Tính đến thời điểm hiện nay, người đầu tiên và duy nhất đã đem lại vinh dự cho ngành Kiến trúc ở châu Á, đó là Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Người đạt giải “Khôi Nguyên La Mã” tại kinh đô ánh sáng Paris
và sau đó đã về Việt Nam, đem hết khả năng tài trí ra phục vụ quê hương, qua các công trình thật đồ sộ
nguy nga để lại cho hậu thế. Tuy là một Phật Tử thuần thành, nhưng ông đã đóng góp cho Giáo hội
Công giáo Việt Nam nhiều cơ sở kiến trúc rất lớn lao và đầy ấn tượng...
I. ĐÔI NÉT TIỂU SỬ KIẾN TRÚC SƯ NGÔ VIẾT THỤ Ông Ngô Viết Thụ sinh ngày 17/9/1926, trong một gia đình trí thức tại làng Lang Xá, tỉnh Thừa Thiên Huế, con cụ Ngô Viết Quang, Giáo sư trường Kỹ thuật Huế và là một nhà Nho uyên thâm. Lớn lên trong môi trường Nho học, nên Ông Thụ rất giỏi về Hán Nôm và cũng là một thợ tiện có tay nghề cao.
Năm 18 tuổi, ông ra Hà Nội thi đậu vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng ngành Kiến trúc lại học ở Đà Lạt, tới đất lạ quê người, bỡ ngỡ không biết đường tới trường, lại gặp một Nữ sinh Đà Lạt xinh đẹp liền hỏi thăm, người con gái đó là cô Võ Thị Cơ. Tình cờ ít lâu sau gia đình bà Cơ nghe người quen giới thiệu về tư cách cũng như tài học của ông, nên mời về giảng dạy thêm cho các con em trong nhà, từ đó dần dà hai người cảm mến nhau để rồi ông và cô nữ sinh Cơ nên duyên chồng vợ vào năm 1948.
Dù biết ông nghèo, nhưng nhạc phụ là người trọng nhân tài, vẫn đồng ý gả con gái và còn giúp con rể đi du học. Riêng cô nữ sinh Cơ không muốn chồng phải áy náy vì nhờ vả gia đình vợ, nên đã nghỉ học ra buôn bán kiếm tiền chi tiêu, về phần ông cảm thương vợ nên càng ra sức chăm chỉ học để mong sớm có ngày đáp lại tình nghĩa đó.
Từ năm 1950 sang du học theo ngành Kiến trúc tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Quốc gia tại Paris cho tới năm 1955 nhận được giải nhất Giải thưởng danh giá “Khôi nguyên Rôma”, cùng với văn bằng tốt nghiệp Kiến trúc sư D.P.L.G. Sau đó ông lưu trú tại biệt thự Medicis của Hàn Lâm Pháp tại Rôma để làm nghiên cứu về Quy hoạch và Kiến trúc, tới cuối năm 1958 ông trở thành Viện sĩ Hàn lâm.
Kết thúc việc học về nước, mặc dù chịu ảnh hưởng của nền văn hóa phương Tây, nhưng cuộc sống đời thường ông vẫn giữ nề nếp cổ kính gia phong, qua cách dạy dỗ con cái cho tới cách giao tiếp, trang phục hợp thời trang khi đi làm, về nhà lại theo lối xưa sinh hoạt lâu nay, việc ăn uống rất giản đơn đạm bạc.Tính cách lạ lùng nơi ông là không bao giờ chê bai, phán xét ai cả, dù đó là học trò của mình, nên mọi người đều quý mến.
Vào năm 1977, bà Võ Thị Cơ qua đời, để lại 8 người con trong lúc ông mới 51 tuổi. Thương nhớ người bạn đời đã hết lòng lo cho gia đình để ông an tâm theo đuổi nghề nghiệp, cho nên sau này dù bạn bè giới thiệu nhiều phụ nữ danh giá để đi bước nữa, nhưng ông luôn khước từ, chung thủy với bà ở vậy với đàn con cháu.
