Tin tức - Hoạt động

Mong ước với truyền thông của người làm truyền thông Công giáo

Cập nhật lúc 08:59 12/06/2022
Nói đến truyền thông Công giáo bây giờ không chỉ giới hạn trong báo giấy, báo nói (đài phát thanh), báo ảnh, báo hình, báo mạng điện tử mà phải nói đến cả mạng xã hội, hội họa, kiến trúc, văn chương nghệ thuật và lối sống của người Công giáo nữa.
Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp và nhân sĩ trí thức thắp hương cầu nguyện trước mộ danh nhân Nguyễn Trường Tộ. Ảnh: HT
Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp và nhân sĩ trí thức thắp hương cầu nguyện trước mộ danh nhân Nguyễn Trường Tộ. Ảnh: HT
Ước mong với truyền thông Công giáo

Nói đến truyền thông Công giáo bây giờ không chỉ giới hạn trong báo giấy, báo nói (đài phát thanh), báo ảnh, báo hình, báo mạng điện tử mà phải nói đến cả mạng xã hội, hội họa, kiến trúc, văn chương nghệ thuật và lối sống của người Công giáo nữa. Mỗi loại hình có ưu thế thông điệp truyền thông riêng và cũng có đòi hỏi riêng do chính đặc thù của loại hình đó. Báo giấy có ưu điểm là có thể lưu giữ lâu, nhẹ nhàng mang đi xa, thích lúc nào lôi ra đọc. Báo hình thoả mãn thị giác, thính giác. Báo điện tử có thế mạnh là nhanh, cập nhật ở bất cứ đâu trên toàn cầu đang đe dọa sự tồn vong của báo giấy. Còn mạng xã hội lại là “báo” của từng người và biến ai cũng có thể thành nhà báo hay ít nhất cũng là người làm truyền thông. Với sự phát triển của khoa học công nghệ và cũng là nhằm đáp ứng xu thế của con người nên các loại hình báo chí có xu hướng tích hợp nhiều loại hình. Truyền hình Việt Nam có báo giấy Truyền hình Việt Nam, có Facebook. Đài Tiếng nói Việt Nam có kênh truyền hình VOV, có báo giấy “Tiếng nói Việt Nam” và chiếc màn hình ở trong nhà cũng có thể nghe đài, đọc báo nếu có kết nối mạng. Còn với chiệc điện thoại thông minh thì ai cũng sở hữu đủ lọai hình báo chí trong túi. Nhiều giáo phận cũng có trang tin, đài radio, video nhưng thời lượng ngắn.

Nhưng với bất kỳ loại hình báo chí nói chung và đặc biệt truyền thông Công giáo nói riêng, khán thính giả cũng đòi hỏi thông tin đưa ra phải nhanh, phải chính xác, phong phú và hấp dẫn. Nhìn chung các trang truyền thông Công giáo trong nước còn nghèo nàn, chưa đẹp, chưa hấp dẫn. Mỗi giáo phận trên trang chủ có từ 6-10 chuyên mục chủ yếu là tin tức Công giáo trong nước và quốc tế; Suy niệm; Thánh lễ, Lời chủ chăn. Có trang chỉ tường thuật thánh lễ trực tiếp. Nhưng cuộc sống có quá nhiều vấn đề cần quan tâm như: Tâm tư tuổi mới lớn; Gỡ rối chuyện mâu thuẫn gia đình; Làm thế nào để giữ đạo khi vướng vào tệ nạn xã hội… Có thể trong tương lai gần số linh mục làm mục vụ cho giáo dân sẽ đáp ứng đủ nhưng rất thiếu các linh mục chuyên gia về tâm lý gia đình, hôn nhân, HIV/AIDS, về mỹ thuật, kiến trúc. Truyền thông Công giáo không nên đưa tin một sự kiện mà nó đã diễn ra cả tháng, cả năm trước. Vì như vậy không còn tính thời sự mà còn bị ức chế phản tác dụng như đã qua lễ Phục sinh rồi mà còn đưa tin về ăn chay, kiêng thịt lễ Tro như thế nào? Giống như đi đường vẫn bắt gặp những khẩu hiệu truyên truyền từ mùa xuân năm trước, dù đã sang hè năm sau vẫn còn tồn tại mặc chữ nghĩa đã phai màu, xô lệch.

Truyền giáo là sứ mạng của Giáo hội Công giáo nên truyền thông cũng phải chia sẻ trách nhiệm này. Nhưng xin đừng giao cho truyền giáo là phải rao giảng Phúc âm, phải đưa người ngọai đạo đến nhà thờ Rửa tội... Đức Hồng y Bộ trưởng Bộ Rao giảng Tin Mừng Louis Antoni Tagle nói: Đừng gán cho Truyền giáo những nhiệm vụ nặng nề quá. Truyền giáo trước hết là đi gặp gỡ người khác. Theo tinh thần này, cha Giuse Nguyễn Văn Thành ở giáo xứ Sơn La, dành mỗi tuần hai ngày đi thăm các gia đình cả lương và giáo để trò chuyện về cuộc sống, về nghề nghiệp rồi mời họ đến thăm nhà thờ, tặng sách, mời dùng cơm và đã có 60 người trở lại đạo sau 2 tháng cha coi xứ. Nhưng truyền thông Công giáo không nói đến chuyện đó. Nhiều bài cao siêu quá, giáo dân khó tiếp cận đành “kính nhi viễn chi” thôi.

