Trong Thánh lễ Chúa Nhật thứ V Mùa Chay hôm 29/03, được phát trực tiếp từ Roma, Đức Hồng y Tagle mô tả năm tha nợ đặc biệt đó là tha các khoản nợ, đặc biệt là của các quốc gia nghèo và chuyển các chi tiêu quân sự cho các nhu cầu xã hội. Đức Hồng y nói: “Bây giờ chúng tôi nhận ra rằng chúng ta không có đủ khẩu trang nhưng có quá nhiều đạn. Chúng ta không có đủ nguồn cung cấp máy thở nhưng chúng ta có hàng triệu peso, đô la hoặc euro chi cho một chiếc máy bay có thể tấn công người.”
Tha nợ cho các nước nghèo
Đức Hồng y cảnh báo rằng việc thiếu các nguồn nguyên liệu này có thể là “mồ chôn” các nước nghèo và người dân của họ. Do đó Đức Hồng y kêu gọi các nước giàu trên thế giới “xóa” tiền lời mà họ thu từ các khoản vay của nước nghèo để những nước này có thể sử dụng các nguồn tài nguyên đang cạn kiệt của họ vào những nhu cầu khẩn thiết do đại dịch gây ra. Ngài nói: “Hãy tha các khoản nợ để những người đang ở trong ngôi mộ của nợ nần có thể tìm thấy sự sống.”
Chuyển các chi tiêu quân sự cho các nhu cầu xã hội
Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Đức Hồng y cũng kêu gọi các chính quyền chuyển các chi tiêu quân sự cho việc kiến tạo “an ninh thực sự” như giáo dục, nhà ở và thực phẩm. Ngài khẳng định rằng điều này sẽ bảo đảm an ninh thật sự và giúp họ ra khỏi nấm mồ. Ngài nói: “Làm ơn, chúng ta có thể dừng chiến tranh không? Chúng ta có thể ngừng sản xuất vũ khí không? Chúng ta có thể đi ra khỏi ngôi mộ và tiêu tiền cho an ninh thực sự không?”
Khủng hoảng virus corona là cơ hội để thực hiện việc xóa nợ cho các nước nghèo
Hơn hai mươi năm sau khi phát động chiến dịch toàn cầu nhân dịp Đại Năm Thánh 2000, với sự tham gia tích cực của Tòa thánh và toàn thể Giáo hội Công giáo cùng với nhiều tổ chức phi chính phủ, việc xóa nợ nước ngoài cho các quốc gia nhiều nợ vẫn là một chủ đề mở. Việc xóa nợ cho nhiều quốc gia được quyết định bởi các tổ chức quốc tế vào đầu những năm 2000 chắc chắn đã làm giảm bớt tình trạng nợ của một số quốc gia nghèo; họ có thể đầu tư nhiều nguồn lực vào các dịch vụ như giáo dục và y tế cộng đồng, nhưng không phải tất cả đều được hưởng lợi và biện pháp này không phải lúc nào cũng mang tính quyết định ngay cả ở các quốc gia được hưởng lợi từ nó, nhiều nước trong số đó vẫn ở trong tình trạng thậm chí còn tồi tệ hơn so với năm 2000. Cuộc khủng hoảng virus corona là cơ hội tái đề xuất vấn đề một cách cấp bách hơn. (REI 30/03/2020)
Hồng Thủy - Vatican