Ngày 9/3/2000, KTS Ngô Viết Thụ từ trần vì tai biến mạch máu não, hưởng thọ 73 tuồi, từ giã căn nhà 22 Trương Định, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.Thể hiện lòng tiếc thương và quý mến, rất nhiều thân hữu và đồng bào theo sau chiếc xe tang, đưa tiễn ông về hướng Bình Dương, để lại bao luyến tiếc cho người ở lại.
II. NHỮNG CÔNG TRÌNH TIÊU BIỂU ĐỂ LẠI CHO ĐỜI Năm 1960 về Việt Nam, ông được trọng dụng mời tham gia Nội các của Chính phủ, nhưng bà Cơ rất hiểu chồng là người có tài về kiến trúc, nhưng tính tình quá thẳng thắn và nghệ sĩ, vì thế khi được cất nhắc vào chức Bộ trưởng Bộ xây dựng, một chức vụ uy quyền, nhưng bà Cơ vẫn khuyên ông từ chối. Vì nể thịnh tình Tổng thống nên ông chỉ nhận tiếp tục giữ vai trò chuyên môn lãnh đạo Văn phòng Tư vấn Kiến trúc và Chỉnh trang lãnh thổ của Phủ Tổng thống cho đến ngày 30/4/1975.
Con người tài hoa, từ bỏ cuộc sống sung túc ở Hàn Lâm viện Pháp về phục vụ đất nước, đem tài năng góp phần xây dựng quê hương để lại cho đời những công trình thật lừng lẫy, trải qua bao thăng trầm lịch sử nhưng vẫn tồn tại phải kể đến như:
- Dinh Độc Lập (1961-1965) - Nay là Hội trường Thống Nhất. Đây là tác phẩm xây dựng đầu tiên của ông sau khi về nước.
- Viện Đại học Huế (1961-1963) - Cơ sở Đại học Sư phạm mô hình chữ Y.
- Viện Hạt nhân Đà Lạt (1962-1965) – Nay là Trung tâm Nguyên tử lực Việt Nam.
- Làng Đại học Thủ Đức (1962) – Bao gồm nhiều trường ốc và cư xá.
- Chợ Đà Lạt (1962) - Kiến trúc theo mô hình chữ H.
- Tổ hợp Khách sạn Hương Giang Huế I và II (1962).
- Trường Quốc gia Nghĩa Tử Sài Gòn - Tổng thống Ngô Đình Diệm khánh thành.
- Trường Đại học Nông Lâm Sài Gòn - Giảng đường mô hình chữ U.
- Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Tòa nhà Hội trường B.
- Trường Đại học Y Khoa Sài Gòn - Với mô hình 500 giường bệnh.
- Công trường Mê Linh – Tọa lạc tại bến Bạch Đằng Sài Gòn (1961).
- Trụ sở Hàng không Việt Nam tại Sài Gòn (1972).
Bên cạnh đó KTS Ngô Viết Thụ còn thiết kế phác thảo sơ đồ kiến trúc cho Việt Nam Quốc Tự ở Sài Gòn (1968) và Đại Thiền Viện Trúc Lâm tại Đà Lạt.
Ngoài tài kiến trúc ra, ông còn thông thạo tiếng Anh, Pháp, La tinh đi đôi với tài năng cầm kỳ thi họa, bởi vậy ông chơi đàn khá nhuần nhuyễn, chưa kể đàn tranh, đàn tỳ bà. Ông chơi cờ tướng không biết mệt và chán, phải nói là nỗi đam mê cờ mới đúng. Nói đến thi ca có đến vài trăm bài thơ của ông để lại, trong đó có hơn 50% là bút tích của bà Cơ ghi lại sợ thất lạc của chồng. Còn về hội họa trong dinh Thống Nhất vẫn còn lưu giữ bức tranh sơn dầu gồm 7 tấm ghép lại, mỗi tấm dài 2 mét, và rộng 1 mét có tên “Sơn Hà Cẩm Tú” do KTS Ngô Viết Thụ vẽ bằng đôi chân của mình, tấm bố căng lớn trải dài trên nền nhà, Ông đi bài quyền” Thiếu Lâm” trên đó, với những nét sơn dầu xanh, đỏ, trắng xuất hiện, sau đó ông dùng cây cọ chỉnh sửa lại đôi chút, rồi được treo lên, lưu giữ tới nay, khiến cho du khách đến tham quan ai cũng trầm trồ khen ngợi.
