Tin tức - Hoạt động

Một việc làm sai lầm

Cập nhật lúc 14:46 06/07/2009
Vậy là, luật pháp đã được thực thi nghiêm minh, kẻ có tội đã bị xử đúng tội. Ðó cũng là công việc bình thường không chỉ ở Việt Nam, mà ở bất kỳ một quốc gia nào cũng vậy: mọi công dân vi phạm pháp luật đều bị xét xử theo luật pháp. Việc tòa án Việt Nam xét xử hành vi vi phạm pháp luật của Nguyễn Văn Lý đã nhận được sự đồng tình của nhân dân Việt Nam và nhiều người ở nước ngoài. Có thể tham khảo điều này qua cuộc thảo luận sau khi website của BBC đăng bài Phản ứng hậu phiên xử linh mục Lý (17-4-2007) với những ý kiến như: "Phan Hoang Long (Dong Nai): Ðất nước chúng tôi đang trong quá trình hội nhập và phát triển. Con người Việt đang muốn khép lại quá khứ để hướng tới tương lai. Trong xu thế hội nhập và phát triển, chúng tôi, những thanh niên thế hệ trẻ của Việt Nam kịch liệt phản đối những hành vi phá hoại an ninh chính trị quốc phòng của linh mục Nguyễn Văn Lý. Ðảng Cộng sản Việt Nam đã đem đến cuộc sống tự do, hạnh phúc cho những người dân lao động cực khổ. Không chỉ những người dân như chúng tôi chỉ biết sống trong đất nước cảm nhận mà bất cứ ai trên thế giới này cũng thừa nhận sự phát triển vượt bậc của đất nước tôi... AT (Tokyo, Japan): Nguyễn Văn Lý và những người ủng hộ ông ta luôn mồm nói tại sao lại phạt tù một người"vì nước vì dân". Không biết có người vì nước vì dân nào lại đang tâm đề nghị quốc tế đoạn tuyệt bang giao để làm cho đất nước nghèo đói đi, loạn lạc dễ xảy ra, để ông ta đạt được mục đích lật đổ một chính quyền ông ta không ưa? Tôi lấy làm buồn cười khi biết tại nhà kẻ đội lốt thầy tu này, người ta tìm ra hàng trăm kilogam tài liệu chống lại chính quyền, đó phải chăng là hành động nên có của một nhà tu hành? Bản án dành cho ông ta tôi nghĩ có tác dụng răn đe là chính, dùng để cảnh cáo những kẻ cơ hội muốn nhân dịp Việt Nam hội nhập mà thủ lợi chính trị, hơn là trừng phạt. Nguyen Ho Lan (San Jose, USA): Ông Lý đã tỏ ra khinh mạn tòa án, không chỉ một lần mà là nhiều lần. Theo thông tin từ những người chứng kiến phiên tòa, trước những phát biểu ngoài lề và linh tinh của Nguyễn Văn Lý, tòa án đã 4 lần cảnh cáo Lý về thái độ khinh mạn tòa án...
Vậy mà hơn hai năm sau, ngày 1-7-2009, một số Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ khơi lại phiên tòa Nguyễn Văn Lý qua bức thư gửi Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam để: "Xét những thiếu sót nghiêm trọng trong tiến trình bắt giữ, xét xử và giam Linh mục Nguyễn Văn Lý, chúng tôi yêu cầu Ngài (Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết - TQH) hãy tạo mọi sự dễ dàng để lập tức trả tự do vô điều kiện cho Linh mục Lý, và cho phép ông được trở về nhà và tiếp tục công việc thường ngày, mà không bị hạn chế các quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do đi lại, là những quyền được quốc tế công nhận" (!) (VOA, 2-7-2009). Hơn thế nữa, các Thượng nghị sĩ này còn yêu cầu Nhà nước Việt Nam phải tôn trọng quyền dân sự và chính trị được quy định bởi Hiến chương Liên Hợp quốc mà Việt Nam đã ký kết với tư cách là thành viên (!). Lời lẽ trong bức thư cho thấy, các Thượng nghị sĩ đã không có đủ thông tin, nhận thông tin sai lạc, hoặc cố tình phớt lờ những thông tin chân thật về vụ án Nguyễn Văn Lý. Và không có gì ngạc nhiên khi người chấp bút, đứng đầu danh sách ký vào bức thư nói trên là Thượng nghị sĩ Barbara Boxer (Ðảng Dân chủ) và Thượng nghị sĩ Sam Brownback (Ðảng Cộng hòa) - hai nhân vật lâu nay đã trở thành "chỗ dựa tinh thần" cho một số kẻ đang rắp tâm phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.
