Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong lần hành hương đến Fatima để tạ ơn Đức Mẹ. Ảnh: TL |
ĐGH còn lặp lại nghi thức trọng thể này một lần nữa khi tượng Đức Mẹ Fatima được đem đến Rôma vào năm 1984. Một thời gian ngắn sau đó, nước Nga thay đổi thể chế. Ngày 13/5/1989, viên đạn bắn vào ĐGH Gioan Phaolô II đã được gắn vào triều thiên của Đức Mẹ Fatima, như là biểu tượng ĐGH dâng mọi đau khổ lên Đức Mẹ.
Ngày 12/5/2000, ĐGH Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho Phanxico và Giaxinta. Luxia khi ấy còn sống và cùng có mặt. Chị là nhân chứng cuối cùng và ra đi vào ngày 13/2/2005 hưởng thọ 97 tuổi. Nữ tu Luxia qua đời tại đan viện Coimbra dòng Camêlô - Bồ Đào Nha. ĐGH Phanxicô đã phong hiển thánh cho hai chân phước thiếu nhi Phanxicô và Giaxinta Marto vào ngày 13/5/2017 tại Fatima, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hai trẻ em không phải là tử đạo, được phong hiển thánh.
Xe đã tiến vào vùng Coda de Iria, một màu xanh của rừng sồi hiện ra, đưa chúng tôi về với hiện tại. Những cây sồi không đủ tuổi cổ thụ vì hầu hết được cấy lại từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Ba em Luxia, Phanxicô và Giaxinta bỗng xuất hiện, hướng về phía Đức Mẹ hiện ra. Mọi người bật dậy chụp ảnh, những tấm hình sống động vì chính những pho tượng kia đã sống động như thật.
Xe tiến về những ngôi nhà ở của ba em, không phải “như thật” nữa mà là sự thật. Ngôi nhà mái chảy quen gọi là nhà cấp 4 như ở Việt Nam, nhưng không phải nhà trên mà là “nhà dưới” dùng làm nhà xay lúa giã gạo hay dọn cỗ xưa kia ở vùng quê Việt Nam, đó chính là nhà cha mẹ của hai anh em Phanxicô và Giaxinta. Gia đình Marto có một con trai là Phanxicô Marto, sinh ngày 11/6/1908 và một con gái là Giaxinta Marto, sinh 11/3/1910. Căn nhà thấp bé còn giữ lại được những cái giường nhỏ bé, những chum đựng lương thực và vài vật dụng lao động thủ công trông thật cảm động và khó nghèo. Xa hơn một chút, nhà của Luxia, chị họ của hai em cũng đồng một phận nghèo như nhau. Thật đúng lời kinh Magnificat của Đức Mẹ đã thốt lên: “ Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, người giầu có lại đuổi về tay trắng”.
Giờ đây theo vết chân các em đi chăn cừu năm xưa, đoàn hành hương tiến về Vương Cung Thánh đường Fatima, nơi Đức Mẹ đã 6 lần hiện ra với ba em. Ai đó bộc phát cất lên bài hát: “Năm xưa trên cây sồi, làng Fatima xa xôi, có Đức Mẹ Chúa Trời, hiện ra uy nghi sáng chói, Mẹ nhắn nhủ người đời, hãy mau ăn năn đền bồi, hãy tôn sùng Mẫu Tâm, hãy năng lần hạt Mân côi”, nghe bài hát vẫn thân thương và da diết, nhưng một phản hồi loé lên trong tôi “Không, không phải Fatima xa xôi, mà là Fatima đây rồi !”. Cây sồi cũng không còn là một khái niệm chung, nhưng thực tế tới mức chúng tôi vây quanh đứng dưới tán của nó để chụp ảnh. Tôi với tay bẻ một cành nhỏ để cho cảm giác cay nồng của lá sực vào mũi, xua đi nỗi băn khoăn hạn chế của mình xưa nay không biết cây sồi là làm sao!
Bên cây sồi, làng Fatima. |
Ở một gốc cây ven đường xuất hiện một gốc sồi rất lạ, từ khoảng cách 1,5m trở lên, vỏ cây dầy màu trắng xám như địa y bám mốc, phần bị lột đi trơ thân màu đỏ trơn nhẵn như các cây khác. Hướng dẫn viên giải thích cho đoàn hiểu rằng vỏ sồi được lột đi để sản xuất thành những sản phẩm phục vụ con người như nón, mũ, túi xách, đồ dân dụng...