Năm 1962 ông là người châu Á đầu tiên được trở thành Viện sĩ danh dự của Viện Kiến trúc Hoa kỳ (H.F.A.I.A).
III. TƯỞNG NHỚ VỚI LÒNG ÁI MỘ và TRI ÂN SÂU XA Từ năm 1952, ông lãnh bằng KTS với danh dự “Đệ nhất Khôi nguyên La Mã” (Premier Prix De Rome) trong cuộc đua tài với các KTS Thế giới qua đề tài “Công trình ngôi thánh đường trên Địa Trung Hải theo phương cách hiện đại”, bài thi được hội đồng đánh giá cao 28/29 phiếu. Kết quả trên đã khiến cho nhiều vị Hồng y, Tổng Giám mục, Đại sứ, xin KTS tài danh Việt Nam phác họa các thánh đường, dinh thự tại châu Âu, châu Úc và cả châu Phi. Để tham dự giải này ngoài tài năng ra, còn phải có những điều cơ bản không thể thiếu được như: phải là quốc tịch Pháp, phải trẻ tuổi dưới 25, phải độc thân và phải là người Công giáo. Những điều cơ bản trên ông không có điều kiện nào cả, vì ba đời là người Việt, đã có vợ có con, đã 28 tuổi và là Phật tử... nhưng với tài năng thiên phú ông đã vượt qua tất cả các cửa ải trên, đạt kết quả rực rỡ xem như thiên tài. Thật đáng khâm phục.
Trong suốt cuộc đời theo đuổi nghề nghiệp, KTS Ngô Viết Thụ đã để lại một gia tài kiến trúc đồ sộ gồm những công trình đẳng cấp quốc gia, ngoài ra tuy là một Phật tử thuần thành, nhưng ông đã bỏ công sức góp phần thật đáng kể vào công cuộc xây dựng, tái thiết các cơ sở vật chất cho Giáo hội Công giáo Việt Nam, nay xin sơ lược đôi nét các công trình tiêu biểu dưới đây:
1. Nhà thờ Chính tòa Vĩnh Long: tọa lạc trên khu đất số 141 đường Lê Thái Tổ, phường 2, thành phố Vĩnh Long, đây là lần xây dựng thứ ba dưới thời Đức cha Antôn Thiện, vào năm 1964 tới 1967 hoàn thành. Thánh đường hình Thánh giá dài 100m, rộng 36m, cao 27m. Nhà thờ trùng tu vào vào năm 1999 dịp kỷ niệm 60 năm thành lập giáo phận (1938-1999).
2. Nhà thờ Chánh tòa Phú Cam Huế: thuộc phường Phước Vĩnh, thành phố Huế, là một trong những ngôi giáo đường nổi tiếng và lâu đời nhất từ năm 1682 xây dựng bằng tranh tre, qua thời gian đến đầu thế kỷ XX được xây dựng kiên cố trở nên một thắng cảnh được in trên tem thơ, để đáp ứng nhu cầu giáo hữu ngày một gia tăng vào năm 1961 khởi công xây dựng lại với kết cấu theo kỹ thuật hiện đại có thể chứa 2.500 người đến tham dự thánh lễ. Nhìn tổng thể công trình kiến trúc của Ngô Viết Thụ, nhà thờ có mặt bằng mang dạng Thánh giá, phía cuối tháp chuông toát lên vẻ thanh thoát nhẹ nhàng với điểm nhấn là hai đỉnh nhà thờ thoát cao giầu tính nghệ thuật vừa mang vẻ uy nghiêm.
