Ý thức được sự mất mát to lớn và những hậu quả tang thương mà anh chị em miền Trung thuộc giáo phận Vinh đã – đang phải gánh chịu, Ủy ban Bác Ái Xã Hội thuộc các giáo phận trong cả nước đã mau mắn kêu gọi sự trợ giúp của bà con giáo dân và các tấm lòng hảo tâm, cùng với những vị hữu trách đến thăm hỏi, động viên và nhất là giúp đỡ anh chị em gặp hoạn nạn. Những món quà bằng cả tinh thần và vật chất đã phần nào chia sẻ để làm vơi đi sự mất mát của anh chị em miền Trung.
Hòa chung trong tinh thần đó, từ miền sơn cước biên giới phía Bắc, giáo phận Lạng Sơn cũng đã tổ chức kêu gọi và quyên góp để giúp đỡ anh chị em miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt. Trong các thánh lễ chiều thứ 7 và ngày Chúa Nhật 28 Thường niên, tại Nhà thờ Chính Tòa và một số nhà thờ giáo xứ trong giáo phận, mọi thành phần dân Chúa đã thêm lời cầu nguyện và nhất là có những sự trợ giúp thiết thực cho anh chị em tại miền Trung.
Dù đời sống còn nghèo, sống trong một giáo phận truyền giáo còn nhiều khó khăn, nhưng khi chứng kiến những mất mát thê lương mà anh chị em tại miền Trung đang ngày đêm gánh chịu, theo lời kêu gọi chia sẻ của Bề trên giáo phận, bà con giáo dân giáo phận Lạng Sơn đã tích cực ủng hộ bằng tiền và đồ dùng vật chất để giúp đỡ người dân vùng lũ. Mọi người chia sẻ không chỉ bằng một chút vật chất, nhưng còn sẻ chia cả tâm lòng, sự thương cảm và niềm đồng cảm. Những số tiền tuy không thật lớn, những món quà tuy đơn sơ bình dị, nhưng gói trọn tình nghĩa, niềm sẻ chia.
4h sáng ngày thứ hai, 11 tháng 10 năm 2010, một phái đoàn của giáo phận Lạng Sơn đã khởi hành vào miền Trung, mang theo tấm lòng và sự giúp đỡ của giáo dân trong giáo phận để đến chia sẻ cho anh chị em miền lũ lụt. Đức cha Giuse của giáo phận đang điều trị tại Sài Gòn, ngài đã cử cha Giuse Nguyễn Ngọc Thể - Đại diện giám mục – làm trưởng đoàn, cùng đi với ngài có cha Phêrô Đỗ Văn Tín – trưởng ban Caritas giáo phận, hai cha quản hạt Lạng sơn và Cao bằng, quý soeur thuộc dòng Đaminh Lạng Sơn… Trên suốt hành trình, mọi người sốt sắng cầu nguyện xin Chúa ban ơn lành và nâng đỡ cho những người đang gặp khó khăn thử thách ngặt nghèo tại miền Trung.
Vượt qua gần 600km đường dài, đến khoảng 14h30 chiều cùng ngày, đoàn đã đến nhà thờ giáo xứ Văn Hạnh, thuộc Hà Tĩnh, giáo phận Vinh. Cha Phêrô Nguyễn Văn Vinh, quản hạt Văn Hạnh và cũng là trưởng ban Bác Ái Xã Hội – Caritas giáo phận Vinh, đã vui mừng chào đón phái đoàn giáo phận Lạng Sơn. Sau thời gian nghỉ ngơi, đoàn đã được cha Phêrô cho biết chi tiết về sự tàn phá và những thiệt hại do lũ lụt gây ra tại hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, cách riêng những mất mát của bà con giáo dân.
Sáng ngày 12 tháng 10, cha Phêrô Nguyễn Văn Vinh đã đưa phái đoàn của giáo phận Lạng Sơn đến thăm thực tế và trực tiếp trao quà giúp đỡ anh chị em thuộc vùng Hương Khê của tỉnh Hà Tĩnh, nằm trong địa giới giáo hạt Ngàn Sâu của giáo phận Vinh. Cha trưởng ban Caritas của giáo hạt Ngàn Sâu cũng trực tiếp đón và đưa phái đoàn đi tới vùng lũ lụt. Trên hành trình 60km từ nhà thờ Văn Hạnh đến giáo hạt Ngàn Sâu, mọi người cảm nhận tận mắt sự khủng khiếp và mức độ tàn phá của trận lụt vừa qua. Lòng nghẹn ngào, không ai nói với ai lời nào, nhưng chắc chắn mỗi người có cùng tâm trạng xót xa, cùng suy nghĩ đồng cảm và cùng tâm tình sẻ chia.
