Giáo xứ Sầm Sơn Thanh Hóa dâng hoa kính Đức Mẹ. Ảnh: CTV |
Nơi đây có bãi biển dài xinh đẹp, bằng phẳng và hiền hòa; những danh lam thắng cảnh gắn với những câu chuyện cảm động như Hòn Trống Mái, đền Độc Cước, đền Cô Tiên… Và cũng ở nơi đây, đô thị ngày càng phát triển, sầm uất, hưng thịnh. Thêm vào cảnh phồn hoa ấy là những nét văn hóa lâu đời đặc sắc như các dịp lễ hội: Cầu Ngư, bơi chải…
Giáo xứ Sầm Sơn nằm trên đường Nguyễn Du, phường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách Tòa Giám mục 18km về phía Đông. Tọa lạc giữa trung tâm thị xã du lịch, giáo xứ Sầm Sơn hằng năm cũng là nơi hàng ngàn người Công giáo đến viếng thăm và nghỉ lại. Với vị thế trung tâm du lịch, đời sống kinh tế ngày càng đi lên nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với đời sống đức tin. Mặt trái của đô thị và vòng xoáy của kim tiền luôn là những đợt sóng ngầm khiến giáo dân Sầm Sơn phải “bước ngược dòng” để tiến bước về tương lai.
Lịch sử hình thành và phát triển Lịch sử hình thành giáo xứ Sầm Sơn bắt đầu từ người được rửa tội đầu tiên là bà Anna Nguyễn Thị Thanh. Sau đó, hạt giống đức tin sinh sôi nảy nở ở mảnh đất này ngày một nhiều. Năm 1907, có 190 người được rửa tội và gia nhập đạo.
Năm 1923, Sầm Sơn tách khỏi xứ Thanh Hóa và trở thành giáo xứ độc lập. Năm 1924, giáo xứ có 4 họ đạo: Lương Trung (Trị sở), Hải Thôn, Cá Lập và Sơn Thôn.
Năm 1954, tổng số giáo dân của giáo xứ có trên 800 người. Nhưng sau cuộc di cư, số nhân danh chỉ còn lại trên 300 người. Thời gian ly tán qua đi, sự ổn định và phát triển thịnh vượng lại trở về với giáo xứ, số tín hữu ngày một gia tăng mạnh mẽ. Vào khoảng năm 1960, giáo xứ có 13 giáo họ.
Từ năm 1963-1969, giáo xứ gặp nhiều thử thách nên số giáo dân ngày một giảm sút. Họ Văn Lâm Thượng, Thung Thôn, Triều Công nhập vào xứ Phúc Lãng.
Giáo xứ Sầm Sơn hiện nay Sầm Sơn hiện có 3.074 giáo dân (theo sổ tất niên năm 2011), phân bổ trong 4 giáo họ: Trị Sở, Hòa Chúng, Nho Quan và Xuân Độ. Là một giáo xứ ở trung tâm du lịch Sầm Sơn, nên đời sống kinh tế của bà con giáo dân tương đối ổn định so với các giáo xứ khác trong giáo phận. Giáo xứ cũng thường xuyên thể hiện tinh thần hiệp thông, sẻ chia bằng việc bác ái xã hội, trợ giúp các xứ đang xây dựng công trình.
Các sinh hoạt trong giáo xứ luôn được diễn ra hết sức sôi nổi, nhất là từ khi cha Phêrô Nguyễn Cao Vinh về nhận xứ năm 2010. Ngài đã quan tâm đến việc gìn giữ các giá trị đạo đức của giáo dân nơi đô thị sầm uất. Các giờ lễ, kinh nguyện được sắp xếp phù hợp với giờ làm việc chung của giáo dân vào mùa du lịch. Các hoạt động chung trong giáo xứ được đẩy mạnh, với sự góp sức nhiệt tình của các hội đoàn như ca đoàn, hiền mẫu, giới trẻ. Đầu năm 2012, cha đã thành lập đội kèn nữ để mọi thành phần đều có thể tham gia phục vụ cho các sinh hoạt trong giáo xứ cũng như các ngày lễ lớn của giáo phận. Đời sống đức tin ở nơi đây ngày càng thăn tiến. Theo thống kê năm 2011, giáo xứ có 3 linh mục triều, 5 tu sĩ và 1 chủng sinh. Đây là những hoa quả đầu mùa trong ơn gọi tận hiến. Hy vọng trong tương lai, ơn gọi sẽ ngày một gia tăng.
Tại khu vực của giáo xứ có một cộng đoàn Mến Thánh giá đang hoạt động. Ngoài các công việc riêng của dòng, các sư còn giúp giáo xứ tập hát, dạy giáo lý và nhiều công việc khác.
Trong tương lai, giáo xứ Sầm Sơn tính xây dựng một ngôi nhà thờ mới để thay thế ngôi nhà thờ cũ đã có dấu hiệu xuống cấp, cải tạo lại nhà xứ, nhà giáo lý… tạo điều kiện cho việc sinh hoạt của giáo xứ và phục vụ các du khách đến từ nhiều nơi trên cả nước.
Xu hướng đô thị hóa đang diễn ra một các nhanh chóng tại thị xã du lịch Sầm Sơn, kéo theo đó là lối sống buông thả của một bộ phận giới trẻ, bị lôi cuốn bởi những cạm bẫy của đồng tiền và những tệ nạn xã hội. Những giá trị văn hóa, đạo đức bị coi rẻ. Việc giữ gìn và củng cố đời sống đức tin cho thanh thiếu niên Công giáo là một vấn đề được đặt lên hàng đầu trong công tác mục vụ của giáo xứ. Đây là công việc đòi hỏi sự không ngoan, sáng tạo và tận tâm của những vị chủ chăn, cũng như sự cộng tác của các bậc phụ huynh và những người yêu mến Giáo hội.