Khi đoàn đến đã chiều tối, chúng tôi thấy cha Giuse Nguyễn Văn Phượng, Bề trên và chánh xứ Cao Bình cùng với mấy cha, mấy thầy vẫn đang quần cộc, áo phông quét sân, rửa sân nhà thờ. Cha gọi đúng tên tôi dù đã 6 năm cha rời Thái Hà lên Cao Bình, giáo phận Lạng Sơn- Cao Bằng, tôi chưa có dịp gặp lại.
Cha Giuse dẫn tôi vào phòng nghỉ. Một căn phòng rộng rãi, kê 10 chiếc giường đôi, chăn, ga, gối đệm đều mới toanh. Cha Giuse nói, vừa mới hoàn tất trưa nay để đón đoàn. Cho nên đoàn có thể ở trong giáo xứ mà không phải đi thuê nhà nghỉ bên ngoài.
Giáo xứ Cao Bình thuộc giáo phận Lạng Sơn- Cao Bằng. Đây là giáo xứ cổ vì được thành lập năm 1910 và ngôi nhà thờ được xây dựng năm 1921 tức đã hơn một thế kỷ. Tất nhiên, ngôi nhà thờ đó chỉ còn sót lại tháp chuông thôi, còn toàn bộ nhà thờ mới được xây lại năm 1998-1999. Giáo xứ Cao Bình mới thành lập lại năm 2010. Giáo xứ được trao cho dòng Chúa Cứu Thế coi sóc từ năm 2009. Linh mục Giuse Nguyễn Văn Phượng lên Cao Bình làm Bề trên và chính xứ Cao Bình từ năm 2018.
Cao Bình là giáo xứ rất rộng, trải dài trên 3 huyện của Cao Bằng là Bảo Lâm, Bảo Lạc và Hà Quảng. Cha Giuse nói với tôi, đi đến điểm cuối của giáo xứ Cao Bình là hơn 300 km tức là còn xa hơn quãng đường chúng tôi từ Hà Nội lên Cao Bình. Giáo xứ rộng, nhưng giáo dân ít lắm được hơn 40 người Kinh. Nhưng bù lại, họ sùng đạo nhất thế giới vì tỷ lệ họ đến nhà thờ lúc nào cũng hơn 90%. Năm 2024, giáo xứ được “mùa gặt” vì đã có 47 anh em người H’Mông gia nhập đạo Công giáo ở Cao Bình. Ở Cao Bình có tới 9 tộc người sinh sống là Tày, Nùng, Mán, Sán Chỉ, Dao… Nhưng người H’Mông vẫn là đông nhất, trang phục đẹp và có văn hóa phong phú hơn cả nên giáo xứ chọn đối tượng truyền giáo là người H’Mông trước. Tiếng H’Mông phong phú ít phải vay mượn tiếng Kinh như Tày, Nùng. Có điều phát âm hơi khó vì quá nhiều phụ âm. Học tiếng H’Mông, nếu có năng khiếu chỉ mất vài tháng. Nhưng đọc thông, viết thạo phải mất cả năm. Trong số 4 linh mục của dòng Chúa Cứu Thế phục vụ ở Cao Bình chỉ có cha Phêrô Lê Thanh Phục là giỏi tiếng H’Mông nên đặc trách dâng lễ cho họ vào 8h30 sáng chủ nhật hằng tuần.
Người H’Mông sống trên các đỉnh núi cao nên có rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu nước sinh hoạt. Trên đó, không có suối, không thể dẫn nước hay bơm nước lên được. Mùa mưa, họ lấy nước từ mái nhà chứa trong các hố đào, lót nilon để chống thấm. Vì thiếu nước nên họ rất ít tắm giặt và vệ sinh cũng không đảm bảo. Nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, nhà thờ cũng đã cung cấp cho họ những bồn nước bằng inox. Cuộc sống của họ vẫn tự cung, tự cấp. Hàng hóa duy nhất họ phải mua là muối ăn. Còn có ngô ăn ngô, có lúa thì giã ra gạo để dùng. Săn được con thú rừng nào thì thịt ăn. Từ nhà họ xuống chân núi phải leo 6 cây số. Xuống đường lộ, bắt xe đi 30, 40 km nữa mới tới nhà thờ. Gia đình nào cũng đông con. Có nhà, ông bố mới 48 tuổi mà có tới 12 người con. Tại Cao Bình, khi họ tham dự thánh lễ bằng tiếng H’Mông, họ được mời ăn cơm, tặng quần áo; đồ dùng sinh hoạt, sản xuất và cả chút tiền xăng xe vì có người đi xe máy, có người đi ô tô khách.
Sân nhà thờ Cao Bình khá rộng, có lưới, có kẻ sân có thể chơi bóng đá, bóng chuyền, cầu lông và cả phơi lúa nữa. Dân phơi lúa trên các tấm bạt, tối gấp lại cứ để đó. Bao giờ khô mới đem về.
