Tin tức - Hoạt động

Năm Thìn trong lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam

Cập nhật lúc 10:43 27/02/2024
Nhân mùa xuân Giáp Thìn 2024 về, chúng ta cùng nhìn lại những năm tháng mang danh con Rồng trong lịch sử thăng trầm của Giáo hội Công giáo Việt Nam
Thiên Chúa là Chúa tể của thời gian và không gian cùng muôn loài tạo vật. Nhân mùa xuân Giáp Thìn 2024 về, chúng ta cùng nhìn lại những năm tháng mang danh con Rồng trong lịch sử thăng trầm của Giáo hội Công giáo Việt Nam, “... Hãy nhớ lại những ngày xưa tháng cũ mà ngẫm xem từng thế hệ qua rồi...” (Dnl 32:7), với dĩ vãng đầy ấn tượng, cùng hân hoan đón nhận những hồng ân Thiên Chúa ban cho nhân loại trong năm con Rồng này.
THẾ KỶ XVI
Năm NHÂM THÌN (1532-1533)
- Vị Thừa sai đến Việt Nam được sử sách nói đến đầu tiên. Đó là giáo sĩ I-Ni-Khu đã đi đường biển vào giảng đạo Công giáo tại làng Ninh Cường và Trà Lũ (miền Bắc) thuộc tỉnh Nam Định ngày nay.
Năm CANH THÌN (1580)
- Hai vị Thừa sai thuộc dòng Đa Minh: Louis De Fonnesa (Bồ Đào Nha) và Gregoire de la Motte (Pháp) đến loan báo Tin Mừng tại Quảng Nam (miền Trung). Sau một vị bị vua Chiêm Thành giết khi đang dâng lễ năm 1588, một vị bị thương nặng chết trên tàu.
THẾ KỶ XVII
Năm CANH THÌN (1640)
- Cha Đắc Lộ trở lại Việt Nam giảng đạo tại Cửa Hàn - Đà Nẵng lần thứ II (tháng 02 năm 1640) và lần thứ III (ngày 17 tháng 12 năm 1640) cùng với cha Bênêdêttô de Mattos.
Năm GIÁP THÌN (1664)
- Hai cha Thừa sai Chevreuil và Hainques thuộc Hội Thừa sai Balê đến địa phận miền Nam dọn đường cho Đức cha Lambert de la Motte
- Giám mục tiên khởi (Địa phận Nam) đến nhận Đại diện Tông Tòa ở Đàng Trong.
- Đức Giám mục Lambert de la Motte và Đức cha Francois Pallu, họp Công đồng tại Juthia (Thái Lan) ra quyết định lập chủng viện đào tạo chủng sinh cho Giáo hội Việt Nam.
Năm BÍNH THÌN (1676)
- Cha Juan de la Santa Crus - Vị Thừa sai dòng Đa Minh đặt chân lên Phố Hiến (Hưng Yên) để mở đầu cuộc truyền giáo của dòng Đa Minh tại miền Bắc.
Năm MẬU THÌN (1688)
- Phái đoàn Công giáo yết kiến Đức Giáo hoàng Innocent XI tại Rôma, do Giáo sĩ Guy Tachard - Dòng Tên hướng dẫn.
 
