Đây là chuyến công du chính thức của ĐTC trong tư cách nguyên thủ quốc gia Vatican đến thăm quốc gia Malta, đồng thời cũng là chuyến thăm mục vụ của Đấng kế vị Tông đồ Phêrô đối với Giáo Hội tại Malta.
Chuyến viếng thăm Malta của ĐTC diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm sự kiện Thánh Phaolô bị đắm tàu tại Malta vào năm 60, cách nay đúng 1950 năm.
Đón tiếp ĐTC tại sân bay quốc tế Luqa, về phía Nhà nước Malta, có Tổng thống và các nhà lãnh đạo cao cấp trong chính phủ; về phía Giáo Hội có hàng giáo phẩm và đông đảo giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân Malta.
Tại sân bay, ĐTC đã đọc một bài diễn văn quan trọng.
ĐTC Bênêđictô XVI: “Tiếng nói của Malta rất có giá trị trong cuộc tranh luận hiện nay về căn tính văn hóa của Châu Âu”
Trước hết ĐTC cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của Nhà nước, ngoại giao đoàn và Giáo Hội tại Malta dành cho ngài. ĐTC đặc biệt đánh giá cao những hoạt động nhân đạo của chính phủ và nhân dân Malta trong việc trợ giúp Châu Phi.
ĐTC nêu bật “vị trí ngã tư của nhiều khu vực địa lý” và vai trò của Malta trong lịch sử phát triển chính trị, tôn giáo và văn hóa tại Châu Âu, Cận Đông và Bắc Phi.
ĐTC nhấn mạnh Tin Mừng chính là nguồn cội văn hóa của Malta: “Theo ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa, Tin Mừng đã được Thánh Phaolô và những môn đệ đầu tiên của Đức Kitô mang đến cho miền duyên hải này. Công sức truyền giáo của các ngài đã trổ sinh hoa trái suốt bao thế kỉ, góp phần định hình nền văn hóa phong phú và cao quý của Malta”.
Hơn nữa, theo ĐTC: "Malta có tiếng nói rất giá trị trong cuộc tranh luận hiện nay về căn tính văn hóa của Châu Âu”.
ĐTC khích lệ chính phủ và nhân dân Malta “Trở thành nhịp cầu hiểu biết giữa các dân tộc, các nền văn hóa và tôn giáo chung quanh khu vực Địa Trung Hải. Malta được trao cho vai trò chìa bàn tay hữu nghị mời gọi các quốc gia Đông và Tây, Bắc và Nam”.
“Đức Tin phải giữ vai trò hàng đầu trong việc hoạch định sự phát triển đảo quốc Malta”
Ngỏ lời với các tín hữu Malta, ĐTC cho biết ngài thực hiện chuyến viếng thăm Malta để ôn lại sự kiện thánh Phaolô bị đắm tàu tại Malta vào năm 60, cách nay đúng 1950 năm. Do đó ngài chọn đề tài mục vụ là “Chúng ta sẽ phải mắc cạn ở một hòn đảo” (Cv 27, 26).
ĐTC giải thích: “Có lẽ nhiều người coi việc Thánh Phaolô đến Malta, theo cái nhìn nhân loại, là một sự kiện ngoài dự định, đơn thuần chỉ là một sự cố trong lịch sử. Nhưng con mắt đức Tin giúp chúng ta hiểu đó chính là việc Chúa Quan phòng làm”.
ĐTC cho biết mục đích chuyến viếng thăm Giáo hội tại Malta của Vị kế nhiệm Tông đồ Phêrô là để “củng cố đức Tin cho anh chị em” (x. Lc 22, 32) và cùng hiệp nhất với nhau trong lời cầu nguyện, có sự thông công đặc biệt của Thánh Phaolô, vị Đại Tông đồ của Malta.
Cuối bài diễn văn, ĐTC nhấn mạnh mọi kế hoạch phát triển đảo quốc Malta đều phải được cắm rễ trong cội nguồn Kitô giáo của mình:
“Nhân dân Malta, trong gần 2000 năm qua, đã tiếp nhận ánh sáng của giáo huấn Tin Mừng và tiếp tục được củng cố nhờ cội nguồn Kitô giáo, thì nay cũng hãnh diện về đức Tin luôn giữ vai trò hàng đầu trong việc hoạch định sự phát triển đất nước. Vẻ đẹp đức Tin của bạn được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau và bổ sung cho nhau, trong đó có không ít cuộc sống thánh thiện đã hướng dẫn nhân dân Malta biết tự hiến chính mình để phục vụ lợi ích của tha nhân. Trong số đó chúng ta phải kể đến Thánh Ġorġ Preca mà tôi vui mừng được tuyên phong hiển thánh cho ngài cách đây 3 năm (ngày 3-06-2007)”.
ĐTC đã phó thác Malta cho Đức Mẹ Ta’Pinu (Đền thánh Đức Mẹ tại Ta’Pinu, giáo phận Gozo, Malta, nơi Đức Mẹ hiện ra và làm phép lạ vào tháng Sáu năm 1883) và cho Thánh Phaolô, vị Đại Tông đồ, Đấng tổ phụ Đức Tin của các tín hữu Malta.