Tin tức - Hoạt động

Mừng 400 năm giáo phận Qui Nhơn

Cập nhật lúc 10:08 24/08/2017
Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và tri ân tiền nhân, giáo phận Qui Nhơn đã cử hành Đại lễ khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 400 năm loan báo Tin Mừng vào thứ tư, ngày 26/7/2017 tại Chủng viện Làng Sông.
      Theo chương trình mục vụ, đây là ngày mừng lễ Á thánh Anrê Phú Yên, vị tử đạo đầu tiên của Giáo hội Việt Nam, thời gian diễn ra từ 8g00 đến 21g30 cùng ngày tại Chủng viện này.

      Chủng viện Làng Sông, một trong những địa điểm sinh hoạt đức tin sầm uất của lịch sử truyền giáo. Cơ sở đã hình thành và tồn tại gần 200 năm, thời gian gần đây cơ sở đã được phục hồi nguyên trạng. Nơi đây là một quần thể gồm chủng viện, tòa giám mục, nhà in và các hạng mục khác từng hoạt động, đã đong đầy dấu ấn trong lòng đời sống xã hội và văn hóa dân tộc, cách đặc biệt trong đời sống đức tin qua các thế hệ, nơi mỗi người tín hữu đã từng gắn bó.

      Nghi thức phụng vụ chính yếu là thánh lễ được cử hành vào lúc 16g00, do Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli chủ tế, với sự hiện diện của Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám mục Tổng giáo phận, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, quý Đức cha Giuse Võ Đức Minh, Giám mục giáo phận Nha Trang, Đức cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám mục giáo phận Kontum, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục giáo phận Đà Nẵng, Đức cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, nguyên Tổng Giám mục Tổng giáo phận Huế, Đức cha giáo phận Qui Nhơn Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Đức ông Giuse Lê Văn Sỹ, giáo phận Nha Trang và quý cha Tổng đại diện cùng đông đảo quý cha, quý tu sĩ nam nữ, chủng sinh và anh chị em giáo dân nhiều nơi về tạ ơn, chia sẻ niềm vui trọng đại này.

      Thánh lễ diễn tiến với phần phụng vụ Lời Chúa của ngày kính chân phước Anrê Phú Yên, vị tử đạo tiên khởi của Giáo hội Việt Nam. Thánh lễ khai mạc được lồng trong khung cảnh phụng vụ của lễ kính trọng thể chân phước Anrê Phú Yên, học trò của các thừa sai Dòng Tên, tử đạo năm 1644. Ngài là hoa trái đầu tiên của hạt giống Tin Mừng chỉ sau 26 năm hạt giống này được gieo trồng vào mảnh đất giáo phận. Anrê Phú Yên, vị tử đạo tiên khởi và là người chứng thứ nhất của Giáo hội Việt Nam đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc chân phước vào Chúa nhật, ngày 5/3/2000, là Năm thánh của Giáo hội hoàn vũ.

      Trong cuộc triều yết hôm sau ngày tuyên phong chân phước cho thầy giảng Anrê Phú Yên, ngày 6/3/2000, Đức Gioan Phaolô II đã nói với phái đoàn Việt Nam như sau: “Trên 350 năm qua, những người Công giáo Việt Nam không bao giờ quên nhân chứng Tin Mừng này, vị tử đạo tiên khởi của quê hương họ. Họ đã tìm thấy nơi ngài đức tin kiên định và tình yêu quảng đại cho Đức Kitô và cho Giáo hội của Người. Chớ gì ngày nay họ còn tiếp tục khám phá ra trong tấm gương của người con đất Việt sức mạnh hướng dẫn người tín hữu về ơn gọi Kitô hữu, trong việc trung thành với Giáo hội và quê hương họ”.

      Theo lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trên đây, ngày 26/7/2017, giáo phận Qui Nhơn cũng muốn đánh dấu ngày khai mạc Năm Thánh mừng kỷ niệm 400 năm loan báo Tin Mừng tại giáo phận bằng ngày tử đạo của chân phước Anrê Phú Yên, chẳng những vì ngài là vị tiền nhân anh hùng của giáo phận, mà còn vì cuộc tử đạo của ngài và cuộc loan báo Tin Mừng đầu tiên tại giáo phận Qui Nhơn đều nằm trong tháng Bảy.
      Chân phước Anrê Phú Yên được gọi là “Người chứng thứ nhất” vì ngài là người đầu tiên của Giáo hội Việt Nam đã làm chứng cho Tin Mừng một cách công khai và chính thức trước mặt quan quyền, mở màn cho cả một truyền thống chứng nhân tử đạo ở những thế kỷ tiếp theo tại Việt Nam nói chung, và tại giáo phận Đàng Trong, Đông Đàng Trong, rồi Qui Nhơn nói riêng. Thực vậy, chỉ ít năm sau ngày giáo phận Đàng Trong được thành lập, vào cuối năm 1664 sang đầu năm 1665, một cuộc bách hại đã xảy ra, nhiều tín hữu đã can đảm hy sinh mạng sống để làm chứng cho đức tin, trong số đó nổi tiếng nhất là cuộc tử đạo của bốn anh hùng đức tin Quảng Ngãi: ông Tôma Tín, ông Tôma Nghệ, ông Đa Minh và ông Bênêđictô. Một hồ sơ xin phong chân phước cho các vị tử đạo trong cuộc bách hại này đã được Đức cha Phêrô Lambert de la Motte gửi về Rôma, nhưng rất tiếc đã bị thất lạc.