Giáo xứ hay tổ chức các lớp học hè cho thanh thiếu nhi. Giáo viên là sinh viên từ Hà Nội lên dạy toán, tiếng Anh, kỹ năng sống cho các em. Hè nào cũng quy tụ được vài chục em không kể giáo lương. Cha Giuse kể, lẽ ra cha phải đi về Tòa Giám mục từ thứ bảy để thường huấn nhưng vì có đoàn lên, nên cha xin phép đến muộn 1 ngày. Thức ăn thì có sẵn rồi. Cha gửi nuôi mấy con lợn Mán. Dịp này thịt hai con để đón tiếp đoàn.
Chúng tôi đến thăm giáo điểm Nà Rị (Thành Công) cách Cao Bình hơn chục cây số. Cha Giuse Nguyễn Thanh Sơn hướng dẫn chúng tôi thăm cơ sở khá đẹp. Đây là mặt bằng của một công ty làm ăn thua lỗ nên bán lại cho nhà dòng. Có nhà năm tầng dùng làm nhà nguyện Clemnente House. Có hội trường để cầu nguyện, có nhà hàng 0 đồng mà hàng hóa rất phong phú… Đoàn đem lên 50 bàn thờ, mỗi bàn thờ trị giá 500 ngàn đồng. Chúng tôi muốn đi lắp đặt cho một số gia đình. Nhưng cha Giuse nói, không đi được vì xe của chúng tôi gầm thấp, máy yếu không leo núi nổi. Hơn nữa còn là vấn đề an ninh nữa. Khu này gần biên giới, gần khu căn cứ cách mạng Pắc Pó nên khi có xe biển số lạ, người đông là bị hỏi giấy tờ ngay. Cho nên, số bàn thờ cứ để đây, chủ nhật, họ đi lễ, cha sẽ phân bổ. Còn lắp bàn thờ phải giải được bùa dán ở nhà họ trước đã. Nà Rỵ là một trong 3 cơ sở sinh hoạt tôn giáo tập trung đã được tỉnh công nhận.
Buổi lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Tông đoàn diễn ra thật sốt sắng. Thánh lễ đồng tế với 5 cha do cha Vinhsơn chủ tế và cha Giuse Đỗ Đình Tư chia sẻ Lời Chúa. Sau thánh lễ là đêm văn nghệ giao lưu rất vui giữa Tông đoàn Gioan Phaolô II và ca đoàn giáo xứ Cao Bình.
Trên đường về Hà Nội, đoàn có thăm và tĩnh tâm ít phút tại giáo họ Nà Phặc (tỉnh Bắc Kạn). Tôi đã đến Nà Phặc mấy lần, nhưng hôm nay vẫn ngạc nhiên về sự thay đổi nơi truyền giáo này. Ngôi nhà thờ hai tầng rất đẹp mới khánh thành năm 2022, nhà thờ cũng là đền thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, nằm bên dòng suối trong mát. Các em học hè đang tắm suối dưới sự giám sát của các anh lớn tuổi. Một số anh chị em trong đoàn cũng ào xuống tắm suối vì ngay ở Hà Nội dù ở các khu nghỉ dưỡng cao cấp cũng không có con suối tự nhiên như vậy.
Thầy Tiến từng học và làm việc ở Rôma 8 năm, nay về phục vụ giáo họ. Thầy cho biết, giáo họ đang nuôi dạy hơn 20 em, ăn ở miễn phí để học văn hóa ở tầng một của nhà thờ. Hè năm nay, nhà thờ tổ chức lớp học hè 5 tuần cho 120 em không kể giáo lương. Các em được học văn hóa, học đàn, kỹ năng sống và cả vệ sinh thân thể nữa, nhất là các em gái được các nữ tu dòng Hiệp Nhất giúp đỡ. Kinh phí cho lớp học chừng 100 triệu đồng. Không kể sửa chữa vặt mỗi ngày cũng mất cả triệu đồng nữa. Nhà dòng mua được mảnh đất trồng ngô bên kia suối, nhưng năm nay dành làm sân bóng cho các em. Đoàn được mời dùng bữa chung với các em. Đoàn gửi tặng lớp học của các em 20 triệu và hứa, nếu em nào đỗ đại học ở Hà Nội sẽ được hỗ trợ chỗ ăn nghỉ, học phí.
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Tĩnh, phụ trách giáo họ và là Bề trên ở đây cho biết, nhà thờ có một xe 15 chỗ. Cứ chiều thứ bảy đến các bản đón người H’Mông đi lễ và trưa chủ nhật lại chở họ về. Họ dự lễ chiều thứ bảy, ăn tối, ngủ lại. Sáng chủ nhật, ăn sáng, xem lễ, ăn trưa rồi mới về. Nhà thờ chú ý nâng cao ý thức về cuộc sống như chống nạn tảo hôn, chống quan niệm “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ” ỷ lại, không phấn đấu, không cố gắng lao động, sản xuất; vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ phương tiện đi lại, dụng cụ sản xuất hay hỗ trợ lúc bị ốm đau phải đi viện… Tất cả những điều đó đã tạo nên hoa trái: 470 người H’Mông đã gia nhập đạo Chúa.
Vùng truyền giáo này vẫn còn nhiều hy vọng lắm.