Lễ phong chân phước cho 7 Giám mục Rumani tử đạo |
Chúa nhật 2-6, là ngày chót trong chuyến tông du của ĐTC. Lúc 8 giờ rưỡi sáng, ĐTC giã từ tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Bucarest để ra phi trường đáp máy bay, trước tiên tới thành phố Sibiu có 151 ngàn dân cư ở mạn tây bắc thủ đô để từ đây dùng xe đến thị trấn Blaj có 20 ngàn dân cư, nơi có tỷ lệ Công Giáo cao nhất ở Rumani và cũng là nơi có tòa của vị Hồng Y duy nhất của Rumani, Lucian Muresan, cũng là TGM trưởng của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ đông phương tại nước này.
Đến sân vận động ở Blaj lúc 11 giờ rưỡi, ĐTC đã dùng xe bọc kiếng để tiến về cánh đồng Tự Do cách đó 3 cây số, nơi có gần 100 ngàn tín hữu đang chờ đợi ngài đến để chủ sự thánh lễ phong chân phước dưới bầu trời nắng đẹp.
Đồng tế với ĐTC có khoảng 50 HY và GM, trong và ngoài nước, cùng với gần 200 LM, tất cả trong áo lễ mầu trắng. ĐHY Muresan, TGM trưởng của giáo phận Alba Julia, chủ sự thánh lễ theo nghi thức đông phương.
Trong số các quan khách hiện diện, có tổng thống Klaus Ioannis và phu nhân, các vị trong hoàng gia trước đây của Rumani, và đại diện các tôn giáo bạn.
Nghi thức phong chân phước
Mở đầu nghi thức phong chân phước, ĐHY Muresan đã thỉnh cầu ĐTC ghi tên 7 vị GM Rumani tử đạo vào sổ bộ các chân phước của Giáo Hội, rồi một LM tóm lược tiểu sử của 7 GM tử đạo. Sau đó, ĐTC long trọng đọc công thức tôn phong chân phước cho 7 GM chịu chết vì đức tin, và ấn định lễ kính các vị hàng năm vào ngày 2-6.
Cộng đoàn nhiệt liệt vỗ tay bày tỏ vui mừng và bức họa vẽ trên gỗ diễn tả 7 vị chân phước mới được rước lên lễ đài cạnh bàn thờ và một vị GM xông hương tôn kính. Rồi ĐHY Muresan và cha thỉnh nguyện viên án phong tiến lên trước ĐTC để cám ơn ngài đồng thời xin ngài cầu nguyện và chúc lành cho Giáo Hội tại Rumani.
Bài giảng của ĐTC
Trong bài giảng, ĐTC diễn giải bài Tin Mừng thuật lại phép lạ Chúa chữa người mù bẩm sinh và sự tra hỏi của dân chúng, của những người biệt phái. Những người này phủ nhận hoạt động của Thiên Chúa, viện cớ là Thiên Chúa không làm việc ngày thứ bẩy. Tất cả cảnh tượng và cuộc thảo luận đó cho thấy thật khó hiểu những hoạt động và ưu tiên của Chúa Giêsu, Đấng có thể đặt ở nơi trung tâm những người trước đây ở ngoài rìa, nhất là khi người ta nghĩ rằng ngày thứ bẩy chiếm vị thế ưu tiên chứ không phải là tình thương của Chúa Cha, Đấng tìm cách cứu độ tất cả mọi người (Xc 1 Tm 2,4). Từ đó, ĐTC nhận xét rằng:
Những thứ mù lòa nhiều người phải chịu
”Thế là người mù ấy đã phải sống không những với tình trạng mù lòa của mình, nhưng cả sự mù lòa của những người ở xung quanh nữa. Những chống đối và thù nghịch nảy sinh trong tâm hồn con người, khi mà, thay vì đặt con người ở trung tâm, người ta lại đặt những tư lợi, những nhãn hiệu, lý thuyết, những trừu tượng và ý thức hệ, những thứ này khi đi qua nơi nào, chúng chỉ làm cho mọi sự và mọi người trở nên mù lòa. Trái lại tiêu chuẩn của Chúa khác hẳn: thay vì ẩn nấp trong sự bất động hoặc trong sự trừu tượng ý thức hệ, Chúa tìm kiếm con người với khuôn mặt của họ, với những vết thương và lịch sử của họ. Chúa đi gặp gỡ họ và không để cho mình bị qua mặt vì những thứ diễn văn không có khả năng dành ưu tiên và đặt ở trung tâm điều thực sự là quan trọng.
Những đau khổ của dân Rumani để đạt tự do
Từ những tiền đề trên đây, ĐTC đề cập đến những đau khổ của Rumani và nhất là của 7 chân phước tử đạo. Ngài nói: Đất nước này biết rõ những đau khổ của dân chúng khi trọng lượng ý thức hệ hoặc của một chế độ nặng hơn cuộc sống và được đề cao như qui luật cho chính đời sống và đức tin của con người; khi khả năng quyết định, tự do và không gian dành cho việc sáng tạo bị thu hẹp hoặc thậm chí bị hủy bỏ (Xc Laudato sì, 108).
Anh chị em đã chịu những diễn văn và hành động dựa trên sự phá tan uy tín, đến độ trục xuất và tiêu diệt những người không thể tự vệ và làm cho những tiếng nói khác biệt bị im bặt. Đặc biệt chúng ta nghĩ đến 7 GM Công Giáo Đông phương mà tôi vui mừng tôn phong chân phước hôm nay. Đứng trước sự đàn áp khốc liệt của chế độ, các vị đã chứng tỏ cho dân của mình một niềm tin và tình thương gương mẫu. Với lòng can đảm mạnh mẽ và sức mạnh nội tâm, các vị đã chấp nhận tù đày ngặt nghèo và mọi thứ ngược đãi, miễn là không từ chối mình thuộc về Giáo Hội yêu quí của mình. Các vị Mục Tử này là những vị tử đạo vì đức tin, đã phục hồi và để lại cho dân tộc Rumani một gia sản quí giá mà chúng ta có thể tóm gọn trong hai từ: tự do và lòng thương xót.