      Tiếp đến, tại Bình Định có ba khuôn mặt chứng nhân đức tin nổi bật là thánh Phanxicô Isidore Gagelin Kính, linh mục, tử đạo năm 1833; thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, trùm cả, tử đạo năm 1855; thánh Stêphanô Théodore Cuénot Thể, Giám mục, tử đạo năm 1861; nhiều vị tử đạo trong những năm 1860 đến 1862, trong số đó có 16 vị đã được Giáo hội đưa vào danh sách các Tôi tớ Chúa. Đó là những đại diện tiêu biểu của cả một truyền thống anh hùng tử đạo qua các thời kỳ bao gồm mọi thành phần dân Chúa từ giáo sĩ, tu sĩ, thầy giảng và giáo dân. Nhưng đông đảo nhất là số người bị giết vì đạo trong cuộc tàn sát của phong trào Văn Thân vào năm 1885 tại 3 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Quảng Ngãi: 5.600 người, Bình Định: 8.940 người, Phú Yên: 5.780 người. Tổng cộng: 20.320 người.

      Hòa chung với dòng máu tử đạo của các chứng nhân đức tin, còn có biết bao mồ hôi và nước mắt của các thế hệ tiền nhân qua dòng thời gian suốt 400 năm qua, từ buổi sơ khai tại cảng thị Nước Mặn một thời vang bóng cho đến hôm nay. Đó là các thừa sai Dòng Tên đã lập cư sở đầu tiên của dòng tại Nước Mặn, vừa làm khởi điểm truyền giáo, vừa làm chiếc nôi của chữ Quốc ngữ trong giai đoạn thô sơ nhất. Tiếp đến là Đức cha Phêrô Lambert de La Motte, vị Đại diện Tông tòa tiên khởi của Giáo hội Đàng Trong, người đã truyền chức linh mục cho người Việt tiên khởi là cha Giuse Trang, quê ở Quảng Ngãi, vào ngày 31/3/1668 và đã thành lập Dòng Chị em Mến Thánh giá của Đàng Trong tại An Chỉ (Quảng Ngãi) vào năm 1671. Thánh lễ được cử hành tại khuôn viên chủng viện cổ kính Làng Sông, nơi xuất thân của một số Giám mục, biết bao linh mục và tông đồ giáo dân, giữa hai hàng sao đại thụ 125 năm tuổi, bên cạnh Tòa Giám mục ngày xưa, như chứng tích không phai nhòa của một lịch sử truyền giáo lâu dài, để dẫn đưa mỗi người chúng ta trở về nguồn, với tâm tình tri ân cảm tạ đối với Thiên Chúa, vì biết bao ơn lành Ngài đã ban xuống cho giáo phận Qui Nhơn chúng ta trong suốt 400 năm qua, đồng thời cũng để ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đã hiến dâng mạng sống, nước mắt mồ hôi, cho công cuộc loan báo Tin Mừng trên quê hương đất mẹ Qui Nhơn.

      Sau lời nguyện hiệp lễ, cha Phêrô Đặng Son, hạt trưởng Tuy Hòa công bố văn thư hướng dẫn hưởng ơn toàn xá. Tiếp đến Đức Giám mục giáo phận trao văn thư phép lành Tòa Thánh và bản hướng dẫn lãnh ơn cho các điểm hành hương đã ấn định. Tiếp đến, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli và Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh có lời chúc mừng giáo phận Qui Nhơn.

      Đáp từ, Đức cha Matthêô thay lời toàn thể cộng đoàn giáo phận cảm tạ Thiên Chúa, tri ân Đức Thánh Cha Phanxicô, quý Đức Tổng, quý Đức cha và toàn thể mọi thành phần dân Chúa khắp nơi đã yêu thương, hiệp thông và cầu nguyện cho giáo phận, đã góp phần cho việc tổ chức thành công sự kiện đánh dấu mốc lịch sử này.

 
TH
 
Một số hình ảnh tại buổi khai mạc năm thánh, mừng 400 năm giáo phận Qui Nhơn:
Khai mạc Năm thánh mừng 400 giáo phận Qui nhơn rao giảng Tin mừng
Khai mạc Năm thánh mừng 400 giáo phận Qui nhơn rao giảng Tin mừng



















baoconggiao.info








baoconggiao.info
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Ảnh: GP Qui Nhơn
Thông tin khác:
Đan Viện Cát Minh Phú Cường tuyên lời khấn trọng thể (23/08/2017)
Người Công giáo quận Tây Hồ thi đua yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo (23/08/2017)
Linh mục liệt sĩ Gioankim Nguyễn Bá Luật (23/08/2017)
Tăng cường vận động, phát huy vai trò của các tôn giáo (18/08/2017)
Giúp con trẻ biết cầu nguyện (14/08/2017)
Đại Hội Giới Trẻ Hạt Tây Bắc Phú Thọ Lần Thứ IV (14/08/2017)
Những vùng “Ðất vàng” của Kinh Thánh (14/08/2017)
Thông truyền niềm tin Công giáo trên mạng xã hội (14/08/2017)
Thư kêu gọi tự nguyện hiến giác mạc (11/08/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log