Huyện có diện tích 1.227 km2, dân số trên 100.000 người, đa số là Mường và Thái, thêm một ít H'mông từ Lào Cai, Yên Bái đến định cư. Số người có đạo trong cả huyện chỉ hơn 1.000 người H'mông, và khoảng 100 người Kinh từ đồng bằng lên làm ăn. Chưa kể số người chưa dám giữ đạo vì đang vướng víu công ăn việc làm hoặc vì sợ!
Huyện Phù Yên gồm thị trấn Phù Yên và 26 xã: Tân Phong, Tường Phong, Tường Hạ, Tường Thượng, Tường Phù, Huy Tường, Huy Tân, Gia Phù, Huy Bắc, Tường Tiến, Quang Huy, Mường Cơi, Huy Thượng, Huy Hạ, Tân Lang, Nam Phong, Bắc Phong, Đá Đỏ, Sập Sa, Kim Bon, Suối Bau, Suối Tọ, Mường Thải, Mường Lang, Mường Do, Mường Bang.
Phù Yên, nơi trời - đất - người gặp nhau (ảnh: CTV).
Có 11 xã trong huyện thuộc diện khó khăn nằm trong Chương trình 135 giai đoạn II của Chính phủ, là các xã: Nam Phong, Bắc Phong, Đá Đỏ, Sập Sa, Kim Bon, Suối Bau, Suối Tọ, Mường Thải, Mường Lang, Mường Do, Mường Bang. Tất cả người H'mông có đạo đều ở các xã nghèo khó này. Tên thì đẹp mà cuộc sống thì chưa, vì còn thiếu thốn mọi bề.
Cuối tháng 8/2016 vừa qua, Đức cha phụ tá Anphong đã thực hiện kế hoạch thăm mục vụ các bản có người Công giáo, nhưng mới thăm được 4 bản thì phải tạm gián đoạn cho đến lễ Giáng sinh.
Ngày 12/12/2016, Tòa Giám mục Hưng Hóa đã gửi bản đăng ký tổ chức cuộc lễ ngoài cơ sở tôn giáo tại 8 điểm thuộc huyện Phù Yên vào những ngày áp lễ Giáng sinh. Và thế là từ ngày 21 đến 24/12, Đức cha đã đến thăm và dâng lễ cho người H'mông và Kinh ở 8 xã thuộc huyện Phù Yên, theo lịch trình dưới đây:
Đoàn khởi hành từ Tòa Giám mục lúc 7g30, đến nhà thờ Kiệt Sơn cách hơn 80 cây số thì gần trưa. Sau bữa cơm do ông bà trùm Vinh - Thúy thết đãi, đoàn tiếp tục đi 50 cây số nữa để đến điểm thứ nhất là bản Bãi Lươn, thuộc xã Mường Do.
14g30, bà con giáo dân đã chờ sẵn. Chúng tôi vào việc ngay: cha Thái và cha Khoái ngồi tòa giải tội, còn Đức cha thì thăm hỏi để biết đời sống đạo của họ nhằm khích lệ đức tin. Bà con ở đây còn nghèo vì đất đai khô cằn, thiếu nước, thiếu ăn khi giáp hạt. Đời sống đạo cũng chẳng khá hơn, vì không ai hướng dẫn.
Sau khi giải tội, chúng tôi cử hành thánh lễ Vọng Giáng sinh cho bà con. Vì bao lâu nay chẳng có thánh lễ, nên họ thưa kinh vấp váp, ít biết hát thánh ca, có người làm dấu còn ngượng nghịu. Nhưng Chúa cần tấm lòng hơn hết, mà điều này thì họ có thừa.
Lễ xong, mỗi người được tặng một ổ bánh mì để lót lòng trên đường về, còn chúng tôi rời Bãi Lươn để đi Chè Mè, cách xa 15 cây số, đường ngoằn ngoèo, dốc dác khó đi. Đến nơi thì hoàng hôn đã nhá nhem. Thánh lễ được cử hành lúc 8 giờ tối, mỗi người nến trong tay, như canh thức chờ Chúa đến. Trong không khí se lạnh, cả một khoảng không gian được chiếu sáng và ấm áp hẳn lên nhờ ánh nến lung linh khiến thánh lễ tối hôm nay thật thánh thiêng huyền diệu, rung động lòng người con Chúa.
Bây giờ là mùa khô ở miền Tây Bắc, suối đã gần cạn, nên những nhà trên đồi cao thường thiếu nước sinh hoạt. Căn nhà chúng tôi trú qua đêm cũng thế. Vậy là chúng tôi đi ngủ mà không tắm rửa, sáng ngày dậy cũng chỉ một ca nước súc miệng. Mới chút chút vậy mà đã cảm thấy bất tiện rồi. Thật, muốn làm người H'mông với người H'mông cũng không dễ dàng!
Chúng tôi đi ngủ lúc gần 11 giờ đêm mà bên tai vẫn vẳng tiếng đàn hát của nhóm trẻ tập văn nghệ Giáng sinh. Ở đây số người theo Tin lành khá đông, họ cũng không có mục sư hay thầy giảng đạo đến giúp mà tự lo cho nhau. Lúc chúng tôi dâng lễ có một nhóm Tin lành đến dự, họ tỏ vẻ thiện cảm, thích thú. Thật là những “con chiên bơ vơ tất bạt không người chăn dắt” (Mc 6,34). Biết đến khi nào giáo phận mới có thể gửi linh mục hay tu sĩ đến đây chăm sóc giáo dân, “để họ được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10)?
