Thời điểm những năm 1948- 1950, khi đó, Kẻ Chuôn từng là địa bàn hoạt động, nuôi dấu lực lượng cách mạng, trong đó có ông Hoàng Quốc Việt sau này giữ chức Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cũng thời kì này, phong trào du kích vùng giáo rất sôi nổi, người tiền nhiệm làm xã đội trưởng đầu tiên và cũng là người Công giáo -ông Giuse Vũ Văn Bài- ông cũng đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, được công nhận là liệt sỹ. Kế ông, nhiều người sau này giữ vị trí ấy cũng là người Công giáo... Hay cũng trong thời kì này còn có phong trào ‘Nữ Thanh niên đánh giặc giữ làng’, số chị em tham gia hầu đều là người Công giáo, nay còn ba cụ bà là Cựu Chiến binh- khi xưa tham gia, đều đã ở tuổi thượng thọ. Thực dân biết được tấm lòng bà con Công giáo vùng này hướng về dân tộc, cách mạng nên chúng đã ném bom san phẳng nhà thờ giáo họ Chuôn Trung; toan san tiếp nhà thờ chính xứ Kẻ Chuôn (nằm trên Chuôn Thượng), nhưng do sai tọa độ cũng gây đổ tháp và một phần tầng thượng… Sau này khi hòa bình lập lại, giáo dân không ngạc nhiên gì khi thấy linh mục Phạm Đình Tân (chánh xứ Kẻ Chuôn lúc đó) được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Kháng chiến. Trong kháng pháp cũng còn phải kể đến một tấm gương đặc biệt, đó là tín hữu Giuse Vũ Đình Kim, cụ vào nội thành Hà Nội, người trong thôn tưởng cụ vào đó buôn bán hay làm thợ, ai dè cụ ghi danh, tham gia đội cảm tử quân; khi cụ ôm bom ba càng lao vào xe tăng quân thù… hy sinh, có giấy báo tin về cụ đã được công nhận liệt sỹ mọi người vỡ lẽ thán phục... Đó là những tấm gương sống động, cùng với những động viên tích cực, kịp thời để đến khi kháng Mỹ, toàn bộ thanh niên trong thôn lại một lần nữa đều tòng quân vào Nam đánh Mỹ. Có những gia đình cả hai, cả ba, có khi là hai chú cháu ruột thịt cùng tòng quân một ngày; đặc biệt, có nhà cụ Phêrô Hà có đến năm người con cùng lên đường, trong đó có anh cả Vọng ( khi ấy) đang nuôi bốn con thơ, hay gia đình cụ Giuse Vũ Văn Đương, lúc đó làm Chủ tịch MTTQ xã cũng có đến bốn con lên đường. Thôn Công giáo này ngày ấy chỉ còn lại phụ nữ và trẻ em. Tin tức ngóng trông miền Nam như những đứa trẻ đợi mẹ về chợ. Nghe qua đài tiếng nói thấy quân ta thắng giặc, các mẹ các chị vui lắm; rồi cũng đến một ngày các mẹ, các chị bi lắm, thương lắm, chuyện là có những nhà nhận liền trong giây lát hai giấy báo tử. Trong một thôn Công giáo, qua một cuộc kháng chiến có đến 19 người con nằm lại mãi mãi nơi chiến trường, những người trở về hầu đều để lại một phần xương máu nơi ấy.
Trong dịp Đại lễ Giáng sinh vừa qua, tết cổ truyền Canh Dần năm nay, chưa bao giờ bà con Công giáo thôn Chuôn Thượng vui sướng, phấn khởi đến thế: Cách chung, năm vừa qua Giáo phận Hà Nội được ơn mở Năm Thánh long trọng, quy mô; cách riêng, một vài năm vừa qua, do ảnh hưởng kinh tế thế giới suy thoái nhưng sản phẩm mỹ nghệ của bà con giáo dân vẫn tìm được chỗ đứng tương đối ổn định, vững chắc… Nét đặc biệt khác, có thể hiểu chưa bao giờ có và chưa ở đâu làm, đó là công việc tri ân những người con Công giáo trong thôn ngã xuống, được cấp ủy chi bộ, chính quyền, nhân dân địa phương nhất trí xây Đền ghi công liệt sỹ tại thôn, trên có Thánh giá, dưới có tên Thánh từng vị anh hùng liệt sỹ, ngày đi lính, ngày hy sinh có cả!
