Tin tức - Hoạt động

Hạn chế trong chăm sóc sức khỏe trẻ em và phụ nữ vùng dân tộc thiểu số

Cập nhật lúc 15:30 07/10/2023
Bộ Y tế cho biết, các chỉ số giảm tử vong mẹ, giảm tử vong trẻ em và giảm suy dinh dưỡng trẻ em ở Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên còn những tồn tại, khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, nhất là sự chênh lệch giữa các vùng miền và nhóm dân tộc.

Thông tin từ Bộ Y tế cho thấy, trước đây, tỷ lệ tử vong mẹ trên 100.000 trẻ sơ sinh tại Việt Nam năm 2000 là 165 ca, năm 2009 là 69 ca và hiện tại giảm xuống 46 ca. Việt Nam đang đứng hàng thứ 3 trong khu vực. Tuy nhiên so với các nước phát triển thì nước ta còn rất nhiều hạn chế. TS.Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế)  chỉ ra những con số để minh chứng cho điều đó. Cụ thể, tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị, tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.

Các chuyên gia y tế cho biết, tỷ lệ trẻ tử vong dưới 1 tuổi thường liên quan nhiều đến các yếu tố dinh dưỡng, chăm sóc bà mẹ khi mang thai và sinh nở, các tập quán chăm sóc lạc hậu của người dân tộc thiểu số với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai khiến tỷ lệ tử vong cao ở trẻ sơ sinh.
 

nhân viên y tế hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho trẻ sơ sinh
nhân viên y tế hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho trẻ sơ sinh

Tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số từ 10 - 49 tuổi sinh con tại nhà và không có cán bộ chuyên môn đỡ năm 2019 chỉ còn 9,5%, giảm mạnh tới 26,8% so với năm 2015 nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với tỷ lệ dưới 0,5% của phụ nữ Kinh. Tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số từ 10 - 49 tuổi sinh con tại cơ sở y tế đạt 86,4%, tăng tới 22,8% so với năm 2015, tuy nhiên vẫn thấp hơn đáng kể so với phụ nữ Kinh là trên 99%.

Đáng chú ý là mức chênh lệch giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn lên tới 12,8% (thành thị là 98% và nông thôn là 85,2%). Đồng thời chênh lệch giữa các vùng kinh tế - xã hội cũng khá lớn. Tây Nguyên có tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số từ 10-49 tuổi sinh con tại cơ sở y tế là 84,2%, thấp hơn tới 14,2% so với vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 98,4%.

Một nguyên nhân nữa là phụ nữ dân tộc thiểu số thường kết hôn, sinh con sớm khi chưa phát triển hoàn thiện về mặt tâm, sinh lý có thể gây ra nhiều hệ lụy như: đẻ non, thai nhi kém phát triển, suy dinh dưỡng, thể trạng yếu...

Nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ, trẻ em và giảm khoảng cách giữa các vùng miền, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1719/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025. Bộ Y tế và các địa phương đang tích cực triển khai các hoạt động chuyên môn của Chương trình như: cung cấp các gói dịch vụ làm mẹ an toàn, dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, tăng cường các hoạt động truyền thông, tư vấn trực tiếp, trong đó, có hoạt động tổ chức Lễ phát động Tuần lễ làm mẹ an toàn năm 2023.

Trong Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023 (từ 1-7/10), mỗi trạm y tế xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tổ chức được ít nhất một hoạt động truyền thông về Làm mẹ an toàn. 100% phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh có mặt tại địa phương, ít nhất 30% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của xã và ít nhất 30% số gia đình, đặc biệt là người chồng của phụ nữ mang thai và sau sinh đang làm ăn, sinh sống tại xã được cung cấp thông tin về làm mẹ an toàn./

H.Minh
Thông tin khác:
Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thăm, làm việc tại quận Tây Hồ (06/10/2023)
400 đại biểu chính thức sẽ tham dự Đại hội (04/10/2023)
Kinh tế- xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được cải thiện rõ rệt (03/10/2023)
Thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cộng đoàn Công giáo Việt Nam (30/09/2023)
Bình Dương đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số (28/09/2023)
Tổng kết 20 năm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (28/09/2023)
Phát huy những giá trị tốt đẹp của đồng bào Công giáo (28/09/2023)
Thắp lên niềm tin và nghị lực cho trẻ em khuyết tật (27/09/2023)
Khánh Hòa: Đẩy mạnh truyền thông giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (24/09/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log