Tin tức - Hoạt động

Giáo họ chèo đò ở Chùa Hương

Cập nhật lúc 08:58 04/05/2017
Nơi tôi chuẩn bị đặt chân đến là giáo họ Hà Đoạn, giáo xứ Tụy Hiền, Tổng giáo phận Hà Nội (thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) nằm trên trục đường 419 cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 60km, mất khoảng gần 2 tiếng ngồi xe bus
        Trên đường đi tôi mông lung nghĩ về nghề chèo đò đưa khách qua sông, lại nghĩ đến một nét chấm phá vô cùng đặc sắc về một giáo họ nằm giữa đất Phật với nghề chèo đò bao đời cha truyền, con nối… Trong lòng tôi cảm thấy vô cùng hào hứng, xe đến bến lúc nào cũng không hay, mãi khi phụ xe nhắc “bến cuối rồi chị ơi” tôi mới sực tỉnh.
 
        Xuống đến bến xe Mỹ Đức, tôi được bác Phêrô Dương Văn Phiến, Trưởng ban Đoàn kết Công giáo huyện Mỹ Đức tiếp đón, một người trưởng ban vô cùng tận tụy mà tôi sẽ giới thiệu với độc giả báo Người Công giáo Việt Nam vào một bài viết khác. Bác mặc dù tuổi đã cao nhưng đi xe máy đưa tôi đến nhà thờ giáo họ Hà Đoạn, Ban mục vụ giáo họ gồm Trưởng ban và hai Phó ban đón tiếp hai bác cháu chúng tôi rất chu đáo.

Ban Mục vụ giáo họ Hà Đoạn
 
        Giới thiệu với chúng tôi về ngôi nhà thờ cổ kính từ thời Pháp thuộc (nhà thờ được xây vào năm 1919) còn hằn nguyên những vết đạn mà địch bắn phá, bao quanh nhà thờ là rất nhiều đồn bốt của giặc Pháp, Trưởng ban mục vụ là ông Phêrô Đào Văn Hưởng và Phó ban ông Phêrô Phạm Văn Chất đưa chúng tôi tham quan nhà thờ, sờ vào từng vết đạn hằn trên tường đầy rêu phong, hai bốt gần nhất ngày xưa địch chuyên bắn phá về phía nhà thờ là bốt Yến Vỹ và bốt Thanh Bồ vẫn còn chút tàn tích lịch sử để lại. Ngắm ngôi nhà thờ cổ kính, rêu phong của giáo họ Hà Đoạn tôi cảm thấy rất tò mò về lịch sử từ khi ngôi nhà thờ được xây dựng đến nay, ông Hưởng liền đề nghị đưa tôi đến gặp ông trùm cựu để tìm hiểu, ‘mình cũng chỉ là một người Công giáo thuộc thế hệ hậu sinh, không nắm rõ về lịch sử chỉ có người làm phu xây dựng nhà thờ hồi xưa là những nhân chứng lịch sử ở giáo họ thì nay đã không còn, chỉ biết rằng nhà thờ được xây dựng vào năm 1919, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng’. Ông Hưởng cũng chia sẻ thêm với tôi rằng cha xứ đang có dự định tu sửa lại nhà thờ, Ban mục vụ giáo họ đang huy động bà con giáo dân gần xa đóng góp để tu sửa, bà con giáo dân nghèo khó nên đóng góp cũng không được bao nhiêu, ông Hưởng nhớ lại thời gian xây dựng nhà giáo lý, để lấy chỗ cho các em nhỏ học: “Ngày đấy nhà ban trùm đứng ra mua chịu vật liệu, kể cả tiền công thợ hết 138 triệu, mỗi tháng lại trả nợ một ít, bà con giáo dân đóng góp được phần nào, còn lại là đi xin, tiền hòm công đức mấy năm vừa rồi cũng không chuyển về nhà thờ mà cha xứ cho để trả nợ tiền xây dựng, tiền san lấp, ông cũng mạnh dạn trình cha phương án để tu sửa lại gian cung thánh, “mình chỉ có công vận động, bà con giáo dân người không có tiền thì dâng một vài thùng sơn để sơn sửa, không có nữa thì đóng góp bằng sức lao động” - ông Hưởng tâm sự. Gian cung thánh được sơn son thiếp vàng bên trong, bên ngoài vẫn giữ nét rêu phong nguyên sơ, cổ kính. Bà con mong chờ nhà thờ được tu sửa lại khang trang, to đẹp hơn.