3. Khu vực Thánh địa La Vang: Năm 1963, Đài Đức Mẹ được thay thế bằng một kiến trúc tân thời, KTS Ngô Viết Thụ đã sáng tác ba cây đa cổ thụ bằng xi măng, với những tầng lá nhân tạo, để tưởng niệm sự tích Đức Mẹ hiện ra tại chỗ này. Trước cây đa cổ thụ là bàn thờ bằng đá cẩm thạch nguyên khối lấy từ Ngũ Hành Sơn-Đà Nẵng. Trải qua cuộc chiến mùa hè đỏ lửa năm 1972, tất cả các cơ sở kể cả ngôi thánh đường cũng bị sụp dổ, nhưng đặc biệt tượng Đức Mẹ và ba cây đa vẫn đứng vững cho đến nay. Quả là một phép lạ.
4. Trung tâm Đức Mẹ Trà Kiệu: Ngôi thánh đường trên đỉnh đồi Bửu Châu nơi đành dấu trận chiến cuối cùng nhờ Đức Mẹ hiện ra cứu giúp, giáo dân thắng quân Văn Thân vào năm 1885. Để nhớ ơn một nhà thờ gọi là nhà thờ núi xây dựng vào năm 1898 dâng kính Đức Mẹ với tước hiệu “Đức Bà phù hộ các Giáo hữu” qua thời gian nhà thờ xuống cấp, năm 1970, linh mục Lê Như Hảo cho xây dựng lại ngôi đền rất nguy nga theo đồ án thiết kế của KTS Ngô Viết Thụ. Ngày nay, Trà Kiệu đã trở nên Trung tâm Thánh Mẫu giáo phận Đà Nẵng qua lời Tuyên bố của Đức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi vào ngày Đại hội Thánh Mẫu 31/5/1971.
5. Trung tâm Bãi Dâu Vũng Tàu: Sơ đồ Bãi Dâu được phác họa một cách tổng thể với những kiến trúc nhà cửa, thánh đường, tượng đài đan xen cùng với khung cảnh hùng vĩ và hấp dẫn “Sơn Thủy” hoa lá cây cảnh nơi chốn này xứng đáng là một công trình mỹ thuật cấp Quốc gia, cùng với tên tuổi nhà kiến trúc Ngô Viết Thụ thực hiện đã được đánh giá cao, mô hình trưng bày trong cuộc triển lãm Mỹ Thuật Tôn giáo kỳ II tại Đại chủng viện Sái Gòn từ ngày 7 đến 21/01/1972 do Ủy ban Mỹ thuật Tôn giáo tổ chức, dưới quyền chủ tọa của Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình.
6. Thánh đường Bảo Lộc: Nhà thờ tọa lạc tại thành phố Bảo Lộc thuộc giáo phận Đà Lạt được xây dựng từ 1994, hoàn thành 1999 theo đồ án thiết kế qua những nét đặc sắc dân tộc, hài hòa và tự nhiên qua cách phối trí hình vuông của chiếc bánh chưng, tượng trưng cho đất và hình tròn của chiếc bánh dầy, tượng trung cho trời. Vuông tròn cũng biểu trưng cho sự hoàn hảo, lý tưởng mà các tín hữu tới nhà thờ muốn đạt đến trong cuộc sống. Được biết đây là công trình cuối cùng của KTS Ngô Viết Thụ để lại, sau hơn 40 năm trong nghề.
Tất cả các công trình thánh đường, Trung tâm Hành Hương điển hình nêu trên, qua sự góp sức của KTS Ngô Viết Thụ, luôn được cộng đoàn dân Chúa trân trọng gìn giữ và tu bổ như những di sản quý báu dùng làm nơi thờ phượng, tĩnh tâm, cầu nguyện trong đời sống tâm linh, hầu đưa tâm hồn lên cùng Thiên Chúa.
Với muôn ngàn tiếc thương trong tâm tình “Uống nước nhớ nguồn”, tuy ngày nay KTS Ngô Viết Thụ (1926-2000) đã không còn, nhưng qua tài năng vượt bậc, tiếng tăm lỗi lạc và đức độ, gia đình gương mẫu, từ bỏ cuộc sống ở nước ngoài, để về chung sức giúp đồng bào kiến thiết quê hương, được thể hiện trên các công trình di sản kiến trúc vĩ đại, luôn trường tồn nơi giang sơn gấm vóc Việt Nam, với lòng thành kính tri ân sâu xa của người dân hiện tại cũng như con cháu mai sau không bao giờ quên lãng.