Nói rộng ra là, xây đền ghi công các anh hùng liệt sỹ theo cung cách của người Công giáo: Vị trí đặt tại quần thể nhà văn hóa thôn; nhà xây mái cong Á đông, mặt diện có bốn chữ lớn ‘Tổ quốc ghi công’; bên trong trên linh vị có bàn thờ Chúa… Trên có nói đến dịp Giáng sinh, tức trước đó ba ngày, nhằm ngày 22/12/2009, Ngày Hội quốc phòng toàn dân, tất cả (23) linh vị các anh hùng liệt sỹ được các cấp hữu trách, toàn bộ bà con giáo dân trân trọng đưa về ngự tại đài!
Từ ý tưởng, ước nguyện… đến hiện thực một công trình tâm linh tri ân những người đã ngã xuống, giáo dục ý thức cách mạng cho người đang sống và các thế hệ tương lai đó là trăn trở dài dài của tập thể chi bộ (35 đảng viên) thôn Thượng (cũng xin nhắc lại đây là thôn Công giáo toàn tòng); nhưng theo ghi nhận của những ân nhân liệt sỹ, thì người Bí thư chi bộ, cựu chiến binh kháng Mỹ, ông Giuse Vũ Văn Tùy- người khởi thảo ý tưởng, bỏ nhiều công sức, nỗ lực vận động để có một công trình độc đáo, thỏa mãn tâm nguyện của người đương sống với người đã ngã xuống vì quê hương đất nước. Cách làm độc đáo, thỏa mãn đặc thù vùng Công giáo. Khi được hỏi, sao ông lại nghĩ ra cách làm rất trúng, cô đọng được cả truyền thống dân tộc, lồng ghép tình cảm tôn giáo vào trong đền; ông nói: “Đồng đội mình nằm kia, thân nhân mình nằm kia… ai phủ nhập được công lao của họ, trên đất giáo chỉ làm theo cách đó mới đúng mới hợp, làm cách đó còn gián tiếp giáo dục thế hệ đi sau và cũng là niềm tự hào, bậc cha chú chúng ta là người Công giáo nhưng đóng góp xương máu cho dân tộc có kém ai, đặc biệt, họ cũng được bình đẳng tôn thờ, cả tín ngưỡng của họ cũng được Đảng- Nhà nước tôn trọng”.
Linh vị các anh đã an, nhân dân, thân nhân rất phấn khởi. Công trình sẽ được định ngày khánh thành vào 27/7/2010. Địa phương đã chính thức lập hồ sơ đề nghị các cấp công nhận công trình kỉ niệm 1000 năm Thăng Long.
Nguyên cố Chủ tịch MTTQVN Lê Quang Đạo đã từng đề cập đến chuyện này:
Thật vô tình trong một dịp Đại hội Chi bộ Báo, năm đó tôi mới về làm việc tại Báo. Khi đó, ông Nguyễn Tiến Võ với tư cách là Bí thư Đảng bộ UBTƯ. MTTQVN trong bài nói chuyện của mình để động viên cán bộ đảng viên, phóng viên cơ quan Báo, đẩy mạnh việc tuyên truyền về những tấm gương tiên tiến, xuất sắc trong giới Công giáo thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống văn hóa khu dân cư”. Ông cũng ghi nhận sự đóng góp lớn lao của đồng bào Công giáo trong các cuộc kháng chiến kiến quốc của dân tộc. Như để minh chứng và khẳng định rằng, con em Công giáo đã từ đổ máu xương trong cách mạng, và Báo phải góp phần vào vinh danh điều đó, tuyên truyền Đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tinh thần cởi mở về tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nhân đó, ông kể câu chuyện mà cố Chủ tịch MTTQVN Lê Quang Đạo đã từ bày tỏ quan điểm tại tại tỉnh Hà Nam. Đại ý: Khi làm việc với ông Thi- khi đó là Chủ tịch MTTQ tỉnh Nam Hà, ông Thi đã hỏi Chủ tịch “Có một trường hợp mà người thân của liệt sĩ gốc Công giáo muốn đề tên Thánh và cây Thánh giá trên mộ của liệt sĩ tại nghĩa trang”. Chủ tịch đã thẳng thắn trả lời ngay, đại ý: Ủng hộ quá đi chứ, thân thể, xương máu họ còn hi sinh cho dân tộc, đất nước, chúng ta phải ủng hộ; không được hẹp hòi. Làm được điều đó có ý nghĩa rất tích cực, vừa thể hiện tự do tín ngưỡng, vừa ghi nhận công lao của họ và một điều rất đặc biệt mà ta cần làm là động viên con em Công giáo tham gia cách mạng, vừa nói với họ là cha anh họ đã từng có cống hiến cho cách mạng, và họ cũng được vinh danh đó thôi…
“Chào đón sự kiện ngàn năm Thăng Long”. (Ảnh: Đền liệt sỹ độc đáo đủ cả đạo - đời tại Chuôn Thượng).