        Kể với tôi nghe về nghề chèo đò của họ giáo Hà Đoạn trên dòng sông Đáy, ông Phêrô Đào Văn Hưởng hồi tưởng lại: “Ngày xưa tôi được sinh ra ngay trên dòng sông Đáy quê hương. Ngày đó, còn chưa có cầu Nhật (cây cầu bắc qua dòng sông Đáy), chưa có cả nhà trên đất liền, mọi sinh hoạt đều diễn ra trên sông nước, giáo dân ở giáo họ Hà Đoạn đều làm nghề chèo đò, bến đò khi đó ở ngay phía sau nhà thờ. Là con cả trong gia đình có 9 người con, từ nhỏ tôi theo cha chèo đò chở khách qua sông, ngày ấy vất vả lắm, bà con ở giáo họ Hà Đoạn nghèo lắm, nơi chúng ta đang đứng đây như một hòn đảo nhỏ, bao quanh là sông nước, cạnh nhà thờ là một cái ao lớn, nhiều khách Tây thích thú qua lại bến đò này, nay đã lấp đi hơn một nửa, rất nhiều nhà cao tầng mọc lên, bến đò xưa cũ nay cũng không còn, bao quanh là đất Phật, đất đai không có, khó khăn trăm bề. Giáo họ Hà Đoạn nghèo cũng là vì thế. Năm tôi tròn 18 tuổi, nối gót cha ông làm nghề, cứ chập tối tôi chèo chân từ bến đò phía sau nhà thờ giáo họ đến ga Phủ Lý là khoảng 1-2h sáng, rồi lên ga Phủ Lý mời khách, chở khách về chùa Hương”.

Ông Phê rô Đào Văn Hưởng chèo đò đưa khách đi thăm Đền Trình

        Chúng tôi được chèo đò đưa khách vào chùa Hương, chủ yếu là khách thăm quan thắng cảnh chùa Hương, vì cứ mỗi độ xuân về là thời điểm người người nô nức đi chùa cầu an cho cả năm, và chùa Hương đã trở thành địa điểm du lịch tâm linh của du khách trong và ngoài nước. Hết mùa lễ hội, những ngày không có khách thì chúng tôi làm việc đồng áng, có người thì đóng gạch ba vách, chăn nuôi… nên thu nhập cũng tạm ổn. Ở giáo họ Hà Đoạn có 670 nhân danh, bình quân mỗi một gia đình có 1 người chèo đò, 110 hộ thì phải có tới 100 người chèo đò, bình quân mỗi mùa lễ hội mỗi người cũng thu nhập 4-5 triệu/ tháng.

        Hỏi ra mới biết, gia đình ông Hưởng có truyền thống “làm trùm” bố vợ, anh vợ ông làm trùm giáo, cụ thân sinh ra ông cũng làm trùm 17 năm, đến tháng 6/2013, ông thay bố mình giữ chức vụ Trưởng ban Mục vụ giáo họ, ông chia sẻ: “làm công việc tông đồ, phải cần rất nhiều đức hy sinh thì mới làm được, cô phóng viên ạ”.

        Mặc dù có việc phải đi thế nhưng ông Hưởng rất nhiệt tình muốn nấn ná lại để giới thiệu thêm với tôi về giáo họ chèo đò Hà Đoạn, về những địa điểm du lịch ở Hương Sơn, Mỹ Đức.

        Ông Hưởng dẫn chúng tôi ra thăm khu Vườn thánh của giáo họ, rồi ra bến ngoài (bến Yến), nơi neo đậu của 6.000 xuồng. Gia đình ông có 6 xuồng neo đậu ở bến Yến để chở khách. Mùa lễ hội, cũng là mùa làm ăn của những người lái đò. Ông kể: “Gia đình tôi làm đủ nghề, từ nông nghiệp, ngư nghiệp, chăn nuôi đến cả việc đi bán hàng rong, để có tiền chi tiêu cho cuộc sống. Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là những chuyến đò đưa các cha, các sơ, thầy về thăm chùa Hương. Năm 2015, giáo họ Hà Đoạn chúng tôi vinh dự được đón Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt về thăm. Và tôi được chèo đò đưa ngài vào bến ghé thăm giáo họ...”.

        Chia tay ông Hưởng và ông Chất, trong lòng tôi không khỏi buồn vì còn rất nhiều điều ở giáo họ chèo đò Hà Đoạn mà tôi muốn khám phá. Hy vọng vào một ngày gần đây, khi trở lại giáo họ Hà Đoạn, sẽ được trải nghiệm và khám phá nhiều hơn nữa những nét độc đáo mà chỉ giáo họ chèo đò mới có…
ĐỖ HOA
Thông tin khác:
Tháng Năm được gọi là tháng Đức Mẹ. Tại sao vậy? (03/05/2017)
Giáo Phận Xuân Lộc có Tân Giám Mục Phụ Tá (03/05/2017)
Đức Thánh Cha sẽ phong thánh hai hiển thánh tại Fatima (25/04/2017)
Hàng ngàn người ở Hoa Kỳ gia nhập Giáo Hội vào Lễ Phục Sinh (25/04/2017)
Tòa Tổng Giám Mục Saigon: Làm phép Nhà Chầu Thánh Thể (25/04/2017)
Hình ảnh mừng Chúa Phục Sinh ở Các Xứ Đạo Việt Nam (21/04/2017)
Đức Thánh Cha Phanxicô : Thờ ơ với người nghèo thì rơi vào đường tội lỗi (20/04/2017)
Thăm cha Giuse (20/04/2017)
Đại diện Tòa Thánh tại Liên hợp quốc lên án nạn buôn người (19/04/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log