Truyền thông muốn mạnh, có sức hấp dẫn phải có các phóng sự, điều tra. Nhưng các trang truyền thông Công giáo hiện nay hầu như thiếu vắng thể loại này. Vì nó đòi hỏi những phóng viên có nghề, am hiểu pháp luật, Giáo luật và có Đấng bản quyền bật đèn xanh. Ví dụ, vụ hai cán bộ ở Vụ Bản, Hòa Bình vào gây rối thánh lễ trong nhà thờ. Người dân muốn biết, tại sao lại như thế và xử lý vụ việc ra sao sau đó…Không ai trả lời cả. Nhiều giáo phận như Đà Nẵng, Sài Gòn có cách đối thoại với chính quyền để xin lại đất đai khá hiệu quả nhưng ít người biết vì truyền thông Công giáo không đề cập đến.

Mạng xã hội bây giờ rất phát triển. Hầu như ai biết đọc, biết viết cũng có Facebook. Nhưng đa số mới đưa tin sinh hoạt cá nhân, khoe quần áo, cỗ bàn ăn uống. Trong số 7 triệu người Công giáo phải có tới 6 triệu người dùng Facebook, nếu có ý thức truyền gíao thì sẽ có 6 triệu ngọn nến thắp sáng cánh đồng truyền giáo.

Cha ông ta thường nói: Lời giáo huấn là nẻo quanh, gương lành là lối tắt. Vì vậy lối sống của mỗi người Công giáo là trang truyền thông sống động, gần gũi và sinh động nhất. Ông vẫn khoe, đạo Công giáo của ông tốt lành lắm, Chúa của Công giáo dạy dỗ yêu thương, thứ tha … Nhưng gia đình ông sống bê tha, con cái bất hiếu với cha mẹ, còn cha mẹ thì suốt ngày cãi nhau với hàng xóm về những chuyện vặt vãnh con chó sủa ban mai, con gà cào sân thóc…

Một lưu ý nữa là hầu như tất cả báo chí Công giáo hiện nay đều không có phép xuất bản (trừ tờ Hiệp Thông được cấp phép năm 2001 với số lượng 100 bản và 2 tháng 1 kỳ).

Mong ước của những người làm truyền thông Công giáo

Xã hội tương lai sẽ cởi mở, dân chủ hơn và có cơ hội cho truyền thông Công giáo phát triển. Ba Lan sau chuyển đổi chế độ cần 6000 phóng viên Công giáo trong đó hơn một nửa là phóng viên truyền hình nhưng không tìm đâu ra. Cho nên Giáo hội Công giáo Việt Nam ngay bây giờ phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân sự cho truyền thông Công giáo bằng cách tìm các sinh viên có năng khiếu và yêu truyền thông để bồi dưỡng, đào tạo về nghiệp vụ báo chí, kiến thức giáo lý, giáo luật trong truyền thông. Nhưng để các phóng viên truyền thông Công giáo sống được với nghề, phải tìm cách nuôi họ. Trước mắt là trả nhuận bút cho các tin bài được đăng tải, tiến tới trả lương tháng cho một số phóng viên giỏi, nhiệt huyết.

Là con người, ai cũng muốn tò mò. Người giáo dân muốn biết ngoài giờ dâng lễ ở nhà thờ, các Đấng bậc sống ra sao? Có sở thích gì? Nhưng nếu không có vài nhà báo thân quen, làm sao biết Đức cha FX Nguyễn Văn Sang mê xem bóng đá quốc tế và không bỏ sót trận nào dù trận đấu diễn ra lúc nửa đêm. Làm sao biết Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ mê bóng đá và kiên trì tập bóng đá. Làm sao biết Đức cha FX hay giao lưu với các trí thức cả trong đạo ngoài đời nên mới có những cuộc hội thảo khoa học về đề tài Công giáo thu hút cả ngàn người ở Huế những năm 1998-2004.

TS. Phạm Huy Thông
Thông tin khác:
Người Công giáo Đạ Tẻh sống tốt đời - đẹp đạo (11/06/2022)
Người Công giáo quận Đống Đa sống Tốt đời - Đẹp đạo (10/06/2022)
Ngân hàng Vatican báo cáo lợi nhuận 19 triệu đô la vào năm 2021 (10/06/2022)
Tổng giáo phận Guadalajara của Mexico có 70 tân linh mục (09/06/2022)
22 ngàn người trẻ Ba Lan cầu nguyện cho hoà bình (09/06/2022)
Sách mới kỷ niệm 25 năm qua đời của Mẹ Têrêsa (09/06/2022)
Mặt trận tỉnh Nghệ An ra mắt mô hình 'Dân vận khéo' (08/10/2022)
Khai trừ ra khỏi Đảng Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và Chủ tịch UBND tp. Hà Nội Chu Ngọc Anh (08/06/2022)
Nông thôn Quảng Ninh ngày một đẹp hơn (08/06/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log