Một chuyên gia phục chế cẩn thận lột bỏ tấm giấy mỏng và ướt khỏi bức tường đầy bồ hóng trong nỗ lực tìm kiếm những hình ảnh bị ẩn giấu bên dưới bức bích họa. Sau các động tác đầy cẩn trọng và hết sức kiên trì nhằm dỡ bỏ bụi bẩn, cuối cùng chuyên viên này cũng thở phào nhẹ nhõm khi thấy được họa tiết vẽ cảnh tượng một cây cột La Mã bị đổ sụp, đàn cừu lông mềm và bầu trời hoàng hôn nhuộm một màu hồng bên trên một thành cổ đã bị lãng quên. Bức bích họa vừa được trả lại ánh sáng là tác phẩm của bậc thầy Phần Lan Paul Bril, được vẽ vào thế kỷ 16. Trong nhiều thế kỷ, chưa có ai thưởng lãm được những chi tiết vô cùng sống động đến thế trên bức họa tuyệt đẹp ở nhà thờ San Lorenzo, đối diện Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Latêranô tại Rome.
Cuộc giải phẫu tỉ mỉ
Vào năm 1589, Đức Giáo hoàng Sixtus V quyết định cho vẽ phù điêu toàn bộ hai bên bậc thang, nhưng theo thời gian, khói từ nến của người hành hương và du khách đã phủ muội hương lên các tác phẩm này. Tổng cộng các nhà phục chế phải dựng đến 4 tầng giàn giáo mới đến nơi vừa được khôi phục những hình ảnh cây thường xuân leo, các thiên thần chơi đàn luýt, những khuôn mặt uy nghi và thông thái của các nhân vật lịch sử tại nhà thờ, cũng như các quang cảnh điền viên yên ả. Công việc trả lại “bộ mặt” đích thực cho các bức tường và trần nhà nám đen đã tạo nên cảm xúc không thể diễn tả bằng lời nói của những người chứng kiến và khách hành hương, giống như thể họ được quay ngược thời gian về đúng thời điểm chúng vừa tượng hình, theo trang tin Catholic News Service dẫn lời Paolo Violini, chuyên gia hàng đầu của Các bảo tàng Vatican chuyên về phục chế bích họa.
Một nhóm hơn 10 chuyên gia đã dành 9 tháng liên tục để khôi phục mái vòm của nhà thờ San Lorenzo nổi tiếng. Họ sử dụng những công cụ hết sức tinh tế như dao phẫu thuật, xung laser, các hóa chất khử oxy, giấy mỏng của Nhật Bản được phun đầy chất ammonium bicarbonate và những miếng bọt biển mềm để mang lại sự lộng lẫy nguyên thủy của các bức phù điêu và tranh trang trí từ thời Phục Hưng, vốn bao phủ 1.700 m2 diện tích của nhà nguyện, nơi đặt một trong những chứng tích quan trọng nhất của Kitô giáo: Scala Santa, hay Những bậc thang thánh.
Theo Kinh Thánh, những bậc thang thánh đã in dấu chân của Chúa Giêsu khi Tổng trấn Philatô mang Thầy đến trước đám đông và ra lệnh đóng đinh Chúa trên thập tự giá. Tương truyền, hoàng hậu của Hoàng đế Constantius, mẹ của Hoàng đế Constantine I, Thánh Helen, đã mang những bậc thang này từ Jerusalem về Rome vào năm 326. Thánh Helen cũng là Kitô hữu có công tìm kiếm những di vật của Cây thánh giá thật của Chúa Giêsu đã bị thất lạc.
Nơi kề cận Thầy
Cầu thang được làm từ 28 bậc bằng đá cẩm thạch, được bao phủ bằng các lớp gỗ dày, trơn trụi sau nhiều thế kỷ đón người hành hương từ khắp nơi trên thế giới. Mỗi ngày phải có ít nhất 2.000 người đến nơi này, và đa số đều quỳ gối đi từng bậc thang một, trước khi cầu nguyện tại Sancta Sanctorum, nhà thờ đầu tiên dành riêng cho các giáo hoàng, và phủ phục trước thánh ảnh được phủ bạc và đá quý của Chúa Giêsu.
Linh mục phụ trách Francesco Guerra cho hay, nhà thờ Những bậc thang thánh là nơi độc nhất vô nhị cho những người hành hương đến Rome, cũng như là điểm thờ phụng Thiên Chúa không gì sánh bằng. Cha Guerra nhận định: “Khi chúng tôi cầu nguyện trong lúc cơ thể đồng thời phải làm một số động tác nào đó”, như leo bằng đầu gối, “bằng một cách nào đó chúng tôi có thể cảm được một sự tiếp xúc với Chúa Giêsu, và chúng tôi cảm thấy rằng mình cận kề Thầy”. Cha cũng kể lại nhiều người đến đây đều trải qua những thời khắc khó khăn trong đời, và hành động leo cầu thang bằng đầu gối giống như một biểu hiện cùng chịu đựng với nỗi đau của Chúa Giêsu, để nhận được sự giúp đỡ của Thầy.
Người phụ trách viện bảo tàng nghệ thuật ở Mỹ, chuyên gia Mary Angela Schroth, thành viên tham gia dự án khôi phục những bậc thang thánh cách đây 2 năm cho biết, một trong những trở ngại chính là thiếu ngân sách và sự ủng hộ để khôi phục được một nhà thờ lớn và phức tạp như thế: “Nó không tráng lệ như nhà nguyện Sistine. Đây là một nhà nguyện của tất cả mọi người, một nơi vô cùng nổi tiếng và được những người có đức tin yêu mến trong nhiều thế kỷ”. Chuyên gia này ủng hộ “trải nghiệm tinh thần của những bậc thang thánh”, chứ không chỉ đơn thuần là bảo tồn các tác phẩm nghệ thuật lịch sử.
Hiện các viện bảo tàng Vatican là đơn vị triển khai công tác phục hồi tại đây, với dự kiến phải mất đến 5 năm mới hoàn tất, bao gồm làm sạch các bức phù điêu dọc theo những bậc thang thánh; phục hồi các bức phù điêu mô tả hành trình của Chúa Giêsu từ Bữa tiệc ly đến con đường khổ nạn, cái chết, phục sinh và lên thiên đàng.