Trước hết, xin nói rằng, trong khi yêu cầu Nhà nước Việt Nam phải tôn trọng quyền dân sự và chính trị của công dân dựa trên cơ sở Công ước về các quyền dân sự và chính trị (được Liên Hợp quốc thông qua ngày 16-12-1966, có hiệu lực ngày 23-3-1976), các thượng nghị sĩ nói trên chỉ quan tâm tới những khẳng định của Công ước, mà không quan tâm tới những ràng buộc mà Công ước đề cập. Như khoản 2 Ðiều 19 liên quan tới quyền tự do ngôn luận chẳng hạn. Sau khi cho rằng: "Quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng bản viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác tùy theo sự lựa chọn của họ", Công ước khẳng định: "Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 của Ðiều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được pháp luật quy định và cần thiết để: a. Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b. Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng". Như vậy, trong tính khách quan cần có, Công ước đòi hỏi phải tôn trọng luật pháp, tôn trọng đặc điểm văn hóa, đạo đức của mỗi quốc gia trong khi thực thi "quyền tự do ngôn luận" trong xã hội.
Mấy chục năm qua, những ai quan tâm tới cái gọi là vụ Nguyễn Văn Lý (sinh năm 1946) đều biết rằng, những hành vi lợi dụng tôn giáo để chống đối chính quyền của con người này là hết sức cực đoan và có hệ thống. Từ năm 1977 đến ngày bị Tòa án nhân dân Thừa Thiên - Huế kết án, Nguyễn Văn Lý liên tục có các hoạt động từ soạn thảo, tán phát tài liệu nhằm xuyên tạc và vu cáo Nhà nước ta "vi phạm tự do tôn giáo", đến lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền chống phá chính quyền, kích động một số công dân theo Thiên Chúa giáo ở xứ đạo Nguyệt Biều (TP Huế) gây mất trật tự công cộng. Thậm chí, vào năm 2001, Nguyễn Văn Lý còn gửi thư tới Quốc hội Hoa Kỳ để vu cáo Nhà nước Việt Nam "vi phạm nhân quyền, ngược đãi tôn giáo", từ đó yêu cầu Quốc hội Hoa Kỳ đình hoãn việc thông qua hiệp định thương mại giữa hai nước (!). Do các hành vi vi phạm pháp luật, Nguyễn Văn Lý đã nhiều lần bị khởi tố bởi các tội danh: "phá hoại chính sách đoàn kết", "tuyên truyền chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam", "không chấp hành án"... Y đã nhiều lần nhận án tù, và không ít lần nhờ có chính sách khoan hồng của Nhà nước Việt Nam mà được giảm án. Lẽ ra, trước sự khoan dung của Nhà nước và của nhân dân, Nguyễn Văn Lý phải "sửa mình" để đi theo con đường lương thiện, tốt đời đẹp đạo, nhưng y vẫn "chứng nào tật ấy", "ngựa quen đường cũ" và ngày càng chống phá Nhà nước điên cuồng hơn. Việc Nguyễn Văn Lý phải đứng trước tòa án nhân dân ngày 30-3-2007 là kết quả của hệ thống các hành vi chống phá Nhà nước do y tiến hành, và 136 simcard điện thoại di động, hơn 200 kg giấy tờ, tài liệu có liên quan việc thành lập, công bố các tổ chức phản động chống phá Nhà nước mà lực lượng công an đã thu được tại nơi ở của Nguyễn Văn Lý ngày 18-2-2007 là con số cụ thể biểu thị cho hành vi vi phạm pháp luật của y.
Không rõ, khi yêu cầu "lập tức trả tự do vô điều kiện" cho Nguyễn Văn Lý, một số Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ có đủ thông tin về những hành vi chống đối Nhà nước Việt Nam mà Nguyễn Văn Lý từng tiến hành trong hàng chục năm trời? Liệu các vị có biết tại phiên tòa ngày 30-3-2007 tại TP Huế, Nguyễn Văn Lý đã có hành vi xúc phạm tòa án hết sức nghiêm trọng, như tác giả Minh Anh đã viết trên VietNamNet ngày 7-4-2007: "Người viết bài này đã từng dự phiên tòa công khai xét xử linh mục Nguyễn Văn Lý ngày 30-3, dưới sự chứng kiến của đông đảo giới truyền thông trong nước và quốc tế, cũng như có sự hiện diện của quyền Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP Hồ Chí Minh... Nguyễn Văn Lý xô ngã hai công an áp giải, đạp đổ vành móng ngựa và luôn miệng chửi bới tòa án... Xin nói thêm, chính ông quyền Tổng Lãnh sự Mỹ đã phải lắc đầu khi chứng kiến cách hành xử của ông Nguyễn Văn Lý tại phiên tòa". Với một con người như thế, với những hành vi như thế mà một số vị Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ lại có ý định bảo vệ và bao che cho ông ta thì quả là khó hiểu, lẽ nào luật pháp của Hoa Kỳ có thể chấp nhận hành vi như vậy của bị cáo trước tòa án?
