Tin tức - Hoạt động

Kinh cầu Đức Bà đi vào cuộc sống

Cập nhật lúc 16:19 27/10/2020
Trong các nghi thức Phụng vụ của Giáo hội Công giáo, ngoài việc tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi ra, việc biệt kính Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa, trong đó theo truyền thống việc đọc kinh cầu nguyện cùng Đức Bà luôn được đề cao. Để đáp lại trào lưu toàn cầu, một xã hội thay đổi không ngừng, các Đức Giáo hoàng đã lần lượt thêm những lời cầu tha thiết vào “kinh cầu Đức Bà”, và khuyên giáo dân khắp nơi hãy thực thi, siêng năng chạy đến cùng Đức Mẹ trong mọi hoàn cảnh.
Trải qua lịch sử, Giáo hội đã phê chuẩn các kinh cầu: Kinh cầu Thánh danh Chúa Giêsu (1886); kinh cầu Thánh Tâm Chúa Giêsu (1899); kinh cầu Thánh Giuse (1906); kinh cầu Các Thánh là cổ xưa nhất... Riêng kinh cầu Đức Bà, khởi đầu chúng ta được biết trong những cuộc rước kiệu Đức Maria ngày xưa, tín hữu thường ca hát, tung hô những tước hiệu Đức Mẹ, cầu xin bằng lời vắn tắt, dần dần các Giáo hội địa phương liệt kê lại lên tới 25 kinh, nhưng đến thế kỷ XVIII đa số các kinh cầu được thâu gọn, chỉ giữ lại một số như: “Kinh cầu Đức Bà Veneziane” – “Kinh Cầu Đức Bà Lauretane” - “Kinh cầu Đức Bà Deprecatorie” - “Kinh cầu Đức Bà Mainz”. Đặc biệt kinh có lịch sử lâu đời và phổ biến nhất, được gọi là “kinh cầu Đức Bà Lauretane - vùng Loreto” do kinh này phát xuất từ nhà thờ Đức Mẹ ở Loreto, thuộc miền Trung nước Ý, có từ thế kỷ XVI, được truyền bá rộng khắp, kinh mà ngày nay các tín hữu Việt Nam quen sử dụng, vì là bản duy nhất được Đức Giáo hoàng Sixtô V phê chuẩn năm 1587, bằng tiếng Latinh cho Hội Thánh dùng chung.
Trong tiếng Latinh, người ta không gọi là “kinh cầu Đức Bà”, nhưng lại nói “kinh cầu Đức Trinh nữ Maria” (Litaniae de beata Maria Virgine). Bản kinh cầu Đức Bà hiện đọc hằng ngày, có lẽ Việt Nam ta dịch “Litaniae” là “kinh cầu”, bởi vì trong lời kinh đó cứ lập lại lời thưa “Cầu cho chúng con” sau mỗi câu xướng. Tiếp đến căn cứ theo bản văn của Công đồng Giám mục Đông Dương họp 28/6/1924 tại kinh thành Huế, sửa kinh do những vị thông thạo Latinh, Hán và Nôm tham gia dịch thuật ra tiếng Việt, được các giáo phận Việt Nam áp dụng từ ngày đó cho tới nay.
Theo nội dung văn bản nguyên thủy của kinh cầu Đức Bà có năm loại tước hiệu kính Đức Maria:
Thứ nhất - Danh xưng “Thánh Maria”giống kinh các thánh.
Thứ Hai - Lời khẩn cầu, dưới danh hiệu là “ Đức Mẹ”.
Thứ Ba - Xưng tụng Đức Mẹ Maria là “ Trinh Nữ”.
Thứ Tư - Kêu cầu Mẹ Maria với danh hiệu là “Đức Bà”.
Thứ Năm - Gồm những tước hiệu gắn với “Nữ Vương”.
Để đáp lại lòng mộ mến, cũng như thích nghi với hoàn cảnh biến chuyển qua dòng thời gian, các Đức Thánh Cha đã thêm vào một số câu:
Năm 1571: -Nữ Vương truyền phép rất thánh Mân Côi (Đức Grêgôriô XIII).
Năm 1883: - Nữ Vương vô nhiễm nguyên tội ( Đức Lêô XIII).
Năm 1903: - Đức Mẹ chỉ bảo đường lành (Đức Lêô XIII).
Năm 1917: - Nữ Vương ban sự bằng an (Đức Bênêđictô XV).
Năm 1950: - Nữ Vương hồn xác lên trời (Đức Piô thứ XII).
Năm 1964: - Đức Mẹ là Mẹ Giáo hội (Đức Phaolô VI).
Năm 1980: - Nữ Vương các Gia đình (Thánh Gioan Phaolô II).