ĐTC giải thích rằng ”Khi nghĩ đến tự do, tôi không thể không nhận xét điều này là chúng ta đang cử hành Thánh Lễ tại ”Cánh đồng tự do”. Địa điểm ý nghĩa này gợi lại sự hiệp nhất của dân tộc anh chị em, được thực thi trong sự khác biệt những biểu hiện tôn giáo: điều này tạo nên một gia sản tinh thần làm cho nền văn hóa và căn tính quốc gia Rumani thêm phong phú. Các vị tân chân phước đã chịu đau khổ và hy sinh tính mạng, chống lại một chế độ ý thức hệ thiếu tự do và cưỡng chế các quyền căn bản của con người. Trong thời kỳ đau buồn ấy, đời sống của cộng đoàn Công Giáo bị thử thách cam go vì chế độ độc tài vô thần: tất cả các GM, nhiều tín hữu của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương và Giáo Hội Công Giáo la tinh đã bị bách hại và cầm tù.
Gia sản tinh thần của các chân phước: Lòng thương xót
Tiếp tục bài giảng trong lễ phong chân phước ở Rumani, ĐTC nói:
”Một khía cạnh khác của gia sản tinh thần nơi các chân phước tử đạo mới chính là lòng thương xót. Cùng với sự kiên cường tuyên xưng lòng trung thành với Chúa Kitô, nơi các vị cùng có một sự sẵn sàng chịu chết vì đạo mà không một lời oán ghét đối với những kẻ bách hại mình, các vị tỏ ra dịu dàng và hiền từ đối với họ. Thật là hùng hồn điều mà Đức Cha Iuliu Hossu tuyên bố trong tù: “Thiên Chúa đã gửi chúng tôi đến nơi tăm tối đau khổ này để ban ơn tha thứ và cầu nguyện cho sự hoán cải của mọi người”. Những lời này là biểu tượng và là sự tổng hợp thái độ của các vị trong thời kỳ thử thách, đã nâng đỡ dân Chúa được ủy thác cho các vị trong việc tiếp tục tuyên xưng đức tin mà không nhượng bộ hoặc trả đũa. Thái độ từ bi thương xót đối với những lý hình như thế là một sứ điệp ngôn sứ, vì ngày nay đó là một lời mời gọi tất cả mọi người hãy vượt thắng sự hoán hận bằng tình bác ái và tha thứ, sống đức tin Kitô trong sự nhất quán và can đảm”.
ĐTC nhắn nhủ các tín hữu rằng: ”Anh chị em thân mến, ngày nay cũng đang xuất hiện những ý thức hệ mới, chúng tìm cách áp đặt một cách tinh vì và muốn bứng dân chúng ta ra khỏi những truyền thống phong phú về văn hóa và tôn giáo. Những ý thức hệ thực dân coi rẻ giá trị con người, sự sống, hôn nhân và gia đình (Amoris laetitia 40), và với những đề nghị hấp dẫn, vô thần giống như trong quá khứ, chúng gây hại đặc biết cho những người trẻ và các trẻ em, khiến các em bị mất cội rễ từ đó các em lớn lên (Xc Christus vivit, 78) và như thế, - họ nghĩ - tất cả trở nên chẳng đáng kể gì nếu không phục vụ cho tư lợi trước mắt của mình, và khiến con người lợi dụng tha nhân và đối xử với họ như những đồ vật (Laudato sì 123-124). Đó là những tiếng nói gieo rắc sợ hãi và chia rẽ, tìm cách xóa bỏ và chôn vùi gia sản quí giá mà đất nước này đã thấy nảy sinh. Ví dụ tôi nghĩ đến sắc chỉ Torda năm 1569, trừng phạt mọi thứ cực đoan bằng cách cổ võ một thái độ bao dung về tôn giáo, đó là một trong trường hợp đầu tiên ở Âu Châu.
Và ĐTC kết luận rằng ”Tôi muốn khích lệ anh chị em hãy đưa ánh sáng Tin Mừng đến cho những người đồng thời và tiếp tục tranh đấu, như các vị chân phước mới, chống lại các ý thức hệ mới đang nảy sinh. Ước gì anh chị em là những chứng nhân cho tự do và lòng thương xót, bằng cách nêu cao tình huynh đệ và đối thoại, thay vì những chia rẽ, gia tăng tình huynh đệ bằng máu, có căn cội từ thời kỳ đau khổ trong đó các Kitô hữu, vốn chia rẽ trong lịch sử, khám phá thấy mình gần gũi và liên đới. Xin Mẹ Maria phù hộ và xin các chân phước tử đạo mới chuyển cầu cho anh chị em”
Cuối thánh lễ, ĐTC đã làm phép bức ảnh vẽ trên gỗ diễn tả 7 vị tân chân phước.
Và ĐHY Lucian Muresan, TGM trưởng của Giáo Hội Công Giáo Rumani nghi lễ Đông phương ngỏ lời cám ơn ĐTC và dâng tặng ngài một mặt nhật chứa đựng một vài thánh tính của các vị Á thánh mới.
Sau cùng, ĐTC mời gọi mọi người đọc kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng và ban phép lành kết thúc cho mọi người.
Giuse Trần Đức Anh - Vatican