Rời Chè Mè (xã Mường Bang), chúng tôi đi 54 cây số để đến bản Suối Quốc (xã Mường Thải), nơi có 29 hộ với 163 giáo dân. Họ sống rải rác, xa nhau đến 10 cây số đường núi ngoằn ngoèo, lên cao xuống dốc. Do chưa sinh hoạt nề nếp, nên nhiều người không biết có cuộc họp mặt và thánh lễ hôm nay, trẻ em thì đi học, chỉ khoảng năm chục người hiện diện.
Trên đường đi, chúng tôi gặp một hình ảnh vừa dễ thương, vừa xót xa, đó là hai em bé lem luốc, trần truồng, chân đất, đang chơi duôi sắn (nạo sắn). Chúng cho thấy cuộc sống ở đây thật là khốn khổ. Ở dưới Tòa Giám mục, vào mỗi buổi chiều vẫn có các em bé ở gần đến tìm một không gian rộng rãi để chơi đùa. Trông em nào cũng kháu khỉnh, được ăn no mặc ấm, có ông bà hay cha mẹ canh chừng. Tuổi thơ của các em bé ấy đong đầy tình thương và được bao bọc bằng vật chất dư thừa. Còn ở đây, các em thiếu ăn thiếu mặc từ lúc lọt lòng mẹ, chỉ biết chơi với đất đá, với chó gà!
Lần trước đến thăm, chúng tôi tặng mỗi gia đình ít gạo, mì ăn liền, bột nêm, các cụ già thì thêm lọ thuốc bổ mà thật là vất vả để chuyển đến đây, vì lúc ấy mùa mưa, đường sá lầy lội. Lần này chúng tôi chỉ mang theo được ít quà là chuỗi Mân Côi, bánh mì, kẹo và bong bóng. Thế nhưng bà con đã làm chúng tôi vui khi họ chìa tay nhận lấy với cả tấm lòng đơn sơ.
Bữa cơm sau lễ thịnh soạn vào bậc nhất đối với người H'mông, – có thịt dê và thịt gà – mọi người cùng ăn. Thượng khách là chúng tôi thì ngồi trên gác; bên dưới thì dành cho đàn ông và thanh niên, còn đàn bà và trẻ em thì qua nhà bên cạnh. Có món “nậm pía” dê độc đáo mà chúng tôi chỉ nhấm nháp một thìa rồi chào thua!
Lời tạm biệt cũng là lời hẹn sẽ trở lại vào dịp lễ Phục sinh. Nhất định khoảng giữa thời gian này phải thực hiện một kế hoạch sát sườn để nâng đỡ, củng cố và gia tăng lòng tin mến nơi những người anh em này. Nhiều lần tôi tự đấm ngực ân hận rằng giáo phận đã quá lo cho người kinh dưới đồng bằng mà bỏ quên những anh chị em H'mông nơi đây.
Rời bản Suối Quốc (xã Mường Thải), chúng tôi đi 34 cây số để đến bản Suối Trò (xã Suối Tọ), nơi có 28 hộ với 157 giáo dân. Hồi cuối tháng 8, chúng tôi đã đến đây. Lúc ấy là mùa mưa, đường đi cực kỳ khó khăn, cheo leo nguy hiểm vì một bên là thung lũng sâu hun hút, bên kia là vách núi sạt lở. Lần này, chúng tôi đi con đường đã được sửa, và mùa khô nên an toàn hơn.
Nơi làm lễ lần này cũng khác lần trước, cách chỗ cũ độ 5 cây số. Đến nơi, chỉ khoảng hai ba chục người có mặt. Hỏi thì được biết trong bản có một ông già mới qua đời, ông không theo đạo, con ông thì có. Theo tục lệ H'mông, cả bản đều xúm xít chung tay lo việc an táng, vì thế mà họ vắng mặt nhiều. Chúng tôi phân vân, nửa muốn làm lễ ở đây, nửa muốn vào chỗ có đám, thật là “bỏ thì thương, vương thì tội”. Sau cùng đành ở lại, vì đã đăng ký địa điểm hành lễ với chính quyền.
Dù chỉ có dăm chục người, chúng tôi cũng giải tội, dâng lễ như ở các nơi khác. Chúng tôi cũng tặng bà con bánh mì để có chút gì bỏ bụng trên đường về. Có một bà già được tặng lọ thuốc bổ. Bà vừa nhận thì một anh công an vội giật xem, như muốn biết có thật là thuốc bổ hay một thứ gì khác! Lần trước, ở bản Suối Chèo (xã Suối Bau) khi tặng mỗi gia đình ít lương thực, một anh công an hỏi chúng tôi cho họ những gì, có giấy tờ xuất xứ không! Cách hành xử này làm chúng tôi không hài lòng.
Lễ xong, chúng tôi chào tạm biệt bà con H'mông chất phác nghèo nàn để trở về thị trấn, cách xa 18 cây số, lòng áy náy vì thương họ lẻ loi, không được hưởng một sự chăm sóc mục vụ nào ! Họ giống như hai em bé mặt mày lem luốc, không quần, không áo, không dép mà chúng tôi thấy sáng hôm nay. Phải làm gì cho những anh chị em này để họ tin vững hơn. Người H'mông dễ theo đạo và cũng dễ bỏ đạo, chẳng qua vì họ không được trang bị vốn liếng giáo lý cho đủ. Ngôn ngữ đúng là bức tường dày. Người trẻ thì còn nói và hiểu được tiếng Kinh, chứ người lớn tuổi, nhất là phụ nữ thì không. Trong hoàn cảnh éo le này, hẳn Chúa Thánh Thần phải can thiệp như trong lễ Ngũ Tuần xưa, để họ có thể hiểu các mầu nhiệm, không bằng ngôn ngữ của chữ viết, nhưng bằng ngôn ngữ của trái tim!
BT