Phái đoàn đã đến thăm hỏi, động viên và giúp đỡ anh chị em giáo dân thuộc giáo xứ Thọ Vực, giáo họ Gia Phượng, giáo xứ Vạn Căn thuộc giáo hạt Ngàn Sâu. Đây là những giáo xứ bị ngập lụt nghiêm trọng và thiệt hại nặng nề nhất của vùng Hương Khê – Hà Tĩnh. Nước dâng lên nhấn chìm vùng này trong suốt các ngày từ Chúa Nhật (2-10) đến tận thứ Sáu (7-10) mới rút hết. Nhà thờ giáo xứ Thọ Vực nằm trên một khu đất cao cũng bị ngập khoảng 1 mét, đặc biệt, nhà thờ Vạn Căn nước ngập tới 2 mét trong lòng nhà thờ. Đến thăm các gia đình giáo dân trong vùng, mọi người càng đau xót hơn trước sự mất mát tang thương của họ. Tất cả đều bị nhận chìm trong biển nước mênh mông, nhà cửa điêu tàn, ruộng vườn mất trắng,… Đời sống của họ vốn đã khó khăn, giờ đây lại thêm điêu đứng tiêu điều.
Cảnh và người sau cơn lũ làm quặn lòng tất cả chúng tôi. Lội bộ qua những con đường đầy bùn lầy, qua những cánh đồng chỉ còn màu phù sa, qua những khu vườn chỉ còn là cây nát, vào những căn nhà loang lổ chỉ còn là mái nát,… lòng mỗi người trào dâng niềm xót xa nghẹn ngào và lòng thương cảm. Đã nghe qua về những mất mát thiệt hại mà bà con nơi đây phải gánh chịu, nhưng khi đến tận nơi mới thấy thực tế còn nhiêu khê gấp nhiều lần.
Trong nước mắt và ánh mắt buồn, ông Gioan Nguyễn văn Hùng chia sẻ với chúng tôi: “Cả gia đình có một căn nhà gỗ lợp lá kè (lá cọ-nv) nhưng lũ cuốn hết rồi, giờ chỉ còn mấy cái cột với mái lá thôi. Toàn bộ đồ đạc, thóc gạo, sách vở, đều bị cuốn đi…”.
Cha Phanxicô Xavier Phạm Văn Hứa, chính xứ Vạn Căn nghẹn ngào cho chúng tôi biết: “Vùng này năm nào cũng bị ngập lụt rất nặng, không phải chỉ do thời tiết thất thường, nhưng còn do ảnh hưởng của việc xả lũ của các đập thủy điện ở thượng nguồn. Vào mùa này hàng năm, khắp bốn bề chỉ là nước lũ. Thiệt hại chưa kịp khắc phục thì cơn lũ khác lại ập đến (…) Mỗi gia đình có một căn gác thật cao, ở sát mái nhà để chống chọi với lũ, thế nhưng vừa qua trong trận lụt, nước còn dâng cao vượt cả mái nhà. Nhà thờ Vạn Căn cũng bị ngập tới gần 2 mét, làm sụt tường và hư hỏng tất cả đồ đạc. Nhà dân thì còn thê lương hơn, họ chẳng còn gì, nước lũ đã cuốn đi tất cả…”.
Sau những giờ phút thăm hỏi, động viên, đoàn giáo phận Lạng Sơn đã trao 3 tấn gạo và nhiều quần áo, chăn màn… là sự đóng góp của bà con giáo dân trong giáo phận, đến tận tay người dân vùng lũ. Đây là một sự giúp đỡ chia sẻ kịp thời và hết sức ý nghĩa với cả người trao và người nhận, là thể hiện tình tương thân tương ái và dấu chỉ của sự hiệp nhất, của tình liên đới và mối dây hiệp thông.
Chia tay bà con giáo dân vùng lũ, buổi chiều ngày 12 tháng 10, phái đoàn giáo phận Lạng Sơn trở về, đi theo con đường phía Tây thật vắng lặng. Chuyến đi đã để lại trong lòng mỗi người nhiều nỗi niềm, sự nghẹn ngào cảm động trào dâng. Có thể nói, giá trị không phải chỉ ở những món quà được trao tặng với cả tấm lòng, nhưng được nâng lên bởi sự gặp gỡ, những ánh mắt cảm thông, những bàn tay nâng đỡ và những thao thức đồng cảm. Trong gia đình giáo hội, điều này thể hiện sâu sắc tình hiệp thông, mối dây liên đới và nhất là một phản ánh đức bác ái Kitô giáo. Những sự đồng cảm, giúp đỡ không chỉ dừng lại ở đây, nhưng còn kéo dài và trở thành nghĩa cử cao đẹp.
Xin Thiên Chúa chúc lành và nâng đỡ anh chị em miền Trung của chúng con trong cơn thử thách ngặt nghèo!