Hằng năm, ngày càng nhiều tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể tổ chức hoạt động tự nguyện tham gia hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất vì mục tiêu bảo vệ môi trường. Ảnh: CTV |
Tắt đèn 60 phút để... kiến tạo tương lai Giờ Trái Đất là một sự kiện quốc tế hằng năm do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên khởi xướng từ năm 2007 nhằm kêu gọi người dân, doanh nghiệp tắt đèn và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong 60 phút (từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng Ba hàng năm. Mục đích của Giờ Trái Đất nhằm đề cao việc tiết kiệm điện năng, làm giảm lượng khí thải dioxit cacbon - một khí gây ra hiệu ứng nhà kính đồng thời thu hút sự chú ý của mọi người về ý thức bảo vệ môi trường. 60 phút tắt đèn điện cũng là một hành động đơn giản mang tính biểu trưng để nhắc nhở cộng đồng và cá nhân hãy quan tâm và hành động để thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Trước đây, logo của chương trình Giờ Trái Đất được xây dựng từ nền bản đồ địa cầu, cắt bởi số 60 là số phút kêu gọi tắt điện. Gần đây, logo được thêm dấu “+” sau số 60 với ý nghĩa Giờ Trái Đất không chỉ dừng lại ở 60 phút mà còn hơn thế.
Với ý nghĩa trên, Chiến dịch Giờ Trái Đất năm 2022 được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên phát động với chủ đề “Kiến tạo tương lai - Bây giờ hoặc không bao giờ.” Sự kiện này mong muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng và người dân về vai trò quan trọng trong các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, ngăn chặn và đảo ngược sự mất mát của đa dạng sinh học trên toàn cầu.
Với Việt Nam - một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, Giờ Trái Đất là một sự kiện rất có ý nghĩa. Trong 13 năm qua (kể từ khi tham gia sự kiện này vào năm 2009), chiến dịch này đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của 63 tỉnh, thành phố cùng hàng triệu người dân trên khắp cả nước. Năm nay hoạt động này diễn ra với việc hàng loạt cơ quan, tổ chức, cá nhân trên cả nước đã đồng loạt tắt đèn điện 60 phút từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 ngày 26/3. Bên cạnh đó là các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về thực hiện lối sống xanh, lành mạnh, nói không với việc săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép, hướng tới tiêu chí “thực phẩm bền vững và tiêu dùng có trách nhiệm”.
Hướng tới phát triển xanh với phát thải thấp Thông qua chiến dịch Giờ Trái Đất năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn mỗi người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội cùng chung tay để giảm bớt gánh nặng cho môi trường và thiên nhiên; góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về tiết kiệm năng lượng, chống lại biến đổi khí hậu thông qua các hành động đơn giản, đặc biệt tăng cường sử dụng hợp lý năng lượng, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, tái tạo vì một Trái Đất xanh.
Trong tương lai, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống của con người và xã hội là tất yếu. Do vậy, bộ này sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và đưa ra những giải pháp mới, hoạt động cũng như áp dụng tối đa sự phát triển của các loại hình công nghệ mới để từ đó thu hút sự chú ý, thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức của người dân, hướng đến tương lai phát triển bền vững.
Tại Hội nghị COP26 vừa qua, Việt Nam đã đưa ra cam kết giảm phát thải khí nhà kính hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, giảm phát thải methan toàn cầu đến năm 2030, tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu và tham gia nhiều sáng kiến khác. Cam kết mạnh mẽ trên đã khẳng định với cộng đồng quốc tế quyết tâm cao của Việt Nam trong thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.
Tại Lễ phát động Quốc gia hưởng ứng Ngày Nước Thế giới, Ngày Khí tượng Thế giới và Chiến dịch Giờ Trái Đất năm 2022 diễn ra vào ngày 23/3, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có thông điệp gửi đến toàn xã hội, nhấn mạnh đây là thời khắc phải hành động xây dựng Việt Nam xanh. Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Người dân thường xuyên phải gồng mình chống chịu nhiều loại thiên tai. Do vậy, đã đến lúc chúng ta không chỉ đòi hỏi đổi mới căn bản về nhận thức, tư duy mà còn phải kịp thời chuyển biến thành hành động để chung tay bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Cả hệ thống chính trị cần vào cuộc thực hiện các Nghị quyết về chuyển đổi nền kinh tế đang dựa vào nhiên liệu hóa thạch, lãng phí tài nguyên sang nền kinh tế số, phát triển xanh với phát thải thấp, sức chống chịu cao.
Chủ tịch nước kêu gọi mọi người dân, các tổ chức xã hội hãy là chủ thể quan trọng nhất bảo đảm cho thành công của tiến trình ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.