Mừng đón Giáng sinh tại nhà thờ lớn Hà Nội |
Ngày lễ Giáng sinh không có nguồn gốc từ Việt Nam, nó là ngày lễ của những người theo Kitô giáo như: Công giáo, Tin lành. Ngày nay, ở Việt Nam, dù không chính thức nhưng Giáng sinh dần dần được coi như một ngày lễ chung, thường được tổ chức vào tối 24 và kéo sang ngày 25 tháng 12. Trong những ngày này, cây thông Noen được trang trí ở nhiều nơi bằng cây thật hay thông nhân tạo làm bằng nhựa. Trên cây, người ta thường treo các đồ trang trí nhiều loại nhưng thường có những cặp chuông, dây giả tuyết, những chiếc ủng, các gói quà tượng trưng và đèn trang trí giống như các nước phương Tây... mọi người tham dự lễ hội để biết, để hoà nhập và để tận hưởng những nét văn hoá đẹp chứ không nhất thiết để phục vụ nhu cầu tâm linh.
Được biết lễ Giáng sinh lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam là do một người phụ nữ chủ toạ, đó là bà Maria Mađêlêna Minh - Đức Vương Thái Phi. Bà Minh - Đức là vợ chúa Nguyễn Hoàng, mẹ của Hoàng tử Nguyễn Phúc Khê, tước hiệu Vương Phi, được đứng đầu hàng Thứ phi. Năm 1625 đã ngoài 50 tuổi, bà gia nhập đạo Công giáo tại Thuận Hóa do giáo sĩ Francisco di Pina rửa tội cho bà với tên thánh là Maria Mađalêna, có sự chứng kiến của giáo sĩ Đắc Lộ. Cuộc đời của bà Minh - Đức đã được sử gia Phạm Đình Khiêm, một người chuyên nghiên cứu và viết về mảng lịch sử Giáo hội Việt Nam, qua tài liệu tra cứu, trong đó tác giả đã cho ra mắt cuốn “Minh - Đức Vương Thái Phi” do tủ sách Tinh Việt Văn Đoàn xuất bản năm 1957. Qua tập sách này, ta có thể tìm hiểu và biết được dung mạo người phụ nữ đạo đức, đáng kính này. Bà Minh-Đức Vương Thái Phi qua đời vào năm 1649, hưởng thọ 80 tuổi, thủ tiết 36 năm, trong đó có 24 năm, làm việc tông đồ mở mang nước Chúa để lại tấm gương nhân đức chiếu rạng khắp triều đình. Hành động của bà ảnh hưởng lớn đến dân chúng và danh tiếng bà luôn ghi dấu trong sử sách.
Nếu như một vài năm trước đây Giáng sinh chỉ là ngày lễ của những người theo đạo Công giáo hay Tin lành, thì hiện nay nó đã được nhiều người chấp nhận và coi như hoạt động sinh hoạt văn hoá cộng đồng chung, mà chủ yếu là giới trẻ. Những đôi tình nhân tặng quà cho nhau, trẻ em háo hức chờ sự xuất hiện của ông già Noen, gia đình bè bạn rủ nhau tận hưởng không gian Noen. Người Việt Nam rất thích các ca khúc Giáng sinh. Rất nhiều người nước ngoài đón Giáng sinh tại Việt Nam và thực sự thích không khí ấm cúng, yên bình nhưng không kém phần sôi động. Tuy cách đón Giáng sinh của người theo đạo và không theo đạo có những nét khác biệt, nhưng điều đó thực sự không quan trọng.
Ngày lễ Giáng sinh cũng được chào đón ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Vậy điều gì đã khiến một ngày lễ của những người theo đạo Công giáo lại trở nên phổ biến và được mọi người yêu thích tại Việt Nam như vậy?
