Vào lúc 10 giờ 30 sáng 22-1-2013, tại Dinh Tông Tòa trong phủ Giáo Hoàng, Đức Giáo Hoàng đã tiếp kiến Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam cùng với phái đoàn cấp cao của Đảng và Nhà Nước Việt Nam viếng thăm một số nước Tây Âu. Cuộc gặp gỡ này thực sự là một điều bất ngờ dường như không báo trước đối với truyền thông quốc tế cũng như trong nước, hứa hẹn đem lại nhiều triển vọng cho quan hệ song phương, vốn đã và đang được đàm phán và đẩy mạnh trong những năm gần đây.
Đức Giáo Hoàng và Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã hội kiến riêng trong khoảng nửa giờ đồng hồ. Sau đó, Đức Giáo hoàng đã gặp chung và chào thăm 10 vị trong đoàn cùng đi với Tổng Bí Thư, trong đó có Phó Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ông Phạm Bình Minh – Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao, ông Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch và đầu tư, ông Phạm Dũng - Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ kiêm thứ trưởng Bộ nội vụ và một số vị khác như thứ trưởng quốc phòng, chủ tịch Ủy ban ngoại giao của Đảng cộng sản Việt Nam, thứ trưởng Bộ công an, Đại Sứ Nguyễn Hoàng Long của Việt Nam tại Roma.
Theo giới truyền thông nhận định, đây là lần đầu tiên Đức Thánh Cha tiếp kiến một vị Chủ Tịch của đảng chính trị, bởi thông thường ngài chỉ gặp gỡ với các nguyên thủ quốc gia. Tòa Thánh đã dành cho Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng việc đón tiếp nồng hậu với nghi thức trang trọng dành cho một vị nguyên thủ quốc gia. Có thể nói, đây là một điều đáng chú ý, trong bối cảnh thúc đẩy quan hệ song phương.
Nhân dịp này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tặng Đức Thánh Cha Biển Đức XVI bức tranh sơn mài thật đẹp có hình Chùa Một Cột ở Hà Nội. Đáp lại, Đức Thánh Cha tặng ông và phái đoàn Việt Nam cùng đi một bức tranh quý mang hình một phông ten trong nội thành Vatican.
Sau khi hội kiến Đức Thánh Cha trong Dinh Tông Tòa, phái đoàn của ngài Tổng Bí Thư đã gặp gỡ và hội kiến với Đức hồng y Tarcisio Bertone - Quốc vụ khanh Tòa Thánh và Đức Tổng Giám mục Dominique Mamberti - Ngoại trưởng Tòa Thánh, cùng với một số thành viên thuộc Bộ ngoại giao của Tòa Thánh Vatican.
Ngay sau khi cuộc gặp gỡ diễn ra, phòng Báo Chí của Tòa Thánh Vatican đã phát đi bản thông cáo chính thức với nội dung như sau: “Sáng nay thứ Ba, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã tiếp Tổng Bí Thư Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, là Nguyễn Phú Trọng. Sau đó, Tổng Bí Thư và đoàn tùy tùng của ông đã gặp Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cùng với Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, Ngoại Trưởng Tòa Thánh.
Đây là lần đầu tiên một Tổng Bí Thư của Đảng Cộng sản Việt Nam đã gặp Đức Giáo Hoàng và các quan chức cấp cao của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Trong các cuộc hội đàm những vấn đề mà Việt Nam và Tòa Thánh quan tâm đã được nêu ra với hy vọng chẳng bao lâu sẽ tìm được giải pháp để có thể tăng cường mối quan hệ song phương.”
Cuộc gặp gỡ của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI mở ra nhiều triển vọng trong quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam. Trong thời gian qua, Ủy ban làm việc chung giữa Tòa Thánh và Nhà Nước Việt Nam vẫn gặp gỡ hàng năm để thảo luận về quan hệ hai bên. Một trong những kết quả của quan hệ này là phía Nhà Nước Việt Nam đồng ý để Tòa Thánh bổ nhiệm một vị Đại diện không thường trú tại Việt Nam, đó là Đức Tổng Giám mục Lepoldo Girelli hồi năm 2011.
Cũng nên nhắc lại, đây là lần thứ Ba một lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thăm và hội kiến với Đức Thánh Cha tại Vatican. Trước đó, vào ngày 25 tháng Giêng năm 2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng được Đức Thánh Cha tiếp kiến. Ngày 11 tháng 12 năm 2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đã có cuộc hội kiến Đức Thánh Cha tại Dinh Tông Tòa.
Có thể nói, cuộc gặp gỡ giữa Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và Đức Thánh Cha mở ra nhiều hy vọng mới cho quan hệ Việt Nam – Vatican. Với số giáo dân khoảng trên 7,5 triệu người, Việt Nam là nước có cộng đồng Công giáo thuộc hàng đông đảo ở châu Á, chỉ đứng sau Philippines. Việc thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Tòa Thánh Vatican và Nhà nước Việt Nam sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy đời sống và sinh hoạt tôn giáo của đồng bào Công Giáo, làm thăng tiến và xây dựng tình liên đới, hiểu biết lẫn nhau giữa tôn giáo và xã hội hiện nay.