Thế giới ngày nay đã vận động và biến đổi hơn trước rất nhiều, sự phát triển của nhận thức và trình độ phát triển của văn minh đã làm cho thói trịch thượng nước lớn, can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác trở nên lỗi thời, không phù hợp với chuẩn mực ứng xử giữa các quốc gia, dân tộc. Quan hệ hợp tác cùng phát triển đang đặt mỗi quốc gia trước đòi hỏi phải nhìn nhận các quan hệ trong tính bình đẳng, từ đó xây dựng thái độ hợp tác thân thiện. Mặt khác, tính đa dạng của sự lựa chọn con đường phát triển riêng cũng đòi hỏi sự thừa nhận và thái độ tôn trọng lẫn nhau, trong đó có sự thừa nhận và tôn trọng luật pháp của mỗi nước. Ðối với vấn đề nhân quyền cũng vậy, thái độ áp đặt từ bên ngoài không bao giờ có thể mang chứa ý nghĩa nhân văn, do vậy nhất định sẽ thất bại. Ở Việt Nam, tôn trọng con người và quyền con người là bản chất của chế độ chính trị với mục tiêu xây dựng nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh" mà Nhà nước và nhân dân ta đã và đang phấn đấu. Trên thực tế, thành tựu về mọi mặt, trong đó có cả những thành tựu về nhân quyền của Việt Nam đã được dư luận rộng rãi trên thế giới thừa nhận. Báo cáo Quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam do đại diện Chính phủ Việt Nam trình bày trước Liên Hợp quốc gần đây đã khẳng định điều đó. Về vấn đề này, ông Pete Peterson - cựu Ðại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, từng có ý kiến rất xác đáng: "Không có nước nào là hoàn hảo về nhân quyền. Tôi chưa thấy có nước nào được vậy. Chúng ta cần xem xét tiến bộ của Việt Nam trong 10, 20 năm qua, và như thế, ta thấy có tiến bộ quan trọng về nhân quyền, tôn giáo và quyền cá nhân. Tôi nghĩ điều cần làm là đo lường sự tiến bộ của một quốc gia từ năm này sang năm khác, chứ không phải so sánh họ với một thang điểm lý tưởng, vì không có sự hoàn hảo trong vấn đề nhân quyền" (BBC, 16-6-2006). Những Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã ký vào bức thư gửi tới Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, trong đó đề cập tới trường hợp Nguyễn Văn Lý, cần tham khảo ý kiến của ông Pete Peterson, tiếp nhận thông tin một cách khách quan và đầy đủ hơn, để không phạm phải những sai lầm đáng tiếc, làm phương hại đến quan hệ Việt - Mỹ đang phát triển, và làm xấu thêm hình ảnh nước Mỹ trong con mắt nhân dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế. (Trần Quang Hà - Báo Nhân dân ngày 06/07/2009)
Trần Quang Hà
Báo Nhân dân (6/7/2009)
Thông tin khác:
BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC CHA BÙI VĂN ĐỌC (01/07/2009)
ĐGH Bênêđictô XVI: Có thể hợp tác với Việt Nam (30/06/2009)
Đức Thánh Cha Benedict XVI: tôn giáo không đe dọa sự hiệp nhất quốc gia (30/06/2009)
Đức Thánh Cha tiếp kiến chung các Giám Mục Việt Nam (30/06/2009)
HỌP GIAO BAN (25/06/2009)
Kết quả Phiên họp của LHQ về bảo đảm quyền con người ở Việt Nam (24/06/2009)
Lê Công Định bị bắt do đã có những hành vi vi phạm pháp luật (24/06/2009)
VN ra sách trắng về Tôn giáo và chính sách tôn giáo (23/06/2009)
THƯ CỦA ĐTC BÊNÊĐICTÔ XVI GỞI CÁC LINH MỤC NHẰM THIẾT LẬP NĂM LINH MỤC - NHÂN DỊP KỶ NIỆM LẦN THỨ 150 “NGÀY SINH” CỦA CHA SỞ HỌ ĐẠO ARS (23/06/2009)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log