Nhìn chung các lễ hội mang tính cộng đồng cao, sinh hoạt đơn giản, không mang quá nhiều màu sắc tâm linh huyền bí được đón nhận nhanh chóng và trở nên phổ biến. Tuy nhiên lí do khiến lễ Giáng sinh được chào đón tại Việt Nam là từ phía con người và xã hội Việt. Việt Nam được biết tới như một quốc gia đa dân tộc và đa tôn giáo, trong suốt chiều dài lịch sử, trong thời bình hay trong thời kỳ bị áp bức đô hộ, chiến tranh, nền văn hoá Việt Nam luôn vận động, luôn chuyển mình thích ứng nhưng “hoà nhập” mà không hoà tan. Tiếp nhận các sinh hoạt tôn giáo mới một cách nhanh chóng, làm cho nó trở nên “Việt hoá” là một cái hay trong việc hoà hợp các tôn giáo, sinh hoạt văn hoá của người Việt Nam. Tinh thần đoàn kết tôn giáo của người dân, việc chung sống hoà bình và bao dung giữa các tôn giáo cùng với tính nhân ái, nhân bản của con người và xã hội đã tạo ra một bức tranh sinh động về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam: thuần tuý nhưng phong phú, đan xen nhưng không mâu thuẫn. Dù trải qua hơn 1000 năm Bắc thuộc hay gần 100 năm Pháp thuộc, Việt Nam vẫn bảo tồn và phát triển nền văn hoá của mình, không bị Hán hoá, không bị Tây hoá. Văn hoá Việt Nam ngày càng phát triển và nhờ sức sống là truyền thống dung hoà.
Truyền thống dung hoà của người Việt được thể hiện qua nhiều phương diện như: dung hoà, hoà hợp với tự nhiên (hành động theo tự nhiên, không chống lại thiên nhiên, thích nghi với tự nhiên); dung hoà với xã hội (về mặt văn hoá tư tưởng theo nguyên tắc “không từ chối”, tiếp thu tinh hoa văn hoá của các dân tộc khác trong quá trình giao lưu, như nhạc Chăm trong cung đình, diễn trò của Trung Quốc...; về mặt ngôn ngữ sử dụng nhiều từ vựng gốc Môn - Khơme, Tầy Thái, Mã Lai, Hán, Ấn Độ...; về mặt tôn giáo tiếp thu các thuyết Nho, Đạo, Phật, Công giáo, Tin lành..., tiếp thu nhiều tư tưởng của cả phương Đông lẫn phương Tây); dung hoà với con người theo nguyên tắc dĩ hoà vi quý, lưỡng trị, điều hoà quyền lợi. Chính môi trường địa lý, địa vực, dân tộc luôn có sự mở rộng, tiếp xúc, giao lưu là cơ sở để tư tưởng dung hoà xuất hiện, phát triển, củng cố và như một nguyên tắc nền tảng cho sự tồn tại và phát triển của Việt Nam. Tính cách chung của người Việt cũng được nhận định là vui vẻ, cởi mở, cùng hợp tác lao động với người khác. Tư tưởng hoà hợp đã tạo ra một không gian văn hoá, một thế sinh hoà bình, vui vẻ, ổn định cho người dân.
Nguyên tắc “không chối từ, không kì thị” như một công cụ hữu hiệu cho sự hoà hợp của văn hoá, tín ngưỡng tại Việt Nam. Trong nửa đầu thế kỷ XX, được kích thích bởi sự tiếp xúc với văn hoá phương Tây, người Việt đã thu nhận những giá trị nhân văn mới mẻ, tiến bộ của nhân loại, như tự do, bình đẳng, bác ái, nhân quyền, dân chủ. Những giá trị này đã được chào đón nồng nhiệt bởi tinh thần dung hoà của người Việt và bởi nó rất gần với các giá trị nhân văn cổ truyền. Cũng giai đoạn này, các tôn giáo cũ và mới như tôn giáo dân gian, Phật giáo, Công giáo, đạo Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo... đều phát triển.
Từ khi được truyền vào Việt Nam đến nay đạo Công giáo, Tin lành đã có ảnh hưởng tới xã hội với sự xã hội hoá các ngày lễ Công giáo như Giáng sinh, Phục sinh. Dù ít hay nhiều, các ngày lễ đã góp phần làm phong phú thêm đời sống tâm linh và sinh hoạt văn hoá của người dân. Thông qua sinh hoạt văn hoá tâm linh cộng đồng, người dân là những người theo đạo hay không theo đạo có dịp hiểu và đoàn kết nhau hơn, đây cũng là một cách làm tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, thống nhất ý chí và nguyện vọng của người dân. Thực tiễn văn hoá Việt Nam qua lịch sử cho thấy, ở giai đoạn nào, triều đại nào mà tư tưởng dung hoà được duy trì và củng cố thì giai đoạn đó, triều đại đó vững mạnh và giàu tiềm năng phát triển. Vì vậy, cho dù trong bối cảnh toàn cầu hoá, nguy cơ mất bản sắc văn hoá dân tộc rất lớn, nhưng việc kế thừa truyền thống dung hoà văn hoá - tôn giáo, ứng dụng nguyên tắc này trên một tinh thần mới chính là chìa khoá vàng để nền văn hoá Việt Nam ngày càng phát triển.