Hiện nay đứng trước các vấn nạn của thời đại, và thích ứng với nhu cầu đòi hỏi cần thiết của Nhân loại, đang phải đương đầu với các khó khăn, ngày 20/6/2020 Đức Hồng y Robert Sarah, Bộ trưởng Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, thừa lệnh Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo đến các Giáo hội địa phương, về việc đưa thêm 3 lời cầu vào bản kinh vẫn được gọi là “kinh cầu Đức Bà Loreto”. Lời cầu thứ nhất: - “Đức Mẹ đầy lòng thương xót”, được đặt sau lời cầu: “Đức Mẹ là Mẹ Hội Thánh”; Lời cầu thứ hai: - “Đức Mẹ là lẽ cậy trông”, đặt sau lời cầu “Đức Mẹ Thông ơn Thiên Chúa”; Lời cầu thứ ba: - “ Đức Bà nâng đỡ di dân”, đặt sau lời cầu “Đức Bà bào chữa kẻ có tội”.
Trong hoàn cảnh người di dân gặp khó khăn, cũng như đại nạn Covid-19 đang gây tang thương chết chóc, nhiều giáo xứ ở Hoa Kỳ đã áp dụng kinh cầu Đức Bà cùng với các tước hiệu trên, xin Chúa qua tay Mẹ Maria cho cơn dịch bệnh mau chấm dứt, dân chúng được an bình.
Một sự kiện liên quan đến ngôi Đền thánh nổi tiếng với kinh cầu Đức Bà Lauretane, năm 1919 Đức Giáo hoàng Bênêđictô XV công bố Đức Mẹ Loreto làm bổn mạng của các phi hành gia. Để kỷ niệm 100 năm (1919-2019) sự kiện này, ngày 31/10/2019 Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập lễ Đức Trinh Nữ Maria Loreto vào lịch Phụng vụ chung của Giáo hội Rôma mừng ngày 10/12 hằng năm, đồng thời cho mở Năm Thánh từ 8/12/2019 sẽ kết thúc 10/12/2020, nay vì nạn Covid-19 nên được gia hạn đến 10/12/2021, để giáo hữu có thời gian viếng Đền thánh Loreto, ngoài ra ân sủng này được mở rộng đến các sân bay dân sự và những căn cứ không quân trên thế giới.
Trong tâm tình hiệp thông cộng doàn dân Chúa, chúng ta hãy đón nhận và thực thi những ước nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô như nội dung Thông tư ngày 20/6/2020 từ Vatican của Đức Hồng y Robert Sarah đã gửi cho Hội đồng Giám mục các quốc gia trên thế giới có trích đoạn như sau:
“Tin Mừng cho chúng ta biết, ngay từ thời khai nguyên Hội Thánh, các môn đệ của Chúa Giêsu đã ca tụng Mẹ Maria là người “ có phúc hơn mọi người nữ” và vẫn luôn cậy nhờ lời Mẹ chuyển cầu, không thể kể hết các tước hiệu và lời khẩn cầu mà lòng sùng mộ của các tín hữu đã dành cho Đức Trinh Nữ Maria suốt bao thế kỷ qua, như một đặc ân và bảo đảm để đến với Chúa Kitô. Trong thời buổi hiện nay mang đầy dấu vết của tâm trạng bất ổn và xao động, đoàn dân Chúa lại càng sốt sắng cậy trông vào Mẹ với tâm tình tràn đầy mến yêu và tín thác”.
Với ý nguyện trên, Giáo hội luôn ước mong mọi tín hữu thêm lòng yêu mến Mẹ Maria, để nhờ Mẹ mà đến cùng Thiên Chúa và như lời Thánh Anphongsô Ligori quả quyết rằng: “ Nếu tôi thật lòng yêu mến Mẹ, thì tôi chắc chắn được lên thiên đàng”. 
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen!
VINHSƠN VŨ ĐÌNH ĐƯỜNG
Thông tin khác:
ĐTC tiếp phân khoa thần học Marianum ở Rôma (26/10/2020)
ĐTC công bố tên 13 tân Hồng y (26/10/2020)
Tích cực đổi mới tổ chức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc (23/10/2020)
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn gửi điện thăm hỏi các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên bị thiệt hại do lũ lụt gây ra (23/10/2020)
ĐTC trợ giúp tài chính cho các gia đình nạn nhân vụ đắm tàu ở Nhật (23/10/2020)
Giáo hội Ba Lan mở án phong chân phước cho “mẹ của bệnh nhân phong cùi" (22/10/2020)
Hơn 41 ngàn người đã viếng thi hài tân chân phước Carlo Acutis (22/10/2020)
ĐTC tiếp Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ quốc tế (21/10/2020)
ĐTC nói trong giờ cầu nguyện đại kết: Chỉ có tình yêu là đường dẫn đến hòa bình và hiệp thông (21/10/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log