương (Quảng Bình 13 người, Quảng Trị 3 người, Huế 2 người). Mưa lũ cũng đã làm ngập và hư hỏng trên 100.000 ngôi nhà.


Đau thương khúc ruột miền Trung
 

Cơn lũ lịch sử

Từng con đường làng, những mái nhà, khuôn viên thánh đường… chìm trong khung cảnh ảm đạm của dòng nước lũ. Xa xa, chiếc bè tự chế từ vài ba cây chuối được mấy người dân ghép lại để làm phương tiện đi từ nhà này qua nhà khác. Đó là hình ảnh chúng tôi ghi nhận tại giáo xứ Vĩnh Phước - GP Vinh (xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), nằm trong vùng rốn lũ ven sông Gianh.

Từ ngày 13.10.2016, những trận mưa xối xả bắt đầu trút xuống trên toàn tỉnh Quảng Bình, phổ biến ở mức 400-500mm, riêng trong ngày 14.10, lượng mưa đo được tại trạm khí tượng Đồng Hới đạt lượng kỷ lục : trên 700mm. Nhiều giáo dân Vĩnh Phước kể, tối ngày 14.10, nước bắt đầu tràn về, kèm theo mưa lớn, chỉ trong vòng ít tiếng đồng hồ, nước đã dâng cao tới ngực. “Hơn 70 tuổi nhưng lần đầu tiên tôi thấy đợt lũ dữ như hiện nay”, bà Lê Thị Tính, một giáo dân nói.

Cách Vĩnh Phước chừng 10 cây số, giáo xứ Liên Hòa, giáo hạt Hướng Phương (xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn) nằm giữa một cồn cát, bao bọc hai bên là nước Sông Gianh. Cha chánh xứ Micae Hồ Thái Bạch cho hay, toàn bộ giáo xứ ngập sâu trong nước, có nơi sâu 2,5 mét, nền nhà thờ dù khá cao nhưng ngập gần hết cửa chính ra vào. Còn giáo xứ Minh Cầm, giáo hạt Minh Cầm (xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) nằm nơi thượng nguồn sông Gianh, dù thuộc vùng đồi núi nhưng chỉ khoảng 10% các gia đình ngụ trên cao mới thoát khỏi dòng nước. Tại giáo xứ Yên Giang, giáo hạt Đồng Troóc (xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), nhà thờ nằm tựa lưng vào dãy núi Trường Sơn, trước mặt là con sông Son - bắt nguồn từ động Phong Nha chảy ra sông Gianh - nên khi lũ lên, nước từ trên núi đổ xuống, trước sông tràn bờ, do đó chỉ một thời gian ngắn đã ngập sâu nhà dân, có nơi lên tới mái nhà... Đến chiều tối ngày 16.10, nước rút gần hết nhưng một số địa phương nằm ở vùng đất trũng vẫn bị dòng nước chia cắt.


Các cha dòng Đồng Công trao quà đến tay bà con vùng lũ

Vì lũ đến quá nhanh, trong đêm 14.10 đã đạt đỉnh, nhiều người không kịp trở tay. Theo ghi nhận ban đầu, tại Vĩnh Phước, một người chết; Minh Cầm có hai ngôi nhà bị nước cuốn trôi; con đường chính liên huyện bị hư hỏng. Tại nhiều giáo xứ, các vật dụng dùng trong phụng vụ như đàn, loa, máy tính do không kịp di chuyển đến nơi an toàn bị hư hỏng; trâu bò của nhiều gia đình bị chết, gia súc gia cầm khác như heo, gà, vịt đều mất mát với số lượng lớn; lúa ngô dự trữ từ vụ hè  thu - thu hoạch cách đây chưa lâu - cùng nhiều tài sản khác như bàn, ghế cũng trôi theo dòng lũ. Các giáo xứ khác như Hòa Ninh, Cồn Sẻ, Cồn Nâm, Diên Trường, Văn Phú, Giáp Tam, Tân Phong, Kinh Nhuận, Phù Kinh, Tân Hội, Chày, Hà Lời và Trung Quán cũng gặp tình trạng tương tự. Nhiều nơi hoàn toàn bị cô lập. Ở nơi thấp, người dân phải di tản đến nơi trú ẩn, số khác phải dỡ mái ngói, lên nóc nhà tránh lũ.