Tranh 117 Thánh Tử đạo Việt Nam.
Tranh 117 Thánh Tử đạo Việt Nam.
THẾ KỶ XVIII
Năm CANH THÌN (1700)
- Chúa Nguyễn Phúc Chu ra chỉ thị cấm đạo, có 13/17 vị Thừa sai bị bắt, trong đó có 4 vị chết rũ tù. Khoảng 200 ngôi nhà thờ bị phá hủy.
Năm NHÂM THÌN (1712)
- Chúa An Đô Vương - Trịnh Cương cấm đạo gắt gao, đuổi tất cả người ngoại quốc ra khỏi nước, thích chữ “Hoa Lang Tả Đạo” vào má các người có đạo, Đức cha Bourges, địa phận Tây Đàng Ngoài cũng bị trục xuất.
Năm BÍNH THÌN (1736)
- Chúa Trịnh Giang (1729-1740) đã ra sắc chỉ cấm đạo triệt để, làm khốn đốn cho bổn đạo phải tìm nơi ẩn trốn.
Năm GIÁP THÌN (1784)
- Giáo phận Huế, thời Đức cha Jean Labartette An đã cho thành lập chủng viện tại Di Loan - Hòa Thành.
THẾ KỶ XIX
Năm MẬU THÌN (1808)
- Đức Giám mục Jean Andre Poussai Poussain được Tòa Thánh cử làm Đại Diện Tông Tòa địa phận Đàng Trong, nhưng chỉ một năm sau ngài từ trần tại Mỹ Cang - Bình Định ngày 14/12/1809.
Năm NHÂM THÌN (1832)
- Vua Minh Mạng đã ra chỉ dụ đầu tiên về việc cấm đạo đối với dân chúng Việt Nam trong toàn quốc (tháng 11/1832).
Năm GIÁP THÌN (1844)
- Thành lập địa phận Quy Nhơn (Đông Đàng Trong) và Sài Gòn (Tây Đàng Trong) được tách ra từ địa phận Đàng Trong).
Năm MẬU THÌN (1868)
- Đức Giám mục Gauthier với ông Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) được vua Tự Đức tiếp đón ân cần.
- Phong trào Văn Thân chống Pháp, bài Công giáo nổi lên rất mạnh ở Nam Định và Nghệ An.
THẾ KỶ XX
Năm GIÁP THÌN (1904)
- Đại hội kính Đức Mẹ La Vang lần thứ II được tổ chức dưới thời Đức Giám mục Antoine Louis Caspar (Lộc).
- Các Sư huynh dòng La San đến Huế phục vụ, mở trường tư thục Pellerin (Bình Linh).
Năm MẬU THÌN (1928)
- Đại hội Đức Mẹ La Vang lần thứ IX. Đại hội đầu tiên với tính cách toàn quốc, có sự hiện diện của phái đoàn 3 miền Bắc, Trung, Nam và toàn cõi Đông Dương.
- Đức cha Allys Lý khánh thành nhà thờ La Vang xây cất mới được lợp ngói và làm phép ba quả chuông do ông bà Thượng thư Nguyễn Hữu Bài, ông Batiste và bà Bernard dâng cúng được đưa lên tháp chuông tân thánh đường.
Năm CANH THÌN (1940)
- Dòng khổ tu Biển Đức Thiên An thiết lập tu viện tại cố đô Huế.
Năm NHÂM THÌN (1952)
- Cha Phaolô Seitz, bề trên các cha Thừa sai Balê ở miền Bắc, được cử làm Giám mục Kon Tum (Đức cha Kim).
Năm GIÁP THÌN (1964)
- Huấn thị Plane Compertum về việc tôn kính tổ tiên và các bậc anh hùng, vị quốc vong thân được đem ra áp dụng ở Việt Nam.
Năm BÍNH THÌN (1976)
- Đức Thánh Cha Phaolô VI phong Hồng y tiên khởi của Việt Nam cho Đức Tổng Giám mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê tại Rôma vào 24/5.
Năm MẬU THÌN (1988)
- Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong Hiển Thánh cho 117 Chân phước tử đạo Việt Nam vào ngày 19/6 nơi quảng trường Thánh Phêrô tại Rôma.
- Công trình xây dựng bằng đá thánh đường Chính Tòa địa phận Phát Diệm được xếp hạng di tích Quốc gia.
THẾ KỶ XXI
Năm CANH THÌN (2000)
- Giáo hội Việt Nam hân hoan đón mừng “Đại Năm Thánh 2000“ với nhiều nghi lễ long trọng cử hành tại Hà Nội, Huế, Sài Gòn.
- Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong Chân Phước cho thầy giảng Anrê Phú Yên, ngày 5/3 nơi quảng trường Thánh Phêrô tại Rôma.
- Giáo phận Huế tổ chức mừng 150 năm hình thành và phát triển (1850-2000).
Năm NHÂM THÌN (2012)
- Kỷ niệm 40 năm thành lập (1972-2012) Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) họp hội nghị lần thứ X tổ chức tại giáo phận Xuân Lộc và Sài Gòn (11-16/12).
- Hiệp thông với Giáo hội toàn cầu, Giáo hội Việt Nam chính thức khai mạc “Năm Đức Tin” tại giáo phận Thanh Hóa ngày 12/10.
- Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Tiểu vương cung thánh đường Đức Mẹ La Vang, do Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girell chủ sự (15/8).
- Phái đoàn Tòa Thánh đến Hà Nội, do Đức ông Ettore Balestrero, Thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh dẫn đầu vào ngày 26/2 dự cuộc họp lần thứ ba với phái đoàn Chính phủ Việt Nam.
Năm GIÁP THÌN (2024)
- Cùng với Cộng đồng Dân Chúa tham gia chương trình “Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội” theo lời mời gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam đề ra cho năm 2024, trong kỳ họp II - 2023 thường niên từ 18 đến 22/9/2023 tại Trung tâm Mục vụ Sài Gòn.
- Kỷ niệm 100 năm (1924-2024), một quyết định quan trọng vào ngày 03/12/1924, Tòa Thánh đổi tên các giáo phận Tông Tòa tại Việt Nam theo địa hạt hành chánh nơi đặt Tòa Giám mục, dẫu thời gian qua với biết bao thăng trầm nhưng vẫn giữ vững địa danh từ đó đến nay gồm các giáo phận: Hà Nội - Vinh - Hưng Hóa - Phát Diệm - Hải Phòng - Bùi Chu - Qui Nhơn - Bắc Ninh - Huế - Sài Gòn.
- Kỳ họp thứ I - 2024 thường niên của Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ tổ chức tại Trung tâm Mục vụ giáo phận Vĩnh Long từ ngày 8-12/4/2024.
Vinhsơn Vũ Đình Đường
Thông tin khác:
Đoàn kết, sáng tạo thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2024 (27/02/2024)
Thế giới tuần qua: Nỗ lực giải quyết nhiều vấn đề (25/02/2024)
Hội Lim 2024 để lại nhiều ấn tượng tốt trong lòng du khách (22/02/2024)
Công bố Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Đất đai (22/02/2024)
Sự biếng nhác làm cho cuộc sống trở nên đơn điệu, nhàm chán (15/02/2024)
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Mùa Chay 2024 (15/02/2024)
Ngẫm từ Tết Giáp Thìn: Dân mong đợi điều gì? (15/02/2024)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn 2024 tại Tuyên Quang (15/02/2024)
Báo Tây: Tết cổ truyền Việt Nam là bản giao hưởng tuyệt đẹp, rực rỡ và tinh tế (14/02/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log