Lũ đã rút nhưng ngoài thiệt hại về người và của, mất điện sinh hoạt, trước mắt mọi người phải mất nhiều ngày lau chùi nhà cửa, dọn dẹp quang cảnh tan hoang. Ngoài ra là cảnh thiếu nước sạch nếu lâu ngày không mưa, và nỗi lo dịch bệnh lây lan sau khi nước rút đang lớn dần…

Tình người khi nước lên

Để giúp bà con, ngoài sự cứu trợ đến từ chính quyền các cấp thì Tòa Giám mục GP Vinh cùng các cha sở tại nơi có lũ cũng ra sức ứng cứu. Bằng nhiều phương tiện thô sơ, trong ngày ngập nước, các ngài đi đến từng nhà thăm hỏi, động viên, căn dặn mọi người nhớ cẩn thận trong việc đi lại. Linh mục Vinhsơn Điểm Cao Dương Đông, chánh xứ Yên Giang mang theo 200 thùng mì và nhu yếu phẩm như dầu ăn, nước mắm, cùng với một số giáo dân chèo thuyền rong ruổi khắp vùng tiếp tế lương thực giúp người dân cầm chừng khi chưa thể đỏ lửa. Các ngài cũng kêu gọi thêm nhà hảo tâm, các nhà dòng giúp đỡ…

Cha Đông và hành trang cứu trợ đi đến các gia đình trong xứ

Trong đêm nước tràn về, nhiều thành viên HĐMVGX Minh Cầm lẹ làng sắp xếp việc nhà rồi tập trung về nhà xứ cùng cha sở Phêrô Lê Thanh Hồng điều hành chống lũ. Không quản hiểm nguy, mọi người chèo thuyền, men theo hàng cây để tới các nhà thấp, nơi vùng trũng để di chuyển người dân về nhà thờ. Trong ngày ngập, những nhà thờ không bị nước xâm nhập là nơi tạm cư của nhiều người trong và ngoài xứ và của những đoàn xe khách bị mắc kẹt ngoài đường lớn.

Ngày 17.10, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục GP Vinh đã về thăm và tặng quà cho bà con ở các giáo xứ vùng lũ tại Quảng Bình và Hà Tĩnh, động viên giáo dân sớm vượt qua khó khăn. Trong đợt cứu trợ khẩn cấp này, Đức cha Phaolô đã trao 13.000 thùng mì tôm, nước sạch và thuốc men cho 17 giáo xứ bị ảnh hưởng nghiêm trọng tại Quảng Bình, với tổng trị giá 1 tỷ đồng. Nhiều người cảm thấy được yêu thương, đỡ nâng lúc gặp khó.

Ngay sau khi lũ vừa rút, hai linh mục dòng Đồng Công là cha Giuse Maria Vũ Kim Ngân - đặc trách Ban truyền giáo và cha Gioan Maria Nguyễn Thiên Khải - đặc trách Ban Bác ái Xã hội của nhà dòng đã đón chuyến bay sớm từ Sài Gòn về Quảng Bình cứu trợ. Tại giáo xứ Minh Cầm, hai cha  ghé qua 5 giáo họ và 2 giáo điểm để trao tận tay bà con từng thùng mì, ký gạo. “Phần quà tuy đơn sơ nhưng với chúng tôi như vậy đã quá tốt và thấy thật ấm lòng”, bà Liên, giáo dân Minh Cầm nói. Tại các giáo phận cũng như các giáo xứ, các vị chủ chăn cũng kêu gọi giáo dân đóng góp, sẻ chia đến với đồng bào vùng lũ và ngay sau đó là những chuyến xe từ nhiều vùng miền như Nghệ An, Đà Nẵng… với biểu ngữ “Xe cứu trợ bà con lũ lụt” nối đuôi nhau chở hàng về tiếp tế.

Hơn lúc nào hết, người dân tại những địa phương vừa trải qua cơn lũ hiện đang rất cần tấm lòng của mọi người để vượt qua khốn khó.

Văn Quý

Thông tin khác:
Thư kêu gọi cứu trợ nạn nhân bão lụt Miền Trung (24/10/2016)
Lưu ý đi tham dự thánh lễ (19/10/2016)
Lãnh đạo thành phố chúc mừng Hội Dòng Thánh Phaolô thành Chartres - Tỉnh dòng Hà Nội (13/10/2016)
Kinh Mân Côi là sự tổng hợp của lịch sử lòng thương xót của Thiên Chúa (13/10/2016)
Sinh viên Công giáo Hàn quốc loan báo Tin Mừng trên đường phố (12/10/2016)
Tân Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc là người Công giáo sốt sắng (12/10/2016)
Thư Chung Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi Cộng đồng Dân Chúa (11/10/2016)
Hội đồng Giám mục Việt Nam bế mạc Đại hội lần thứ XIII (năm 2016) (10/10/2016)
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Nhân sự cho nhiệm kỳ 2016–2019 (07/10/2016)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log